Khi bước vào bất cứ ngôi nhà nào, dễ dàng bắt gặp một hình ảnh quen thuộc: quyển lịch, được chủ nhân treo ở vị trí dễ nhìn thấy nhất. Nơi ấy, thời gian lặng lẽ đi qua. Thời gian gõ nhịp mỗi ngày. Như một lẽ tự nhiên. Tự nhiên như mỗi ngày xé đi một tờ lịch. Có khác chăng, ngày Chủ nhật, tờ lịch được in màu đỏ. Vậy thôi. Chẳng có gì phải bận tâm.
Từ lúc lần đầu tiên biết xé tờ lịch mỗi ngày đến khi sắp từ giã cõi trần, có một lần, dù cũng lặp lại thói quen ấy nhưng trong lòng cảm xúc đã khác. Tự nhiên, ta nhìn thấy ngoài kia trời xanh hơn, nắng tươi hơn. Tự nhiên, ta sờ tay lên ngực thấy nhịp đập trái tim khỏe khoắn hơn. Khoảnh khắc nào diệu kỳ đến thế? Tôi dám quả quyết rằng, bất kỳ ai cũng có chung cảm giác ấy, đó là lúc đưa tay chạm vào tờ lịch cuối cùng. Chần chừ một chốc, ngẫm nghĩ một lúc, thời gian năm cũ lướt nhanh qua óc. Đã hết một năm rồi ư? Nhanh quá. Chỉ một chớp mắt.
Nghĩ thế, rồi nhẹ nhàng xé đi tờ lịch cuối cùng.
Ngày đầu tiên trong 365 ngày của năm mới hiện ra trước mắt. Một chặng đường dài lại mở ra. Tất cả lại bắt đầu. Bắt đầu một hành trình của kiếp người đang vẫy gọi. Ngày đầu tiên trong một năm, lúc ấy nghĩ gì? Cầu trời khấn Phật, năm mới mọi việc đều mới hơn, hanh thông hơn, thuận lợi hơn.
Mỗi người có một ước mơ.
Ngày xửa, ngày xưa, đọc một truyện ngắn của nhà văn Võ Hồng, đến nay, tôi vẫn còn nhớ. Mỗi lần nhớ, lại cảm động. Ngày đầu năm, người cha đã cho treo trên tường một kỷ niệm của gia đình: “Đó là bức ảnh chụp mộ má. Ba ngày sau khi chôn cất má xong, ba đặt cho thợ xây mộ. Khi mộ hoàn thành ba đưa chị em ra thăm... Ba chị em đều mặc áo tang. Màu trắng của áo quần tang nổi lên nền đen của ngọn núi đàng sau”. Với phong tục Á Đông, ngày đầu năm nhắc đến tang ma là điều xúi quẩy. Chẳng phải đâu, người cha trầm ngâm bảo, bức ảnh ấy nhằm nhắc nhở các con “khi có điều gì đáng giận nhau thì hãy nhìn vào trước khi giận”, để nhớ lại các con “đều chịu chung cảnh mồ côi má từ thuở thơ ngây đó cho đến suốt đời. Cả ba đều khổ. Hãy thương yêu nhau”.
Hãy thương yêu nhau, “thông điệp” ấy nào của riêng ai. Trước hết phải từ mỗi con người, từ mỗi gia đình. Có lẽ chưa bao giờ trong cộng đồng, lòng yêu thương đang dần trở thành một thứ xa xỉ. Có quá nhiều thông tin cho thấy cái ác đang lấn lướt, như sóng dữ vồ ập lên đời sống này. Trên đường phố, chỉ cần một cú va quẹt, một cái nhìn thiếu thiện cảm, một câu nói nghe không lọt tai, là có thể dùng võ lực, gươm, dao “thay lời muốn nói”. Đâu rồi lời dạy của mẹ từ mỗi nếp nhà: “Lên xe nhường chỗ bạn ngồi/ nhường nơi bạn dựa, nhường lời bạn trao”? Đâu rồi, “thương người như thể thương thân”? Có những câu hỏi, ai cũng hỏi mà chẳng thể trả lời.
Đôi lúc, tôi cảm thấy chính mình lẩn thẩn quá. Ai đời, ngày đầu năm không ước mơ điều gì to tát hơn mà chỉ quanh quẩn trong vài câu tục ngữ, ca dao xưa như trái đất. Sao không ước mơ “hiện đại” hơn? Chẳng hạn, năm mới sẽ giàu hơn, “sành điệu” hơn, “đẳng cấp” hơn? Đúng quá. Hãy tự chúc trong ngày đầu năm niềm ước mơ ấy. Vừa vụt miệng nói xong, bỗng từ trong trí nhớ, di ngôn của cụ Nguyễn Hiến Lê vọng đến: “Khi nghèo phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh vì lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như thế hay không”.
Có thể, lấy câu nói này làm lời chúc mừng năm mới, được không?
L.M.Q
(nguồn: PNCN số 29.12.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|