Tọa đàm khoa học về thi sĩ BÙI GIÁNG - * Bùi Giáng đối thoại

Mục lục
Tọa đàm khoa học về thi sĩ BÙI GIÁNG
Bùi Giáng: thơ phơi giữa nắng (HUỲNH NHƯ PHƯƠNG)
BÙI GIÁNG “CHƠI” (NHẬT CHIÊU)
* BẢN MỆNH THƠ BÙI GIÁNG (HỒ THẾ HÀ)
*Bùi Giáng - thi sĩ tinh quái của nền thi ca Việt Nam hiện đại (LÊ MINH QUỐC)
* Bùi Giáng đối thoại
Tất cả các trang

Nghe lại Đối thoại

 

SGTT.VN -  Thi sĩ Bùi Giáng tạ thế lúc 14 giờ ngày 7.10.1998 (nhằm ngày 17.8 Mậu Dần), hưởng thọ 73 tuổi. Cho đến nay, thi sĩ lạ lùng này vẫn còn gây nhiều tranh cãi quanh thân thế và tác phẩm. Không chỉ di cảo, nhiều tác phẩm của Bùi Giáng vẫn chưa được phát lộ đầy đủ với công chúng.

Năm 1965, năm văn nghệ sĩ, trí thức ở miền Nam viết năm lá thư bằng ngoại ngữ gửi năm trí thức nổi tiếng phương Tây là Martin Luther King, Jean Paul Sartre, André Malraux, René Char, Henry Miller để kêu gọi cho hoà bình ở Việt Nam. Bùi Giáng viết Lời phi lộ nổi tiếng bằng tiếng Pháp cho tập Đối thoại (Dialogue) này. Báo Sài Gòn Tiếp Thị xin trích đăng lại bản do Bùi Giáng tự dịch sang tiếng Việt do ông Bùi Hộ (bào huynh của Bùi Giáng) ấn hành tại Canada năm 2000, như một lời tưởng nhớ.

 

buigiang

Thi sĩ Bùi Giáng thuở đôi mươi. Ảnh: tư liệu gia đình


Một cuộc đối thoại bao giờ cũng phơi mở, dễ trở thành một cuộc độc thoại. Mà một cuộc độc thoại lại có thể tràn trề sức sản sinh, nếu là cuộc độc thoại trong – mờ, qua đó xuyên một “ánh đêm”. Bản chất của độc thoại là ở chỗ Hiện Tồn tự phân thân: hai vũ trụ soi mình trong một thế giới, một thế giới chia thành hai được ngăn cách bởi một hố thẳm. Và bản chất của hố thẳm là ở chỗ nó có thể vượt qua bằng một cuộc nhảy. Và bản chất của cuộc nhảy lại là sự chấp nhận rủi ro.

Nói khác đi, chấp nhận rủi ro là bản chất của chính cuộc sống vậy. Sống, tức là đánh liều. Mà đằng nào đã “một liều ba bảy cũng liều”, thì cớ sao không chọn cuộc liều trong – mờ?

Chọn lựa ư? Chúng ta là kẻ chọn lựa cuộc liều ư? Hay là cuộc liều đến với chúng ta trước và chính nó chọn chúng ta?

Thế nhưng cuộc liều trong – mờ là như thế nào? Người ta quả có thể nói đến “tính mờ mờ tỏ tỏ” của một cuộc liều ư? Có lẽ không, nếu là một cuộc liều chính trị hay quân sự. Có thể là có, nếu là cuộc liều ngôn từ, khi lên tiếng nói tức chấp nhận dấn thân, và tiếng nói lên là cuốn vào cơn lốc.

Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
(Nguyễn Du)

Vút đi như tên bắn, cỗ xe mang trong mình mọi chứng tích huyền thoại – mà quỷ sứ hay thiên thần nào có ai hay… Hãy dõi theo. Ta thấy gì?
Trong bóng xe qua, cõi người ta bỗng hiện nguyên hình thành Thế Giới. Đó chính là cái “thế giới bản lai diện mục” vốn đã đặt dấu ấn mang tính cách bản chất lên sinh tồn của chúng ta.

Cái thế giới đã một lần lắc mình biến thành “cõi hồng trần” khá quyến rũ. Nhưng rồi cái thế giới bụi hồng này đã không ngừng trượt dốc, mang nguy cơ trở thành thế giới tro đen, tức là một “phi – thế giới” thuần tuý và đơn giản. Đó chính là mối hiểm nguy gay cấn nhất biến hiện hữu của cuộc nhân sinh trên Trái đất thành vô – hiện hữu trên cái hành tinh đang phiêu bồng.

Hỡi Phương Tây! Có phần lỗi nào của Người trong đó không? Chắc chắn là không? Dường như là một chuyện nào khác kia… Vậy là cái gì? Chúng ta hãy để ngỏ Vấn đề.

Ngôi nhà của hiện tồn không còn nữa. Kẻ chăn dắt hiện tồn, người lính gác của hư vô đã bỏ chúng ta. Ngôn từ của chúng ta thành ra ấp úng. Cái Nếp Gấp trong – mờ đã không được vén lên, thì sức mấy mà nói đến bản chất của đối thoại?

Chúng ta đã mất hết, và nỗi gụi gần bí ẩn của sự vô ngôn bất khả tư nghị cùng niềm thân thiết riêng tư của sự cách xa sẽ còn mãi trở trăn với tái xuất giang hồ trong tâm hồn cuộc liều của một Cuộc Cờ Lớn… chúng ta đã mất hết. Thử hỏi có còn lại gì để mất không? Trong nỗi vô vọng cực cùng khi sự phi lý đè nặng lên mình, chúng ta có gì để được?

“Đâu có hiểm nguy, đấy có giải thoát”.

Trong quay lộn của muôn vàn hiện hữu, Chân Lý của Hiện Tồn rúng động và đột ngột mở phơi: giữa một vùng sáng huyền diệu, đối mặt cùng nhân quần, Hồn Á vĩnh cửu bừng tỉnh trong tất cả vẻ rạng rỡ của mình.

Liệu chúng ta có thức nhận được hết mức trầm trọng của sự tình? Đâu là lời kêu gọi vô ngôn cộng hưởng từ đầu này tới cuối kia mặt địa cầu – lời gọi kêu đã hơn một lần khuấy động nơi sâu xa nhất của tâm hồn ta, để rồi câm nín?

Hỡi những người anh em phương xa! Chính là từ một vấn nạn như thế đã quyết trỗi các trang mỏng manh này – mà dám là định mệnh lắm – đánh liều thân kiếp nhỏ nhoi của chúng qua ngàn trùng sóng vỗ, để đến trước Các Bạn, mở ra…

Bùi Giáng

(nguồn: http://sgtt.vn/Van-hoa/183083/Nghe-lai-emDoi-thoaiem.html)


Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com