LÊ HƯNG VKD: Bức tranh đời - thời Nguyễn Du (1766 - 1820)


khu-luu-niem-nguyen-du

Tượng thi hào dân tộc Nguyễn Du (1766-1820) hiện nay tại Khu Lưu niệm thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh)


untitled1Runtitled2Rnguyen-du

Giới nghiên cứu Linh Khu mệnh học (= holistic bodybuilding study) phương Đông đều biết cụ NGUYỄN DU (1766 - 1820) ra đời: Năm ất dậu, tháng 11 âl, ngày 23 âl, giờ thìn (tức ngày 3 – 01 DL - 1766). Và khi tìm hiểu lá linh khu đồ (1) (= holistic bodybuilding graph) của cụ, người viết bài này chợt nhớ tới 2 câu thơ "tự sự trải lòng" của đại thi hào Việt Nam vùng đất khoa bảng Tiên Điền/ Hà Tĩnh cuối thế kỷ 18:

- Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như?

(tạm dịch nghĩa: không biết hơn 300 năm sau nữa, có ai trong dân gian thương cảm cho Tố Như chăng?)

Năm nay - 2015, nhân mùa lễ giỗ lần thứ 195 cụ Tố Như (Nguyễn Du mất ngày 16-9-1820), tôi viết tản văn này như cách "tiệm ngộ" (= dần dần hiểu được, như thấy mỗi ngày một rõ hơn....):

BỨC TRANH ĐỜI - THỜI NGUYỄN DU

Trước các biến động thời cuộc phức tạp của nước ta thời Trịnh - Nguyễn phân tranh và Tây Sơn khởi nghiệp, người trí thức (= kẻ sĩ nho học) Nguyễn Du phải "minh triết bảo thân" (= thật sáng suốt để tồn tại).

1/ Bối cảnh xã hội chi phối gia thế Nguyễn Du:

Giới hạn tầm nhìn xã hội Việt Nam (chỉ ghi nhận các biến cố lịch sử trong 54 năm cuộc đời Nguyễn Du, 1766 - 1820), chúng ta thấy cực kỳ phức tạp:

- Xứ Đàng Ngoài, theo thể chế "quân chủ lưỡng đầu": vua Lê hư vị- chúa Trịnh thực quyền, quá trình sống của Nguyễn Du là giai đoạn cầm quyền của các đời chúa Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Trịnh Tông, Trịnh Bồng....

- Xứ Đàng Trong, theo thể chế phong kiến tập quyền của chúa Nguyễn,...Thời Nguyễn Du tương ứng với các đời chúa Nguyễn phúc Thuần - Nguyễn phúc Ánh, phong trào khởi nghiệp của anh em nhà Tây Sơn, vua Gia Long thống nhất đất nước....

Nếu đối chiếu với các thời điểm tranh dành quyền lực nêu trên, tất yếu "người trai thời loạn" Nguyễn Du cũng ít nhiều bị chi phối tâm trạng và phải chọn lựa hành động sao cho phù hợp; bởi 3 lý do:

- 1.1- Gia tộc Nguyễn Du đã nhiều đời làm quan chức lớn của thể chế VUA LÊ- CHÚA TRỊNH, được triều đình Đàng Ngoài tin dùng; thời trai trẻ Nguyễn Du được cha - anh nuôi nấng - dìu dắt… thậm chí vào tuổi tráng niên, những khi cảnh nhà thất thế vì thời cuộc, Nguyễn Du cũng vẫn được các người anh em cùng cha khác mẹ giúp đỡ.

- 1.2- Gia tộc bên vợ (bà Đoàn thị Huệ) tuy cũng là quan chức lớn của triều đình Lê - Trịnh, nhưng lại có khuynh hướng phò lực lượng Tây Sơn chống chúa Trịnh (Đoàn Nguyễn Thục, Đoàn Nguyễn Tuấn...) che chở, đùm bọc khi dòng họ nội Nguyễn Du bị hoạn nạn do tranh chấp quyền lực trong phủ Chúa.

-1.3- Nhận thức riêng của Nguyễn Du về thế thái nhân tình, về thời cuộc chính trị "vô thường" của xã hội, mà ông chứng kiến từ Đàng Ngoài cho đến Đàng Trong đầy rẫy nhiễu nhương:

- Lính túc vệ tam phủ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) làm loạn ở Thăng Long năm 1781, họ làm binh biến truất ngôi Trịnh Cán, suy tôn Trịnh Khải (cũng gọi là Trịnh Tông) lên ngôi chúa; năm 1784 lại gây áp lực đòi tôn Lê Duy Kỳ lên làm thái tử nhà hậu Lê ...

- Quyền thần Trương phúc Loan áp chế chúa Nguyễn, đất phương Nam loạn lạc, dân tình ca thán...

- Nội bộ chính quyền nhà Tây Sơn (sau khi vua Quang Trung qua đời đột ngột, 1792) chia rẽ, lòng dân chán nản và hướng niềm hy vọng vào chúa Nguyễn Phúc Ánh đang tập hợp lớn mạnh ở Gia Định ....

Phải chăng Nguyễn Du đã cám cảnh thời cuộc biến động quá nhanh chóng? cộng thêm cảnh gia thế sa sút và thường bị nhiều thế lực chánh trị phức hệ (từng thời kỳ Lê Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn sơ) nghi ngờ....mà ông trao gửi "những âm vang đau xé lòng" (= đoạn trường tân thanh) của đời ông trong danh phẩm KIM VÂN KIỀU truyện (bằng 3254 câu thơ chữ Nôm, thể lục bát thuần túy Việt Nam) ?

2/ Giả thuyết ẩn dụ các nhân vật “chính diện” trong truyện KIỀU:

- 2.1- KIM TRỌNG được mô phỏng như cảnh thanh bình xã hội, nét phong nhã - lịch lãm của muôn dân chốn kinh kỳ.... đây là ẩn dụ tượng trưng triều đại thịnh trị của nhà Hậu Lê (thời kỳ được các chúa Trịnh góp công sức diệt vương triều họ Mạc, trung hưng nhà Lê), mà nhờ đó dòng dõi tiền bối Nguyễn Du đã nhiều đời thành đạt danh phận! Mối tình đầu giữa nàng Kiều với chàng Kim (từ câu 243 đến câu 528) chính là lý tưởng & ước vọng của Nguyễn Du muốn đời mình phục vụ nhà Lê trung hưng lâu dài.

- 2.2- VƯƠNG THÚY VÂN được mô tả nét đôn hậu từ sắc diện đến cử chỉ tính tình (từ câu 17 đến câu 22), phản ánh khái quát công lao và tài trí của họ Trịnh, đã giúp vương triều nhà Lê được trung hưng ở xứ Đàng Ngoài à nhiều thân thuộc gia tộc Nguyễn Du được các chúa Trịnh tin dùng: cấp bổng lộc, phong quan tước lớn (như ông thân sinh Nguyễn Du là quận công Nguyễn Nghiễm; rồi các người anh ruột: Nguyễn Ly, Nguyễn Khản, Nguyễn Điều, Nguyễn Quýnh... cũng nhiều phen tù tội - trốn lánh chỉ vì họ hết lòng phục vụ CHÚA! Tâm ý Nguyễn Du là mong ước vua Lê - chúa Trịnh “luôn chung sức chung lòng”, cùng nhau hòa thuận chăm lo giang sơn thịnh vượng (như phần kết truyện thơ: Thúy Vân thay chị, làm vợ Kim Trọng).

- 2.3- VƯƠNG QUAN là ẩn dụ điển hình các "bề tôi trung, quần thần hiền" trong triều đình vua Lê - chúa Trịnh thời Nguyễn Du, sẽ cùng ông gánh vác việc nước (phần cuối truyện thơ, khi Kim - Kiều - Vân đoàn tụ, thì Vương Quan (từ câu 2859 đến câu 2866) cũng đã ra làm quan rồi.

- 2.4- TỪ HẢI (từ câu 2167 đến câu 2174 và từ câu 2903 đến câu 2910) được mô tả như người trai dũng khí của thời loạn lạc nhiễu nhương, cũng là phản ánh mẫu dạng nghĩa hiệp của phong trào khởi nghĩa đất Tây Sơn xứ Đàng Trong (kể cả những thân thuộc bên gia đình vợ tác giả cũng theo phò Tây Sơn: Đoàn Nguyễn Thục, Đoàn Nguyễn Tuấn... đã cưu mang che chở cho Nguyễn Du khi gia thế ông lâm cơn bĩ cực...) và cụ thể là Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ (nói riêng): đã giúp vua Lê hiển Tông lấy lại thực quyền từ tay chúa Trịnh, đã dẹp loạn ngoại xâm Mãn Thanh, đã trấn áp tiêu diệt quyền thần Trương Phúc Loan của vương triều chúa Nguyễn...., đã đánh bại "quân đánh thuê" Xiêm La (cho chúa Nguyễn lưu vong) xâm lược vùng đất Mỹ Tho (xứ Đàng Trong).... Phần truyện thơ khi tác giả bố cục sự kiện Từ Hải bị mắc lừa mà tử vong, đã diễn ý Nguyễn Du ngậm ngùi tiếc thương sự nghiệp lẫy lừng về người anh hùng "áo vải cờ đào" Nguyễn Huệ vắn số, chỉ thực sự cầm quyền đất nước có 4 năm (1789-1792, vua Quang Trung đột tử vì tai biến: xuất huyết não).

- 2.5- HỒ TÔN HIẾN (từ câu 2451 đến câu 2460) vừa như điển hình quyền lực mới của triều đại Nguyễn sơ (Gia Long), vừa như tượng trưng các mẫu người gian hùng nhiều tham vọng "phù thịnh, bất phù suy" (bỏ vua này theo chúa khác) bao gồm các quan chức (lớn - nhỏ) đương thời vua Lê - chúa Trịnh, kể cả quan chức nhà Tây Sơn sau khi Nguyễn Huệ qua đời (1792)... đi theo chúa Nguyễn ở đất Gia Định! Ngoài ra, đây còn là nỗi thất vọng của Nguyễn Du khi ông phải ra làm quan cho triều đại Gia Long (1802-1820), đã nhiều lần xin từ nhiệm (các năm 1807, 1812, 1819) cũng bởi nhiều đồng liêu dèm pha - đố kỵ tài năng...

3/ Giả thuyết ẩn dụ về các nhân vật phụ khác trong truyện thơ ĐOẠN TRUỜNG TÂN THANH:

- 3.1- MÃ GIÁM SINH, SỞ KHANH,TÚ BÀ, BẠC BÀ, BẠC HẠNH …: (từ câu 805 đến câu 850, từ câu 1059 đến câu 1126 và từ câu 2081 đến câu 2164) phải chăng là biểu tượng nhóm quan chức tham lam bè phái có thế lực trong triều chính Lê - Trịnh thời kỳ chúa Trịnh Giang - Trịnh Doanh, họ đã làm gia tộc Nguyễn Nghiễm - Nguyễn Khản - Nguyễn Điều, Nguyễn Ly.... nhiều phen thất thế, lỡ vận, hẩm hiu. Cũng bởi dạng người "phản diện tai hại" này, mà chàng bạch diện thư sinh non trẻ Nguyễn Du phải sớm long đong bước vào đời sống xã hội vốn đang ngổn ngang rối ren, lành ít dữ nhiều (tương ứng phần truyện thơ: Thúy Kiều gia giáo thông minh phải bán mình, cam phận làm gái lầu xanh).

-3.2- THÚC SINH - HOẠN THƯ: cặp vợ chồng "nhị phân hiền - dữ tương hợp" với một giai đoạn khó khăn của đời Thúy Kiều (từ câu 1275 đến câu 1304 và từ câu 1529 đến câu 1564), cũng là khái quát (ẩn dụ) sự kiện Nguyễn Quýnh anh Nguyễn Du (vốn trung thành vương triều Lê - Trịnh) khởi binh chống Tây Sơn bị thất bại và bị giết (1791), dinh cơ tộc phả tiền bối Nguyễn Du ở Tiên Điền - Hà Tĩnh bị phá hủy tan nát... Để vừa bảo vệ bản thân, vừa tìm cơ hội phục dựng lại cơ ngơi của tổ phụ nơi quê xưa, năm 1796 Nguyễn Du đã tìm đường vào miền Nam (đất Gia Đinh) toan theo Nguyễn phúc Ánh, nhưng trên đường "vượt biên" thì ông bị bắt giam, may nhờ quan trấn thủ Nghệ An (vốn là đồng liêu thân tình với Đoàn Nguyễn Tuấn - anh vợ Nguyễn Du - ở Thăng Long, quan chức lớn của nhà Tây Sơn) thương tình che chở rồi tha tội chết.

-3.3- SƯ TAM HỢP, TU SĨ GIÁC DUYÊN: là mô tả chung những ân nhân của mảnh đời hồng nhan phận bạc Thúy Kiều (từ câu 2649 đến câu 2738), họ đã cứu sống Kiều từ thể xác lẫn tinh thần (ở phần kết thúc truyện thơ Đoạn trường tân thanh). Hai nhân vật tu hành nêu trên phản ánh "hồi hướng tâm linh" Phật giáo của Nguyễn Du lúc tuổi "xế chiều" (= ngũ thập tri thiên mệnh) chăng? Cũng có thể còn là niềm ước vọng sau cùng của đời Nguyễn Du: được sống lại giấc mộng đầu đời "ba nhà đoàn tụ" (từ câu 3009 đến câu 3014 và từ câu 3235 đến câu 3240) (= Kim + Vân + Kiều = vua hiền, chúa giỏi, bề tôi trung thành) như thời hoàng kim xưa.... trên đất nước Đại Việt này...

TẠM KẾT

Nếu như giả thuyết về các nhân vật trong truyện Kiều vừa trình bầy ở các mục trên được nhìn nhận, thì tác giả danh tác “Đoạn trường tân thanh” (truyện thơ Nôm dài 3254 câu lục bát) không ai khác hơn là nhân vật chính Vương Thùy Kiều!

Mỗi khi hồi niệm vần thơ khắc khoải xưa:

- “Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như? (Nguyễn Du) (2)

phải chăng chúng ta vần còn nhiều thời gian (300 - 195=105 năm nữa!) để “thấu cảm” (= penetrer au fond des vers!) “di chúc trải lòng” bằng THƠ của cụ Nguyễn Du (nói riêng) và cũng là mẫu hình Kẻ sĩ VN (nói chung) “gặp thời thế, thế thời phải thế” (Ngô thời Nhiệm) trong hai thế kỷ 18 & 19 ở lịch sử nước nhà …?

(Thu vàng 2015)
Lê Hưng VKD
(Vãn sinh tiệm ngộ tiên sinh tứ,
Vạn đại Kiều thư thấu “đoạn trường”)

Tư liệu tham khảo:

- Đại Việt sử ký toàn thư – NXB. Khoa học xã hội – 2010
- Việt Nam sử lược (tg. Trần Trọng Kim) – NXB.Tổng Hợp tp.HCM – 2005
- Đại Việt thông sử (tg. Lê Quí Đôn) – NXB.Tổng Hợp Đồng Tháp – 1993
- Các triều đại Việt Nam (tg. Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng) – NXB.Thanh Niên – 1995
- Truyện Kiều (chú giải: Nguyễn Thạch Giang) – NXB.Đại học & Trung học Chuyên nghiệp – 1986
- Lịch sử Việt Nam tập I – NXB. Khoa học xã hội – 1976.

Chú thích:

(1): Giới thiệu lá LKĐ cụ ND.
(2): Năm 1813, khi ND. thừa mệnh vua Gia Long đi sứ Bắc Kinh, ông có ghé thăm đền thờ nàng Tiểu Thanh (người ca kỹ tài hoa phận bạc đất Hàng Châu - Triết Giang) đã sáng tác hai câu thơ trên (như cách trải lòng nói về thân phận của mình).

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com