THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút Lê Minh Quốc: TIỀN CỦA AI?

Lê Minh Quốc: TIỀN CỦA AI?


Câu hỏi đó nghe lạ đời quá. Tiền của mình chứ còn tiền của ai? Tiền này do công sức lao động mỗi ngày, lúc nhận tiền có chữ ký rành rành ra đó. Ai khác có thể chen vào “quản lý” à? Đừng hòng. Tưởng là tưởng thế thôi. Trong đời sống vợ chồng chẳng hề đơn giản vậy đâu.

 

tiencua-ai

 

Ngày nọ, cô vợ dọn phòng ngủ, tình cờ phát hiện ra trong ngăn bàn làm việc của chồng có một sấp đô la mới tinh. Chà, cô run rẩy cầm lên và suýt ngất. Cô hồi hộp, sung sướng như lần đầu tiên chạm tay vào mối tình đầu. Tiền ở đâu nhiều thế này? Cô lấm lét nhìn trước ngó sau và nhét vội ngay vào túi quần. Thế mà lâu nay, “lão” giấu biệt, lúc nào cũng than thở thu nhập chỉ “ba cọc ba đồng”! Ai dám quả quyết “lão” sử dụng đồng tiền này “quang minh chính đại”? Nếu có, tại sao không đưa vợ mà giấu biệt trong hộc bàn?

Tâm trí của bất kỳ phụ nữ nào, nếu rơi vào trường hợp này cũng đều bật ra trong óc câu nghi vấn đằng đàng sát khí: “Sao lâu nay lại giấu vợ?”.

Khi đã chung sống, chuyện tiền nong của người này đương nhiên của người kia. Dù không quản lý trực tiếp đi nữa, thu nhập của nhau thế nào thì cả hai cũng rõ. Vậy số tiền này ở đâu ra? Bực mình quá đi thôi. Đã vợ chồng mà còn giấu giếm nhau tiền nong, vậy thương với yêu cái nỗi gì? Lúc ấy, anh chồng vừa bừng mắt dậy, ngay lập tức một loạt câu hỏi trách móc được xối xả tuông ra. Bần thần trong giây lát, chợt hiểu ra vấn đề, anh chồng cười sảng khoái: “Ối! Hoa hậu của đời anh. Tiền giả đó em”. Thật vậy à? Cô móc sấp tiền ra, đeo kính nhìn cho rõ rồi lướt mắt xuống cuối đồng tiền, mắt đứng tròng khi thấy dòng chữ: “Chỉ sử dụng làm phim”.

À, thì ra thế. Mớ tiền đó chỉ là “đạo cụ” làm phim của anh chồng đạo diễn.

Nói thế để thấy rằng, trong quan hệ vợ chồng, tiền nong dễ xẩy ra những chuyện hiểu lầm. Tiền xài chung hoặc riêng đi nữa, cách khôn ngoan nhất là khi chi tiêu các khoản gì, vợ/ chồng đừng nên giấu giếm nhau. Chị bạn tôi khốn khổ bởi tính cách anh chồng là luôn thu vén cho mái ấm. Thu nhập cả hai, anh quản lý rạch ròi, chi li này tiền cho con lúc nó ốm đau, này tiền dành dụm sửa nhà, nọ tiền đổi xe mới v.v… Tính cách này tốt quá, chẳng có gì phàn nàn. Thế nhưng bên gia đình chị, bố mẹ ốm đau, các em chưa công ăn việc làm nên chẳng có thể trợ giúp được gì. Chị cảm thấy mình phải có trách nhiệm. Khổ nỗi anh chồng lại không chia sẻ. Vậy phải làm sao?

Lần nọ, cơ quan có khoảng tiền thưởng thi đua, chị đem đưa cho chồng và nhỏ to tâm sự, muốn giúp đỡ bố mẹ mình. Sau nhiều lần bảy lượt “trình bày vấn đề”, anh chồng đồng ý. Quan trọng nhất là lúc đưa tiền cho bố mẹ, chị bất ngờ bảo đây là… tiền của chồng. Ai nấy đều khen chàng rể tốt, biết điều. Anh chồng hãnh diện, nở phồng lỗ mũi vì cách sử lý ấy đã “làm sang” cho anh. Kinh nghiệm này có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác. Cứ việc nói với bạn bè rằng, trong nhà này, sắm cái này mua cái kia cũng đều do một tay chồng! Người đàn ông nào cũng lấy làm hài lòng khi trước đám đông được vợ khen ngợi công sức của mình.

Mà ngay cả người vợ cũng vậy thôi. Họ luôn cho rằng, đã vợ chồng thì khi chồng muốn chi xải khoản nào, họ phải biết. Biết ở đây không phải ngăn cản mà nhằm xem có hợp lý hay không? Với người phụ nữ, đồng tiền đó chỉ hợp lý khi lo cho gia đình, vợ con, chứ đừng hòng léng phéng đem “nuôi” cô khác. Dù một xu đi nữa họ cũng nghiến răng “không là không”. Hiểu như thế, ta thấy rằng, khi một ai đó nói rằng, tôi cho tiền để chồng tôi mua nhà cho “mèo” là chuyện không bao giờ xẩy ra. Nếu có chỉ là chuyện cổ tích. Đồng tiền liền khúc ruột. Họ có thể bỏ ra bạc tỉ làm từ thiện, công quả nhà chùa chứ bỏ ra một xu vì nhân tình nhân ngãi của chồng là không bao giờ.

Sử lý đồng tiền trong đời sống vợ chồng cũng quan trọng không kém gì nghệ thuật chăn gối. Thậm chí, còn hơn thế nữa. Anh bạn tôi luôn hãnh diện mình là người hoàn toàn có uy quyền trong nhà. Mỗi lời anh nói ra, cô vợ tuân theo răm rắp, đố dám cãi nữa lời. Anh nói khoác chăng? Không hề. Này nhá, vào mỗi cuối tháng, anh bước vào nhà hiên ngang gọi to: “Mẹ nó đâu? Lên đây bảo”. Cô vợ từ dưới bếp tất ta tất tưởi chạy lên, anh ném xoạt sấp tiền lên bàn: “Tiền lương tháng này đó. Cất vào tủ ngay”. Quả nhiên, uy lực của anh ghê gớm quá, cô vợ làm theo tắp lự không dám chần chừ dù chỉ trong một giây!

Chuyện quản lý tiền chung, riêng thế nào là tùy thuộc vào quy ước của mỗi nhà. Có nhà, xài chung. Có nhà, phân chia rạch ròi, chồng lo các khoản chi phí này, vợ lo các khoản tiêu xài kia. Cách nào cũng tốt nếu cả hai cùng ý thức rằng, đồng tiền làm ra bằng công sức của mình nhưng khi rút ra, người kia phải được biết. Nói thì nói vậy, chứ hầu hết đàn ông do các mối quan hệ xã hội nên họ phải chi tiêu “ngoài luồng”. Cách tốt nhất, nhiều người vẫn cho rằng nên có một “ngăn kéo” riêng ở cơ quan, nơi công ty. Nhưng đừng quên, nếu sự việc vỡ lỡ ra thì mọi chuyện trở nên rắc rối, khó có thể “hàn gắn vết thương chiến tranh”.

Ôi! Chuyện tiền. Chi bằng, thu nhập bao nhiều cứ đem về nộp cho vợ/ chồng một cách rành mạch. Chi xài gì, cả hai cùng biết, cùng đồng thuận. Ấy mới là cách sử lý đồng tiền một cách khôn ngoan. Nghĩ cho cùng, đồng tiền không mua được hạnh phúc nhưng cả hai biết sử lý vẫn khiến hạnh phúc thăng hoa nhiều hơn.

L.M.Q


(nguồn: TGPN 23.12.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com