THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút Lê Minh Quốc: TÌNH DỤC LỨA ĐÔI KHÔNG CẦN "YẾU TỐ VĂN HÓA"?

Lê Minh Quốc: TÌNH DỤC LỨA ĐÔI KHÔNG CẦN "YẾU TỐ VĂN HÓA"?

 

Trước năm 1975, trong giới văn nghệ sĩ miền Nam có hai “...quái kiệt giang hồ” thường nghiên cứu về triết học là Bùi Giáng và Phạm Công Thiện. Điểm chung của họ là đều rất mê Truyện Kiều. Mê đắm đuối, có khi nỗi mê ấy còn cao hơn cả Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh là những muốn “xây nhà vàng cho Kiều” đặng ngày ngày chiêm ngưỡng nhan sắc; và cha đẻ của nàng: “là một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất của nhân loại: Nguyễn Du, Hoelderlin và Walt Whitman” (Phạm Công Thiện). Ấy thế, khi nàng Kiều vừa bước vào cuộc nhân sinh với mọi hỷ, nộ, ái, ố rất Đời và cũng rất Người, lập tức các nhà Nho đạo đức ngời ngời đã nhăn mặt nhíu mày và vội vàng lên tiếng:

 

tinh-ducR

 

Đàn ông chớ kể Phan Trần

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều

Tại cớ làm sao vô lý đến thế? Quả không thể hiểu nỗi cho quan niệm của người xưa. Có nhiều cách lý giải. Theo tôi, có lẽ không cần phải dông dài xa xôi về những chuẩn mực đạo đức, luân lý… mà phải nhìn rõ vào sự việc: Cái sự “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” của Kiều đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo sợ con gái rượu của mình cũng nhiễm cái thói trăng hoa ấy. Bởi thói ấy của Kiều đã được Tú Bà “đào tạo” bài bản: “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”. Tôi đố ai có thể tìm được trong các tập sách chú giải Truyện Kiều của các cụ Trương Vĩnh Ký, Đào Duy Anh, Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Quảng Tuân… giải thích cụ thể, rành mạch những “chữ” những “nghề” ấy. Nói tóm lại một câu, khi người đàn bà quá sành sỏi chuyện chăn gối, lập tức, trong quan niệm của nhà Nho đã có cái nhìn rẻ rúng, miệt thị. Ngày cả một danh nhân lẫy lừng thuở ấy, xứng mặt được hậu sinh ca ngợi “dân chơi sợ gì mưa rơi” nhưng cụ cũng hạ bút đánh giá nặng nề: “Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm”.

Ta thử đặt câu hỏi một cách nghiêm túc: Dâm có cần thiết trong sinh hoạt tình dục của lứa đôi không?

Một chị bạn thân của tôi đã định cư ở Pháp, khi gặp lại, tôi hỏi cuộc sống ở xứ người có gì vui? Chị suy nghĩ giây lát và bảo: “Ngày từng ngày y hệt như nhau đến phát khiếp. Buổi sáng, đúng giờ đó, không sai một giây ông chồng phóng xe đi làm; buồi chiều cũng y chang thời gian của mọi ngày, chồng lù lù bước vào nhà. Và mọi sinh hoạt trên giường, từ ngày này qua ngày nọ cũng lặp đi, lặp lại như thế”. Chị thở dài: “Tôi ước gì có ngày náo đó, ông chồng tôi “hư hỏng” một chút xem sao. Sống chung với cái đồng hồ, một người máy thì ai chịu nổi?”. Thế nào là “hư hỏng”? Nghe tôi hỏi thế, chị chỉ nheo mắt cười…

Thì ra, không ai có thể chịu đụng được mọi mọi thói quen, sự rập khuôn của người khác, kể cả người bạn tình.

Chuyện chăn gối cũng vậy thôi. Anh bạn tôi - nhà báo đã bật mí rằng: Sau mỗi lần đi công tác dài ngày, quay về mái ấm với vợ con, việc đầu tiên của y là… than ốm sốt, ôm ngực ho sù sụ và đêm đó mè nheo đòi ngủ riêng! Chẳng phải do đã “trăng hoa” đâu đó “ngoài luồng” mà chính y sợ “bổn cũ lặp lại”, sợ sự đơn điệu và tẻ nhạt của vợ mà y đã “thuộc nằm lòng”.

Người đàn bà hết hấp dẫn là khi họ không đủ sức khiến cho người đàn ông nao nức và khám phá. Đàn ông như đứa trẻ con lớn xác. Họ luôn thích những gì mới lạ bởi trong tâm hồn họ đã có cá tính của sự phiêu lưu đặng tìm cảm giác mới. Đó là cảm giác của người đi săn. Nghệ thuật đi săn hấp dẫn ở chỗ không biết lúc nào sẽ “chinh phục” được con mồi, dù mình đã chuẩn bị chu đáo tất tần tật mọi thứ. Cái không biết trước là cái luôn hấp dẫn. Với họ, chẳng còn gì thú vị nữa dẫu lúc đang thèm, thèm đến tê dại từng vùng cảm giác, từng tế bào nhậy cảm nhất nhưng họ lại biết tỏng hương vị ngọt, nhạt của món ăn ấy. Ăn như thế nào, động tác ra sao, thời gian kết thúc cũng đã biết, chẳng còn gì bí mật nữa thì liệu có còn ngon nữa không?

Dứt khoát là không.

Đừng trách người đàn ông cái thói “một của lạ bằng tạ đường phèn”. Tôi nghĩ, người đàn bà hãy soi rọi vào bản thân mình. Nếu khi đến với Kiều, những động tác chăn gối của nàng dành cho Thúc Sinh cũng tẻ nhạt, đơn điệu, lặp đi lặp lại đến sáo mòn, tôi dám quả quyết đừng hòng Thúc Sinh còn thèm léng phéng đến nữa. Ấy vậy mà chàng ta vẫn bất chấp lao tới như thiêu thân vào lửa - cho dù Hoạn Thư là người đàn bà ghê gớm, đủ bản lĩnh giữ chồng mà Thúc Sinh và Kiều phải sợ một phép!

Đừng phải đạo đức gì về cái chuyện “tế nhị” này. Người ta thường nói, để quên mối tình này, hãy bắt đầu bằng mối tình khác. Như thế vẫn chưa đủ. Tình mới ấy, trong khi trao thân cho nhau phải “mới hơn”, phải “khác hơn” tình cũ. Có như thế người đàn ông (hoặc người đàn bà) mới có thể khép lại hương tình nồng nàn của dĩ vãng, của quá khứ xa vời mộng mị...

Nói cách khác, chính nghệ thuật chăn gối của người này sẽ khiến ta quên béng đi người kia. Trong lãnh vực này, về giới tính không có gì khác. Nam cũng như nữ và ngược lại.

Ông bạn quý của tôi là bác sĩ Trần Bồng Sơn, đã về cõi trên, là chuyên gia số một của “thắc mắc biết hỏi ai”, có lần nói với tôi rằng: “Ở người đàn ông không hề có chuyện “trục trặc”, vấn đề đặt ra là với “đối tác” nào. Với bà xã; có thể mình luôn nốc ao thảm hại; nhưng với cô khác cỡ “Con Bảy đưa đò” - nhân vật của nhà văn Sơn Nam - thì mình lại là võ sĩ hạng ruồi”. Ngẫm lại, tôi thấy đúng. Qua một cuộc “thăm dò” trong đám bạn đạo mạo, đạo đức sáng ngời và luôn gương mẫu với vợ con thì câu trả lời chung vẫn đồng thuận với ý kiến mà tôi vừa nêu ra.

Nghĩ cho cùng, chăn gối là chuyện của hai người. Ở đây không hề bị chi phối bởi bất cứ điều gì, kể cả yếu tố văn hóa. Khoan cãi đã, hãy nghĩ lại đi: “Tình dục” là chuyện riêng tư và tự họ quy định lấy. Đúng không? Vì thế, không một ai có thể nhân danh bất kỳ điều gì để khuyên họ phải thế này, phải thế kia mới là có “văn hóa”. Mọi sự rao giảng, định hướng trong lãnh vực tình dục riêng tư của hai người chỉ là sự lẩm cẩm, vớ vẩn.

Hơn ai hết, khi “quan hệ”, họ biết đâu là giới hạn giữa họ và “đối tác”. Họ biết mình phải làm gì để đem lại hoan lạc cho người kia (mà thật ra là cho chính họ). Nếu cả hai đồng thuận, họ thực hiện, chứ không phải e ngại bởi rào cản quan niệm chung về “văn hóa” của đám đông, sách vở, thói quen… Họ hoàn toàn có quyền sáng tạo theo ý thích và nhu cầu bản băng của họ.

Có sáng tạo, mới có thể giữ được nhau. Suy nghĩ như thế, người đàn ông (hoặc đàn bà) mới có thể hào hứng chấp nhận một trải nghiệm mới mẻ khi nhận được lời đề nghị mà không sợ bị người kia đánh giá “vô văn hóa”.

Không ít người đã cụt hứng, tiu ngỉu như mèo bị cắt tai bởi vừa ấp úng, náo nức “làm mới” đã nghe “phán” một câu xanh rờn: “Nè, tôi có ăn có học chứ không phải như hạng ba lăng nhăng cha căng chú kiết mà mở mồm đề nghị thế này, thế kia nhá”. Khác nào một gáo nước lạnh tạt vào mặt. Cách phản ứng tốt nhất là úp mặt vào tường ấm ức mà đánh một giấc cho xong “cái sự đời”!

Trong khi đó, nếu (tôi nhấn mạnh chữ “nếu”) họ gặp một người khác đồng tình với lời đề nghị ấy, chuyện gì sẽ xẩy ra lâu dài?

Đọc sách báo, ta thấy buồn cười vì không thể lý giải nổi vì sao anh chàng kia, giai mới lớn, đường hoạn lộ còn hanh thông lại đâm đầu vào “con mẹ” góa chồng những ba con và đang thất nghiệp? Tại sao, bà nữ doanh nhân kia lên xe xuống ngựa, tiền hô hậu ủng lại có thể “đánh đu” với gã tài xế “cùi bắp”? v.v… và v.v…

Ai ai cũng biết, đời sống vợ chồng ngoài tình dục còn là tình nghĩa và còn nhiều điều đáng quan tâm khác nữa. Quan hệ lứa đôi của cái thuở “Anh đã đón tình em bay phất phới/ Như hương trăng đằm thắm cõi không gian” (Hàn Mặc Tử) cũng vậy thôi. Nhưng than ôi, nếu không “làm mới” từng ngày trong quan hệ chăn gối, không nâng cao “chuyên môn” và “nghiệp vụ” thì e rằng một khi đã nhàm chán nhau, khó ai có thể nói trước một điều gì.

Nhà văn lừng danh người Anh Somerset Maugham đã nói một câu lý thú: “Bi kịch của tình yêu không phải xa nhau mà chính lúc gặp nhau, họ lại không còn nhìn vào mắt nhau”. Cô bạn định cư ở Pháp của tôi gật gù bảo: “Mọi thứ, mọi việc, ngày này qua ngày nọ lặp lại y chang nhau và đã “thuộc nằm lòng” há việc gì phải háo hức mở mắt ra hăm hở, tò mò, khám phá nữa. Một khi quan hệ chăn gối chỉ là nghĩa vụ, “xong xôi rồi việc” thì đúng là bi kịch của nhau, phải không anh?”. Nghe thế, tôi chỉ ngoan ngoãn vả lễ phép bảo rằng: “Vâng, ạ!”.

 

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Duyên dáng Việt Nam 5/ 2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com