Tôi nhận tập bút ký Xứ sở Chùa Vàng của Phạm Quốc Toàn hôm khai trương đường bay thẳng Cần Thơ - Bangkok. “Một cái cầu nối liền hai nước láng giềng có quan hệ lâu đời” - báo chí bình luận. Cuốn sách của nhà báo Phạm Quốc Toàn là một cây cầu nữa, cầu văn hóa sâu đậm tình người, góp phần gắn kết người dân hai nước.
Hằng năm có khoảng hai triệu người Việt Nam sang Thái Lan. Đi công việc, du ngoạn, nghỉ ngơi, mua sắm,… Vương quốc Thái ngày nay quen thuộc với nhiều người Việt, cũng như Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha không lạ trước mắt triệu triệu người Thái. Tuy nhiên, có thể quả quyết không nhiều lắm những người Việt Nam am tường con người, cuộc sống, cảnh quan đất nước Chùa Vàng như Phạm Quốc Toàn, người lui tới rất nhiều lần quốc gia ấy trong hơn một phần tư thế kỷ qua.
Tập du ký, mà người viết khiêm tốn gọi là ghi chép, là tác phẩm của một nhà báo với phong cách truyền thông hiện đại, bài bản, kịp thời, có khi chi tiếtđến bất ngờ. Tác giả giới thiệu Xứ sở Chùa Vàng khởi đầu từ nơi xa nhất, vào thời điểm gần nhất. Lần trước “phải khởi hành sớm vì đường xa và tránh kẹt xe ở nội thành”. Đoàn nhà báo Việt Nam theo ông bạn đồng nghiệp nước chủ nhà hiếu khách "khệ nệ mang lên xe một bọc to tướng đồ ăn thức uống đặc trưng Thái”, và thế là đoàn xe rời thủ đô Bangkok bon bon trực chỉ Kanchananaburi, tiếng Thái có nghĩa Thành phố Vàng, ở tận vùng biên giới tiếp giáp nước Myanmar. Một vùng đất xa, diện tích rộng, cư dân không đông, mà có đến ngàn ngôi chùa lớn nhỏ, xưa vốn nghèo vì hẻo lánh. Vậy mà mau chóng chuyển mình, nay lỵ sở là một thành phố hiện đại đầy đủ tiện nghi, và tỉnh Vàng hằng năm thu hút tới năm triệu khách du người tứ xứ.
Lần này, cách đây vừa hai tháng, dưới cái nắng tháng tư như đổ lửa, tác giả lại đến Kanchanaburi cùng bạn bè “ăn Tết” Songkran, Tết của người Thái tính theo Phật lịch, cùng thời điểm với Tết BunPimay ở nước bạn Lào. Sau khi tham dự các nghi thức truyền thống, tác giả tới Công viên Siam viếng khu di tích trưng bày tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang làm việc dưới ánh sáng cây đèn tọa đăng quen thuộc với các thế hệ cao niên nhưng là vật lạ đối với các bạn trẻ ngày nay. Nhà cách mạng Thầu Chín, bí danh Bác Hồ thời hoạt động trên đất Thái, đã để lại dấu chân của mình ít nhất tại chín địa phương, là những nơi nay có di tích tưởng niệm Người.
Cứ theo cung cách ấy, nhà báo tỉ mẩn dẫn dắt người đọc cùng anh thăm thú nhiều nơi, trò chuyện với nhiều người, từ bậc lãnh đạo đến người dân thường, tiếp nhận một khối lượng thông tin đồ sộ qua lời văn và hình ảnh sống động, cụ thể, cập nhật - như thể tác giả ngầm thưa với bạn đọc: mọi câu chuyện này đều là cuộc sống thực, là thực tế trăm phần trăm, tuyệt nhiên không có suy diễn hay bình tán, ngoại trừ vài ngẫm ngợi do “tức cảnh sinh tình”. Người viết đôi điều cảm nhận này về cuốn sách cũng có đôi ba lần đến đất nước Thái, từng gặp dịp vui cùng các đại biểu quốc tế yết kiến Quốc vương Bunminhol, xem cảnh voi trắng trình diễn trong ngày lễ hội quốc gia…, thú thật chúng tôi vô cùng thú vị khi nhìn tấm ảnh chụp cảnh chăm sóc voi tại Trung tâm bảo tồn Voi quốc gia tỉnh Lampang. Một đàn voi ngâm mình trong hồ nước, trên lưng mỗi “thớt tượng” là một “ông nài” - theo cách nói dân dã miền Trung ta - đầu đội mũ lá, chân xắn cao ống quần, chăm chút kỳ cọ tắm rửa cho voi, bên cạnh những lời tác giả thủ thỉ kể về cung cách người Thái chăm sóc sức khỏe voi, nhất là những lúc voi bị bệnh, bị thương, biếng ăn, cảm lạnh…
Sau khi cùng các bạn Việt và Thái lang thang nhiều nơi trên Xứ sở Chùa Vàng, qua các “thiên đường du lịch” ở phía Nam, thăm hỏi kiều bào, "những người Thái gốc Việt" thế hệ thứ tư, thứ năm mà luôn nghĩ về nguồn cội, cuối cùng tác giả giới thiệu người bạn cố tri, anh gọi là “Người kết nối quan hệ báo chí” (Việt Nam và Thái Lan): Nhà báo Bandhit Rajavatanadhanin, nguyên Tổng biên tập báo Bangkok Post, hiện là Chủ tịch danh dự - Cố vấn cao cấp Liên đoàn Báo chí Thái Lan, Chủ tịch danh dự Liên đoàn Báo chí các nước ASEAN. Tác giả viết, "đây là bó hoa tươi thắm mến tặng người đồng nghiệp thân thiết”, và đấy cũng là chương kết thúc tập bút ký phong phú mà nhẹ nhàng. Rốt cuộc cái quý nhất trên đời là tình người, tình bạn bè, đồng nghiệp.
P.Q
Cùng một chủ đề
PHAN QUANG đọc tập sách TÔI NÓI BẰNG MỒM TÔI của nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN
Tập sách TÔI NÓI BẰNG MỒM TÔIcủa nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN
PHAN QUANG đọc tập sách ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG của nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN
Phó GS-TS NGUYỄN THỊ TRƯỜNG GIANG: Nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN và XỨ SỞ CHÙA VÀNG
PHẠM QUỐC TOÀN: Nhớ anh LÂM QUỐC TRUNG
< Lùi | Tiếp theo > |
---|