THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Đầu Xuân Quý Mão, ngẫu hứng cùng Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng - VIẾT BÁO BẰNG… TRANH VẼ

LÊ MINH QUỐC: Đầu Xuân Quý Mão, ngẫu hứng cùng Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng - VIẾT BÁO BẰNG… TRANH VẼ

 

hoi_bnha_bao_KTSR

 

  1.  

Thế nào là nhà báo? Dù từ thuở mới thanh xuân, còn trai trẻ lẫn… đẹp trai, tôi đã bước chân vào làng báo, nhưng để trả lời câu hỏi này, thú thật tôi không thể nói rành rẽ, bài bản. Đơn giản là tôi chỉ nghĩ một cách nôm na, đã nhà báo thì anh phải có phận sự: đi, ghi nhận, quan sát và trình bày lại công khai với ý thức, trách nhiệm công dân không ngoài mục đích phụng sự bạn đọc.

Vậy, khi “trình bày lại” như thế nào là tùy vào khả năng của từng người, có thể là viết, có thể là hình ảnh chụp mà cũng có thể bằng hội hoạ nữa. Quan niệm này, tôi nghĩ là đúng bởi lẽ xin nêu một thí dụ như nhà nhiếp ảnh lừng danh Võ An Ninh đã từng đoạt rất nhiều giải thưởng, được phong nhiều danh hiệu cao quý nhưng thật ra cụ còn là nhà báo chuyên nghiệp nữa. Những bức tranh Tết, nạn đói năm 1945 v.v… là những hình ảnh đã phản ánh thời sự từ năm tháng đó.

Rồi đã từ lâu rồi, từ thời nền báo chí Việt Nam ra đời, ta đã thấy nhiều họa sĩ cũng tham gia, và do phục vụ theo yêu cầu của thời sự báo chí lúc bấy giờ nên bản thân họ cũng được ghi nhận như nhà báo, có thể kể đến trường hợp danh hoạ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân…

Nói tóm lại, báo chí đã dung nạp nhiều loại hình khác nhau.

2.

Gần đây nhất, tôi sung sướng và lấy làm thích thú khi “phát hiện” ra một kiến trúc sư cũng đã thể hiện khả năng báo chí qua tranh vẽ: Nguyễn Ngọc Dũng. Một khi nói lên điều này, không phải do cao hứng sau khi đã “lai rai ít ly y lít” khiến ngây ngất men say rồi “nói vung tí mẹt”, “nói từa lưa hột” dưa đâu.

Rằng, trong vòng mươi năm trở lại đây, KTS Nguyễn Ngọc Dũng đã xuất bản cả 6 tập sách lấy tên chung “Lang thang phố thị” (6 tập) dày hàng ngàn trang. Với 2 từ “lang thang” ta thấy có gì đó rất gần với phong cách nhà báo vì không thể trở thành nhà báo nếu suốt ngày ngồi ru rú trong phòng máy lạnh. Mà, phải đi. Đi là một cách nắm bắt thông tin thời sự đang diễn ra từng ngày từng giờ. KTS Nguyễn Ngọc Dũng cũng thế, nhưng anh khác nhà báo ở chỗ là không dùng máy ảnh chụp lại hiện trường mà anh ký họa lại, có thể bút sắt trắng đen, có thể bột màu đa sắc, thậm chí cả sơn dầu nữa. Qua bộ sách dày cả ngàn trang của anh, ta có thể thấy vài trăm bức tranh minh họa như một cách bổ sung thêm hình ảnh cho những gì đã viết.

Độc đáo là chỗ đó.

Thú vị là chỗ đó.

Chính vì thế nhà báo, nhà văn Đoàn Thạch Biền từng nhận xét: “Tôi thích những ký hoạ màu nước… Chúng lung linh hơn ảnh chụp”. Đúng là thế. Bởi bạn đọc nhìn thấy hình ảnh ấy đã được phản chiếu qua mỹ cảm của một hoạ sĩ, nhờ vậy nó gợi hơn lẫn ấn tượng hơn.

Chẳng hạn, khi chia sẻ với bạn đọc về thông tin đuọc nhiều người quan tâm như: “Khái niệm đô thị bền vững (suitainable cities) có xuất phát điểm từ thành phố vườn (garden city) có từ năm 1898 do ông Ebenezer Howard (Anh) khởi xướng với ý tưởng đô thị hoá trong vành đai xanh; cung cấp lương thực cho các khucông nghiệp, vùng nông nghiệp với tỷ lệ phù hợp; kết nối với nông thôn thông qua vành đai xanh...  Đô thị bền vững được hiểu là vùng đô thị có khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của các thế hệ tương lai với 3 trụ cột gồm xã hội, kinh tế và môi trường với hệ thống quản lý cân bằng 3 trụ cột trên”.

Nếu là nhà báo chuyên nghiệp, bạn sẽ minh hoạ băng bức ảnh có nội dung thế nào? Tôi không rõ. Nhưng tôi biết và tôi thấy KTS Nguyễn Ngọc Dũng đã đưa ra bức ký hoạ Thành phố kinh tế biển xanh (ảnh 1) với các gam màu hài hòa, ở đó có con người, cao ốc và không thể thiếu cây xanh. Tất cả đã tạo nên một mỹ cảnh giữa con người hiện đại và thiên nhiên không cách biệt mà trở thành một quan hệ gắn kết bổ sung cho nhau, đúng như anh đã viết: “Trong các tòa nhà, tuyến phố, thành phố bền vững khuyến khích đi lại bằng xe đạp, thuyền chèo, nói không với nhiên liệu hóa thạch. Dự án phát triển đô thị bền vững luôn gắn với sự phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế công trình công cộng, chiến lược vườn trong phố, vườn tường vườn mái kết hợp nhà ở với kênh rạch sông ngòi...”.

Thiết nghĩ những ai sinh ra ở vùng đất có biển xanh, ắt thích thú khi đọc những bài báo viết về sinh hoạt “trên thuyền dưới bến” ở đó. Cá quẫy tươi ngon. Rộn ràng các mẹ, các chị xuống bờ biển mau cá rồi gánh về chợ. KTS Nguyễn Ngọc Dũng cũng đã viết trong tập sách song ngữ Anh-Việt Hồn biển (NXB Thông Tấn -2022) và vẽ tranh minh hoạ. Xem và đọc những trang viết của anh, tự dưng tôi lại nhớ  đến những câu thơ đã viết:

Cao hứng ngày xuân đi chợ Tết

Chân mang giày, cổ thất cravate

Ai nỡ nào nói thách đàn ông

Giữa dòng người, tôi huýt sáo thong dong

Lanh lảnh tiếng rao mời chào những cá

Cá giẫy đành đạch như muốn hụt hơi

Cá sặc bướm này quằn quại đang bơi

Cá vồ, cá trê nằm trơ mắt ngó

Cá lòng tong kia đang bơi quạu quọ

Tôi quờ quạng rờ con cá lưỡi trâu

Sực nhớ vợ dặn khoái cá bã trầu

Đặt tiền xuống mua. Thôi mua cá nhái

Cá trở quều quào lách luồn quày quại

Tội nghiệp nên thôi. Mua lấy cá mè

Cá nằm quay lơ - vợ rủa ai nghe?

Mặt nàng quằm quặm còn chi là Tết?

Hay mua cá trê. Nhưng làm sợ mệt

Con cá út thịt trắng muốt béo dai

Cá ngát, cá linh quắn quíu nằm đây

Bụng cũng muốn mua. Làm sao mua hết?

Loạng choạng một hồi sắp tàn ngày Tết

Mặt mày quàu quạu chủ cá mắng vui:

“Mua đi cho rồi lựa tới lựa lui!”

Nàng nguýt, háy, lườm làm tôi nhớ... vợ

Thông cảm đàn ông lần đầu đi chợ

Thế thì KTS Nguyễn Ngọc Dũng đã ký hoạ thế nào khiến tôi phải nhớ? Rằng thưa, anh vẽ bức Gánh cá về chợ (ảnh 2), tôi ấn tượng không chỉ sắc áo xanh ngọc, áo đỏ mà còn là chiếc nón lá nữa. Tất cả gợi lên hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam vốn luôn chịu thương chịu khó buôn bán lo toan cho chồng con… nhất là dịp Xuân về Tết đến.

3.

Lan man từ tranh vẽ và bài viết KTS Nguyễn Ngọc Dũng tôi nghĩ, lâu nay trên báo chí nước nhà ở mảng thơ, truyện ngắn đã có tranh minh hoạ. Thế thì, những bài viết dù có tính cách nghiên cứu văn hóa nếu sử dụng thêm cả ký họa cũng là một cách hấp dẫn độc giả của mình bởi nó cũng là một thông tin bổ sung cho bài viết đó.

L.M.Q

(nguồn: Giai phẩm Xuân 2023 NGƯỜI LÀM BÁO của Hội Nhà báo TP.HCM)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com