Có những ngày trời Sài Gòn đẹp đẽ đến lạ thường. Xuống phố, khoác thêm chiếc áo, vụt nhớ đến câu thơ tình tứ của Hồ Dzếnh: “Trời không nắng cũng không mưa/ Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung”. Với thời tiết ấy, áo ấm chỉ là cái cớ để nam thanh nữ tú làm duyên, nếu không, làm gì có dịp chưng diện? Thời tiết ấy gợi nhớ đến không gian vào thu của Hà Nội. Run rẩy lá biếc trong gió sớm. Hắt hiu nắng nhạt tê tái chiều. Từ nhiều năm qua, vào những ngày cuối năm, người Sài Gòn hào hứng chờ đón cái rét thơ mộng ấy.
Nhưng, một sáng thức dậy, mọi người bần thần khi chạm vào da thịt cái lạnh đến ngỡ ngàng. Không mơn man, không ve vuốt mà như cắt da cắt thịt. Lại có cả mưa phùn. Theo thông tin của đài khí tượng, do ảnh hưởng của không khí lạnh từ miền Bắc nên nhiệt độ trong vài ngày tới xuống khoảng 19 độ C. Đây là nhiệt độ thấp nhất trong 10 năm qua.
Tội nghiệp cho người nghèo - những người lao động chân tay, kiếm sống tất tả trong cái lạnh. Tôi đã thấy ở những ngả đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn… vẫn những người công nhân đêm đêm quét rác. Chậm rãi. Nhẫn nại. Và vẫn chiếc áo mỏng quen thuộc mỗi ngày. Ông cụ cụt hai chân bán vé số, từ nhiều năm nay ngồi trên xe lăn trên góc đường Trương Định nay co ro trùm thêm cái áo mưa. Nhiều người sử dụng áo mưa như một cách chống lại cái lạnh đang vồ vập tới, che gió lạnh được phần nào hay phần đó. Cuộc mưu sinh đã trở nên khó khăn hơn. Sực nghĩ, những người lâu nay chỗ ngả lưng hằng đêm trong góc chợ, mái hiên đường phố sẽ chống chọi với lạnh ra sao?
Sự đời cũng trái khoáy, bất hạnh của người này đôi khi lại tạo ra niềm vui kẻ khác. Mới đây thôi, khi Sa Pa tuyết trắng xóa như châu Âu, lập tức thiên hạ đổ xô lên đó nhìn, ngắm, chụp ảnh, tận hưởng cái lạnh “ngàn năm có một” vừa hả hê, vừa sung sướng.
Một cậu nhóc viết thư gửi mẹ: “Họ trong những trang phục không thể ấm hơn, cười nói rôm rả, hạnh phúc bất tận khi chứng kiến những bông tuyết vô tình đang phủ trắng lên căn nhà của mẹ; họ chụp ảnh và họ thỏa mãn. Nhưng chừng ấy là chưa đủ đâu mẹ ạ, họ muốn nhiều hơn thế, thậm chí họ muốn tuyết phủ quanh năm trên chuồng bò của mẹ cơ; họ muốn biến ngôi làng của mẹ thành “thiên đường tuyết”, thành nơi mà họ có thể thoải mái đi đến - xem - cười và chụp ảnh”. Với cái lạnh thấu xương đó, người dân nghèo sợ chết khiếp, bởi thời tiết khắc nghiệt đã cướp đi trâu, bò vốn là tài sản quý giá nhất.
Cảm giác lạnh tại Sài Gòn trong những ngày này cũng vậy. Vẫn còn có những người thầm mong lạnh hơn nữa, dài ngày hơn nữa để có thể chưng diện mỗi ngày một bộ áo ấm lộng lẫy. Đi trên đường phố trong những ngày này, tự nhiên buồn buồn. Thời tiết không là “đặc quyền” của riêng ai, thế mà, sự đón nhận lại tréo ngoe, cách biệt. Đêm đêm nghe thấy tiếng rao hột vịt lộn, mì gõ… vốn quen thuộc lâu nay đã khác. Giọng rao nhỏ hơn, hiu hắt hơn, run rẩy hơn trong gió lạnh.
Những phận người cần lao ấy, cần được cộng đồng quan tâm nhiều hơn, dù họ chẳng hề đòi hỏi. Những người mặc áo ấm kia, vui mừng đón nhận sự thay đổi đột ngột của thời tiết chẳng có gì đáng trách. Chỉ sực nhớ, mùa đông năm 1056, rét lắm, vua Lý Thánh Tôn bảo người chung quanh rằng: “Trẫm ở thâm cung, đốt than, mặc hồ cừu mà còn rét khổ đến thế này, nghĩ đến tù nhân ở trong ngục thất, bị gió rét thế nào. Vậy bắt phải cung cấp cho đủ chăn chiếu và đồ ăn uống”. Lòng nhân ấy, không xa lạ với cốt cách của người Sài Gòn, người Việt Nam. Thầm mong trong những ngày lạnh xuống 19 độ C, mọi người cùng có sự sẻ chia cho nhau, quan tâm đến nhau hơn.
L.M.Q
(nguồn: PN 30.12.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|