Nguyễn Văn Mỹ: DU LỊCH VIỆT NAM - CUỐI NĂM NHÌN LẠI

2675-my

Nguyễn Văn Mỹ
(UV.BCH Hiệp Hội Lữ hành VN)

Năm 2014, kinh tế nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn nhưng đã không ngừng “Vượt qua chính mình”. Vẫn có những điểm sáng  tươi trẻ, những nét son kỳ vọng của ngành công nghiệp không khói trong năm Kỷ Mão.

NHỮNG ĐIỂM SÁNG

1/ Đường cao tốc Nội Bài - Lào Kai: Dài 265 km qua 5 tỉnh Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Kai; trong hệ thống AH 14 (Asia Highway 14), nối với Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) khánh thành ngày 21/9/2014. Đường có 5 trạm dừng chân và 13 trạm thu phí. Rút ngắn hơn một nửa thời gian của hành trình Hà Nội - Lào Kai và ngược lại. Đường cao tốc Sài Gòn - Dầu Giây dài 70 km, vừa được khánh thành, rút ngắn thời gian di chuyển, chỉ còn 1 giờ, thay vì gần 3 giờ.

2/ Hội An, cù lao Chàm và Đà Nẵng là 3 điểm đến an toàn và hấp dẫn, đảm bảo an ninh xã hội, không sợ các vấn nạn ăn xin đeo bám, bán hàng rong chèo kéo, chặt chém, trấn lột khách... Từ những người bán hàng đêm cho đến mỗi người dân ở Hội An và cù lao Chàm đều hiếu khách, có ý thức làm đẹp môi trường du lịch. Các bãi biển Đà Nẵng an toàn, du khách thích đi thuyền trên sông Hàn ngắm những cây cầu đẹp nhất Việt Nam, ngắm những hàng dừa được trồng dọc các trục đường ven biển…

3/ Hà Giang, điểm đến mới ấn tượng : Với các danh thắng tuyệt vời của đại ngàn đá, của giống chó săn cổ cụt đuôi H’Mong và nhiều nỗ lực của cả chính quyền lẫn người dân. UBND các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn đã trích ngân sách hỗ trợ và khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây tam giác mạch, biểu tượng của Hà Giang. Xây dựng hệ thống taluy đường hiểm trở, điểm dừng chân ngoạn cảnh trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng và một số khách sạn mới. Dù còn khiêm tốn nhưng thể hiện nỗ lực hiếu khách của điạ phương.

4/ Tập Đoàn Mường Thanh (MT) khai trương thêm 7 khách sạn trong  năm 2014. Bao gồm MT Nha Trang Center 5 sao (hiện là khách sạn cao nhất nước, 45 tầng, nằm trong top 10 tòa cao nhất VN). Các MT 4 sao là Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Mũi Né, Đà Lạt; nâng tổng số khách sạn đang có lên 27, chưa kể các dự án đang triển khai. Đây là chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh hẻo lánh mà nhiều nhà đầu tư ngán ngại. Ngoài giá cả cạnh tranh, tập đoàn MT luôn dành nhiều ưu đãi cho các sinh viên thực tập.

5/ Phú Yên miễn vé tham quan các danh thắng do tỉnh quản lý như tháp Nhạn, ghềnh Đá Dĩa, vũng Rô... Dù không bán vé nhưng nhà vệ sinh sạch sẽ. Các cơ sở lưu trú 5 sao Cendeluxe, Sao Việt luôn hỗ trợ tối đa cho sinh viên thực tập. Phú Yên có những con số 2 kỳ thú như 2 vịnh, 2 đèo, 2 núi, 2 ghềnh, 2 sông, 2 nhạc cụ đá, 2/10 hải sản quốc gia…Là tỉnh đầu tiên - thắp sáng tháp Nhạn về đêm và ca múa nhạc dân tộc miễn phí - sách tiếng Việt (“Phép giảng 8 ngày”, Alexandre de Rhodes, in tại Roma,1651) - giao thương Việt - Mỹ từ 1832 (vịnh Vũng Lắm)…

6/ Tràng An (Ninh Bình) được công nhận là di sản thế giới hỗn hợp vào ngày 23/6/2014. Quần thể di sản gồm cố đô Hoa Lư; các danh thắng Tràng An, Tam Cốc, Bích Động; rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới (5 văn hóa, 2 thiên nhiên và 1 hỗn hợp) và 13 di sản thế giới phi vật thể. Tuy nhiên, các danh thắng Tràng An, Tam Cốc, Bích Động và cả khu vực Bái Đính lâu nay chịu nhiều điều tiếng, nhất là việc tùy tiện tăng giá.

7/ Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên (TP.HCM) đầu tư hơnn 200 tỉ cho các công trình mới. Đó là “Vương quốc các thiên tài tương lai”, gồm 99 trò chơi liên hoàn trong mái che. “Lâu đài phép thuật Harry Porter” theo phiên bản của tác phẩm cùng tên. Các trò chơi “Đĩa xoáy thiên hà”, “Vũ điệu Tagada Disco”, “Xe cáp treo du lịch trên không” ... Suối Tiên, vùng đất Tứ Linh với nhiều lễ hội đặc sắc như “Giỗ tổ Hùng Vương” (tháng 3),“Trái cây Nam bộ” (tháng 6), “Vu lan - mùa báo hiếu” (rằm tháng 7 AL), “Thiện tâm nhân ái” (dành cho người khuyết tật, cuối tháng 11)… Năm 2014, Suối Tiên đón gần 5 triệu lượt khách, hiện đang sở hữu 12 kỷ lục quốc gia.

8/ Phức hợp Vinpearl Phú Quốc 5 sao khai trương ngày 1.11.2014 với hàng loạt dịch vụ cao cấp như sân golf, thế giới games, các trò chơi cảm giác mạnh, công viên nước, nhà hát nhạc nước, thủy cung và các trung tâm mua sắm, hội nghị, spa… Được biết phức hợp thuộc tập đoàn Vingroup, chủ đầu tư Vinpearl Nha Trang và Vinpearl Luxury Đà Nẵng.

9/ TP.HCM ưu tiên giải quyết “đầu ra” cho du khách. Đã đưa vào sử dụng 10 nhà vệ sinh công cộng cao cấp miễn phí tại các công viên. Xác định đây là “điểm đến đầu tiên” và cực kỳ quan trọng của du khách, UBND quận 1 tổ chức cuộc thi “Thiết kế nhà vệ sinh công công”, tổng giải thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng. Thành phố sẽ phủ kín nhà vệ sinh công công đạt chuẩn quốc tế khắp các quận huyện trong năm 2015.

10/  Khách sạn 5 sao Rex (Saigontourist) đạt lợi nhuận sau thuế trên 200 tỉ với tỉ suất 52% so với doanh thu năm 2014. Nhờ vị trí đắc địa, có bề dày lịch sử, dịch vụ đẳng cấp, Rex là một trong những ngọn cờ đầu của ngành khách sạn Việt Nam, là khách sạn cao cấp đầu tiên mở cửa cho khách vãng lai vào sử dụng nhà vệ sinh, thể hiện sự chia sẻ với khó khăn của thành phố và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng.

VÀ NHỮNG MẢNG XÁM

Bên cạnh những điểm sáng, vẫn ngổn ngang màu xám và nhiều mặt yếu kém, từ quản lý cho đến các vấn nạn xã hội.

1/ Sự kiện giàn khoan HD 981 của Trung Quốc gây hấn ở biển Đông kéo theo nhiều hệ lụy. Rồi đồng Rúp xuống giá. Thị trường khách Trung Quốc, khách Nga và các nước nói tiếng Hoa giảm sút mạnh (giảm gần 1 triệu lượt khách). Khách nội địa tăng tốt nhưng khựng lại từ tết tây đến nay. Du lịch Việt Nam phát triển nhưng thiếu ổn định, ẩn chứa nhiều rủi ro.

2/ Ăn xin, bán hàng rong và cướp giật ám ảnh du khách từ nhiều năm qua. Vẫn chưa có kế hoạch dứt điểm mà chỉ hô hào suông. Kinh nghiệm dẹp ăn xin đeo bám, có khi kiêm móc túi và bán hàng rong chèo kéo của khu du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh), của các thành phố Hội An, Quảng Nam, Đà Nẵng không hiểu sao vẫn chưa được nhân rộng?

3/ Nhà vệ sinh, vệ sinh thực phẩm và môi trường tiếp tục “khủng bố tinh thần” du khách. Nhà vệ sinh quá kém, nhất là các tỉnh phía Bắc. Từ phố cổ Hà Nội, các điểm tham quan. Còn dọc đường thì nhiều nơi không có. Ngay cả sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng chưa đảm bảo. Còn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và rác thì cứ ngày càng phát triển, năm sau hơn năm trước.

4/ Tùy tiện tăng giá tham quan và dịch vụ chặt chém du khách. Các tỉnh và đơn vị quản lý danh thắng chăm bẳm tăng giá vé tham quan thay vì mở rộng và cải tiến dịch vụ để tăng nguồn thu. Nạn chặt chém du khách ở Vũng Tàu, Đà Lạt và một số tỉnh phía Bắc (ăn uống), Hà Nội và Sài Gòn (taxi)…Nạn đầu cơ giá phòng ở Nha Trang, Đà Lạt; vé máy bay Côn Đảo, Phú Quốc…vào dịp cao điểm vẫn ngang nhiên thách thức. Xử phạt quá nhẹ và chưa nghiêm nên vấn nạn càng lây lan.

5/ Giao thông trì trệ: Quốc lộ 1 đang được nâng cấp với tiến độ rùa bò, không chỉ “hành” khách mà hành cả dân; kéo dài thời gian di chuyển gấp rưỡi, gấp đôi; rất oải. Quốc lộ xương sống mà nhiều đoạn chỉ 2 làn xe ngược chiều, không có dãy phân cách. Biển báo tốc độ chưa hợp lý và vấn nạn các “anh hùng núp” rình phạt. Luật lệ giao thông chưa được tôn trọng, tai nạn cứ treo lơ lửng như “thập diên mai phục”.

6/ Thiếu qui hoạch bảo tồn: nên nhiều công trình cổ bị biến dạng hoặc xóa sổ. Núp dưới chiêu bài trùng tu, nhiều kiến trúc cổ thay đổi diên mạo, lòe loẹt và hợm hĩnh. Không chỉ các giá trị nhân văn mà môi trường sinh thái cũng bị đe dọa.Dự án cáp treo Fansipan 8.000 tỉ trong vườn quốc gia Hoàng Liên, sắp hoàn thành giai đoạn 1. Dự án cáp treo hang Sơn Đoòng 4.500 tỉ, tạm thời bị bác bỏ nhưng dự án cáo treo vịnh Hạ Long 6.000 tỉ, chưa biết thế nào.

7/ Đầu tư chạy theo phong trào nên sản phẩm trùng lắp. Hụt hơi vì những biến động thị phần mà khách Nga và Trung Quốc là điển hình. Không có sản phẩm đặc trưng. Các dịch vụ giải trí chưa hấp dẫn; quà lưu niệm đơn điệu, thậm chí không có. Từng địa phương cho đến các doanh nghiệp đều thiếu liên kết mà cứ “mạnh ai nấy làm”.

8/ Tràn lan lễ hội: Với hơn 8.000 lễ hội, bình quân cả nước mỗi tuần có 30 lễ hội. Vừa tốn kém (tốn tiền, kém hiệu quả), lãng phí cả tiền bạc lẫn thời gian, công sức. Nhiều lễ hội bị lên án như Chém Lợn, Đâm Trâu, Chọi Trâu…vì ngược với truyền thống nhân văn, hòa hiếu của dân tộc.

9/ Thiếu Hướng dẫn viên (HDV) trầm trọng: Hơn 8.437 hdv quốc tế hiện có chỉ đáp ứng được chừng 60% của khoảng 5 triệu du khách trên 7,8 triệu người nước ngoài vào Việt Nam. Còn 6.777 hdv nội địa phục vụ cho hơn 30 triệu lượt khách là chuyện không tưởng. Việt Nam là nước duy nhất phân biệt đối xử khách nội, ngoại. HDV nội địa chỉ cần tốt nghiệp phổ thông, còn quốc tế phải tốt nghiệp đại học. Có năm, lượng HDV không tăng mà còn sút giảm do qui định đổi thẻ khó khăn, đào tạo thì thập cẩm.

10/ Nguồn nhân lực yếu kém nên quản lý lỏng lẻo, chồng chéo. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân các mặt yếu kém và những vấn nạn trong du lịch. Luật Du lịch không có một dòng nào về đào tạo nhân lực nên xã hội “trăm hoa đua nở”, thừa bằng mà thiếu nghề. Lãnh đạo ngành, từ TW đến tỉnh thành chỉ là cơ quan tham mưu, không thể chỉ đạo trực tiếp và hiệu quả như các nước.

Trên đây chỉ là góc nhìn có phần chủ quan của một người vừa làm quản lý, vừa là hướng dẫn viên, vừa đi dạy và viết báo; chứ chưa phải là tổng kết của ngành hay Hiệp hội. Những mảng xám gần như là kinh niên của ngành, chưa có thuốc đặc trị, chỉ vài mảng mới phát sinh. Nếu không quyết liệt thay đổi, e rằng khoảng cách ngày càng xa so với top đầu Asean. Tính hiệu quả thua cả Lào (7 triệu dân; đón 3,5 triệu khách) và Campuchia (15 triệu dân; đón 4,5 triệu khách).

Hy vọng, những mảng xám sớm được khắc phục và điểm sáng được nhân rộng để góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn.

N.V.M

 

Cùng một tác giả:

Vài suy nghĩ thời sự

Lễ chào  cờ trên đảo Phan Vinh (thơ)

Tạ lỗi (thơ)

Dubai - tất cả đều có thể

Nỗi khổ doanh nghiệp

Việt Nam sử lược diễn ca

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com