THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐCNghe giọng nói ,nhớ quê nhà...:

LÊ MINH QUỐCNghe giọng nói ,nhớ quê nhà...:

375142892_7209231819106035_7354893268873875484_n
Ba mẹ của LÊ MINH QUỐC
Người Quảng thay đổi gì cũng được nhưng có một tài sản quý báu không thể thay đổi: giọng Quảng. Và chính giọng Quảng đã phản ánh chính xác nhất tâm thế của người xứ Quảng về “công thức” mà chúng ta đang khẳng định: “Quảng Nam = Quảng Nam + Đà Nẵng”.

Thiêng liêng cố quận

“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Với tôi, đây là câu ca dao hay nhất, dễ xúc động nhất và cũng ấn tượng nhất. Như một vệt sao băng đã vụt ngang qua trí nhớ, nhịp điệu lục bát ấy đã hằn in sâu đậm trong tâm tưởng.

Ám ảnh nhớ. Ngậm ngùi thương. Và mãi mãi nguyên vẹn cảm xúc của thuở ban đầu tiếp nhận. Càng về sau lại càng ròng ròng cảm xúc lung linh trong nỗi nhớ lúc nhớ về mẹ, nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn.

Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa”, nhà thơ Bùi Giáng thốt lên: “Hỏi quê rằng biển xanh dâu/ Hỏi tên rằng mộng ban đầu đã xa”. Nơi quê quán ấy, đã lọt lòng mẹ, đã giẫm hai chân trên trái đất này, bất kỳ ai cũng có một nơi chốn để nhớ suốt đời. Có thể địa danh ấy ở cõi trần này, nhưng cũng có thể là không gian nào đó, chỉ tồn tại mơ hồ trong cảm xúc mà muôn năm tiền kiếp ta đã cư ngụ.

Nơi ấy là đâu?

Tôi không chọn quê quán đã ghi trong tờ giấy khai sinh, mà tôi chọn nơi nào ba mẹ mình đã gửi thân xác vào lòng đất ấy. Sự lựa chọn này trái khoáy quá không? Không đâu. Tục ngữ có câu: “Thóc ở đâu bồ câu ở đó”, trước ba mẹ mình, tôi luôn thơ dại, nhỏ bé nên nghĩ rằng: “Ba mẹ ở đâu, con chầu ở đó”.

Vì thế, tôi chọn lấy vùng đất ghi lại dấu vết của ngày ba mẹ mình rời cõi tạm: Đà Nẵng. Đó cũng chính là nơi tôi sinh ra, là nơi hễ mỗi lần bước xuống sân bay Đà Nẵng bao giờ tôi cũng nghe xộc vào mũi mùi biển mặn, và đi trên phố xá bao giờ tôi cũng nghe âm vang theo nhịp chân đi như có ai đó gọi tên mình…

Một khi đã nói đến Đà Nẵng, tôi tin rằng, bất kỳ con em nào sinh ra ở vùng đất Ngũ Hành Sơn cũng lập tức nhớ về Quảng Nam. Nói cách khác, Đà Nẵng và Quảng là một thực thể thống nhất, là nguyên vẹn từ tính cách, suy nghĩ, nếp sinh hoạt văn hóa đến lời ăn tiếng nói…

Sự phân chia tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng chỉ có ý nghĩa về quản lý hành chánh nhưng quần thể cư dân của hai địa danh ấy là một. Không gì có thể tách rời, mà tách rời làm sao được hình thể của một người đang sống, đang vận động? Vì thế, bao giờ tôi cũng thích và tâm đắc với tên gọi “xứ Quảng”.

Niềm yêu bất tận

Trước đây khi viết tập sách “Người Quảng Nam”, tôi đã kính cẩn với từng dòng: “Với một người yêu lấy quê nhà của mình thì bất cứ địa danh nào nằm trên vùng đất ấy cũng là những tiếng gọi da diết và đủ sức lay động những tình cảm sâu thẳm nhất.

Tôi luôn có một cảm giác thân mật và bình yên khi nghe ai đó nói đến những cái tên bình dị Bà Rén, Nam Ô, Miếu Bông, Vĩnh Điện, Đại Lộc, Quảng Đại, Cầu Mống, chợ Cồn, sông Hàn, đèo Le, Cửa Đại, Cẩm Nam…”.

Có lúc tôi nghĩ rằng, muốn biết thân phận con người nhỏ bé như thế nào trước ngọn sóng ngàn năm trong vũ trụ thì bước chân ra biển. Quảng Nam có biển: biển Mỹ Khê, Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Bắc Mỹ An, Cửa Đại, Non Nước…

Muốn sống trong cảm giác chông chênh, phiêu bồng cùng mây trắng ngàn năm ngao du gió mới thì hãy lên núi. Quảng Nam có núi: Bà Nà - Núi Chúa, Ngũ Hành Sơn, Ngọc Linh…

Muốn chìm đắm trong một không gian yên tĩnh, chập chờn sông nước để mở lòng ra với hương vị quê mùa, dân dã thì đến với sông. Quảng Nam có sông: Thu Bồn, Trường Giang, Ly Ly, Bà Rén, Vĩnh Điện, Cẩm Lệ…

Muốn cảm nhận tột cùng giá trị của không khí và ánh sáng, nó quý báu như thế nào thì hãy xuống địa đạo. Quảng Nam có địa đạo: địa đạo Kỳ Anh (Tam Kỳ), Phú An - Phú Xuân (Đại Lộc)...

Muốn chiêm nghiệm về cái lẽ sinh tồn của một dân tộc thì hãy nhìn ngọn tháp Chăm. “Từ trời xanh rơi vài giọt tháp Chàm” là cảm nhận của nhạc sĩ, nhà thơ tài hoa Văn Cao khi nhìn thấy ở Quy Nhơn; nhưng ở Quảng Nam thì khác hẳn, ta phải nói, từ đất đột ngột mọc lên những ngọn tháp thì mới nhìn ra hết sự huy hoàng của nó. Xứ Quảng có tháp Chăm: Khu đền tháp Mỹ Sơn, Chiên Đàn, Bằng An, Khương Mỹ…

Quảng Nam ta có biển, có sông, có núi… thì còn đòi hỏi gì nữa? Thưa, ta còn đòi hỏi con người nơi ấy cái cá tính trọng nghĩa khinh tài. Sự đòi hỏi này cũng giống như khi yêu một người đàn bà, ta đòi hỏi ở họ những gì? Là nhan sắc? Là gì gì đi nữa thì cũng không thể thiếu được sự thủy chung. Quảng Nam là vùng đất của sự thủy chung, giàu tình nặng nghĩa".

Vậy đó, những địa danh vừa nêu ra đó, bạn đã thấy gì? Có phải trong lòng bạn đang lắng lại, dừng lại để ngẫm ngợi về nơi chốn ấy? Tôi bao giờ cũng thế. Nói thật lòng, những địa danh ấy, những con sông sâu ấy, biển rộng ấy… nay đã khác trước. Ngay cả nếp sinh hoạt trong đời thường cũng đã khác.

Thay đổi gì thì thay đổi, tôi nghiệm ra một giá trị bất biến mãi mãi tồn tại trong tâm thức của người xứ Quảng không bao giờ thay đổi, đó chính là gì? Không phải cái gì mà ta thấy tận mắt, sờ tận tay, có thể cân đong đo đếm mà lại là những thanh âm rất đặc trưng của xứ Quảng: giọng nói.

Giọng thương, giọng nhớ

Về giọng nói, tôi dám quả quyết chắc nịch, người Quảng Nam và người Đà Nẵng chung một giọng nói, cùng ngữ âm, ngữ điệu, là “anh em song sinh” y chang như hai giọt nước.

Nói vui một chút, mới đây khi dẫn chương trình sách ngoài Đường Sách TP.Hồ Chí Minh, nhà báo kỳ cựu Trần Ngọc Châu - người xứ Quảng đã phát biểu trên sân khấu: “Hôm nay rất thú vị, vì còn phần do tôi được nghe lại giọng nói rặt Quảng Nam của MC”. Xin thưa, Quốc tôi sinh tại Đà Nẵng kia mà? Vậy, rõ ràng, ngay cả người xứ Quảng cũng không thể phân biệt đâu là giọng Quảng Nam, đâu là giọng Đà Nẵng.

Nói vui thêm một chút, khi bạn thơ Lý Đợi đặt vấn đề phân tích: “Quảng Nam = Quảng Nam + Đà Nẵng”, không riêng gì anh mà nhiều người cũng cho rằng, có thể đi từ hướng nghiên cứu lịch sử về năm tháng hình thành vùng đất này.

Hướng đi này nghe ra có lý. Nhưng rồi, tôi không đi theo vì rằng, bằng kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ còn có thể khảo sát từ giọng nói của người xứ Quảng. Theo tôi, đây mới là yếu tố căn bản khi muốn chứng minh, xác định “công thức” vừa nêu trên.

Tại sao từ giọng nói?

Xin kể câu chuyện có tính cách riêng tư nhưng không vô bổ và cũng không “vi phạm” câu ngạn ngữ “Cái tôi là cái đáng ghét”. Rằng, đã từ hơn 20 năm trước, khi bắt đầu nhận lời dẫn chương trình cho HTV, VTV thì nhiều đồng hương khuyên là không nên, chớ dại, không khéo bị thiên hạ “ném đá”.

Bởi khi nói giọng Quảng, thính giả phương Nam sẽ không nghe được, nếu có nghe thì cũng không mấy truyền cảm. Sau đó thế nào? Không phải “mèo khen mèo dài đuôi”, nhiều đạo diễn chấp nhận và họ nhận xét: “Giọng nói của người Quảng Nam thành thật”. Lời khen này, không chỉ dành cho cá nhân tôi mà còn cho mọi người Quảng giọng Quảng.

Trong dòng chảy của đời sống của vùng đất mà tôi đang sống - nơi giao lưu, hội tụ của cư dân tứ xứ, chúng ta đã nghe biết bao giọng nói, có phải khi nghe giọng Quảng thì cảm thấy yên lòng và tin cậy? Tôi cũng vậy. Vì đã nghe đến và cảm nhận đến một điều gì đó thành thật, “có sao nói vậy người ơi”, chứ không uốn lưỡi/ đẩy lưỡi hoa hòe hoa sói “hoa lá cành” rổn rảng mỹ từ qua ngữ điệu uốn éo như đang tuôn ra… lời thoại trên sân khấu.

Người Quảng không thế, mà đã thể hiện cách nói chân thật “ăn cục nói hòn” thật thà quá đỗi… Thử hỏi, sao ta lại không yêu giọng nói quê mình? Nghe giọng nói ấy, lập tức ta cảm nhận ngay tắp lự:

Quê nhà ở tận đâu đâu
Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà
Ở gần đây chớ đâu xa
Nghe giọng nói nhớ quê nhà vậy thôi

Chính vì lẽ này, “thà mất lòng trước, được lòng sau”, “nói gần nói xa, chẳng qua nói thật”, tôi cực kỳ dị ứng với bất kỳ người Quảng đổi giọng, bắt chước theo giọng nói của cư dân nơi đang mình đang sống, vì có khéo léo đến đâu đi nữa thì kỳ lạ thay, thanh âm ấy, ngữ điệu cũng không thể mất đi, vẫn còn đó. Dù cố gắng cách mấy nhưng rồi cũng có lúc lộ ra cách nói cố hữu của mình.

L.M.Q
(nguồn: Báo Quảng Nam ngày 3.9.2023)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com