THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: "VÀI CẢM NGHĨ VỀ NHÀ VĂN HÓA NGÔ VĂN BAN"

LÊ MINH QUỐC: "VÀI CẢM NGHĨ VỀ NHÀ VĂN HÓA NGÔ VĂN BAN"

ngo-van-ban-phu-yen1111

Văn chương chữ nghĩa, tự nó đã có một điều gì đó rất lạ lùng, đôi khi khó có thể lý giải rành mạch, rõ ràng. Ở đây, tôi muốn nói đến sự liên hệ giữa bạn đọc và người viết.
Khi nhà giáo, nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban đã là cây bút tên tuổi, bấy giờ, tôi còn cắp sách đến trường trung học, lạ thay, đằng đẳng mấy chục năm trôi qua, như một cơ duyên “mai mối” của chữ nghĩa, tôi lại được “kết nối” tâm tình cùng ông khi qua điện thoại, lúc email, facebook… Tức là giữa ông và tôi đã có một mối quan hệ tin cậy nhau khi trải lòng đổi về học thuật, hơn cả thế, còn là lúc gửi cho nhau những tập sách, những trang viết như một sự chia sẻ về thành quả lao động của nhau. Điều này, bao giờ cũng khiến tôi nghĩ về ông là một người bạn lớn, bậc đàn anh đã đi trước mà nay, mình lại có dịp đi chung một đường. Âu cũng là cái duyên của những người có “mẫu số chung” khi tâm nguyện cùng tìm về lời ăn tiếng nói, di sản văn hóa của ông cha để lại.
Công việc này, chắc hẳn từ trong nhọc nhằn, lao tâm khổ tứ, ông đã có những niềm vui bất tuyệt, mà, có như thế, ông mới bền tâm đeo đuổi từ thời trai trẻ đến lúc đã bước qua ngưỡng cửa “xưa nay hiếm”.
Còn nhớ, bài nghiên cứu của ông, lần đầu tiên tôi được đọc là in trên tạp chí ĐỐI DIỆN: “Xúc tình cất tiếng hò rao” (số 23,5.1971), “Chuyện chó trong văn chương” (số 28 tháng 10.1971)… Từ đó, cũng như các ông Nguyễn Văn Xuân (Quảng Nam), Sơn Nam (Sài Gòn) và Ngô Văn Ban (Nha Trang)… đã gieo vào lòng tôi ý thức về văn hóa dân tộc. Và, may mắn thay sau này khi lớn lên, cũng vào làng cầm bút, tôi được tri ngộ, làm bạn với những “thần tượng” của thời trai trẻ. Trải dài theo năm tháng, như một sự lựa chọn không thể thay đổi, nói thật dẫu có muốn thay đổi cũng không được vì chữ nghĩa là một cái gì đó một khi đã ngấm vào máu thì suốt đời, con người ấy vẫn phải đeo đuổi đến tận cùng.
Nhà nghiên cứu Ngô văn Ban là một trong những người tiêu biểu nhất. Thời sung sức nhất, ông đã cất tiếng tâm tình: “Trong ý hướng đi tìm, thu thập những câu hò tại Thừa Thiên và Quảng Trị, chúng tôi đã vấp phải nhiều trở ngại. Đất nước không đủ bình an để chúng ta có thể lặn lội mọi nơi, để nghe, để chép, để ghi bằng những câu hò hay ho, hiếm có. Thêm vào đó, sách vở báo chí sau nhiều biến cố, những bài viết về hò, những bài thu thập về hò đã trở nên quá hiếm hoi. Do những trở ngại đó, sự phong phú của hò không được khai thác, tìm hiểu đúng mức” (1971). Có thể nói, trở ngại đó đã thu hẹp lại sau khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, nhờ đó, công việc đi thực địa, tìm kiếm tài liệu v.v… của ông có phần thuận lợi hơn.
Từ đó, ông đã gặt được nhiều thành quả rất đáng ghi nhận. Khi đọc sách và lướt qua thư mục sách đã in của ông, tôi có cảm giác ông đã sống và làm việc trong tâm thế như rồng gặp mây, như cá gặp nước. Những đầu sách của ông dày theo năm tháng, mở rộng đề tài, hướng đến nhiều vùng đất, trong đó, đã có nhiều công trình được giải thưởng của cơ quan chức năng cấp Nhà nước.
Với đầu sách nghiên cứu, tùy theo nhu cầu, mỗi người có cách tiếp thu, tiếp cận khác nhau. Khi đọc Ngô Văn Ban, bao giờ tôi cũng sung sướng bắt gặp kho tư liệu đồ sộ mà ông đã nhọc công, nhẫn nại góp nhặt để rồi hệ thống lại một cách bài bản, khoa học. Bên cạnh đó, thêm một điều đáng quý nữa vẫn là vốn sống của ông đã đưa vào trang viết cực kỳ hợp lý, nhằm bổ sung thêm cho phần tư liệu. Một đời người, trộm nghĩ, đã để lại cho đời những trang sách như thế này, quý lắm. Để thế hệ đi sau thêm bền lòng, thêm vững tin, rằng, di sản văn hóa của nước mình vẫn còn đó, vẫn còn nhiều người đi trước như nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban đã ghi chép, in thành sách như một cách lưu giữ cho đời sau.
Dù chưa một lần “mặt nhìn mặt, tay cầm tay” nhưng rồi kỳ lạ thay cho ma lực của chữ nghĩa, từ những gì ông đã trải lòng ra viết, tôi đã có thể hình dung ra một tâm thế:

Đêm tàn canh lụn dầu hao

Xúc tình cất tiếng hò rao đỡ buồn

Tâm thế ấy đến với cuộc đời này, đến với công việc nghiên cứu này nhẹ nhàng, thanh thản là một nhu cầu tự thân, không mưu cầu lợi danh gì khác. Đáng quý xiết bao…
LÊ MINH QUỐC
(Đầu Xuân 2023)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com