THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: NGHĨ VỀ NGUYỄN AN NINH

LÊ MINH QUỐC: NGHĨ VỀ NGUYỄN AN NINH

 

GSL190332074

Nguyễn An Ninh nhân vật đã trở thành thần tượng của cả một thế hệ thanh niên ở Nam Kỳ trong thập niên 1920 của thế kỳ XX. Đã có nhiều ý kiến đánh giá rất xác đáng về ông, chẳng hạn, nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu: “Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước vĩ đại”; “Ở trong tù, Nguyễn An Ninh luôn luôn đoàn kết với chúng tôi, những người cộng sản để chống lại bọn cai ngục dã man. Khi ông lâm bệnh mất đi, chúng tôi đã cử lễ truy điệu ông rất trang trọng và thương tiếc nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh, người yêu nước vĩ đại”. Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu: “Nguyễn An Ninh có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng cho nên chúng ta phải ghi nhớ những cống hiến quan trọng của một nhân vật có tầm vóc lịch sử”.

 

Sức hấp dẫn ở Nguyễn An Ninh chính là sự dấn thân. Không chỉ là một nhà cách mạng, ông còn là nhà tư tưởng, nhà diễn thuyết và cũng là nhà báo cự phách - chủ bút tờ báo nổi tiếng La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) - số đầu tiên ra ngày 10/12/1923 tại Sài Gòn.

 

Người dân Nam Kỳ thuở ấy rất ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh: một thanh niên học giỏi  từ Pháp về, mặc áo dài đen đạo mạo, tóc bềnh bồng rất... bụi đời, đôi mắt sáng quắc, người thấp, chắc da chắc thịt đã ôm chồng báo bằng tiếng Pháp chạy trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), Bonard (nay là đường Lê Lợi), d’Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn)... cất tiếng rao lanh lảnh với giọng Parisien: “Tiếng chuông rè đây! Xin mời quý ông, quý bà! Tiếng chuông rè đây! Báo mới đây! Báo mới đây!.

 

Mới ngoài 20 xuân, nhưng Nguyễn An Ninh đã diễn thuyết bằng tiếng Pháp, từng vào tù ra khám vì hoạt động chính trị. Dù từng du học ở Tây, học rất giỏi và yêu tư tưởng Tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng Pháp, nhưng ông sẵn sàng chống lại thực dân Pháp. Lạ thật, đó là con người của tư tưởng, lại cũng là con người của hành động. Nếu cần thì ông cạo trọc đầu đi tu, đi bán dầu cù là và thành lập Đảng Thanh niên Cao Vọng! Nếu cần, ông sẵn sàng ra chợ Bến Thành đứng bán hàng rao với dòng chữ tự tin, bản lĩnh: Năm nay còn ăn Tết được.

 

Không ai khác, chính Nguyễn An Ninh là người trước nhất đã dịch quyển Khế ước xã hội của Jean Jacques Rousseau. Bản dịch của ông có tựa Dân ước - dân quyền - dân đạo (in năm 1923) nhằm bổ sung cho ý thức tuyên truyền những nguyên tắc tư tưởng theo ý tưởng của Cách mạng Pháp (1789). Nếu sự tuyên truyền này xét ở ý nghĩa có ý thức, triệt để và có hệ thống thì ở Việt Nam, Nguyễn An Ninh xứng đáng nhận vai trò người đi tiên phong công khai gieo mầm mống tích cực của Cách mạng Pháp. 

 

Không ai khác, chính Nguyễn An Ninh là người đầu tiên cho in Tuyên ngôn Cộng sản trên tờ La Cloche Fêleé (1925).

 

Không ai khác, chính Nguyễn An Ninh là linh hồn của Đông Dương Đại hội (1936) - sau khi ông tán thành và ủng hộ quan điểm đấu tranh công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương thời kỳ này, dù ông không gia nhập Đảng Cộng sản. Có thể ghi nhận đây cũng là thời kỳ mà phương pháp đấu tranh của ông đã có những chuyển biến. Trên tờ La Lutte (số 77 ra ngày 1/4/1936) ông cho biết: “Tôi đã vứt bỏ cái chủ nghĩa phiêu lưu lãng mạn. Tôi chấp nhận không do dự đưa ra những điều kiện của tôi trong cuộc chiến đấu tàn khốc giữa con người với cái chế độ mà nó đè bẹp con người”.

 

Có người chỉ vì ở tù chung, ảnh hưởng nhân cách của ông mà sau khi ra tù đã viết được cuốn sách gây chấn động một thời, bị tịch thu ngay sau khi phát hành. Đó là Ngồi tù khám lớn (in năm 1929) của Phan Văn Hùm, v.v…

 

Đáng nhớ ở Nguyễn An Ninh, còn là lời khẳng định của ông trong buổi diễn thuyết Lý tưởng của thanh niên An Nam tại Hội khuyến học Nam Kỳ (ngày 15/10/1923): “Dân tộc nào để một nền văn hóa ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập, tự do thật sự. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc”. Sau buổi diễn thuyết này, Nguyễn An Ninh được ái mộ đến nỗi nhà “chụp hình” Khánh Ký trên đại lộ Bonard (Sài Gòn) cho rửa hàng ngàn tấm hình của ông để đáp ứng công chúng!

Xin kể thêm một chi tiết nhỏ, khi Nguyễn An Ninh bị bắt, có những tờ báo kịp thời cho phát hành những ấn phẩm đặc biệt nhằm đòi trả tự do cho ông, bất chấp chế độ kiểm duyệt thời Pháp.

Nguyễn An Ninh - một con người mà nhà sử học Trần Văn Giàu đã khẳng định: “Điều tôi muốn nói là nhân cách của anh trong quan hệ với bạn bè đồng chí, với gia đình vợ con, anh khiêm nhường, hiền từ và nhân hậu. Anh san sẻ bát cơm manh áo, dốc cạn đồng xu cuối cùng cho người khổ hơn anh. Anh nhường từng lon nước, chỗ nằm cho bạn tù. Anh đem cả tình thương, tri thức dìu dắt cho những ai còn lầm lỡ, bất hạnh, kém may mắn hơn anh. Ai đã gặp anh một lần đều yêu kính anh, một nhân cách lớn lắm, một tấm gương sáng ngời cho thời đại này. Tự thân cuộc đời anh đã đẹp, không cần chúng ta phải tô điểm gì thêm. Một con người như vậy không dễ có đâu, bình dị nhưng vĩ đại lắm”.


Điều gì đã hun đúc nên khí phách Nguyễn An Ninh?


Tất cả bắt đầu từ sách. Những tư tưởng tiến bộ của văn hóa Pháp, tiếp thu từ sách đã thay đổi nhận thức từ tư tưởng đến hành động trong suốt cuộc đời ông. Bài học ở ông, tôi tâm đắc nhất vẫn là từ sách, cần phải làm gì để thay đổi xã hội? Suốt hành trình vận động ấy, Nguyễn An Ninh là một nhân vật tiêu biểu đã chứng minh một cách sinh động và hấp dẫn. Nghĩ cho cùng, mục đích cuối cùng của việc đọc sách chính là chỗ này, là ở chỗ cần vận dụng lý luận đó phục vụ cho tiến trình phát triển của xã hội.


Chúng ta không cần mọt sách. Cần là cần những con người như Nguyễn An Ninh: Lấy cuộc đời mình để khẳng định tư tưởng tiến bộ, công bình, bác ái ở trong sách không mơ hồ, lý thuyết mà hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Đành rằng, mục tiêu là thế nhưng bản thân con người ấy phải là một người tận tuỵ hết sức mình chỉ vì lợi ích cộng đồng, vì tiến bộ xã hội, chứ không vì lợi ích gì khác cho cá nhân mình. Nguyễn An Ninh là một Con Người như thế.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com