Ba của tác giả - nhà thơ Lê Minh Quốc - Ảnh: tác giả cung cấp
Con chạy rượt theo cuộc tình bạc bẽo
Ở quê nhà cha già như trái héo
Cơn ho khan đục khoét hết đêm dài
Con vô tâm đi hết một đời trai…
Thế đấy. Trong cuộc đời này, đôi khi chúng ta vô tâm ghê gớm. Một khi đã lớn, đã tung tăng bay nhảy, đã có một ít thành công trong đời, nhưng ít lúc nào nhìn về phía ruột thịt, gia đình. Ba mình đó. Mẹ mình đó. Cả hai vẫn còn đó. Nhưng lúc còn trẻ người non dạ, chúng ta đâu có bình tâm suy ngẫm về một lẽ hiển nhiên trong vòng quay của trời đất: Vạn vật sinh ra và sẽ mất đi.
Một trong những điều nuối tiếc nhất vẫn là đến một lúc, trong thâm tâm ta đột nhiên thốt lên: “Ước gì còn ba, còn mẹ”. Không thể. Không bao giờ có thể.
Vậy sao ngay từ bây giờ, ta không tận hưởng lấy phút giây cha mẹ còn bên mình? Có phải một khi đã xa, đã mất thì con người ta mới càng thấm thía ơn nghĩa về đấng sinh thành mà mãi mãi không bao giờ còn gặp được lần nữa.
Thế thì, hãy viết cho vơi đi nỗi nhớ?
Nói là nói thế, nhưng rồi nhiều người chúng ta đều cảm thấy khó khăn. Không dễ dàng chút nào. Một phần do kỷ niệm về ba mình không có nhiều. Có phải chưa bao giờ, ta ngồi hàng giờ bên cạnh cha tâm tình, tâm sự như với mẹ? Có phải chưa bao giờ ta nghĩ đến lúc mua tặng cho ba một món quà nhân ngày vui của ông? Có phải chưa bao giờ, ta nằm trong lòng ba để tỉ tê, trò chuyện đòi kể cho nghe về cuộc đời ông? Có phải lúc còn trẻ, khi bước vào nhà, nhìn thấy ba mình, ta ngần ngại rồi lặng lẽ lánh xa chỗ khác?
Với tôi, đúng là vậy. Hình ảnh về người cha, vì thế mờ nhạt, nếu có nhớ lại cũng lờ mờ không rõ nét. Một phần nữa, còn do tính cách của cha tôi.
Ba của tác giả và các con. Nhà thơ Lê Minh Quốc là đứa trẻ cao nhất - Ảnh: tác giả cung cấp.
Ba tôi là người nghiêm khắc, thậm chí rất nghiêm khắc với bản thân. Do đó, con cái ít gần gũi ông như với mẹ. Thế nhưng, tôi đã học được ở ba tôi nhiều bài học cho sự trưởng thành về sau. Một trong những kỷ niệm ấm áp nhất của tuổi thơ vẫn là lúc trong nhà có nhiều sách báo.
Ba tôi rất thích đọc sách. Trong tủ sách của ông có nhiều, rất nhiều sách mà sau này, tôi đã đọc, đã “ngốn” hết; còn bình thường mỗi ngày ông lại mua nhiều nhật báo, tôi đã làm quen với các tờ Công Luận, Chính Luận, Hòa Bình… kể cả tạp chí Phổ Thông, Thời Nay, Văn, Văn Học… từ dạo ấy.
Bấy giờ chị em tuổi còn “hỉ mũi chưa sạch”, ông đã mua cho những tờ báo dành cho tuổi học trò như Thằng Bờm, Thiếu Nhi… Và, thậm chí ngay cả tiếng rao của trẻ con chạy tung tăng trên hè phố: “Báo mới đây! Báo mới đây” cũng trở nên quen thuộc trở thành âm thanh sống động nhất, gần gũi nhất, vì những lúc ấy, ông hay sai tôi ra mua. Tất cả đều đọng lại trong tôi những hạt mầm tươi xanh về thế giới văn chương mà sau này, tôi chính thức dấn thân vào đó với bầu trời xum xuê hoa trái. Suy ra, cách dạy của người cha cực kỳ kiệm lời, chỉ ngụ ý qua hành động cụ thể nhằm giáo dục cho con mình hướng đến.
Thêm một kỷ niệm khó quên nữa. Tôi vẫn còn nhớ, ngày còn bé, mỗi sáng tôi thường được ông cho ngồi trên chiếc xe đạp và chở ra tắm biển ở bãi tắm.
Tôi còn nhớ là nhiều lần, ông bồng tôi ra ngoài khơi xa. Sóng vỗ ầm ầm. Sóng dâng cuồn cuộn. Tôi rú người lên sợ hãi, trời đất ơi, bỗng nhiên ông lại… thả tay ra. Sóng biển cuốn mạnh. Tôi quẫy đạp liên hồi. Mãi tới lúc sắp hụt hơi thì ông lại đưa cánh tay vững chãi ra bế xốc tôi lên. Và, ông cười to một cách sảng khoái. Dần dà, cứ như thế, tôi không còn sợ sóng lớn.
Cách tập bơi, tập làm quen với trời cao biển rộng đầu đời của tôi là thế. Nhờ thế, sau khi vào quân ngũ, lúc hành quân qua sông suối thì tôi đã được trang bị một kỹ năng cần thiết. Rõ ràng, có những bài học từ người cha, mãi sau này, một khi đã trưởng thành, đã lớn, con người ta mới nhận ra. Than ôi, lúc ấy ba mình đã không còn nữa.
Những tưởng do người cha nghiêm khắc, mình ít gần gũi thì tình cảm ấy nhợt nhạt. Không phải đâu. Cho đến nay, tôi vẫn không sao lý giải được điều mà người ta thường nói là “thần giao cách cảm”. Xét ra, điều này có yếu tố tâm linh hơn là có thể chứng minh một cách rành mạch.
Ngày cha sắp mất, tôi đang ở Sài Gòn. Khi nghe tin dữ, lạ lùng thay, đó là những ngày cổ họng của tôi đau buốt, không hiểu vì lẽ gì. Tôi đau giống như ba tôi đã đau lúc nằm trên giường bệnh. Từ Sài Gòn về đến nhà, vừa bước vào cửa, mẹ tôi nói, trước lúc mất, ba tôi cứ liên tục hỏi: “Thằng Q. đâu?”. Và, ngay lúc được nhìn thấy mặt ông lần cuối trong đời, sau đó, tôi hoàn toàn không cảm giác đau buốt nữa. Lý giải thế nào? Nếu không là sự gắn bó máu thịt từ cha con/mẹ con đã hình thành ngay từ trong huyết mạch, ngay từ chân tơ kẽ tóc?
Tôi nghĩ câu chuyện về gia đình, tự thân nó, bao giờ cũng khiến bạn đọc đồng cảm và xúc động, bởi lẽ qua hình ảnh ba của người khác, cũng là lúc ta nhớ về ba mình.
Vừa rồi tôi đọc tập sách Ba - Món quà vô giá của người bạn Ngô Thị Thu An, tôi ấn tượng mãi với chi tiết, lúc vật lộn với tử thần, cha của cô kêu lên van xin: “Cho tôi chút ít thêm thời gian nữa”. Có phải do ông nghĩ rằng, con cái của mình còn bé dại quá, mình cần phải sống thêm nữa? Đúng là thế. Vâng, rất đúng, vì chị Ái tôi lúc khóc ba vẫn là: “Ba ơi, con cần có ba”. Tất cả đều cần có nhau. Một cuộc chia lìa vĩnh viễn không ai muốn nhưng tất cả đều tuyệt vọng níu kéo dù trong từng khoảnh khắc…
Vậy, khi còn có ba, còn có mẹ, ta nghĩ gì và sống thế nào để nhận ra mỗi ngày đang sống là ngày hạnh phúc nhất? Và được cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa lớn trong đời mình: “Còn cha gót đỏ như son”?
Tôi nghĩ, dù cha mẹ đã rời xa cõi tạm, thì thực ra đấng sinh thành vẫn còn đây, vẫn sống trong ta hằng ngày hằng giờ, nếu ta còn nhớ, còn làm theo những gì mà ba mẹ đã bảo ban, răn dạy hình thành nên nếp nhà: “Từ bóng đã hiện hữu hình/ Hình và bóng mãi nặng tình ngàn sau/ Trải qua những cuộc bể dâu/ Cội nguồn còn đó nhớ nhau lại về”…
L.M.Q
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 14.11.2022)
Add comment