Giá sinh hoạt ở thủ đô Paris của nước Pháp chẳng có cái gì rẻ, vậy mà du khách tứ xứ vẫn cứ ùn ùn đổ về đây để “đốt tiền” và cảm thấy... thỏa mãn.
Sông Seine và những chiếc du thuyềnmui kín nhìn từ tháp Eiffel - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Một khi đã khám phá mọi thứ trên bờ, bạn hãy thử làm một chuyến trải nghiệm du thuyền trên sông Seine để chuyến đi Paris thêm phần trọn vẹn. Ở Paris có khá nhiều công trình nổi tiếng, tuy nhiên 3 nơi được người ta nhớ nhiều nhất, đó là: tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà và sông Seine. Tháp Eiffel nổi tiếng vì nó là biểu tượng của Paris và nước Pháp. Đến thủ đô nước Pháp mà chưa chụp hình lưu niệm ở cái tháp này thì coi như... chưa đến Paris! Nhà thờ Đức Bà cũng nổi tiếng không thua gì tháp Eiffel nhờ “ăn theo” quyển tiểu thuyết Notre-Dame de Paris của văn hào Victor Hugo, được Hollywood dựng thành phim với nhan đề Thằng gù nhà thờ Đức Bà mà khán giả VN đã có dịp thưởng thức. Còn sông Seine thì khỏi phải nói, nó xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm thi ca và âm nhạc, như một minh chứng cho sự trữ tình không thể thiếu khi nói về “kinh đô ánh sáng” của nước Pháp. Ví dụ như bài thơ Paris có gì lạ không em? do Nguyên Sa sáng tác, Ngô Thụy Miên phổ nhạc mà chúng ta đã từng nghe: Paris có gì lạ không em?/Mai anh về giữa bến sông Seine/Anh về giữa một giòng sông trắng/Là áo sương mù hay áo em? Rất tình tứ, thơ mộng.
Du thuyền mui trần trên sông Seine (Paris, Pháp)
Du thuyền trên sông Seine có 2 dạng: mui trần và mui kín. Giống như xe buýt mui trần dành cho du khách ở các nước Tây Âu hoặc Bắc Mỹ, du thuyền mui trần trên sông Seine cũng nhằm tạo điều kiện cho du khách có một chuyến thưởng lãm cảnh sắc dọc hai bờ. Du thuyền mui kín cũng nhằm mục đích ấy, nhưng khác ở chỗ trên đó có nhà hàng, phục vụ 2 bữa trưa và tối. Trong hai bữa ăn này, bữa tối có phần thú vị hơn và muốn trải nghiệm, bạn phải đặt chỗ trước. Chuẩn bị đi dự bữa tối trên du thuyền sông Seine, anh chàng người Pháp phụ trách công việc “chăm sóc các nhà báo VN” nhắc đi nhắc lại điều bắt buộc: ăn mặc trang trọng. Nếu bạn mặc quần jeans mang giày thể thao hoặc quần short, áo thun, mang dép lê theo kiểu lè phè, bình dân, người ta sẽ không cho bước xuống thuyền. Nhóm khách dư một người so với số lượng đặt chỗ cũng không được chấp nhận. Còn thêm một điều bắt buộc nữa: cấm chụp hình quang cảnh bữa tiệc tối bên trong du thuyền, vì nó đụng chạm và quấy rầy “sự riêng tư” của thực khách.
19 giờ, chiếc du thuyền bắt đầu cuộc lãng du dọc sông Seine, khởi hành từ tháp Eiffel. Về đêm, tháp Eiffel lung linh ánh đèn màu trông rất phấn khích. Theo chu kỳ mỗi tiếng một lần, tháp Eiffel sáng rực lên tựa như đốt pháo bông. Thực đơn bữa tối trên du thuyền thường chỉ có 3 món: khai vị với gan ngỗng áp chảo ăn với bánh mì (một trong những món đặc sắc của Pháp), món chính tùy khách chọn, gồm các loại thịt: bò, trừu, gà, vịt…, tráng miệng với kem lạnh. Mỗi món được trình bày trên một cái đĩa có đường kính tương đương chậu rửa mặt, nói chung rất “hoành tráng”, nhưng món ăn thì khá “khiêm tốn” vì có kích cỡ chỉ bằng cái bánh bèo Huế. Đó là nói về 2 món khai vị và tráng miệng, món chính có trọng lượng khá hơn một chút.
Cảm nhận món ăn nơi xứ lạ, ngon hay dở, tùy theo khẩu vị mỗi người, tuy vậy, bạn nên biết điều này: ẩm thực Pháp - nước đầu tiên trên thế giới - được UNESCO công nhận là di sản văn hóa (ẩm thực truyền thống Nhật Bản là nước thứ hai, chưa có nước thứ ba). Hành trình êm ái, chậm rãi trên con sông nổi tiếng này kéo dài 3 giờ đồng hồ, mỗi giờ thưởng thức 1 món. Kiểu ăn tao nhã này không phù hợp với người... mau đói bụng và thiếu kiên nhẫn. Trong khi nhâm nhi từng món ăn bên ly rượu vang, ngắm cảnh Paris về đêm, du khách sẽ được thưởng thức chương trình nhạc sống. Không rầm rộ, ồn ào như một ban nhạc rock, âm nhạc trên du thuyền sang trọng này chỉ có ca sĩ, nhạc công piano và violon, trình bày những bản tình ca lãng mạn bằng tiếng Pháp, Ý hoặc Anh. Cái không gian ẩm thực ấy đúng kiểu quý tộc, và giá cả tất nhiên cũng rất “đẳng cấp”: khoảng 300 euro/người (hơn 7 triệu đồng).
Quan sát thực khách trên du thuyền mới thấy họ nghiêm túc chấp hành “chỉ thị” ăn mặc trang trọng như thế nào. Nam cũng như nữ, kể cả trẻ em, đều lịch thiệp, sang trọng, ăn nói nhỏ nhẹ và không hề nghe thấy đại loại “một, hai, ba dzô” như trên các du thuyền ở xứ ta. Trẻ em dự tiệc tối trên du thuyền cũng “ra vẻ” người lớn, chững chạc, không chạy nhảy lung tung như thường thấy tại các tiệc cưới ở xứ mình. Nếu có đôi tình nhân nào đó hò hẹn ăn tối trên du thuyền dọc sông Seine, trao nhau những lời thì thầm đắm đuối trên nền nhạc du dương của tiếng đàn violon, thì quả là lãng mạn và êm ái như... tiếng Pháp.
Đ.X.H
(nguồn: Báo Thanh Niên số Tất niên 13.2.2015)
Cùng một tác giả:
Cánh hồng vương vấn (thơ)
Nhớ một người (thơ)
Cõi sầu riêng em (thơ)
Tên người và số phận (tạp bút)
Công tử Ả Rập (phóng sự)
Nhật Bản vui hay buồn? (bút ký)
Tình yêu không có tội (phóng sự)
Các vị thần vẫy gọi (bút ký)
Xa tình (thơ)
Nghe em hát(thơ)
Tình rơi như lá (thơ)
Nagasaki và mối tình Việt - Nhật (bút ký)
1001 lý do... vĩnh biệt cõi trần(bút ký)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|