BÍCH NGÂN: Làm báo thuở thanh xuân

 

Nhà văn BÍCH NGÂN - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Những tác phẩm của chị, ta có thể kể đến các tập truyện ngắn Đâu phải là Tình yêu (1992), Những chiếc lá  (1994), Người đàn bà bơi trên sóng (2005)... Gần đây nhất, chị đã tạo được dư luận qua tiểu thuyết Thế giới xô lệch (NXB Hội Nhà văn - 2009) và đã nhận nhiều giải thưởng văn học, sân khấu của các báo và các hội nghề nghiệp.

 

bich-nganresizeRR

Nhà văn Bích Ngân (Ảnh: Báo Thể thao & văn hóa)


Ngoài ra, chị còn là nhà văn nữ duy nhất viết thể loại trào phúng, châm biếm, đã có những tập truyện hài hước được xuất bản như Trăng mật ở đảo, Cái đầu siêu định vị. Qua đó, ta có thể mạnh dạn xếp nhà văn Bích Ngân ngồi “chung chiếu" với các cây bút lừng danh chuyên viết trào phúng, châm biếm như Hoàng Thiếu Phủ, Đồ Bì, Lê Văn Nghĩa, Lê Hoàng... Hiện nay, chị vẫn đang bền bĩ “chơi” thể loại này.

Trả lời phỏng vấn báo Thể thao & văn hóa, chị cho biết: “Viết theo phong thái hài hước không dễ chút nào, nếu không nói là quá khó. Một gương mặt có một nụ cười duyên nhưng vẫn cứ nụ cười đó, đôi môi đó, ánh mắt đó vẫn gắn lên khuôn mặt quen thuộc đó thì dễ làm người ngắm nhìn đâm chán. Tôi sẽ không xăm xăm đi theo mà cũng không quay mặt rẽ lối. Tôi vẫn sẽ viết thể loại này khi nắm bắt được tình tiết hay tình huống có thể viết nên truyện hài hước hay vở kịch chứa nhiều trữ lượng hài hước” (nguồn: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/nha-van-bich-ngan-noi-nghiep-bac-ba-phi-n20130701104631123.htm)

Với sức viết đa dạng, nhiều thể loại đã cho thấy một nhà văn Bích Ngân đang sung sức và đa tài. Trang web www.leminhquoc.vn trân trọng giới thiệu một hồi ức khó quên của nhà văn Bích Ngân, khi chị còn là phóng viên báo Cà mau, Đất Mũi. Đọc Làm báo thuở thanh xuân chắc chắn bạn đọc sẽ trầm ngâm hoặc có lúc bật cười thích thú, qua đó, thêm hiểu về nghề nghiệp của các nhà báo.

 

L.M.Q

(VII.2013)

 

Cho tới nay, sau 30 năm, tôi vẫn còn nhớ số thẻ nhà báo đầu tiên của mình, số 3469 do Cục xuất bản và Báo chí cấp. Ngày ấy tôi là phóng viên của Báo Minh Hải (Minh Hải là tỉnh được sáp nhập từ hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu). Bảng hiệu “Báo Minh Hải” đường bệ đặt trước mặt tòa nhà đồ sộ trên đường Điện Biên Phủ chạy dọc theo bờ sông Bạc Liêu. Đó là ngôi biệt thự của “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy nổi tiếng với nhiều giai thoại đình đám về cái sự chơi sang, chơi ngông (gần đây tòa nhà đã trở thành Khách sạn Công tử Bạc Liêu). Làm việc trong tòa nhà xây theo kiến trúc nhà Tây sang trọng, mát rười rượi nhưng lương bổng của những người làm báo thật bèo. Lương phóng viên của tôi lúc đó được 52 đồng. Nghèo mà vui. Nghèo mà tâm hồn trong veo. Chúng tôi không hề biết so đo hay đòi hỏi bất cứ điều gì dính đến quyền lợi riêng tư, nhất là quyền lợi vật chất. Cánh phóng viên trẻ chúng tôi lúc đó chỉ có một ham muốn, ham muốn thường trực là được đi viết bài. Được phân công đi xa, đi dài ngày nhiều khi lại khoái. Đến vùng sâu vùng xa, tôi cũng như đồng nghiệp, đều tự nguyện thực hiện “ba cùng” với dân, tức cùng ăn, cùng ở và cùng làm. Nhiều chỗ, nhiều nơi, để có được bữa cơm ngon miệng, ấm áp nghĩa tình, khai thác tư liệu phong phú thì nhà báo phải xắn quần lên, xáp vô làm việc cùng bà con nông dân. Tuy vậy, không phải chuyến tác nghiệp nào cũng suôn sẻ. Có những “sự cố” đến giờ, sau 30 năm, tôi vẫn còn nhớ.

 

Nhà báo… mất dép


Nghe tin xã Biển Bạch huyện Thới Bình được mùa khóm, Ban biên tập phân công tôi đi viết bài phóng sự cho số báo mới. Cũng như mọi khi, chỉ tạm ứng vừa đủ tiền tàu xe là tôi lên đường. Đường đi ngày ấy mất thời gian gấp 5-6 lần bây giờ. Bốn giờ sáng, rời khỏi nhà, thân gái một mình, lầm lũi lên xe ôm ra bến xe Bạc Liêu, chen lấn, xuất trình thẻ nhà báo, chờ đợi trầy trật, cho tới lúc xe chuyển bánh thì mặt trời dọi nắng hừng hực. Xe chật ních người, nhễ nhại mùi người, mùi mồ hôi.

Đoạn đường khoảng 60 cây số từ Bạc Liêu xuống Cà Mau, xe đò bị chặn lại tại nhiều điểm kiểm soát với đủ trò “cấm chợ ngăn sông”. Thoát ra được, xe chạy cà rịch cà tang, vừa chạy vừa nhét khách, cho đến khi tới bến xe Cà Mau thì trời đã xế chiều. Tôi tức tốc gọi chiếc xe ôm chạy thẳng xuống bến đò. May là còn một chuyến đò về huyện sắp tách bến. Rồi từ huyện Thới Bình tôi đón con đò nhỏ hơn về xã Biển Bạch, nơi có rẫy khóm đang mùa bội thu.

Đến nơi, trời tối om om, mùi thơm chín thoảng bay trong gió. Ngày hôm sau tôi “quần” suốt buổi trên rẫy khóm. Lá khóm cắt ngang cắt dọc da thịt ở hai chân. Mặc da thịt tứa máu rát rạt, tôi vẫn hăm hở đi gặp và hỏi chuyện những người giàu kinh nghiệm trồng khóm.

Những bức ảnh ưng ý về rẫy khóm đã có trong máy ảnh, tài liệu ghi chép kín bốn trang sổ tay, tôi nôn nả, muốn quay về tòa soạn để viết ngay bài phóng sự “Mùa khóm Biển Bạch”, nhưng lại không có chuyến đò chiều. Tôi đành phải ngủ lại.

Ba giờ sáng, tôi men theo lối mòn để qua một một cây cầu khỉ mới sang được con đường dẫn đến bến đò. Ánh trăng và những vì sao rải rác trên bầu trời không đủ sáng để soi đường. Tôi  lần mò đi được một khúc cầu chênh vênh thì bất ngờ mất thăng bằng, trượt chân và té nhào xuống kênh. May là tôi kịp giơ chiếc ba lô đựng máy ảnh và quần áo lên cao. Khi định thần thì… dép chỉ còn một chiếc dính ở chân. Lần mò trong bùn một hồi không tìm thấy chiếc dép mất, tôi quăng chiếc còn lại, tặng luôn cho… hà bá.

Mất dép nhưng trong túi chỉ còn tiền tàu xe. Lên tàu xuống tàu, lên xe ôm, chen chúc ở bến xe rồi leo lên xe đò ngồi với đôi chân không giày dép lại bị lá khóm cứa nhằng nhịt, tôi thương thân thì ít mà ngượng thì nhiều. Tôi chỉ thầm mong những cặp mắt nhìn lom lom vào đôi chân thùi lùi sình đất của tôi và hỏi: “Cô làm nghề gì mà… tả tơi như vậy?”, khi ấy tôi sẽ vênh mặt lên trời mà trả lời: “Tôi là nhà báo!”.

 

Nhà báo…đói


Mùa giáp hạt, được tin nhân dân xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân lâm vào cảnh thiếu đói, Ban biên tập cử tôi về ngay nơi đó để viết tin thời sự, nhằm kịp thời cứu đói. Cứu đói là cứu người. Không thể dùng dình chờ nhận tạm ứng tiền tàu xe như mọi khi. Trong túi sẵn có 20 đồng, tôi vội phóng lên xe, đi ngay cho kịp chuyến tàu về huyện, rồi từ huyện tùy cơ ứng biến mà tìm cách nhanh nhất về nơi mà người dân đang cần được cứu đói.

Đến nhà khách huyện ủy đã lỡ buổi cơm trưa, chị nuôi đã về nhà nghỉ. Lúc đó, tôi thấy đói. Đói âm ỉ rồi đói cồn cào. Nhấp nhổm đi ra đi vô, mấy lần định móc số tiền còn trong túi ra căn tin gần đó mua dĩa cơm ăn. Nhưng rồi cái sĩ diện của một cô nhà báo tuy trẻ nhưng không mấy xinh đẹp, chẳng lẽ nay mai khi tác nghiệp xong, lại ấp úng xin cứu trợ… tiền tàu xe? Thôi thì, chịu đói để viết về cái đói biết đâu lại thêm sức thuyết phục.

Thế là, không đợi đến bữa cơm chiều, tôi hỏi đường rồi trực chỉ hướng mà tiến bước. Theo người chỉ đường, thì xã Ninh Quới xem ra cũng không xa gì cho lắm, chỉ ở bên kia rặng dừa. Trông xa xa vẫn thấy được cái màu xanh sẫm dưới nền trời xanh nhạt.

Cái rặng dừa xanh sẫm trước mặt cứ tưởng không xa, vậy mà tôi cuốc bộ hết hai giờ đồng hồ, nó vẫn cứ mờ mờ xanh xanh trước mặt. Tôi cắm cúi đi tiếp một lúc nữa thì tôi ngỡ ngàng khi lờ mờ nhận ra, hình như mình đang đi trên “cánh đồng chó ngáp”. Đói rã và mệt lử, ba lô trên vai chực tuột xuống, chân không nhấc nổi nữa. Tôi ngồi bệt xuống cỏ, cố hít thở để lấy sức. “Chị có bị làm sao không ?”, nghe tiếng hỏi, tôi giật mình, quay lại. Cậu bé trạc 13-14 tuổi, người đen như củ năn trồi ra từ đụn cỏ ngay sát lưng tôi. Tôi muốn nói: “Em có gì ăn được không ?”, nhưng rồi lại nói: “Em cho chị xin ngụm nước!”. Cậu bé gỡ cái bi-đông đựng nước đeo tòn ten trên người, đưa cho tôi. Tôi uống nước xong, cậu bé hỏi tôi đi đâu, về đâu. Sau khi nghe tôi trả lời, cậu bé im lặng ra chiều suy nghĩ rồi cho tôi biết, nhà cậu cũng ở bên xã Ninh Quới. Cậu bảo tôi: “Chị làm gan leo lên lưng trâu!”. Thấy tôi trù trừ, cậu bé lại nói: “Chị đừng sợ, nó hiền lắm. Chị cứ việc ngồi vững là nó đưa chị đi, khỏe re!”.

Theo điều khiển của cậu bé, con trâu kềnh càng xương xẩu với cái sừng cong như một vòng cung, từ từ rạp mình xuống thấp, ngoan ngoãn nằm im cho tôi leo lên lưng. Trầy trật một hồi, dù rất cố gắng, tôi cũng không sao trèo được lên cái lưng xơ xác lông của con trâu. Tôi vừa ngại cái lưng sần sùi mốc thếch lại vừa sợ hai cai sừng xem ra rất nhọn của con trâu già. Cố sức giúp tôi thêm một hồi mà tôi vẫn không thể ngồi được lên lưng trâu, cậu bé mất hết kiên nhẫn, mặt ỉu xìu, nhảy tót lên lưng trâu, cầm cương, thúc con trâu bước đi, bỏ tôi lại phía sau.

Mặt trời sà xuống thấp. Một mình giữa đồng không mông quạnh, tôi bắt đầu thấy sợ. Khi mặt trời biến thành quả cầu lửa đỏ rực chỉ còn chừng một sải tay nữa là chìm xuống cánh đồng năn mênh mông trước mặt, trong lồng ngực tôi, trái tim đập mạnh, đập dồn. Lúc bấy giờ bản năng sinh tồn trong tôi chợt trỗi dậy. Nó còn mạnh hơn cái nhiệm vụ… cứu đói. Tôi bước nhanh, rồi cắm cổ chạy. Vấp ngã lại gượng dậy, lại bườn, lại chạy… Khi đến được trụ sở Ủy ban xã Ninh Quới, mắt tôi hoa từng quầng với sắc màu chói lóa. Rồi tôi không còn thấy gì nữa, ngoài một vùng tối ngột ngạt. Tôi ngất đi… Thế là người hăm hở đi viết bài cứu đói lại là người trước tiên được người dân Ninh Quới…cứu đói.

 

Nhà báo… tường trình


Ba mươi năm trôi qua, vụ án mạng gây nên cái chết thương tâm cho một thanh niên trẻ cũng đã lùi xa; ngày tháng và ngay tên của nạn nhân và cả tên của hung thủ, tôi cũng không còn nhớ chính xác. Tuy nhiên, điều mà tôi nhớ rõ, nhớ chính xác là buổi triệu tập một cuộc họp bất thường ngay ngày đầu làm việc sau mấy ngày nghỉ Tết, do ông Nguyễn Thanh (ông Tư Thanh), Thường vụ Tỉnh ủy và là Giám đốc Sở Công an Minh Hải lúc đó, chủ trì, nhằm giải quyết vụ việc mà báo chí phản ảnh - cụ thể là bài viết của tôi về vụ án mạng nói trên đã được Đài phát thanh tỉnh phát đi trên làn sóng, làm xôn xao dư luận trong mấy ngày Tết Nguyên đán. Bài viết của tôi, là phóng viên Báo Minh Hải nhưng lại được đọc trên Đài, bởi vì vụ án mạng xảy ra trong ngày Tết, tòa soạn báo đang được nghỉ sau khi phát hành tờ báo Xuân, còn Đài thì vẫn phát sóng.

Tôi nhớ cuộc họp bất thường được tổ chức tại trụ sở làm việc của Thị xã ủy Thị xã Bạc Liêu. Nhiều vị lãnh đạo tỉnh và thị xã cùng đại diện các ban ngành có liên quan, đại diện Đài phát thanh tỉnh là nhà báo Đỗ Văn Nghiệp (ông Sáu Sơn) và tôi, tác giả bài viết, ngồi kín các dãy ghế trong một phòng họp. Sự có mặt đầy đủ các vị lãnh đạo với một không khí hết sức căng thẳng, bởi người trực tiếp gây nên cái chết oan ức cho một công dân lại là con trai nuôi của người đương nhiệm chức Trưởng công an Thị xã Bạc Liêu. Nhiều phát biểu, nhiều câu hỏi chất vấn gay gắt người viết bài (riêng tôi được yêu cầu phải tường trình sự việc), người cho đọc bài trên làn sóng phát thanh. Tôi nhớ tôi đã đứng lên, và phải sau một lúc mới dằn được cơn xúc động vẫn chẹn lấy cổ họng khi nhớ lại hình ảnh gục ngã tức tưởi của người thanh niên trước viên đạn của kẻ sát nhân hết sức ngang tàng, mà trong lúc đi chơi Tết, tình cờ tôi đã chứng kiến và tôi đã không thể làm ngơ… Tôi nhớ tôi đã kể lại vụ việc còn chi tiết hơn, kỹ càng hơn sự thật mà tôi đã phản ánh trong khuôn khổ một bài viết.

Có lẽ thái độ chân thành cùng những tình tiết vừa thuyết phục vừa khơi gợi trách nhiệm và lòng trắc ẩn khi tôi tường trình lại vụ việc đã làm cho không khí buổi họp chùng xuống và giãn ra. Những câu hỏi ít đi tính chất vấn bắt bẻ mà tăng dần sự truy tìm giải pháp xử lý vụ việc. Trước khi kết thúc buổi họp, ông Giám đốc Sở Công an Minh Hải yêu cầu người đứng đầu các ban ngành và các cấp có liên quan, phải chỉ đạo và phối hợp sít sao để nhanh chóng điều tra làm sáng tỏ vụ giết người nghiêm trọng mà báo chí đã phản ánh. Ông cao giọng, nói dứt khoát: “Kẻ gây ra tội ác, cho dù có là con của ông trời đi nữa, cũng phải được đưa ra xét xử công bằng trước pháp luật”. Đúng như lời nói của vị Giám đốc Sở Công an tỉnh, sau đó vụ việc được nhanh chóng tiến hành điều tra và kẻ giết người không được núp dưới bóng của bất kỳ loại ô dù nào, đã được đưa ra xét xử dưới ánh sáng của công lý.

Câu nói và việc làm đúng như lời nói của ông Nguyễn Thanh ngày ấy, cho tới hôm nay, dù đã 30 năm trôi qua, vẫn còn khắc vào ký ức của tôi. Khoảnh khắc rực sáng của câu nói và việc làm ấy, nhiều lúc lại cháy lên như một ngọn lửa. Lửa của niềm tin. Tin vào lòng quả cảm. Tin cái ác phải bị loại trừ. Tin vào lẽ phải. Tin ở sự công bằng. Tin vào lương tâm và trí tuệ của những người giữ trọng trách trước xã hội, trước cộng đồng. Niềm tin ấy đã thôi thúc tôi vượt qua nhiều gian nan để tiếp tục cầm bút, tiếp tục viết báo, ngay cả khi tôi không còn trong biên chế của bất kỳ tòa soạn nào.

 

B.N

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com