Đám cưới (trích từ Monographie dessinée de l'Indochine: Cochinchine NXB Paul Geuthner xuất bản tại Paris năm 1935. Tư liệu Thư viện Quốc gia TP.HCM. Ảnh chỉ mang tính minh họa)
“Xin quý vị quan khách hai họ ổn định chỗ ngồi để lễ thành hôn của đôi uyên ương Rổn Rảng và Rền Vang được bắt đầu. Xin thông báo, nhà hàng Quắc Cần Câu vừa được đăng trên trang quảng cáo báo Mầm Non, trong đó có đoạn như sau:
Thêm một lý do để đến nhà hàng Quắc Cần Câu. Bạn đã đến Quắc Cần Câu để nhậu? Dĩ nhiên, nhưng chưa đủ. Bạn đã đến Quắc Cần Câu để mừng sinh nhật? Dĩ nhiên, nhưng chưa đủ. Bạn đã đến Quắc Cần Câu để vui vầy cùng gia đình? Dĩ nhiên, nhưng chưa đủ. Bạn hãy đến Quắc Cần Câu để đón nhận hạnh phúc!
Bằng chứng là cách đây một tháng tình cờ đôi bạn Rổn Rảng và Rền Vang đã đến nhà hàng Quắc Cần Câu. Họ đã gặp nhau, không thèm nhìn nhau, đã cãi nhau và suýt đánh nhau nhưng cuối cùng họ lại yêu nhau. Tại sao? Vì khung cảnh tại nhà hàng Quắc Cần Câu quá ư trữ tình, giá cả hợp lý nên họ đã quyết định giải hòa cùng nhau và… chung sống bên nhau mãi mãi. Vì thế, bạn hay đến nhà Quắc Cần Câu? Hãy đến để đón nhận hạnh phúc như đôi chim uyên đẹp nhất đêm nhất! Xin cho một tràng pháo tay!”.
Cho đến nay lời “mào đầu” của một MC trong đám cưới diễn ra tại Khu Du lịch Văn Thánh vẫn được giới sành ăn đám cưới “duyệt” có duyên nhất (!?). Vì MC này đã tranh thủ trong giờ phút “thiêng liêng” và “trọng đại” nhất để “tiếp thị” cho nhà hàng Quắc Cần Câu của bố cô dâu ở tận… ngoài Quảng Nam xa tít!
Có thể nói không ngoa, ngày nay đám cưới đã “hiện đại” lên rất nhiều. Không đơn thuần chỉ là nơi ta đến bỏ bìa thư, tặng quà, ngồi ăn rồi... về - mà nó đã trở thành một “công nghệ” không kém phần hoành tráng vì có “kịch bản” hẳn hòi, chứ không còn ngẫu hứng! Theo kịch bản, nếu “tiết mục văn nghệ” diễn ra trước lúc khai tiệc càng nhiều thì càng tốt! Có như thế, quan khách mới có đủ nhẫn nại ngồi lại và quên luôn cơn đói vì “giờ dây thun” kéo ra quá dài.
Có lẽ nhà hàng SĐ là nơi trước nhất có sáng kiến “truyền hình trực tiếp” cảnh cô dâu e lệ cầm tay chú rể từ ngoài sân bước lên sân khấu! Thậm chí cả quan khách cũng được chiếu cái bổn mặt lên màn hình cho bàn dân thiên hạ ngắm nghía. Nay sáng kiến đó đã được cải tiến bộ phần. Mới đây, tại một đám cưới nọ, trong khi chờ đợi quan khách được xem những video clip trích những đoạn hôn nhau rất “oách”. Những thước phim trích đoạn từ Cuốn theo chiều gió, Vĩnh biệt tình em... được chiếu lên chiếu trên màn hình lớn trong tiếng nhạc Love story dịu dàng êm ái! Thôi thì thế cũng ổn, nhưng nào ngờ chàng MC có lẽ do hào hứng nên buộc cô dâu và chú rể cũng biểu diễn cách hôn nhau như trong phim (!?). Thiên hạ được dịp vỗ tay ầm ĩ, khiến “khổ chủ” cười như méo!
Đến nay, nhiều người vẫn chưa quên đám cưới của con trai nhà thơ trào phúng Cung Văn. Bấy giờ thiên hạ đang “nóng” với World cup nên ngay trong tiệc cưới là một màn hình cỡ lớn, to bự chảng! Chỉ sau vài nghi lễ quan trọng là… phát sóng truyền hình trực tiếp bóng đá! Thiên hạ tha hồ ăn nhậu và bàn tán ầm ĩ như đang ngồi trước sân vận động! Vui ra phết!
Lại có đám cưới diễn ra cứ như đang làm trò ảo thuật. Sau khi quý bà, quý ông, nam, phụ, lão, ấu, đã an tọa, bỗng từ trên trần nhà tòng teng một cái thùng gỗ cao chừng 2 thước, có ổ khóa đàng hoàng và thả nhẹ nhàng xuống giữa sân khấu! Trong lúc ai nấy ngơ ngác chưa hiểu mộ tê ất giáp gì, MC mời ông già vợ lụ khụ chống gậy lên và mở ổ khóa! Cánh cửa bật ra. Ồ! Cô dâu và chú cười tươi roi rói bước ra cúi chào quan khách hai họ!
Đám cưới của doanh nhân nọ lại “ấn tượng” theo kiểu khác. Quyết chí phải có tên trong bảng phong thần của Kỷ lục Việt Nam nên chú rể chơi sộp mua khoảng 10 tấn hoa các loại. Số hoa này được kết đài hoa hình trái tim và ở giữa nổi bật dòng chữ đỏ thắm “Không bao giờ ân tình lại vỡ đôi”. Chưa hết, nhạc sĩ nọ còn sáng tác riêng ca khúc Vó ngựa chung tình theo “đơn đặt hàng” của chú rể dành tặng riêng cho cô dâu! Như thế cũng được, nhưng trong suốt tiệc nhậu,quan khách phải… tập hát nhão nhừ ca khúc này do MC lãnh xướng!
Tôi vẫn còn ấn tượng với đám cưới của con trai nhạc sĩ B bởi xuyên suốt chương trình là chú rể… trình diễn ảo thuật! Hỏi ra mới biết, do đang theo học nghề này nên chú rể muốn tranh thủ ngày vui của mình đặng trau giồi thêm kinh nghiệm!
Nhiều người vẫn chưa quên đám cưới của ông chủ một hãng xe hơi ở Q.1, khi quan khách ra về đều được nhận một món quà to đùng, đặt trong túi giấy có kết nơ rất sang trọng gọi là “kỷ niệm ngày vui của hai cháu”. Ai nấy lúc nhận quà cũng rạng rỡ mặt mày. Còn gì vui hơn khi “được ăn, được nói, được gói đem về”? Về đề nhà, hồi hộp, cẩn thận mở ra thì hỡi ôi! Chỉ là áo thun ba lỗ, áo đi mưa và nón bảo hiểm có in chình ình logo, địa chỉ của hãng xe hơi mà bố của chú rể đang kinh doanh!
Tục ngữ Việt Nam có câu “Không chê đám cưới, không cười đám ma”. Hình thức tổ chức đám cưới càng phong phú, càng đa dạng thì người tham dự càng thú vị chứ sao? Thiết tưởng, nếu có những công ty chuyên “sản xuất” những kịch bản đám cưới - dành cho mọi đối tượng - có lẽ sẽ hốt bạc chăng? Sáng kiến này, tôi xin biếu không cho doanh nhân Đại Văn Mỗ hoặc Điệp viên Không Không Thấy có thể đăng ký độc quyền.
L.M.Q
(nguồn: Tuổi trẻ cười số 1.10.2012)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|