Nhà văn Tô Hoài có truyện ngắn Vợ chồng trẻ con cực hay, hoàn toàn không phải hư cấu mà từ một sự việc do ông chứng kiến. Có điều, thuở ấy, lũ nhóc đến với nhau rồi mới làm “chuyện vợ chồng”; còn thời buổi này thì ngược lại. Và cũng có khi “hết xôi rồi việc” chúng nó lại “cao chạy xa bay” chứ chẳng phải gánh một trách nhiệm gì cả. Ở Ninh Thuận vừa có cô bé 12 tuổi sinh đứa con trai nặng 3,6 ký. Cô bé này nói rằng, mình có bầu là do bị một thanh niên dụ dỗ, cưỡng hiếp. Tay đó hiện "bặt vô âm tín", công an đang tìm nhưng chưa thấy.
Chuyện "yêu" sớm của bạn trẻ bây giờ quả phức tạp hơn trước nhiều lắm.
Tại sao như thế? Câu hỏi thật khó trả lời.
Theo tôi, có thể do ảnh hưởng từ các phương tiện truyền thông quá sức hiện đại của thời đại computer. Chỉ cần một cú nhấp chuột hay một động tác chạm / trượt trên smartphone, IPad... là đã có thể mở ra mắt lũ trẻ tất tần tần chuyện mà chúng luôn tò mò ngay lúc sắp dậy thì.Chú nhóc nuốt nước bọt ừng ực và những muốn tự mình “trải nghiệm” xem sao. Thì kia, cô bạn gái đang tuổi ăn chưa no lo chưa tới còn mơn mởn kia. Thế là “anh” và “chị” xông trận xáp lá cà và không cần phải biết những hệ lụy gì sẽ ùn ùn kéo đến.Vậy phải năng ngừa làm sao? Với tình hình hiện nay, có vẻ không cách nào ngăn lũ trẻ tiếp cận với những "chuyện người lớn". Gay go thật. Thế phải đưa môn giáo dục giới tính vào học đường chăng? Xin thưa, bắt đầu từ lớp mấy là phù hợp và biên soạn như thế nào, chứ không khéo mô tả chuyện khiêu dâm thì hỏng bét.
Tôi chợt nhớ đến ý kiến của Bác sĩ Nguyễn Thu Phương - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội): “Hiện nay học sinh phát triển tâm sinh lý khá sớm. Có em lớp 6, lớp 7 đã dậy thì. Nếu đến lớp 9 mà các em mới được học những kiến thức về tâm sinh lý qua một số tiết sinh học thì e rằng hơi muộn. Ngay từ đầu cấp THCS các em nên được tìm hiểu, làm quen với những thông tin, kỹ năng cơ bản xung quanh vấn đề giới tính. Như vậy sẽ giúp các em có được sự định hướng cần thiết khi bước vào cuộc sống”.
Điều này cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Điều quan trọng nữa, theo tôi, vẫn là sự giáo dục cho các em thay đổi quan niệm sống. Một dố em từng "quan hệ" sớm “bật mí” rằng, làm “chuyện ấy” mới thể hiện bản lĩnh và sự sành điệu! Nghe phát hoảng! Các em nhầm lẫn cho rằng, cũng đó chính là kỹ năng sống (!?). Nói thật, trong sinh hoạt cộng đồng của chúng ta hiện nay còn ít dạy về kỹ năng sống mà chỉ mới dừng lại ở giáo dục lý tưởng chung chung. Điều này không sai nhưng thiếu - thiếu trầm trọng về kỹ năng sống - thiếu trầm trọng khiến cho trẻ gần như mất phương hướng.
Ai sẽ là người tâm tình với chúng rằng: Sống có bản lĩnh và sành điệu không phải là đua đòi xài cái giỏ, cái áo, chiếc xe, lọ nước hoa… thuộc hàng hiệu, thời thượng mà chính là thái độ và cách giải quyết khi tiếp cận những tình huống bất ngờ xẩy trong đời sống? Cha mẹ, anh chị, đoàn thể, sách vở… chứ còn ai vào đây nữa. Giáo dục cho các em biết hậu quả, tai hại của sự chung chạ sớm, lén lút, cưỡng đoạt… là xấu nhưng tôi nghĩ, một điều không kém phần quan trọng là phải đánh thức phần hướng thiện, sự thiêng liêng của việc “yêu” để chúng có thái độ ứng xử phù hợp.
Có như thế, tự lũ nhóc sẽ có cách để giải quyết vấn đến này, theo cách của chúng. Người lớn chỉ đứng ngoài và hỗ trợ thông tin, định hướng. Nói thật, giải quyết vấn đề oái oăm này không thể chỉ từ mệnh lệnh và cấm đoán. Những từ ngữ “hành chánh” ấy hoàn toàn không phù hợp, đã thế, có khi còn ép phê ngược.
Nói cách khác chúng ta phải giúp chúng nâng cao giá trị thẩm mỹ của ý nghĩa “tình yêu”, “trao thân” thiêng liêng như thế nào trong đời người - để từ đó, những đứa trẻ có suy nghĩ chín chắn hơn khi đối mặt với cám dỗ, sự thôi thúc, ham muốn mang tính bản năng.
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí TGPN 13.5.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|