Những năm cuối đời, tay run không viết được, thơ YẾN LAN đến với độc giả qua đôi tay già nua của vợ - bà Nguyễn Thị Lan.
Năm 18 tuổi, học xong bậc trung học, ba tôi - nhà thơ Yến Lan kiếm sống bằng nghề dạy tư tại chùa Ông. Tối đến, ông làm thơ. Thơ ông đăng trên các báo: Phụ Nữ, Tiểu Thuyết Thứ năm… Có lẽ ông sinh ra là để làm thi sĩ. Bởi từ những bài thơ đầu, đăng trên báo, người đọc gọi ông bằng cái danh từ dễ thương - thi sĩ Xuân Khai. Cái từ “thi sĩ” đã gieo vào lòng ông nỗi háo hức tiến sâu vào thế giới của văn chương là vậy! Bởi, nơi này ông có thể giải bày tâm tư, tình cảm và chia sẻ buồn vui của mình với thế giới bên ngoài.
Khởi đầu của nghiệp làm thơ, ông kể:
“Năm 1937 chúng tôi “Yến Lan và Chế Lan Viên” đã ra được một tạp chí viết đẹp, khổ lớn, lấy tên “Tiếng Địch”; anh Phạm Huy Thông ở bên Pháp có viết thư về khen. Bọn tôi in “Tiếng Địch” ở Sài Gòn nhưng tòa soạn lại đặt ở thị trấn Bình Định. Tôi là người chủ yếu lo bài vở in ấn, nhưng Tiếng Địch chỉ ra được 1 số. Lúc đang chuẩn bị cho ra số 2, kẹt về tài chính nên dừng lại. Tôi nhớ số đầu có in thơ của Nguyễn Xuân Sanh, Xuân Diệu, và dường như có cả Huy Cận nữa”.
Một tư liệu khác cho biết: “Ít lâu sau chia tay “Tiếng Địch”, Yến Lan cùng Phạm Huy Thông, Xuân Diệu, Chế Lan Viên xuất bản tờ “Lính Thủy”. Ông đã gửi tờ báo này cho Tổng trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ, là Phạm Quỳnh như là để trình vào làng báo biết rằng tại Thành Đồ Bàn (Bình Định) cũng có các văn sĩ đầy tài hoa không kém các văn sĩ ở các đô thị lớn.
Những tác phẩm đầu đời của Yến Lan:
- Giếng Loạn - Tràn Bờ (25-28 bài thơ)
- 2 tập Kết Giao (45 bài thơ)
- Đọng Biếc (30 bài thơ)
- Bóng giai nhân - năm 1941 (kịch thơ)
- Gái Trữ La (kịch thơ)
- Bánh xe luân hồi (kịch thơ) chưa xuất bản, đã bị thất lạc khi gửi lại cho bạn để đi tập kết.
- Tập thơ Bến My Lăng (20 bài). Tập thơ chưa được in mà đã nổi tiếng bởi lời giới thiệu của nhà thơ Chế Lan Viên - năm 1939:
Lời giới thiệu của CHẾ LÀN VIÊN về "Bến My Lăng” -tập thơ đầu của YẾN LAN
Trong ngôi chùa ấy. Có những hoa cúc để thu đến, nở vàng. Và những hoa lan để xuân về, đơm ngọc. Và một cổ thụ, mỗi lúc đông sang, lại tờ tờ gieo lá xuống đường, thư xanh lẫn với thư vàng, vàng xanh cũng phiêu lưu trong suối gió. Và nhà thơ trong chùa ấy. Bình tĩnh như là hoa bình tĩnh rụng, gửi vào đời những lời thơ nhỏ như chiếc lá, những giấc mộng, lớn không qua nổi cánh hoa, thơm ngát như hoa, và xinh xinh như lá.
Một tiếng cười lạc trong buổi sớm, một tiếng võng đưa trong một buổi chiều, vài giọt mưa đọng trên giây thép, đôi nét như mộc mạc đọc trên bến cát mờ…ấy đấy, nghĩa lý gì đâu, bao nhiêu bức tranh rời rạc đó.
Nhưng vào đây chúng bỗng nhiên mang một nỗi buồn gì êm dịu, một sự tưởng nhớ gì nhẹ nhàng, một thứ ánh sáng gì im mát. Ở đây, không nhìn thấy góc cạnh của cuộc đời, cũng không có khói sương của xứ mộng, và người muốn tìm hãi hùng trong địa phủ sợ e “mắc cạn giữa vườn hoa. Đây là, nói làm sao bây giờ - sự thực thu nhỏ lại, vô cùng nhỏ lại, cho đến mức người ta có thể lẫn nó với Mơ Màng. Cũng ở đây, người ta thấy sự giản dị của những câu ca dao, vẻ hiền hòa bao khúc hát cổ, một cái gì thân mật, tuy rằng mới lạ với chúng ta, như mặt trăng đã có tự muôn đời, hôm nay vẫn còn gây thơ mộng. Một cái gì ửng sáng ở Phương Đông.
Hình như mặt trời sắp mọc. Không hình dung như mặt trăng thì đúng hơn”.
Ngoài thơ, ông còn có các truyện ngắn như: Truyện cổ: Giếng loạn Lư Khê, Gốc khế bên đường, Chó củi, Tiếng gọi xe ban đêm, Mẹ ơi, chim bồ câu của ai, Ông lão bán cò, Chiếc áo rách, Nhớ trường.. và rải rác những cảo luận trên các tạp chí khác. Những sáng tác của ông giai đoan 1930-1945, hầu như bị thất lạc, chỉ còn lại “Bóng giai nhân, Gái Trữ La”.
Ba tôi kể về thời làm thầy giáo của mình: “Khoảng năm 17-18 tuổi; lúc đó, tôi dạy tư ở nhà. Học trò lóc nhóc đủ hạng. Hàng tháng học phí mỗi đứa dăm sáu hào. Nhưng thu tiền rất khó và phiền phức, nhiều đứa nghèo quá tới học không. Nhà có mảnh vườn nhưng tôi chẳng biết làm gì, túng thiếu. Thơ tôi đăng đều trên báo Phụ Nữ, Tiểu Thuyết thứ Bảy... Tết đến đọc thơ mình trên báo, chẳng có một xu dính túi, chứ đâu sướng như bây giờ. Các báo hồi đó nghèo quá mà cũng là bạn hữu văn chương cả. Tôi nhớ có lúc anh Minh Vĩ ra tờ báo “Phụ Nữ Hà Nội” tôi và Chế Lan Viên thường xuyên viết giúp. Bút danh của tôi là Xuân Khai, Chế Lan Viên là Kiểm Tịnh Chi.”
Theo nhà thơ Anh Chi: “Vào những năm 1930-1940, trên văn đàn có hai tờ tạp chí: gồm Tiểu thuyết thứ Bảy (TTTB) và Tiểu thuyết thứ Năm (TTTN). Tờ TTTB, xuất bản vào năm 1933. Tờ TTTN xuất bản năm 1937. Mỗi số có 24 trang, kích cỡ 32cm x 24cm (những số đặt biệt lên đến 32 trang). Thời kỳ đầu do ông Lê Tràng Kiều làm chủ bút, Đỗ Phồn là thư ký tòa soạn; các ông Phạm Văn Kỳ (tức Kỳ Pa), Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng và một số cây bút khác như Yến Lan, Vũ Trọng Can, Thanh Tịnh, Quỳnh Giao, Anh Thơ, Mộng Tuyết… là cộng tác đắc lực cho tờ báo. Phần lớn các cộng tác viên gửi báo đăng bài của mình rồi nhận báo biếu để đọc cho vui chứ không ai nghĩ đến nhuận bút. Chỉ có anh em ruột Trúc Đường và Nguyễn Bính, người Nam Định được tòa soạn cấp cho mỗi người, hàng tháng 5đ Đông Dương để sống và viết cho báo. Còn khá giả như Đàm Quang Thiện, anh em Phạm Huy Thông, Phạm Huy Thái - con chủ hiệu vàng Chấn Hưng, thì khi nào báo có tiền, nhờ món quảng cáo nào xom tụ thì mời họ đi ăn một bữa là quá lịch sự rồi”.
“Công bằng mà nói đó chính là sự đóng góp có ý nghĩa của các nhà văn, nhà thơ cho cuộc sống đương thời, khẳng định khả năng biểu đạt phong phú của ngôn ngữ Việt cũng như khẳng định sự phát triển thề loại văn chương lên một bước mới, nhiều sức chinh phục”.
Sự lựa chọn của ba tôi theo nghiệp văn tức là ông đã chọn cho mình cuộc sống được kết nối giữa người với thiên nhiên, giữa quá khứ và hiện tại. Bởi vì ông rất yêu thiên nhiên, quí trọng con người và sức lao động của họ. Nên thơ ông để lại cho đời thể hiện khả năng nắm bắt hơi thở của cuộc sống xã hội, cảm nhận được nỗi đau của con người...
Cuộc đời làm thi sĩ của ông tuy mất mác nhiều song ông vẫn thấy rất hạnh phúc trong phận sự của mình và vì ông có nhiều bạn tốt. Vì thế Báo Phú Yên đã viết “Nhà thơ Yến Lan - đi xa nên về muộn?”: “Yến Lan đến với Thơ mới rất sớm, không chỉ với một Bến My Lăng bất hủ. Nhưng tập Giếng loạn thất lạc khiến tầm vóc Yến Lan bị thu lại đáng kể. Đời ông và đời thơ từ thuở bắt đầu đến khi kết thúc có quá nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên với nhiều người, Yến Lan vẫn là một bậc thầy trong thơ Việt Nam hiện đại.
* Một bậc thầy trong thơ Việt Nam hiện đại
Trong bản in lần đầu của Thi nhân Việt Nam do nhà Nguyễn Đức Phiên xuất bản năm 1942, hai tác giả Hoài Thanh, Hoài Chân nhận định mấy dòng về thơ Yến Lan như sau: “… Xem thơ Yến Lan tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở. Chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, êm như những dòng sông và nhất là cái vừng trăng vẫn thường ám ảnh các nhà thơ Bình Định. Ngoài ra chịu không biết sau màn mây mù ấy có gì không…”. Thi nhân Việt Nam là tác phẩm kinh điển đúc kết phong trào Thơ mới được nhìn bởi đôi mắt xanh của hai nhà phê bình tầm cỡ nhưng cũng chỉ thấy “cơ hồ ngạt thở”, rõ ràng thơ Yến Lan không phải một sớm một chiều mà hiểu được chân giá trị. Chính vì thế, vị trí Yến Lan cùng Bến My Lăng trong làng Thơ mới cũng rất khiêm nhường.
Nhưng với nhiều người, Yến Lan vẫn là một bậc thầy trong thơ Việt Nam hiện đại. Nhà thơ Chế Lan Viên, một trong những người bạn thân thiết của Yến Lan, đề tựa cho tập Lẵng hoa hồng xuất bản năm 1986, ngoài ghi nhận những thành tựu của bạn, còn chân thành nhìn nhận: “… Làm sao tôi lại không giới thiệu Yến Lan hoặc làm sao giới thiệu Lan lại không phải là tôi nhỉ. Hai chúng tôi lớn lên giữa thành Bình Định, dắt dìu nhau đi những bước đầu trong văn học, đúng hơn là Lan dắt dìu tôi, vì tôi thua Lan 4 tuổi, học dưới Lan 3 lớp, khi Lan đọc cho tôi Gió mùa thu, Lá vàng rụng bay của Tản Đà thì tôi chưa biết Tản Đà là ai… Nhưng Lan đâu có gặp nhiều ngẫu nhiên may mắn như tôi, Lan đã phải đương đầu với nhiều khó khăn ở trong cuộc sống. Năm 1937 tôi mới có Điêu tàn. Nhưng năm 1935, khi nền Thơ mới còn chập chững Lan đã có nhiều tìm tòi táo bạo… Thực ra, Lan xứng đáng nằm trong các loại tuyển chính thống cùng với Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính kia”.
Theo hồi ký của bà Nguyễn Thị Lan, vợ nhà thơ, thì “những tìm tòi táo bạo” chính là tập thơ Giếng loạn mà vì không may đã bị thất lạc. Sinh thời, Yến Lan cho rằng nếu còn tập Giếng loạn thì tầm vóc của ông đã được nhìn nhận khác hơn.
Không chỉ có người cùng thời mới tôn vinh Yến Lan như vậy, thế hệ hậu bối như nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa (em của nhà thơ Trần Nhuận Minh) cũng bái Yến Lan làm sư phụ. Trong một bức thư gửi Yến Lan vào năm 1972, Trần Đăng Khoa viết: “Chú Yến Lan kính mến! Cháu được anh cháu tin cho biết, chú đang chăm sóc tập thơ của cháu. Cháu rất mừng. Cháu xin cảm ơn chú… Cháu rất thích tập thơ Tôi đến tôi yêu của chú, cháu đã ảnh hưởng chú nhiều, không biết chú có để ý không. Cháu muốn gặp chú lắm. Bố mẹ cháu mời chú về nhà cháu chơi… Kính chúc chú nhiều sức khỏe, dạy dỗ và chăm sóc cháu học tốt và tập làm thơ. Cháu Trần Đăng Khoa - Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Dương, 14/11/1972”.
Nhà thơ Trúc Thông, một tác giả cách tân thơ ở Việt Nam hiện nay, nhận xét về thơ tứ tuyệt của Yến Lan đầy cảm phục: “Trong số lưa thưa bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc loại “bố già”. Một “bố già” hiền lành. Không cân quắc, ngang tàng, vang động. Nhưng vẫn đầy cốt cách trong cung cách âm thầm…”. Tôn vinh Yến Lan như một bậc thầy trong thơ ca thì nhiều lắm, trong khuôn khổ một bài báo khó nói ra hết.
*Đi xa nên về muộn...
Đến với Thơ mới rất sớm, không chỉ một Bến My Lăng bất hủ, nhưng tập Giếng loạn có trước cả Điêu tàn lừng lẫy của người bạn cùng quê Chế Lan Viên lại thất lạc khiến tầm vóc Yến Lan bị thu lại đáng kể.
Ngay trong những ngày tháng 8/1945, Yến Lan là người sớm nhất trong lứa bạn cùng thời làm thơ phục vụ cách mạng tại địa phương. Ông đã viết Bình Định 1945, Bình Định 1947 cùng nhiều ca dao, hò vè cổ động nhân dân đứng lên chống ngoại xâm. Trong khoảng thời gian tham gia kháng chiến, ông cùng với khoảng 16 nhà thơ khác tham gia soạn Cương lĩnh mặt trận Tổ quốc diễn ca để truyền bá trong nhân dân.
Chế Lan Viên nhận xét: Yến Lan đi xa nên về muộn! Ông đi xa, rất xa trong nghệ thuật một cách âm thầm, đến hơi thở cuối cùng. Còn cả đời ông không chức sắc gì to lớn, không giải thưởng đỉnh cao tột bậc, không tượng đài, không tên đường...
“Chức tước” to nhất của ông vào khoảng năm 1947 - 1949 là Ủy viên văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ, Trưởng đoàn kịch kháng chiến. Sau năm 1975, khi về lại quê nhà, ông được bầu làm Chủ tịch danh dự Hội Văn nghệ Bình Định.
Một điều mà sinh thời Yến Lan và gia đình luôn ray rứt, đó là quyền tác giả với vở kịch thơ Bóng giai nhân, sáng tác và biểu diễn lần đầu năm 1940 tại Huế. Trong Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2007, phần danh mục tác phẩm đã xuất bản của cả Nguyễn Bính lẫn Yến Lan đều ghi kịch thơ Bóng giai nhân do hai ông viết cùng nhau. Trên một số sách, báo xuất bản lâu nay có nơi còn ghi Nguyễn Bính viết theo ý tưởng của Yến Lan. Dẫu biết rằng thêm hay bớt một tác phẩm trong sự nghiệp đồ sộ của hai ông vẫn không tôn vinh thêm hay hạ thấp giá trị của bất kỳ ai, nhưng văn học sử cần ghi nhận rõ ràng, khách quan.
Vậy tại sao có tên Nguyễn Bính trong vở kịch thơ này? Trong một bức thư viết tay ngày 13/3/1988 gởi cho nhà nghiên cứu Khổng Đức - Đinh Tấn Dung, Yến Lan viết: “Từ trước đến nay Bóng giai nhân phải mang tên hai tác giả là do lúc ở Huế, tôi và Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can ở chung một nhà, để tên hai nhà thơ cho hấp dẫn. Giá lúc ấy Vũ Trọng Can lại là nhà thơ nữa thì có khi có cả tên vào đó”.
Nhà thơ Hoàng Cầm kể, khoảng những năm 1940 tại Hà Nội, Bóng giai nhân được diễn tại Nhà hát Lớn với các diễn viên là nhà thơ nổi tiếng: Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính… Sau này, Hoàng Cầm mượn kịch bản Bóng giai nhân từ Vũ Trọng Can đem về Kinh Bắc, làng Phù Lưu cùng Kim Lân, Hoàng Tích Linh, Hoàng Tích Chù… diễn. Hoàng Cầm viết: “Tôi rủ anh Nguyễn Bính về chơi. Trong bữa rượu đầu tiên… tôi mạnh bạo hỏi vị “thượng khách, tân khách” Nguyễn Bính viết Bóng giai nhân từ bao giờ? Sau một tợp rượu rất hào sảng, Nguyễn Bính nói: “Yến Lan nó viết cả ba màn, đến màn cuối vừa hào sảng vừa tình tứ. Tớ đọc xong còn nói đùa: “Thôi, hay lắm rồi! Để tao thay mặt phòng kiểm duyệt của thằng Tây phê cho một chữ được”. Hoàng Cầm khẳng định tác giả Bóng giai nhân đích thực là Yến Lan, vì: “Rõ ràng cái văn phong trong kịch bản là văn phong của nhóm thi sĩ Bình Định hồi bấy giờ”.
Qua cuộc sống thường ngày của cha, tôi nhìn được nhân cách, đạo đức và tài năng cha mình và qua những vần thơ lưu tôi nhận ra tâm huyết mà ông dâng tặng cho đời. Song le, cũng từ đó thấy được sự thiệt thòi của ông so với các nhà thơ cùng thế hệ...
Đây, một nhà văn trẻ thế hệ con cháu đồng cảm trước những công hiến của ông đối với quê hương và sự tri ân đã viết : “Bây giờ ông đang nằm ở nghĩa trang huyện, hiu quạnh bên chân núi. Thỉnh thoảng tới ngày giỗ, tết chỉ có mấy người thân của ông tới đốt hương, nhổ cỏ. Bạn cùng thời ông, các thi sĩ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, vẫn ít nhiều có may mắn hơn ông. Người được xây đắp mộ phần, nhiều lần khang trang, người được dựng tượng, làm nhà lưu niệm, đặt tên đường phố.
Với bài viết này tôi không có ý so sánh văn tài hay chế độ đãi ngộ mà chỉ nêu chút chua xót hậu sinh, rằng, số phận của một thi sĩ có thể bi đát hay được tôn vinh lúc còn sồng nhưng giá tri thực của thi sĩ chắc chắn sẽ còn lại với muôn đời" (Lê Hoài Lương).
Lâm Bích Thủy
(Sưu tầm, tổng hợp giới thiệu)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|