Về thăm nơi hội tụ của các Cố Văn Nghệ Sĩ nổi tiếng trong văn học Việt Nam đương đại - Hoa viên nghĩa trang Bình Dương

 

Mat-chinh-Hoa-vien-Nghia-Trang-Binh-DuongRR

Mặt chính Hoa viên nghĩa trang Bình Dương


Không phải ngẫu nhiên mà đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ và nghệ sĩ như nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, nhạc sĩ Phạm Duy, nghệ sĩ Tư Còn, nghệ sĩ Hồ Kiểng…đã qua đời trong vài năm trở lại đây và sắp tới (ai biết được phần số là bao nhiêu năm nữa), các văn thi nhạc sĩ, ca sĩ đương thời được nhiều người mến mộ khác cùng có mặt tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương - Thủ Dầu Một. Như vậy, các vị “quá cố” này hội tụ về một cõi “Hoa viên nghĩa trang Bình Dương” có phải là một hiện tượng khác thường hay không?

Trên mạng quốc tế có lưu hành bài thơ dưới đây, nói là của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà tặng nhà văn Sơn Nam khi được đãi ngộ vào Hoa viên nghĩa trang Bình Dương:

Sống thì xuôi ngược bôn ba

Chết nằm đất nghĩa, vẫn là cố hương

Đây Bến Cát - đất Bình Dương

Yên lòng vào giấc miên trường ngàn thu.

Nhà văn của Hương rừng Cà Mau và Văn minh miệt vườn của đồng bằng sông Cửu Long, sống “tha phương cầu thực” trôi nổi cả cuộc đời ‘xuôi ngược” khắp Sài Gòn - Gia Định nhưng khi nằm xuống lại vào “đất nghĩa” Hoa viên nghĩa trang ở miền Đông Nam Bộ xa xôi. Đó còn là cái duyên xã hội và nợ đất trời.

Khi ông qua đời thì được nhà thơ chí cốt Kiên Giang quê ở An Giang có mặt ở Sài Gòn để lo toan hậu sự, trong đó có việc chạy tìm cho Sơn Nam một nơi “An giấc ngàn thu”. Đó chính là Hoa viên nghĩa trang Bình Dương. Rồi khi tới phiên mình, nhà thơ Kiên Giang lại được Hoa viên nghĩa trang nhận vào nằm nghỉ ở một ngôi mộ rất khang trang như ngôi mộ của Sơn Nam.

Có một nhân vật không được kể tên trong số nhân vật được kể tên ở trên cũng đang yên nghỉ ở đây, đã quá cố trong thân phận cô đơn, nghèo khổ  đáng ngạc nhiên, đó là ông Bảy xích lô - Đệ nhất xích lô (1916-2009) – được thể hiện trong ký sự xã hội của Đào Tăng (NXB Trẻ ấn hành năm 2013) từng sinh sống một thân một mình và hành nghề đạp xích lô, không nhà không cửa, tứ cố vô thân ở phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ chí Minh. Có lẽ đây là khách mời đặc biệt được Hoa viên chiếu cố đầu tiên mang ý nghĩa “từ thiện – xã hội” đối với một công trình dịch vụ có thu nhưng không thu.

Hiệp nhất lại tất cả các con người nổi bật nói trên được hiện diện ở chốn tâm linh của hoa viên này có lẽ đều xuất phát từ một tâm điểm của tấm lòng nhân ái đầy tình nghĩa, đạo lý của xã hội phương Đông mà giá trị đạo đức của một bản sắc truyền thống dân tộc Việt Nam còn bảo tồn tới ngày nay rất đáng quý. Những việc làm nhân ái đó được trình bày như một báo cáo thống kê trong bài báo “Hoa viên nghĩa trang – Bình Dương với cộng đồng – xã hội”.(Tựa đề của một bài viết trong Bản tin Linh hoa tuệ đàn số 2) ra mắt bạn đọc năm 2014 (trang 27).

Từ những việc làm mang ý nghĩa xã hội – từ thiện đó của Hoa viên nghĩa trang mà những người chủ có vốn lớn tâm lớn – nhà tài trợ hay mạnh thường quân có nghĩa khí lớn - cùng nhau tập trung lại đồng tâm hiệp lực tổ chức thực hiện từ năm 2007 tới nay, đã tạo nên một logo khá nổi tiêng trong số nhiều logo tương tự. Doanh nghiệp dịch vụ có thu nhưng lại có chính sach ưu đãi miễn giảm và sale off. Công ty cổ phần đầu tư xây dựng có tên Chánh Phú Hòa – doanh nghiệp lấy tên của một phường thuộc thị xã Bến Cát tỉnh Bình Dương ở miền Đông Nam Bộ - là chủ đầu tư xây dựng và điều hành quản lý như một doanh nghiệp dịch vụ có tầm cỡ, vì chỉ tính số cán bộ - công nhân lao động nghe nói đã lên tới 300, hưởng lương tháng từ 5 triệu đồng trở lên.

Nội tiền lương cho người lao động loại thấp nhất mỗi tháng doanh nghiệp này phải thanh toán chi ra một tỷ rưởi đồng. Số tiền này không nhỏ nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số chi phí lưu đông và cố định của doanh nghiệp có thể hơn gấp nhiều lần kinh phí bỏ ra kinh doanh hàng tháng. Nhưng doanh nghiệp do những người chủ cổ phần có tâm và có tầm khi đưa loại hình doanh nghiệp dịch vụ này ra phục vụ xã hội trong thời kỳ đổi mới của đất nước, thời kỳ Bình Dương đang cất cánh là Hoa viên nghĩa trang Bình Dương – Hoa viên này lại mang tên tỉnh đã có tiếng về đầu tư xây dựng nổi trội trong cả nước về cách làm mới theo phương châm thời đại “dám nghĩ dám làm”.

Có vào tới hoa viên, người ta mới thấy hết với sự ngạc nhiên đầy bàng hoàng những công trình “khủng” được kết cấu hạ tầng thành sản phẩm và dịch vụ mang tên khu tưởng niệm và tâm linh như Đồi tâm linh, Khu phúc lộc thọ, Khu mộ gia tộc (có riêng khu mộ gia đình truyền thống, gia đình người Hoa, gia đình Công giáo..). Vật liệu xây lại toàn bằng đá khối có tên tuổi như đá đen Ấn Độ, đá xanh Ấn Độ, đá xám Phú Yên, đá tím Phù Cát ...

HOA VIÊN NGHĨA TRANG BÌNH DƯƠNG tọa lạc trên một khu đất vốn là rừng cao su rộng lớn 200 ha chiếm cứ một vị trí có địa thế cao ráo nhiều đất đồi ba - san màu hồng tươi ít sỏi đá nằm cạnh QL 13 theo hướng Tây Bắc ở giữa hai đường đi Đồng Xòai (Bình Phước) và Chơn Thành (Bình Long), cách căn cứ Lai Khê cũ không xa. Tất cả địa danh này đều mang dấu ấn lịch sử của một thời kháng chiến vẻ vang. Khu vực này còn là triền dốc của Tây Nguyên hướng tới tỉnh Đắc Nông theo đường 14 nối dài của đường Trường Sơn công nghiệp hóa từ Bắc vào Nam.

Quả thật đây là vùng “đắc địa tụ khí” theo thuyết phong thủy cổ truyền nên Hoa viên nghĩa trang Bình Dương được xây dựng là hợp với lẽ “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” bên cạnh các khu công nghiệp đô thị đang từng bước hình thành và phát triển như Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3. Các nhà thiết kế xây dựng hoa viên này đều cho rằng đây là cuộc đất đẹp nằm giữa hai dòng nước chảy quanh năm là sông Ông Tề và suối Bông Trang dẫn tới hồ nước cùng tên giữa thiên nhiên đầy gió lộng theo mây ngàn bay ! (Theo lời bài hát “Gửi gió cho mây ngàn bay” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn).    

“Hoa viên nghĩa tarng Bình Dương” kết hợp hài hòa các công trình mỹ thuật tâm linh với cảnh quan thiên nhiên, chính là dạng thức tâm nguyện “sự vĩnh hằng” của đạo lý ngũ nhân trong đời sống con người Việt Nam (nhân – nghĩa – lễ - trí – tín). Toàn thể các khu mộ phần được bố cục không gian tâm linh hòa quyện với không gian hoa cỏ thiên nhiên, tạo ra bầu không khí an nhiên, thanh thản vừa cho người qua cố vừa cho thân thuộc mỗi khi đến tham quan. Diện rộng của cây xanh và hoa cỏ đẹp các loại nơi đây giúp cho môi trường khu vực trong lành, sạch đẹp; giải pháp này là bút pháp trong ý tưởng tổ chức không gian quy họach – kiến trúc cảnh quan, làm chủ đạo lâu dài.”

Trên bản đồ tỉnh Bình Dương, huyện Bến Cát nằm giữa sông Sài Gòn và sông Bé, một nhánh lớn của sông Đồng Nai. Cả hai con sông đều có chung một lịch sử mở nước và dựng nước vùng Nam Bộ của thời 300 năm (sao nó giống với câu thơ nổi tiếng mở đầu thi phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm : “Thuở thanh bình ba trăm năm cũ”, khởi đầu từ Nhà Bè, đâu đây còn nghe văng vẳng bên tai câu hò của lưu dân từ phương Bắc, Trung vào phương Nam:

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Nhưng khi về tới miền Đông – Đồng Nai, thời kỳ lập chiến khu Đ kháng chiến chống thực dân Pháp thì thi tướng Huỳnh Văn Nghệ vẫn hướng tâm về cội nguồn phương Bắc:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi,  

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

Từ nhà ga Bình Triệu của tuyến đường sắt Bắc - Nam nằm cạnh QL 1, đoàn tham quan của chúng tôi theo QL 13 về hướng Bình Dương với nhiều phấn chấn trong lòng. Con đường này qua khỏi Bến Cát tới Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) thì rẽ sang đường 14 lên Tây Nguyên nối với đường Trường Sơn công nghiệp hóa mà năm xưa là “đường mòn Hồ Chí Minh”.

Tới khu Mỹ Phước thì xe chở đoàn rời quốc lộ - xa lộ 13 đi vào khu rừng cao su xanh lá bạt ngàn có Hoa viên nghĩa trang Bình Dương thuộc xã Chánh Phú Hòa huyện Bến Cát, vô theo lộ 7A ra theo lộ 7B. Xe vào Hoa viên đầu tiên qua cây cầu đá Thủy Long của khu vườn Nhật Nguyệt (biểu tượng của Cha và Mẹ). Cầu nhỏ nhưng ý nghĩa tâm linh lớn. Trên thành cầu tạc hình tượng 12 con giáp kiểu phù điêu. Mỗi con người mang tên lần lượt 12 con giáp qua nhiều chu kỳ tuổi thọ. Sống qua nhiều con giáp là sống thọ. Tôi chợt nhớ hai câu thơ trong Cung oán ngâm khúc :

Cầu Thệ thủy ngồi trơ cổ độ

Quán Thu phong đứng rũ tà huy !

Đại lộ Vĩnh Hằng không như là Đai lộ Hoàng Hôn đầy chết chóc ở chiến trường An Lộc (Bình Long) năm xưa, mà đưa con người về với cõi thọ. Chúng ta gặp một Vĩnh Hằng đài – biểu tượng chính của Hoa viên nghĩa trang. Trên đài là công trình tạo dáng Hoa sen đầy nghê thuật mang màu sắc tâm linh có hình dáng của bàn tay Phật Quan âm bồ tát đang cầm bình nước cam lồ phổ độ, che chở cho hương linh con người đi vào thế giới cực lạc, yên bình.

Buổi sáng đẹp trời của miền Nam, Hoa viên nghĩa trang Bình Dương nhộn nhịp hẳn lên, tươi sáng hẳn lên trong một khung cảnh tràn đầy đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” với trên năm trăm con người nhưng có chung một tấm lòng ghi xương khắc cốt và tâm niệm hồi hướng : “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con !”  Mỗi người một nén hương thành tâm thắp trên Linh hoa tuệ đàn giữa bầu trời sáng mát tràn đầy khí thiên, đong đặc tâm linh làm cho Hoa viên nghĩa trang như làm sống dậy với những con người đã yên nghỉ bao nhiêu năm. Người đã khuất và người hiện hữu đã hòa quyện vào nhau làm thành một mùa vu lan kỳ diệu trong tiết tháng bảy!

Nhiều nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư, nhân sĩ, nghệ sĩ là khách mời hội tụ về đây, trong ngày này, ở nơi này, sâu lắng trong ngày linh thiêng này. Một sự hiếu khách, một sự ngưỡng mộ đã thật sự hòa hợp ở một cõi hoa viên trong khoảnh khắc đầy lắng đọng. Một cuộc hội ngộ, giao tiếp và cảm thông đáng nhớ !

Chúng tôi đã đi lượt qua khu mộ gia đình cố nhạc sĩ Phạm Duy, mộ cố nhà văn Sơn Nam, mộ cố nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà và nhiều văn nghệ sĩ khác. Còn có khu mộ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng đáng kính đã tô điểm cho Hoa viên nghĩa trang Bình Dương một nét độc đáo có một không hai. Khu mộ nhân dân dành cho người dân địa phương một ân nghĩa sâu đậm tình người…

Được về thăm nơi hội tụ của các văn nghệ sĩ ưu tú và nhân dân đương đại ở một hoa viên nghĩa trang của những nhà doanh nghiệp có tâm có tầm đối với những người nổi tiếng thật có nhiều ý nghĩa. Hy vọng sự quan tâm ưu ái này vẫn còn tiếp tục mãi với nhiều con người làm văn hóa, văn học nghệ thuật sau khi mãn kiếp đời hết kiếp tầm tơ được về an nghỉ nơi vĩnh hằng đáng yêu đáng kính này.

Vương Liêm

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com