LÂM BÍCH THỦY: Em cũng đến chia phần thương nhớ

THU-BUTYenLan1RThủ bút của thi sĩ YẾN LAN

Đọc những bài thơ tình của ba tôi - nhà giáo Lâm Thanh lang, tức thi sĩ Xuân Khai, Yến Lan - tôi mới nhận ra ông cũng... biết yêu và tình cũng rất chi là lãng mạn, song không phải lãng mạn kiểu bi lụy, gào thét như các nhà thơ khác. Tôi xin kể về cô Chẩn - người thiếu nữ thứ hai bước vào tuổi trẻ của ông, sau chuyện tình với cô Cúc trong bài thơ Gần nhà xa ngõ. Mối tình đầu ấy đã để lại trong lòng ba tôi một tình yêu xót xa:

“Thói thường đăng đối cuộc nhân duyên
Cha mẹ em giàu dễ để yên
Cho một lứa đôi không xứng vế
Đập ngay ngọn lửa mới vừa nhen

Đang lúc mùa thu ngập lá rơi
Chồng em đến cổng đón em rồi
Cây hai vườn vẫn giao cành lá
Chỉ có mình anh đứng lẻ loi”.

Và tới cô Chẩn: Khoảng năm 1942, chú Chế Lan Viên từ biệt ba để ra Thanh Hóa dạy học, bác Quách Tấn là người giao thiệp rộng lại nặng tình với bạn bè. Bác xem ba tôi như người em thân thiết trong gia đình, vậy nên khi chú Chế Lan Viên đi dạy xa, lòng bác không yên, nghĩ thương Yến Lan còn lại một mình ở quê đơn độc, không ai bầu bạn, liền đánh giây thép gọi ông vào Nha Trang để trùng phùng và cùng nhau nghiên cứu thơ Đường, thơ Tây. Ba tôi vào, trong gian nhà nhỏ ở số 12 Phố Chợ - Nha Trang, gia đình bác Tấn vui vẻ và đầm ấm hẳn. Đó cũng là thời gian ba tôi và bác Quách Tấn gần nhau nhiều hơn so với các bạn thơ khác trong nhóm Tứ Linh. Sợ bạn ở không sinh chán nản nên bác Tấn đã đi quanh phố vận động các em đến học thầy Lang. Nhờ vậy mà ba tôi ở lại Nha Trang lâu nhất mà không áy náy vì mang tiếng “Ăn chực nằm chầu”.

Sáng nọ, bất chợt một cô gái trẻ xuất hiện. Cô khoảng 18 tuổi, mảnh dẻ, lả lướt, khuôn mặt đặc trưng của thiếu nữ Nha Trang. Đôi mắt lúng liếng, môi trên mỏng và nhỏ hơn mím lại toát lên vẻ bướng bỉnh, dễ thương. Cô khá ngỡ ngàng khi bắt gặp chàng trai trắng trẻo, trông rất trí thức và điển trai trong nhà bạn gái. Rồi, má cô ửng hồng dần, trông ngon con mắt làm sao!. Và, chàng trai cũng thấy xốn xang trong lòng khi ánh mắt đa tình của cô gái dúi vào lòng chàng.

Từ đó, sáng nào cô cũng sang nhà bạn chơi. Bác Tấn nhận ra cô gái hay liếc trộm bạn của mình, nên ngầm theo dõi diển biến. Rồi không biết có ý gì, bác nói với cô gái: “Đó là thi sĩ Xuân Khai - bạn thân của tui đấy”. Còn, với  ông bạn trẻ thì bác nói lửng lờ: “Tên cô ấy là Chẩn, gia đình giàu sụ, mẹ bán vàng trong Chợ Đầm…” Chàng thi sĩ có lắng nghe nhưng giả vờ như không để ý.  Sau đó có một bài thơ như thế này:

Đêm xưa - không, chẳng có đêm xưa
Vì nhớ nhung không cũ bao giờ,
Tình yêu bỗng dậy hương màu nhiệm,
Giờ của hương lòng xây lối mơ.

Chàng, chẳng chàng thì mới phải ai
Là người, rồi gặp một ban mai,
Là người, đọc sách, nàng mơ tưởng
Có, có nhiều duyên - có có tài.

Ngày gặp chàng như phím nhị hồ
Gặp bàn tay đã gãy ra mơ.
Nàng yêu chàng bởi chàng giông giống
Kẻ đã chưng hình trong sách thơ

Cô Mộng Lan, em bác Tấn vẻ hiểu đời khuyên: “Nếu mày thích anh ấy thì để tao lo cho - ảnh là bạn thân của anh tao mà” Rồi, cô giúp thật. Tất cả thư bạn nhờ chuyển, cô kín đáo trao tận tay chàng, không ai biết cả". Ba tôi vốn lãng mạn, cũng thích lắm những cái liếc mắt đưa tình của người con gái kia, nhưng khi biết nhà nàng giàu có, chàng không muốn đùa với lửa. Nhưng đâu phải gỗ đá, người ta thương mà mình không thương lại, tội lắm đa! Và thơ rằng:

Hương tự nơi nào đáp tới hoa
Hay em bên ấy dưới trăng tà
Thấy anh tha thẩn quanh vườn lạnh
Hé chút lòng riêng lén gửi qua

Từ ấy theo hương để nhận người
Ngỡ đâu hương ấy tự hoa thôi
Ra đi đã hết thời trai trẻ
Dễ phải tìm ai đến trọn đời

(Hương tự hoa)

Ngày chàng trở về quê. Biết khó gặp lại, cô Chẩn buồn lắm! Những lá thư nặng trĩu tình cảm của cô liên tục đến tay ông. Cái bon-ke cản hai người đến với nhau chính là thước đo sự giàu, nghèo. Cha mẹ Chẩn không thể chấp nhận. Trớ trêu thay, mẹ cô càng cấm, Chẩn càng yêu. “Quả cấm là qủa ngon” mà! Với mối tình này ba tôi đã để lại những vần thơ như sau:

Em cũng đến chia phần thương nhớ
Đón đầu xe trong lớp bụi đường
Tưởng tất cả lùi vào dĩ vãng
Lại hiện về với dáng âm vang
Ôi lúc ở thường tình bảng lảng
Giờ cách xa lại thắm thiết lạ thường

(Trích  Em Chẩn - 1942)

Có một bức thư cô Chẩn gửi cho ba tôi năm 1942, không hiểu sao vẫn nằm ở chỗ cô Mộng Lan? và má tôi đọc được. Bà nhớ như đã in vào tâm trí. Thư viết: “Chàng thi sĩ thương nhớ của lòng em! Khi chàng xa nơi này, là cớ để em quên chàng để tròn bổn phận người con hiếu thảo với cha mẹ. Nhưng, sao em không thể xóa nổi hình bóng chàng nơi sâu thẳm trái tim em! Lúc này đây, em chẳng khác nào cái cây đang tươi tốt bỗng héo khô; dẫu có ai vun xới, bón phân, tưới nước, cây vẫn không thể tươi trở lại được nữa!...  Em lấy làm thất vọng và đau khổ cho phận mình, em không được tự do lựa chọn người mình yêu, hẹn chàng kiếp sau, nếu có! Chàng hãy tin rằng, em vẫn thương và chỉ yêu mình chàng!..”

Khi viết về cô Chẩn, từ Sài Gòn tôi gọi điện ra Nha Trang phỏng vấn anh Quách Giao - con bác Quách Tấn để kiểm chứng. Anh cười hì hì vào điện thoại, xác nhận: “Chuyện này có thật đấy em. Hồi đó, ba em đẹp trai, cô Chẩn dáng người thanh thanh, xinh gái; hai người đi bên nhau rất xứng đôi, nhưng cha mẹ cô Chẩn chê thi sĩ Xuân Khai nghèo. Hồi ấy thiếu nữ nào đã gặp ba em cũng chết mê chết mệt chứ không phải chỉ có cô Chẩn hay má em đâu nhé!” nói xong anh lại hì hì và chào tôi trong điện thoại!

L.B.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com