1.
Chẳng phải khoe khoang gì, phải nói thật lòng tôi rất mê Vũng Tàu. Bắt đầu từ câu chuyện như thế này: Cách đây hơn 20 năm, lúc báo Vũng Tàu-Bà Rịa lần đầu tiên ra ấn bản Vũng Tàu chủ nhật, tôi là một trong những cây bút tại TP.HCM được cộng tác thường xuyên, mỗi tuần phải nộp bài. Lần kỷ niệm 1 năm ra đời ấn bản này, chúng tôi được Ban Biên tập mời về Vũng Tàu dự lễ. Dịp đó, Tổng Biên tập Phạm Quốc Toàn đã “thiết kế” cho một anh em nhà báo được đi trực thăng ra ra giàn khoan tác nghiệp.
Bấy giờ, từ trên cao nhìn xuống chập chùng biển khơi, xanh rờn sóng vỗ, tôi bất ngờ nhận ra Vũng Tàu có một nét đẹp thơ mộng, vừa trữ tình lại vừa dữ dội mà sâu lắng. Từ đó, tôi đâm ra mê tít khung cảnh nơi này rồi thật lạ lùng, tôi cũng cảm tình với những ai cũng mê Vũng Tàu. Trong số các bạn bè văn nghệ tại TP.HCM, tôi nhận ra là phải xếp vợ chồng họa sĩ Đức Lâm đứng đầu bảng vì tuần nào, hễ cần thư giản hoặc tập trung cho sáng tác thì họ lại tìm về một nơi mà nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh đã cảm nhận:
Ở một nơi núi thò chân xuống biển
Khoảng trống nhỏ nhoi là bãi cát ta ngồi
Có thể nói nơi có bãi cát trắng, biển xanh, sóng vỗ dịu êm ấy đã góp phần vào cảm hứng sáng tạo của anh. Chừng hai năm trước, do quá mê biển, vợ chồng anh đã mua hẳn một căn hộ nghỉ dưỡng ở Bãi Sau để có chỗ đi về xả stress cho cả nhà. Là một họa sĩ đóng vai trò quyết định trong việc biên tập, viết lại lời thoại của truyện tranh Doremon từ những tập đầu tiên đến việc vẽ minh họa sách cho nhiều nhà xuất bản, kể cả báo thiếu nhi như Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng… anh cho biết chính không gian của Vũng Tảu đã giúp anh rất nhiều cho việc “tái tạo năng lượng”.
2.
Không những thế, còn có chuyện này mới thú vị làm sao.
Đại khái, khi đứng trước cảnh đẹp nếu các nhà thơ “tức cảnh sinh tình” bằng thơ thì họa sĩ lại thích phô bày cảm xúc bằng màu sắc, chuyện này cũng bình thường nhưng một ngày kia, vợ anh là cô Thiên Nga - biên tập viên của báo Nhi Đồng lại dạt dào cảm hứng…. muốn học vẽ! Anh kể: “Ngay ngày hôm sau thầy háo hức đi sắm ngay đồ nghề cho học-trò-vợ. Mặc dù trong nhà mình đã chất đống họa cụ: giấy vẽ các loại, toile các khổ, cọ sơn cọ tàu bút sắt đủ cỡ, và rất nhiều màu cho mọi thể loại: sơn dầu, acrylic, poster, pastel, aquarelle, water color pencil, và cả… mực tàu viết thư pháp! Đầy đủ là vậy nhưng thầy vẫn quyết định sắm riêng cho học-trò-vợ một bộ đồ nghề mới toàn hàng xịn, mục đích để nàng có thêm hứng thú buổi đầu học vẽ”.
Tốt quá, chiều vợ tuyệt lắm. Nhưng cuối cùng thì sao?
Trăng với sao gì nữa, đang lúc ngồi học vẽ tại nhà, vợ anh lại bỗng dưng đâm ra nôn nao nhớ… tiếng sóng biển, nhớ âm thanh trùng dương dịu vợi, thế là mọi thứ phải xếp lại. Rồi họ lại nhanh chóng rủ nhau ra với Vũng Tàu. Ngộ thay đến lúc nhìn thấy biển, cô lại bảo: “Lúc này mà… vẽ thì tuyệt anh nhỉ?”. Cứ thế, dăm năm nay khi vợ chưa vẽ xong bức nào thì anh đã có nhiều tranh cực đẹp về một nơi mà ai đó tếu táo cực duyên:
Biển Vũng Tàu mặn mà không mặn
Vì có em làm cho biển ngọt ngào.
Sự ngọt ngào ấy chính là chất men của tình yêu đã hòa quyện vào sắc màu trong tranh vẽ của anh. Và, biết đâu nay mai anh có cuộc triển lãm tại Vũng Tàu chứ sao? Triển lãm ấy tất nhiên không chỉ như một cách thể hiện lòng thành dành cho một thành phố mà còn vì do tác động của vợ nữa. Chẳng phải tôi võ đoán đâu. bởi có lần anh dí dỏm: “Mình nghe lỏm cuộc trò chuyện của các quý cô: "Đàn ông nghèo: tạm hài lòng, đàn ông xấu: cũng tạm chấp nhận;nhưng đàn ông nhạt thì... vứt!". Nghe mà sợ toát mồ hôi, cứ lo mình nhạt nhẽo sẽ… bị vợ bỏ. Bèn chạy vội ra siêu thị gần nhà, mình mua liền 10 bịch muối loại nửa ký để ăn dần. Dè đâu bị vợ phát hiện, mắng cho: "Anh có nhớ bác sĩ dặn tuyệt đối kiêng ăn mặn không hử?", rồi nàng tịch thu luôn 5 ký muối vừa mua. Thế là mình càng thêm hoang mang, không biết làm sao mặn mòi cho vừa ý vợ đây?”.
Vậy phải làm sao?
Nghe bạn bè văn nghệ hỏi tới tới, anh bèn cười khà: “Cuối cùng mình cũng tìm ra giải pháp: về ở với biển Vũng Tàu. Cứ mỗi ngày được nhảy sóng, được ngâm mình trong nước biển... miết rồi mình sẽ mặn chát, không còn sợ nhạt nhẽo, không còn sợ vợ bỏ nữa”. A, câu nói này, duyên dáng tệ. Âu cũng là tính cách của một họa sĩ từ lúc vào đời cho đến khi đã “lục thập” đã sống chan hòa, vô tư, an nhiên làm bạn với thế giới thiếu nhi, qua nét vẽ sắc màu tươi tắn.
3.
Có thể nói, với Vũng Tàu, vợ chồng họa sĩ Đức Lâm mà đã trở thành một dấu nhớ sâu đậm trong tâm hồn. Bởi do thường xuyên về Vũng Tàu, anh đã cảm nhận được không gian nơi này trong dịp Xuân về Tết đến, anh tâm tình: “Vào cuối năm gần đây, vợ chồng mình đạp xe ra biển, rồi sẵn trớn đánh một vòng qua các cung đường lớn nhỏ, hẻm ngang ngõ tắt, Bãi Trước Bãi Sau... Đâu đâu cũng thấy tinh khôi một màu tĩnh lặng, an yên... Đường phố vắng đến nỗi nếu như không có những bụi cúc vàng rực tô điểm trên vỉa hè, thì ta dễ tưởng người dân Vũng Tàu không ai màng đón Tết... Có lẽ đa số dân thành phố biển này đã quen nếp sống chậm, nên đón Tết với tâm thế thanh thản an nhiên, không chút vồ vập”.
Rõ ràng, Vũng Tàu hoàn toàn khác với những đô thị sầm uất, nào nhiệt khác. Có phải do thiên nhiên tạo ra tính cách ấy chăng? Có thể lắm, không chỉ cảm nhận mà tôi còn nghe nhiều người cũng nhận xét tương tự về sự thân thiện, thanh lịch của cư dân nơi này. Đây cũng chính là lý do mà vợ chồng họa sĩ Đức Lâm đã quyết định gắn bó lâu dài hơn nữa.
Anh cho biết: “Bây giờ Vũng Tàu đã thay đổi, đẹp lên rất nhiều trong mắt du khách... Và đặc biệt với những ai chọn đây là nơi ở mới, sẽ thấy ngày càng yêu mảnh đất ven biển này... Chỉ sau vài tuần rong ruổi lê la phố phừơng Vũng Tàu bằng xe đạp hoặc gắn máy, bạn sẽ hiểu vì sao các tổ chức du lịch uy tín lại bầu chọn Vũng Tàu là nơi đáng sống thứ ba ở Việt Nam chỉ sau Đà Nẵng và Nha Trang. Với tôi, một cư dân Vũng Tàu mới toe, tôi xếp Vũng Tàu đầu bảng, bởi hai lẽ: Vũng Tàu quá gần TP.HCM nên vẫn còn nguyên đó gia đình, bạn bè thân thuộc... chẳng sợ gián đoạn các mối thâm giao... Và lẽ thứ hai: cư dân thành phố nhỏ xinh này đa phần hiền hòa, chân chất, dễ mến và thân thiện. Dù có lúc chỉ là vài câu giao đãi bâng quơ, ta vẫn luôn nhận được nơi họ nụ cười, ánh mắt chân tình thân thiện. Khi xa, mình sẽ nhớ lắm những ánh mắt nụ cười ấy, và tất nhiên, nhớ nhất không khí trong lành an yên ở nơi chốn mới-ở-đã-thấy-yêu này”.
Có phải vì quá yêu Vũng Tàu mà anh nói thế chăng? Không đâu. Lý lẽ anh đưa ra thuyết phục lắm, nghe tôi nói thế, anh lại cười tươi: “Xuân này, mình lại về với Vũng Tàu”.
L.M.Q
(nguồn: Giai phẩm VŨNG TÀU - BÀ RỊA - XUÂN 2023).
< Lùi | Tiếp theo > |
---|