Về Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, tôi biết anh vốn tài hoa, ngoài công việc chuyên môn đã có nhiều đề án, thiết kế đoạt giải thưởng quốc tế và quốc gia, anh còn vẽ tranh, viết sách. Tranh mà anh tự minh hoạ trong 7 tập sách du khảo văn hóa TP.HCM và các vùng miền trên cả nước đã tạo được tiếng vang trong dư luận. Có thể kể đến những ấn phẩm như Lang thang phố thị, Đi tìn cái hồn đô thị, Hồn biển… đã ấn hành. Xuân này, lúc trò chuyện cùng anh về giá trị của văn hóa biển, tôi thiết nghĩ những thông tin này ít nhiều sẽ góp phần khơi dậy cho chúng ta nhiều hơn về cảm hứng dành cho biển trong xu thế chung của sự phát triển đất nước.
Lan man về câu chuyện này, trước hết tôi còn nhớ ven biển Đà Nẵng như Mỹ Khê, Thanh Bình, Nam Ô… thường thấy những chiếc thuyền thúng. Hình ảnh ấy gợi lên sự thanh bình và yên ả lạ thường. KTS Nguyễn Ngọc Dũng như đã bắt gặp cảm xúc này, anh tâm tình: “Chiếc thuyền thúng đơn giản nhưng thật tiện lợi, giúp ngư dân vượt qua bão táp, lang thang một mình giữa biển cả. Thúng chai biển trú của dân biển miền Trung, nhất là Khánh Hòa, bạn ngồi trên thuyền, sóng lắc lư, có mái chèo hay không, thúng vẫn điềm nhiên cưỡi sóng lướt đi. Ngư dân đứng lắc thúng trông như giỡn sóng nhưng thúng vẫn lướt đi rất nhanh... Mặc gió to sóng cả, thuyền thúng vẫn lừng lững cùng ngư dân giữa biển xa một mình”.
Từ suy nghĩ này, anh liên tưởng đến chủ quyền của nước Nam ta về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa: “Ở đó với lô xô những đảo đá dựng đứng, sóng dội xuôi ngược vào ra, tàu mẹ neo xa xa, thúng chai xoay xoay lắc lắc len lỏi tiến vào các ngầm đá, hốc đá để câu cá ngừ đại dương, câu mực... “Trí khôn biển Việt” của ông cha ta đã làm chủ Hoàng Sa, Trường Sa từ xa xưa nhờ chiếc thúng chai kì diệu. Đây cũng là minh chứng về chủ quyền của người Việt đối với các quần đảo này, là kinh nghiệm đánh bắt hải sản trong các ghềnh đá, là kinh nghiệm nghe ngóng cơn bão lớn con sóng xa mà không phải ngư dân nước nào cũng có được”.
Nghe tâm tình này, hẳn chúng ta đồng ý và biết thêm khả năng đi biển, sử dụng thuyền, tàu bè của người Việt nói chung là thiện chiến. Lật lại lịch sử KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho biết: “Trong Hồi ký của A.de Rhodes ghi lại đánh giá của người Hà Lan thời chúa Trịnh, chúa Nguyễn là “có thể đánh bại các thuyền của Hà Lan, từng được coi là chủ nhân của Ấn Độ Dương”. Tàu thuyền là phương tiện đi lại chủ yếu để kết nối sông và biển, biển và đất liền. Các vương triều xưa của Việt Nam dùng tàu thuyền để mở rộng bờ cõi. Vượt đèo Ngang tiến sâu vào vùng cực nam, chúa Nguyễn đã tổ chức các đội thuyền Hoàng Sa, Bắc Hải để khai thác tài nguyên, đo đạc thủy triều, tiến vào các hòn đảo ở biển Đông cắm mốc khẳng định chủ quyền”.
Khi đi ra biển, ai cũng thấy trước mũi thuyền đều vẽ hình con mắt và có thể thể tại sao? Trao đổi vấn đề này, theo anh: “Tàu thuyền sông biển gắn với đời sống dân tộc Việt Nam cả “phần xác” lẫn “phần hồn”. Nhiều tỉnh thành của Việt Nam chạy dọc theo bờ biển dài hơn 3.260km đều có một tín ngưỡng “mắt thuyền” riêng. Với người gắn bó với sông biển, chỉ cần nhìn vào hình “mắt thuyền” là có thể biết được nơi tàu thuyền xuất bến. Ở các tỉnh miền Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau... mắt thuyền được vẽ tròn to, trang trí sặc sỡ trên nền sơn đỏ, tạo nên sự vui nhộn hiền hòa. Các tỉnh thành miền Trung như Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng... mắt thuyền được vẽ hai màu chủ đạo đen trắng, xếch phần đuôi trông rất dữ với ánh nhìn hướng xuống mặt biển, ngụ ý “nhìn thật sâu để tìm ra nơi có nhiều tôm cá”.
Thêm một cách lý giải mà lâu nay, bản thân tôi chưa thấu hiểu nên lấy làm thích thú, đã thế, anh còn cho biết thêm: “Kiến trúc đình làng của Việt Nam thường như một chiếc thuyền được biểu hiện hình khối với bộ mái đình có những đầu đao cong vút; các bộ phận của đình gắn với tàu thuyền như tàu mái, mũi tàu, bệ tàu, thân tàu, chiếc xà gồ nối hai đầu cột gọi là “quá giang”... Sách xưa khái quát ngắn gọn giữa Việt Nam và Trung Quốc: “Nam đi thuyền, Bắc đi ngựa” (Nam di chu, Bắc di mã: Người phương Nam (Việt Nam) di chuyển bằng thuyền, người phương Bắc (Trung Quốc) dichuyển bằng ngựa). Trong “Gia Định thành thông chí”, nhân sĩ Trịnh Hoài Đức viết: “Ở Gia Định, chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hoặc để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán rất thuận lợi. Ghe thuyền chật sông, ngày đêm đi lại không ngớt”.
“Ôn cố tti tân” là điều luôn cần thiết. Vậy, hiện nay một khi chúng ta cùng đồng lòng quan tâm đến công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, thì bài toán quy hoạch đô thị biển Việt Nam sẽ như thế nào?
Câu hỏi này, phải là những cuộc hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia, ở đây với tư cách KTS, anh cho rằng: “Tổ tiên người Việt mở cõi về phương Nam trên đường thủy, giỏi thủy chiến trên sông và những trận hải chiến trên biển. Nhưng thật nghịch lý, dọc bờ biển Việt Nam hơn ba ngàn cây số, thành và thị chỉ có vài đô thị cảng tự phát, chưa kết nối được cả một chuỗi đô thị biển có chiều dày về sự đa dạng đa năng. Thời nhà Nguyễn có pháo đài Diên Khánh (1793) gần cửa biển Nha Trang, pháo đài Điện Hải (Đà Nẵng 1813), pháo đài Hà Tiên (1831), pháo đài Phước Thắng (Vũng Tàu 1788)... những thành này đều hướng biển, nhưng chưa hình thành nên phố thị đã lụi tàn và rơi dần vào quên lãng.
Thời cận đại, những thành phố ven sông ven biển bắt đầu được chăm chút xây dựng như Cần Thơ bên sông Hậu, Sài Gòn bên sông Sài Gòn, Huế bên sông Hương, Đà Nẵng bên sông Hàn, Hà Nội bên sông Hồng, Thanh Hóa bên sông Mã... Tuyến đường ven biển liền mạch dọc đất nước đã được triển khai thời gian gần đây đang thúc đẩy hàng loạt đô thị ven biển phát triển, hình thành nên thành thị mặt tiền của đất nước”.
Vâng, đó là những dấu ấn đáng mừng, cần ghi nhận. Thế thì, một khi đã hình thành những thành phố ven sông như vừa nêu, có tác động gì đến phát triển kinh tế? Không một chút ngần ngừ, anh nói ngay: “Dòng chảy của kinh tế biển sẽ kết thành một chuỗi hỗ trợ đô thị biển, làng nghề, công viên biển, du lịch... Theo đó là sự phát triển một loạt cảng biển: Hội An, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Rang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Khánh Hòa... Phát huy thế mạnh từ những nền tảng đã được xây dựng này, hiện Nhà nước đã đề ra chiến lược “Kinh tế biển xanh” đến năm 2045 nhằm trở thành quốc gia biển phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn”.
Câu chuyện đầu Xuân với những thông tin này, tôi tin rằng ít nhiều cho ta tin tưởng về tiền đồ tươi sáng của giá trị văn hóa biển nước ta, nếu được phát huy đúng mức. Mà, chắc chắn tương lai sẽ là một thành quả tích cực mà cả nước đang hướng đến. Nghĩ thế, trong lòng tôi vọng về những câu thơ muốn tặng những ai cùng đồng cảm với câu chuyện mà tôi vừa chia sẻ với KTS Nguyễn Ngọc Dũng:
Đầu xuân, cùng hướng nhìn ra biển
Nghe sóng âm vang tự trống đồng
“Kinh tế biển xanh” đang thôi thúc
Khơi dậy tình yêu với núi sông…
L.M.Q
(nguồn: Giai phẩm CÔNG AN ĐÀ NẴNG - XUÂN 2023)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|