LÂM BÍCH THỦY: Nhà thơ YẾN LAN và Cách mạng tháng Tám ở quê tôi


Quê tôi là cái thị trấn nghèo bên thành cổ Đồ Bàn. Nơi đó chất chứa bao nhiêu kỷ niệm với không chỉ những nhà thơ trong nhóm Bàn Thành Tứ Hữu, mà với rất nhiều văn nghệ sĩ Liên Khu V kháng chiến, những người đã cùng  nhà thơ Yến Lan - ba tôi hòa chung với dòng thác Cách mạng mùa Thu năm 1945.

Cuộc sống nơi đây đơn điệu và nghèo nàn. Gánh nặng mưu sinh oằn lên đôi vai người dân mỗi ngày. Nói đâu xa, như gia đình chú Nguyễn Văn Khánh (cha của NSND Trà Giang), quê ở Quảng Nam tản cư vào; vợ là người Phan Thiết. Nhà chú có hiệu ảnh Thái An nằm giữa thị trấn mà chẳng đủ sống. Anh con cả Ấn Sơn phải xuống tận ga Diêu Trì mua bắp về luộc, rồi ra ngã tư huyện bán. Ngày chợ phiên, chị Trà Giang xách ấm chè tươi "đổ" quanh chợ kiếm sống…

 

ong-ba-RR2

Vợ chồng nhà thơ YẾN LAN và con gái nuôi Nguyễn Thị Hảo, người dân tộc Nùng (con gái Chánh văn phòng Tỉnh ủy Cao Bằng), học cùng khóa 10 Trường ĐHNN Châu Quỳ với Lâm Bích Thuỷ niên khoá 1965-1969.

 

Nhưng khi Cách mạng về thì tinh thần người dân nơi đây trở nên sôi động hẳn. Lớp lớp thanh niên xung phong ra trận, còn các trí thức trong huyện trước câu hỏi: “Đất nước đang lâm nguy, ta phải làm gì?”, họ đã thành lập một đội kịch để tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, tham gia kháng chiến. Tổ chức này không phân biệt chính kiến, tôn giáo, giới tính kể cả quá khứ, theo tinh thần đại đoàn kết, hăng hái tham gia kháng chiến kiến quốc. Đội kịch lấy tên ba tôi: “Đội kịch Yến Lan”.

Lúc đầu, đội kịch chỉ toàn là nam giới, vì chị em phụ nữ sợ mọi người khinh là “xướng ca vô loài” nên không tham gia. Tất cả dựa vào khả năng, lòng nhiệt tình của từng người để phân công nhiệm vụ cụ thể:

- Thi sĩ Yến Lan:  Sáng tác, biên soạn (thơ ca, kịch, vè, bài chòi…)

- Ông Nguyễn Văn Khánh: Đạo diễn

- Ông Nguyễn Thoại, Nguyễn Liên: Tổ chức ban nhạc

- Ông Khuê, Đề - Pô: Tham gia diễn viên.

- Anh Cao Kế: Phụ trách thanh thiếu niên và phát thanh viên...

Công việc của đội rất đa dạng, vừa làm công tác tuyên truyền vừa động viên, cổ vũ để người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Bác, Đảng; giải thích những điều dân chưa hiểu, chưa thông...

Từ ngày có “Đội kịch Yến Lan” đã làm thay đổi không gian sống, thay đổi sự đìu hiu phố thị. Mọi thứ trở nên sôi nổi, nếp sống mới đang dần quen với người dân; tình làng, nghĩa xóm, chồng vợ hòa thuận…

Theo nghệ sĩ Nguyễn Khánh, đội kịch không có nữ, song có ba tôi nói năng nhỏ nhẹ, trắng trẻo nên phải đảm nhiệm các vai nữ. Có lúc ông làm “nàng tiên sò” ngồi trên xe ngựa, chạy quanh phố; chốc chốc làm động tác khép, mở vỏ sò cho “người đẹp” hiện ra. Bà con lạ lẫm, thích thú chạy theo xe đến tận cuối xóm để xem nàng tiên sò cho thỏa lòng hoan hỉ.

Hàng tháng, đội tổ chức diễn 2 vở kịch. Nội dung có thể “dẫn ra những tấm gương nghĩa khí của lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa là nông dân ở trong nước hay Trung Quốc thời xưa”.

Cũng trong thời gian này, vở kịch thơ “Gái Trữ La” do ba tôi viết năm 1943 được diễn nhiều đêm tại sân Chùa Ông. Nội dung vở kịch ca ngợi tinh thần yêu nước của những người con đất Việt. Nhân vật chính trong vở kịch thơ này là cô gái Trữ La - nàng Tây Thi ở nước Việt đang bị giặc Ngô xâm chiếm. Việt Vương Câu Tiễn mượn nhan sắc Tây Thi - người đẹp vốn là cô gái giặt lụa ở thôn Trữ La -  làm mỹ nhân kế, lung lạc Ngô Phù Sai để giành lại cơ đồ.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, ba tôi có chân trong Ủy ban huyện (Sau Cách mạng tháng Tám, các phủ đều đổi thành huyện), và được giao phụ trách Phòng Thông tin của huyện. Trụ sở Phòng Thông tin là ngôi nhà sang trọng của bà chủ hiệu R.A-R.O, nơi trước đây bán thuốc phiện và rượu. Như vậy, từ một nơi nhằm đầu độc và hủy hoại thể xác con người, chỉ một tuần sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đã biến thành địa điểm phát ra nguồn ánh sáng trí tuệ, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Những người giờ lên tuổi bảy, tám mươi chắc còn nhớ rõ ngôi nhà ấy; nó nằm giữa ngã tư thị trấn Bình Định, trước mặt là quốc lộ số I, bên hông là đường đi Gò Bồi.

Những ký ức về nhà thơ Yến Lan, người phụ trách Phòng Thông tin thời đó, thường gắn liền với nhiều hoạt động năng động, sáng tạo, bình dị, luôn là hình ảnh đẹp trong lòng của nhiều người. Anh Cao Kế, giảng viên Trường Đại học Qui Nhơn, bạn vong niên của ba tôi thời đó kể:

“Thời ấy, trong giao tiếp hằng ngày, người dân thường hay nghe cán bộ nói nhiều đến những từ rất mới, rất khó hiểu như “Cách mạng, du kích, tuyên ngôn, tổng tuyển cử”. Biết đây là những từ Hán - Việt, có thể dân không hiểu đầy đủ nên sau khi đọc xong các bản tin, thỉnh thoảng nhà thơ Yến Lan giải thích. Cách giải thích của anh có tính văn học mà lại bình dân.

Ví dụ từ “mâu thuẫn” anh nói: - Đồng bào muốn hiểu mâu thuẫn là gì phải không? Vậy xin mời đồng bào nghe câu chuyện sau đây:

Ngày xưa ở nước Tàu có một anh chàng lém lĩnh làm nghề buôn bán vũ khí. Ban đầu anh ta đưa ra cái “mâu” và quảng cáo ầm ĩ rằng đây là loại vũ khí có thể đâm thủng được tất cả mọi thứ, dù cho các thứ ấy dày và cứng đến đâu, cho nên nó vô cùng lợi hại. Đã là người chiến sĩ thì không thể thiếu loại vũ khí này! Lác đác một vài người mua. Sau đó anh ta đưa tiếp một loại vũ khí khác rồi lại lớn tiếng rao:  - Đây là cái “thuẫn” nó có tác dụng che chắn thân thể con người một cách an toàn tuyệt đối, chắc chắn rằng không hề có loại vũ khí nào khác dù nhọn và cứng đến đâu có thể đâm thủng được nó…Đấy. Mâu thuẫn là thế, là cách nói trước sau không thống nhất. Trước sau ngược nhau, là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Là nói lấy được nhằm thu lợi cho mình mà thôi".

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, anh Cao Kế (tham gia công tác thiếu nhi) kể  Vì biết đọc, biết viết, nên anh còn được giao cùng với ba tôi đọc các bản tin trên loa truyền thanh. Về hoạt động của Phòng Thông tin, anh cho biết:

"Phòng chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Mỗi lần đọc tin, chúng tôi leo lên một chiếc ghế cao khoảng 5m, đọc trước một cái loa dài làm bằng sắt tây, có hình giống như chiếc loa thời trung cổ. Cái loa được gác vào một lỗ thông hơi vốn có sẵn ở trên tường nhà.

Từ ngày tham gia vào công việc đọc bản tin, tôi có điều kiện gần gủi và trở nên thân thiết với anh Yến Lan, rồi được nghe anh nói nhiều về văn, thơ. Giọng anh nhỏ nhẹ, rất có duyên và hấp dẫn lạ thường. Lúc này, ban ngày anh đi diễn thuyết về “tám mươi năm nô lệ”, ban đêm anh đến Phòng Thông tin. Vừa sắp xếp chương trình, vừa phân công người đọc, và cùng anh em trong phòng đọc một số bài trước loa.

Mỗi khi gặp trên báo có bài thơ, câu chuyện hay, anh mang ra ngâm, đọc và bình trước thính giả. Nhờ có anh, những người nông dân thị trấn Bình Định và các vùng phụ cận lần đầu tiên trong đời mới biết thế nào là một cuộc bình văn, bình thơ".

Đây cũng là thời gian ba tôi viết "Bình Định 1945” và nhiều bài thơ khác, trong đó có cả những bài tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Bác Hồ. Trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bài trừ các tệ nạn, chống buôn lậu, chống hàng giả, lời thơ của ba tôi rất kiên quyết, triệt để và mang ý nghĩa dự báo về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà nửa thế kỷ sau mới thực hiện:

"… Ai đi Bến vắng (Tam Kỳ) thì đi

Ai về Bình Định nhớ ghi lời này

Bình Định đã quyết bao vây

Chớ buôn hàng lậu vào đây uổng tiền

 

Năm ngày một buổi chợ phiên

Cửa Hội, Cửa Tiền đông đúc người ta

Hỡi người đi chợ đường xa

Mua vịt, mua gà hàng lậu chớ mua

 

Hỡi người chớ tính hơn thua

Bình Định đã quyết thi đua phen này

Bình Định đã quyết bao vây

Hàng ta, ta bán, hàng Tây ta đừng..."

 

Trước nạn đói làm mất hơn hai triệu người Việt Nam năm 1945, Bác Hồ kêu gọi: “… Tôi đề nghị đồng bào cả nước và tôi xin thực hiện trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo”.  Tiếng loa từ Phòng Thông tin lan tỏa khắp nơi, tạo thành một dây chuyền hành động từ thị trấn đến xóm làng. Thực hiện lời kêu gọi của Bác, người người biết nhường cơm sẻ áo và đồng cam cộng khổ. Mọi nhà đều có “Hũ gạo cứu đói” bớt ra từ mỗi bữa. Cuối tháng “Hội mẹ, Hội chị chiến sĩ” đến từng nhà thu gom gạo, gửi ra chiến trường cho bộ đội ăn no đánh giặc. Công tác tuyên truyền của Phòng Thông tin có tác dụng lớn trong việc vận động bà con làm theo lời Bác: “Tăng gia sản xuất cũng là đánh Tây”.  Ba tôi viết:

"Tìm em - Nhơn Hậu, Nhơn Thành

Em đang truyền đạt tình hình vụ đông

Tìm em cuối tháng cùng năm

Dẫu khi nắng hạn mưa dầm vẫn ra "

Việc xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt được cán bộ Phòng Thông tin xem là việc cần thiết. Trước vấn nạn mù chữ của dân ta, Bác Hồ giải thích: “Mỗi người dân Việt Nam phải hiểu, biết quyền lợi, bổn phận của mình… phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.”

Thế là nhiều lớp Bình dân học vụ của huyện được mở. Tối tối, các cô, các chị rủ nhau đi học. Việc học của nhân dân hồi đó được kiểm tra chặc chẽ, khắc khe. Nơi nào có đông người đi lại đều được giăng dây, ai muốn qua, phải đọc được chữ trên bảng, treo lủng lẳng ở cọc tre, không thuộc thì ngồi lại học cho thuộc mới được qua.

Giai đoạn 1945-1954, Bình Định trở thành “Thủ phủ kháng chiến Nam Trung Bộ”, và mảnh đất này trở thành "bà đỡ" cho nhiều tác giả - tác phẩm của Văn học Liên khu V. Thị trấn nhỏ của quê tôi, gia đình tôi, cũng được đón tiếp nhiều VNS về công tác, tham gia hoạt động: chú Khánh Cao, nhà thơ: Phạm Hổ, Vương Linh, Tế Hanh... nhà văn: Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thành Long, Hoàng Châu Ký...

Trước tình hình nhiệm vụ mới, ba tôi bàn với chú Khánh Cao, tập họp tất cả trí thức trong và ngoài tỉnh đang có mặt tại Bình Định thành lập Đoàn kịch Liên Khu Năm, thay cho Đội kịch Yến Lan. Đoàn nhất trí bầu Yến Lan làm trưởng đoàn. Ông giữ chức vụ này đến khi tập kết ra Bắc.

Khác hẳn lần trước, lần này, Đoàn đã vận động được nhiều chị em phụ nữ tham gia, như dì Nga, cô Ngọ hay vợ của ông Lu-y, người Ấn Độ. Giọng ca trời phú của cô Ngọ đã cuốn hút bà con thị trấn đến với các đêm diễn. Nhờ vậy mà chủ trương, chính sách của Đảng và Bác Hồ đến được dễ dàng với người dân huyện chúng tôi.

Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, cả nước sục sôi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Các tỉnh miền Trung: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên... cũng rực lửa anh hùng không kém. Tinh thần đó đã chuyển thành hành động cụ thể. Người dân luôn trong tư thế sẵn sàng, và ba tôi viết: "Ta giấu kho hàng / Ta dồn lều lưới/ Hầm chồng cát dội / Địch mà cập bến / Kẻng nhanh thúc hồi / Nào anh em ơi, / Súng giáo không rời"…. ( trích trong bài thơ ”Bài ca người bám biển)

Và hơn hết, Người trí thức của huyện, bấy giờ là người đi đầu trong mọi hoạt động. Họ đi sâu sát tùng gia đình, đồng cam cộng khổ với nhân dân trên mọi trận tuyến. Họ không có giờ rỗi cho riêng mình:

"Tôi sống những ngày thân cò lặn lội

Gánh gạo, phá thành, đốt đuốc dời kho

Cùng xứ sở chung ngọn đèn le lói

Ngày như đêm tiếp mãi lửa căm thù..."

(Trích ”Bình Định 1947”)

Với tinh thần hăng say làm Cách mạng, ba tôi đã dốc hết tâm huyết, sức lực tuổi trẻ, không hề nao núng, do dự, so đo tính toán với quê hương, ngẩn cao đầu đi về phía trước, đúng như những gì ông viết:  "Tôi đã ôm ngọn lửa làm người / Dù leo lét nhưng không hề để tắt…"  (Bài thơ Nhà tôi đó). Những vần thơ bốc lửa cách mạng của ba tôi lúc này đã chắp thêm cánh cho Cách mạng, cổ vũ tinh thần yêu nước, và lòng tin vào Bác, vào Đảng của nhân dân thị trấn An Nhơn quê tôi rất cao.

"Chỉ mong em để làm tin

Đôi tai lắng lấy lời khuyên, ghi lòng

Ở đây đài điện đã thông

Phổ câu hát ngọt, phổ dòng ca vui

Phổ niềm tin Đảng xây đời

Nên khung hạnh phúc ghép đôi chúng mình"…

(thuộc loại ca dao chống Pháp của Yến Lan)

Anh Cao Kế còn kể thêm: "Hồi ấy, dưới sự chỉ đạo của nhà thơ Yến Lan, công tác tuyên truyền khá sinh động. Ngoài việc đọc tin, bài, còn có ngâm thơ, hát những bài ca Cách mạng, hô bài chòi, có đưa ra những câu thơ, câu ca dao để đố, thu hút sự tham gia của nhân dân. Để phục vụ cho công tác này, anh Yến Lan đã sáng tác một số câu thơ dưới dạng câu đố về tên các loại vũ khí, tên các địa phương trong tỉnh, trong huyện… hoặc tổ chức thi, khuyến khích khán thính giả gửi bài về Phòng Thông tin. Đến ngày định trước, anh Yến Lan phân tích các câu thơ đã đố và đưa ra lời đáp án. Ai trả lời đúng được nêu tên trước thính giả, được đám đông hoan nghênh nhiệt liệt. Chỉ có thế mà tác dụng rất lớn, khích lệ người dự thi rất đông".

Những vần thơ, ca dao của ba tôi thời đó như in vào lòng bà con thị trấn. Sau 1975, họ còn nhớ, đọc cho tôi ghi lại. Thơ của ông giai đoạn này phần lớn phục vụ kịp thời cho công tác tuyên truyền, kêu gọi mọi người hăng hái tham gia kháng chiến cứu quốc, giáo dục tình yêu quê hương đất nước, căm thù giặc sâu sắc. Tinh thần ấy sau này còn theo suốt chặng đường thơ của ba tôi trong những năm tập kết ra Bắc. Cách mạng tháng Tám đã mang đến niềm vui lớn cho toàn dân, trong đó có các nhà thơ như ba tôi.

 

L.B.T

(Trích hồi ký Người cha thi sĩ của Lâm Bích Thủy)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com