PHẠM QUỐC TOÀN: Nhớ anh LÂM QUỐC TRUNG

 

Mấy tháng trước, nhận lời mời của Trưởng khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn Hà Nội, tôi xuống Cà Mau giảng bài cho lớp đại học báo chí tại chức. Giờ giải lao, hỏi thăm nhà báo Nam Phong, một học viên đang làm việc tại báo Đất Mũi tôi được biết anh Lâm Quốc Trung (Bút danh Song Mộc) lâm bệnh nặng - bị ung thư phổi. Tôi  gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe anh. Anh nói việc chữa bệnh đang tiến triển tốt, các bác sĩ bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tận tình chữa trị. Chị Dương Thúy Phượng, người bạn đời của anh cùng các con: Lâm Thúy Anh Thư, Lâm Quốc Bảo Duy, Lâm Thúy Anh Thy chăm sóc anh chu đáo.

 

lamquoc-trung

Nhà báo Lâm Quốc Trung (1947 - 2013)

 

Có ai ngờ, sau một thời gian ngắn, căn bệnh hiểm nghèo phát triển rất nhanh. Chiều tối ngày 26-7-2013, tôi nhận được điện thoại của Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Đình Quế, báo tin anh Lâm Quốc Trung đã qua đời. Nhanh quá, một cuộc đời - một kiếp người để gió cuốn đi thật ngắn ngủi. Đúng là “Trời kêu ai, nấy dạ!”. Lâm Quốc Trung vĩnh biệt vợ con, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, khi bước vào tuổi 67, bao dự định của một người say nghiệp báo, nghiệp viết lách còn dang dở. Niềm tiếc thương vô hạn, người đồng nghiệp “say nghề - trách nhiệm - tự trọng”, như nhiều bè bạn đã nhận xét về anh.

Biết bao kỷ niệm về anh, về những ngày làm báo thập niên 90, thế kỷ trước hiện rõ trong tôi. Sinh năm 1947, tuổi Đinh Hợi, anh Lâm Quốc Trung và tôi quen thân nhau từ năm 1989, đến nay đã gần trọn 25 năm, một phần tư thế kỷ, hơn một phần ba đời người. Lâm Quốc Trung rất kiệm lời, ít nói về mình, kể cả với những người bạn mà anh thân tính nhất. Có lần ngồi hàn huyên bên tách cà phê buổi sáng, tôi hỏi anh về chuyện gia đình, anh chỉ nói rất vắn tắt, tuổi thơ nhiều cơ cực, thua thiệt.

Quê anh ở miền Tây Nam bộ, vùng miệt vườn Cần Thơ, sau đó gia đình chuyển về tỉnh Vĩnh Long. Lúc còn nhỏ, anh được ba mẹ cho theo bà nội lên Sài Gòn đi học, rồi lạc đường giữa phố phường đô hội. Nhà có 5 anh chị em, anh là con trưởng. Cả nhà tìm anh, nhưng biệt vô âm tín, ai cũng nghĩ là anh đã không còn. Những đêm trừ tịch, đón năm mới, gia đình ở Vĩnh Long thường vẫn có bát cơm đặt lên bàn thờ cúng Lâm Quốc Trung. Cơ cực, lang thang kiếm sống và tự học, tự lập là những gì tuổi thơ anh đã trải qua. Anh chị em, bà con thân thuộc, dòng tộc chưa có dịp tìm lại. Chỉ kể tới đó, rồi anh chủ động nói sang chuyện khác. Một lần khác, tôi hỏi chị Dương Thúy Phượng, vợ anh, chị cũng chỉ nói gọn gàng, vắn tắt chẳng khác gì anh. Sau này, trong vài ba  lần đi về Cần Thơ, may mắn anh đã lần ra đầu mối, tìm lại được gia đình.  Từ đó, niểm vui, hạnh phúc, sự thanh thản  trong con người anh như được nhân lên gấp bội.

Số phận như bù lại, sau khi lấy vợ, anh có một gia đình thuận hòa, êm ấm, hạnh phúc. Chị Thúy Phượng, người con gái gốc Trảng Bàng - Tây Ninh hiền thục, chịu thương chịu khó, yêu chồng thương con. Chính đó là niềm vui lớn, chỗ dựa vững chắc để anh đã yêu nghề, càng yêu nghề hơn. Gặp Lâm Thúy Anh Thư, con gái lớn của anh tại nhà riêng ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh, sau khi anh qua đời, cháu kể lại: “Hồi mới lớn, Ba Trung và má Phượng cùng thuê nhà trọ gần nhau, qua lại rồi yêu nhau, chia sẻ với nhau bao thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Tình yêu của ba má thật tuyệt. Ba má cưới nhau được thời gian ngắn thì miền Nam giải phóng. Sau này, có những thời điểm gia đình gặp nhiều khó khăn, ba má cùng chia sẻ với nhau và càng yêu thương nhau nhiều hơn. Gần đây, lúc trọng bệnh, sức khỏe yếu dần, ba Trung vẫn lạc quan yêu đời. Mỗi lần vào bệnh viện chăm ba, ba lại ân cần động viên má Phượng, tụi con, 4 cháu nội ngoại không được buồn. Ba Trung nói, chỉ có niềm vui mới giúp ta vượt qua mọi khó khăn...”


png-ba-lamquoc-trung

Ông bà nhà báo LÂM QUỐC TRUNG


Lâm Quốc Trung tự học là chính, không được đào tạo làm báo qua trường lớp, nhưng anh có năng khiếu báo chí, hội họa - mỹ thuật bẩm sinh. Hoa tay thiết kế trình bày trang báo bắt mắt, ấn tượng. Làng báo Việt Nam hiếm tìm được một người thiết kế trang báo kiểu Lâm Quốc Trung. Cho đến nay, vài ba chục năm đã trôi qua, một số mangset của các báo do anh thiết kế vẫn chưa lạc hậu. Lâm Quốc Trung còn là người có tầm nhìn bài trí về nội dung, tạo dựng các “món ăn” loại báo giải trí, trên các trang báo chính trị - xã hội, kể cả những bài phóng sự “đinh” cần có cho từng số báo.

Lâm Quốc Trung quen thân với nhiều nhà báo, nhà văn, nhà thơ là nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên điện ảnh tên tuổi như nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhà thơ, nhà văn Lê Minh Quốc, nhà thơ Tạ Nghi Lễ (đã qua đời) … Họ quý mến cộng tác - tiếp thêm sức  cho Lâm Quốc Trung  trên từng trang báo. Anh sống thủy chung, trọn nghĩa tình với cả người sửa bài, đọc kiểm tra bài ở nhà in cho những ấn phẩm mà anh phụ trách. Anh Sầm Sĩ Nghị, người dân tộc Tày, tận huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là người cộng sự giúp anh sửa bài xuất bản Báo Vũng Tàu Chủ Nhật từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. 25 năm sau, tôi gặp lại anh ở nhà in Trần Phú, khi tóc đã điểm bạc,  anh vẫn là người cộng sự cần mẫn, chu toàn trọn vẹn cho ấn phẩm báo ảnh Đất Mũi cuối tuần và một số ấn phẩm khác mà Lâm Quốc Trung thực hiện. Anh Sầm Sĩ Nghị tâm sự: “Kỳ lạ lắm anh, em không sao bỏ được bác Trung, nghề của em theo bác ấy cả đời. Bác Trung thật tuyệt. Theo bác ấy, nên tôi là dân Cao Bằng vùng ải bắc lại làm việc cho Báo Đất Mũi cuối tuần ở tận Cà mau”.

Lâm Quốc Trung  từng nói với tôi: “Chỉ có lòng tin và sự thủy chung mới tạo sự bền chặt để đi đến mọi thành công”. Và không chỉ nói, cả cuộc đời báo nghiệp mà anh phụng sự luôn thể hiện điều đó, nhiệt thành, lòng tin cậy, trước sau như một.

Vốn là người có cá tính, khí khái, lòng tự trọng nghề nghiệp, trách nhiệm và nhiệt huyết với công việc, anh đã định làm việc gì là làm đến cùng, làm hết mình, bằng tất cả tâm sức và khả năng vốn có. Cộng tác làm một ấn phẩm nào đó của báo địa phương, khi tiền phát hành thu hồi chậm, thiếu chi trả nhà in, chi trả nhuận bút cộng tác viên … và cũng để đầu tư cho vài ấn phẩm khác, lấy ấn phẩm nọ bù cho ấn phẩm kia, anh bàn với gia đình bán căn nhà riêng mặt tiền 551 Lê Hồng Phong, quận 10, mua lại căn chung cư nhỏ ở 161.B Nguyễn Tri Phương, quận 5, TP.Hồ Chí Minh. Phần tiền dôi dư anh dồn sức đầu tư cho công việc mình làm. Lâm Quốc Trung yêu nghề báo, say nghề báo là vậy. Anh là người có tài, có đầu óc tổ chức, biết nắm bắt, lắng nghe những ý kiến, nhu cầu của độc giả, của thị trường báo chí. Anh thường nói vui, tâm tình nhỏ nhẹ  với các cộng sự: “Làm báo cũng như bày mâm cỗ đãi khách. Khách cần ăn rau, ăn canh cải mà mình lại đưa món thịt nguội với rau xào thì đâu được”. Tiếp sau ấn phẩm Vũng Tàu Chủ Nhật, anh là người đã dành nhiều công sức cùng tập thể những người làm báo ở Đất Mũi làm nên một diện mạo mới cho tờ báo ở vùng đất tận cùng của Tổ quốc. Đất Mũi Cuối tuần có thời kỳ in hơn 30.000 bản, phát hành rộng khắp nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Có người nói Lâm Quốc Trung làm báo theo mô hình tư nhân. Nói vậy là chưa hiểu anh, càng không hiểu về đời sống báo chí, thị trường báo chí. Cho đến gần đây, trước lúc lâm bệnh nặng, anh là Q. Trưởng Văn phòng Đại diện báo ảnh Đất Mũi Cà Mau tại TP. Hồ Chí Minh. Trong hồ sơ cán bộ báo ảnh Đất Mũi, anh là một thành viên chính thức, được tiếp nhận và bổ nhiệm đầy đủ các chức danh, nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen; được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ nhà báo. Nguyên Tổng Biên tập báo ảnh Đất Mũi Nguyễn Kiên Hùng khẳng định: “Anh Lâm Quốc Trung là người có năng lực làm báo và  tâm huyết với nghề báo, anh đã từng làm việc ở một số cơ quan báo chí tên tuối. Anh là người góp phần tạo dựng lên thương hiệu một số ấn phẩm phụ của báo giải trí Trung ương và địa phương…”

Với tôi, Lâm Quốc Trung là một nhà báo thực thụ, một nhà báo có tài, có tâm, trách nhiệm, nghĩa tình, thủy chung, giàu lòng tự trọng. Bài viết này, như là một nén hương thơm, một người bạn tri kỷ của anh, tiễn biệt anh an nghỉ ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng.

 

P.Q.T

 

Cùng một chủ đề:

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.7.2013

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com