THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Hơn 300 ngày kể “chuyện cái cân”

LÊ MINH QUỐC: Hơn 300 ngày kể “chuyện cái cân”

 

Làm nên điều kỳ diệu nhất của con người, chính là tình yêu. Làm nên sự rắc rối nhất của con người, cũng chính là tình yêu. Khi loài người có mặt trên trái đất, tình yêu đã xuất hiện. Trải qua năm tháng, quan niệm về cái đẹp của con người dù có thay đổi, khoa học có tiến bộ đến cỡ nào đi nữa, các tình huống trong tình yêu vẫn cũ xưa như hàng triệu năm trước. Điều này cho thấy, dù bất kỳ thế hệ nào, trước tình yêu thì con người ta cũng có những thắc mắc, những câu hỏi na ná nhau. Thế hệ này đi qua, thế hệ sau lại lặp lại. Do đó, các tình huống hầu như chẳng khác gì nhau và cách giải quyết có thể cũng chẳng khác gì mấy.

 

cai-can

 

Kỳ diệu chính là chỗ đó.

Ở chỗ, con người ta luôn ngu ngơ đi tìm cách trả lời tình huống của chính mình. Nhờ vậy, các chuyên gia giải đáp thắc mắc về tình yêu, hôn nhân gia đình mới có đất sống. Trước một tình huống, không phải người ta không tự giải đáp được mà chính là họ cần nghe một tiếng nói khác. Nếu tiếng nói ấy đồng tình với suy nghĩ của mình, càng tốt; bằng không, khi hỏi ý kiến, họ gật gù lắng nghe nhưng sau đó lại thực hiện theo mách bảo của chính họ. Nói như thế, để thấy rằng, khi bàn về các vấn đề liên quan đến tình yêu, hôn nhân vừa dễ lại vừa khó. Dễ là ai cũng có thể có quyền phát biểu ý kiến; khó là trong mớ bòng bong của các tình huống, ta phải chọn cách giải quyết nào hợp lý nhất.

Mà nghĩ cũng lạ, cũng chuyện đó nhưng rắc rối của người này; ngược lại, chỉ “đơn giản như đang giỡn” của người kia. Hiểu như thế, ta có thể quả quyết rằng, các chuyên mục về tình yêu hôn nhân trên báo chí, tự nó đã là một sự hấp dẫn với bạn đọc. Bạn đọc quan tâm đến tình huống này, không phải họ đang vấp phải mà có thể họ cần biết nếu là mình, bản thân mình sẽ giải quyết ra sao?

Trước hết, tôi muốn chia sẻ với quý bà, quý cô là đừng bao giờ ảo tưởng có thể tìm ra cho mình người đàn ông hoàn hảo. Mẫu người này, không bao giờ tồn tại ở trên đời. Nếu có chăng, chỉ có trong sự tưởng tượng.

Trong đời thường, cuộc sống luôn vận động dù có thắp đuốc thì chẳng thể tìm ra nổi. Bằng chứng hùng hồn mà tôi xin nêu ra là đây: Nhằm tìm kiếm người đàn ông hoàn hảo nhất, một tạp chí chuyên về phụ nữ đã tổ chức cuộc thi bình chọn. Ít lâu sau, ban biên tập nhận được bức thư như sau: “Sau khi đã suy ngẫm kỹ, tôi cho rằng có lẽ tôi là người đàn ông hoàn hảo nhất bởi tôi có những ưu điểm như sau: “Tôi không uống rượu, không hút thuốc, tuyệt đối trung thành với vợ, không hề nhìn ngắm người phụ nữ nào khác. Có khả năng tự chăm sóc bản thân và người khác, ăn ngủ luôn đúng giờ giấc, sống rất kỷ luật. Không lang thang trên mạng, chít chát hay chơi game trực tuyến”. Tất nhiên, với cách sống chuẩn mực này anh ta đoạt giải Nhất! Có điều, lá thư này được gửi đến từ trại dưỡng lão!

Thế thì, người đàn ông đang chung sống với mình, họ không hoàn hảo thì cũng là lẽ tất nhiên thôi. Bởi chung quanh họ còn có  biết bao những cám dỗ “chết người” khác. Biết như thế, để rồi, trong đời sống hôn nhân người phụ nữ cần có cái nhìn, sự đánh giá “thoáng” hơn về người đàn ông của mình.

Tôi nghĩ, các tình huống éo le trong tình yêu thời nào cũng có, cũng na ná như nhau nhưng không hẳn thời nào cũng cũng chỉ có cách giải quyết đó. Tùy vào nhận thức và thay đổi của xã hội, dứt khoát có cách giải quyết khác. Chẳng hạn, với người phụ nữ của thế kỷ trước, thiên hạ thường đề cao họ trong vai trò “nuôi con khỏe dạy con ngoan”. Điều này vẫn còn ý nghĩa thời sự. Thế nhưng suy nghĩ này là chủ quan bởi sự giáo dục con cái không thể “con hư tại mẹ, chúa hư tại bà” mà còn là trách nhiêm của người đàn ông nữa. Chẳng lẽ, đứa con giỏi giang, thành đạt là do gen người chồng, còn nếu nó hư hỏng là do sự dạy dỗ không chu đáo của vợ? Mà thật ra trong đời sống hiện đại, vai trò của người chồng giữ yếu tố quyết định trong việc dạy con đấy chứ.

Nhìn rộng ra một chút, ta thấy rằng, có những quan niệm về các đức tính của người phụ nữ cũng cần phải thay đổi. Ít ra, việc bếp núc, cơm nước hằng ngày không thể “độc quyền” của họ mà còn phải có sự chia sẻ của người đàn ông. Hình ảnh người đàn ông biết đi chợ, nấu bếp, làm việc nhà không hề mất giá mà chính là một mẫu người mới. Khi kêu gọi bình đẳng giới, thiết nghĩ, phải từ trong gia đình mình, trước hết cần thay đổi nhận thức rằng, người phụ nữ không phải mình đồng da sắt. Chẳng hạn, không gì vô lý cho bằng, những dịp lễ tết, giỗ quẩy, sum họp gia đình thì lúc ấy người đàn bà trong nhà đầu tắt mặt tối, tất bật chợ búa, nấu nướng đến phờ phạc cả người. Mà có phải họ chỉ biết mỗi việc nhà đâu, họ cũng lao ra xã hội kiếm sống với 8 giờ vàng ngọc như ai.

Rõ ràng, vẫn còn đó quan niệm cũ rích, đã đàn ông thì không phải mó tay vào những việc cỏn con ấy! Ấy là chưa kể, có những quan niệm lạc hậu vẫn tồn tại như một niềm kiêu hãnh của đàn ông, đại loại, khi bước ra ngoài xã hội thì người vợ không thể hơn chồng về vai về, nhận thức, bằng cấp… Họ không lấy đó là điều tự hào mà cảm thấy mình “dưới cơ” của vợ. Hỡi ôi, có những trường hợp phải tự nâng mình lên bằng vợ, họ lấy đó làm nỗi niềm “than thân trách phận”! Sự tréo ngoe này không phải không phổ biến trong thế giới đàn ông.

Như đã nói, đời sống lứa đôi luôn có nhiều tình huống xẩy ra. Mà dù tình huống gì đi nữa, tôi nghĩ rằng, trên đời chẳng bao giờ có mẫu người nào là hoàn hảo cả. Sự hoàn hảo chỉ có trong chừng mực nào đó sau khi cả hai đã có những va chạm, thậm chí gay gỗ, cấu xé, làm mình làm mẩy với nhau chán chê. Trong hôn nhân, “thương nhau lắm thì cắn nhau đau” là lẽ thường tình. Mà có như thế cả hai mới có dịp tự hoàn thiện, tự điều chỉnh để phù hợp với nhau. Khi chung sống, không phải thủ tiêu cá tính mà vì cái chung cả hai phải tự “bào mòn” những góc cạnh khác nếu xét thấy không cần thiết.

Hiểu như thế, để khi không hài lòng với tình huống nào đó xẩy ra trong đời thì chúng ta có cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề theo chiều tích cực hơn.

 

L.M.Q

(nguồn: TGPN  30.12.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com