TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG: Những người Quảng không xa quê

 

Báo Cadn.com.vn vừa đưa tin:"Quảng Nam Đà Nẵng-Đất và Người": Là chủ đề ngày hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại TPHCM diễn ra trong hai ngày 16 và 17-3 2013 tại Khu du lịch văn Hóa Đầm Sen (Q.11, TPHCM).

Với chủ đề "Quảng Nam Đà Nẵng - Đất và Người", ngày hội sẽ có nhiều hoạt động giao lưu trong cộng đồng những người con quê hương Quảng Nam Đà Nẵng đang sống xa quê. Theo đó có các hoạt động: giới  thiệu thành tựu phát triển KT-XH, tiềm năng đầu tư, du lịch tại tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng; giới thiệu các làng nghề: gốm Thanh Hà, lụa Mã Châu, nón lá Mỹ Xuyên,  mộc Kim Bồng, Yến sào Hội An; thư pháp, sách, thơ văn, lồng đèn, triển lãm tranh ảnh về "Đất và Người QN - ĐN", các trò chơi dân gian...

Ngoài ra có sự tham gia biểu diễn nghệ thuật của các ca sĩ, diễn viên các đoàn ca nhạc đến từ Quảng Nam, Đà Nẵng, giao lưu với nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc và nhiều hoạt động khác mang dấu ấn Quảng Nam và Đà Nẵng do công ty truyền thông Liên Việt phối hợp tổ chức. Dịp này Ban liên lạc đồng hương Quảng Nam và TP Đà Nẵng biên soạn ấn phẩm "Quảng Nam Đà Nẵng - Đất và Người" (NXB Thông tấn 2013) với sự cộng tác giúp đỡ của các nhà báo đang  công tác tại Báo Công an TP Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Báo Quảng Nam, Báo Thanh Niên... và nhiều cây bút của bà con đồng hương tại TPHCM. (Mai Phúc - nguồn:http://cadn.com.vn/News/Van-Hoa/Tac-Gia-Tac-Pham/2013/3/13/93684.ca).

Báo Thanh Niên đưa tin: "Nhà thơ Lê Minh Quốc (nhân vật chính của talkshow Tính cách và văn hóa xứ Quảng) phát biểu: “Đây là một sự kiện quan trọng, vì lần đầu tiên hai hội đồng hương Quảng Nam và Đà Nẵng cùng phối hợp tổ chức Ngày hội Văn hóa xứ Quảng tại TP.HCM. Là dịp để mọi người có điều kiện hiểu thêm về văn hóa, tiềm lực kinh tế… của vùng đất đã sinh ra những danh tài như cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành, Trần Cao Vân… Từ sức mạnh của văn hóa, tôi tin rằng không riêng gì người Quảng Nam mà bất cứ người dân vùng miền nào khi sinh sống, lập nghiệp tại TP.HCM cũng đều có ý thức phát huy bản sắc văn hóa của địa phương mình nhằm góp phần làm đời sống ngày một tốt đẹp hơn” (Hà Đình Nguyên - nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130317/ngay-hoi-cua-nhung-nguoi-dat-quang.aspx)

Nhân đây, tôi post bài viết Những người Quảng không xa quê của nhà thơ, nhà báo Trương Điện Thắng.

L.M.Q

(III.2013)


Những người quê Quảng Nam đi làm ăn nơi xa, dù trong lĩnh vực nào, vẫn nhớ về quê hương bằng mối tình đăm đắm. Bằng công việc của mình, họ đã thể hiện tình yêu đó theo cách riêng một cách thường trực. Tôi gọi họ là “những người Quảng không xa quê”.


images631359_BUI_GIANG1

Thi sĩ Bùi Giáng


1.

Thi sĩ  Bùi Giáng những năm tháng sống ở Sài Gòn đã viết:

Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa.

Không về được quê nhà vì chiến tranh, mà nỗi niềm ông đã giấu trong một… tô mì Quảng, “Ta ăn hai ngàn tô mì Quảng nữa ta chết!”, thì đủ biết lòng ông quặn đau ra sao khi nhớ về cố quận! Hèn chi, trong thơ ông, hai chữ “cố quận” cứ lảng vảng đâu đó:

Xuân này em có về không

Nhành mai cố quận nở bông dịu dàng…

Cố quận của ông lại là nguồn cảm hứng của những nhà thơ xứ Quảng khác, chẳng hạn:

Của ta ơi, vầng trăng cố quận

Tự bao giờ chỉ sáng phía sau lưng

Dáng liêu xiêu đổ về phía trước

Lòng ta quặn thắt đến vô chừng!

(Cao Thoại Châu)

Lưu lạc tận bên kia nửa vòng trái đất, nhà thơ Luân Hoán vẫn trở về “hằng ngày” trong giấc mơ như anh từng viết; nhà dân tộc học Nguyễn Tùng ở tận Paris vẫn say sưa nghiên cứu về hát bội, về những biến động về địa danh địa vực các làng quê đất Quảng…

Cùng suýt soát tuổi với cụ Bùi và cùng sống ở Sài Gòn, có lẽ nhà thơ Tường Linh là người viết về quê hương nhiều nhất trong những nhà văn cùng thời với ông. Từ Năm cụm núi Ngũ Hành đến Đêm Hội An…, quê hương cứ theo ông trên bước đường phiêu bạt đã đành, mà đến cái “Cổng làng” cũng trở nên sâu đậm,  khắc khoải, dù nó không còn nữa:

Nhưng mọi thứ vẫn còn trong trí nhớ

Mỗi trang đời lưu giữ giữa nhân gian

Cùng với tình yêu đó, nhà thơ Thu Bồn lại nhớ thương quê bằng những kỷ niệm nhỏ nhất như tiếng chim hót, chiếc thuyền lá tre tuổi nhỏ, những đứa bé đi mót lúa ngoài đồng…

Đứa bé nào kia nhặt thóc trên đồng

Như nhặt lại tuổi thơ tôi rơi rụng…

Nối tiếp các thế hệ cầm bút người Quảng đi trước, những nhà văn nhà thơ tuổi ngũ tuần bây giờ như Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc có lẽ đang sống, thở và viết bằng tất cả trải nghiệm tuổi thơ và những hiểu biết của họ về quê hương.

 Nguyễn Nhật Ánh lấy tên cái chợ Đo Đo và những đứa bạn thiếu thời ở vùng quê Thăng Bình đưa vào các truyện ngắn, truyện dài của mình, rồi trong tản văn, hình bóng “Quê nhà” vẫn đậm đặc và gợi nhớ, dù cho nó được anh đã thi vị hóa bằng cách phủ thêm một chút “sương khói”…

Lê Minh Quốc ở Sài Gòn, ngoài nhiều bài thơ về Quảng Nam, Đà Nẵng anh còn viết nhiều cuốn sách “hỏi đáp” về nước non xứ Quảng, về truyền thống văn hóa và tính cách người Quảng. Không nói đến khía cạnh học thuật, chỉ riêng về công sức sưu tầm tài liệu của anh thôi, những cuốn sách này đã giúp cho bao đứa con xa quê nhiều thế hệ sau hiểu biết rất nhiều về “cố quận”. Nó còn trang bị cho nhiều bạn đọc khác những kiến thức về vùng đất Ngũ phụng tề phi vốn nổi tiếng trong lịch sử và có vai trò quan trọng trong quá trình mở cõi về phương Nam…

Đơn cử vài tác giả Quảng Nam như vậy là chưa đủ. Nhưng chỉ vài ba người ấy, cũng đã thấy những người Quảng cầm bút trước nay, dù sống ở đâu, quê hương vẫn là nguồn cảm hứng vô tận, là chất liệu làm nên sự độc đáo trong tác phẩm của mình. Họ ly quê là cách biệt về không gian, địa lý. Nhưng lòng họ có bao giờ đi xa?

2.

Tôi còn có nhiều người quen đồng hương khác hiện không sống ở quê. Họ không cầm bút, nhưng đời họ lại là những trang viết khác…

Cụ Lê Ba quê Điện Bàn, một doanh nhân đa ngành mà ngành nào cũng nổi tiếng, nay không còn nữa. Nhưng suốt đời ông đều nghĩ về Quảng Nam. Làm nông trường, nhà in hay sản xuất đồ gỗ, ông thường ưu tiên cho những cộng sự đồng hương. Không làm việc với ông, có khó khăn đều được ông giúp đỡ. Cuối đời, ông bỏ ra nhiều tỷ đồng về lại làng cũ, xây dựng cả một trường mẫu giáo và một trường tiểu học khang trang mà không màng đến tên tuổi. Tôi nhớ lúc là giám đốc nhà in ở quận 5 TP.Hồ Chí Minh, anh em làm báo quê nhà vào gặp, ông nhận giúp đỡ, in ấn ngay, không tính toán hơn thiệt. Đến bữa, ông còn rủ cùng ăn cơm tập thể cho đỡ tốn kém.

Ba Luyến người gốc Duy Xuyên, một doanh nhân trong ngành dệt, cũng là người tôi quen biết. Làm kinh tế, nhưng khi biết tạp chí Đất Quảng đưa vào phát hành tại TP.Hồ Chí Minh, Ba Luyến ứng tiền mua, tổ chức phát hành cho bà con khu Bảy Hiền. Anh em ở  quê vào, dù ngành nghề gì, anh đều niềm nở đón tiếp, giúp đỡ. Ở Sài Gòn, nhưng anh vẫn mê món mì Quảng, bò tái, ớt xanh ở chợ Bà Hoa. Lâu lâu lại bắt vợ con đổ bánh xèo, bánh bèo ăn cho đỡ… thèm. Mỗi lần nghỉ phép về quê, Ba Luyến quy tụ anh em bạn bè quây quần ăn những món dân dã, thăm những người khó khăn. Chỉ tiếc rằng nhiều ước muốn của anh với quê hương chưa được toại vì bệnh tật…

Phạm Phú Ngọc Trai là một nhà kinh doanh tài ba. Nguyễn Thành Sang là người thành đạt trong cả ngành dệt nhuộm và khách sạn. Cả hai anh bằng công việc của mình đã có mặt ở Quảng Nam từ sau ngày đổi mới với các dự án đầu tư nhằm tạo việc làm cho các thanh niên nông thôn và góp phần xây dựng quê hương. Các anh còn có nhiều hoạt động từ thiện, xã hội nổi bật trong những ngày lễ tết hoặc những lúc bão lụt, dành nhiều sự thăm hỏi, quà tặng vận động được cho những người nghèo khó ở các vùng quê. Anh Trai mời cả những đồng nghiệp nước ngoài, những nghệ sĩ tên tuổi về tham gia công tác từ thiện. Anh Sang cũng vậy, không chỉ mình anh mà luôn có nhiều đồng nghiệp trong Hiệp hội Dệt may Việt Nam và nhiều nhân vật tên tuổi khác đồng hành…

Cũng như trong lĩnh vực văn chương, báo chí, nhiều doanh nhân người Quảng tuy sống xa quê nhưng tấm lòng họ vẫn gắn chặt với nơi mình đã sinh ra và trưởng thành. Những “trang viết” của họ nhiều khi âm thầm, nhưng đã làm ấm lòng bao mảnh đời lam lũ ở vùng quê đất Quảng. Trong số họ, còn có nhiều doanh nhân đang sinh sống ở nước ngoài, nhưng đề nghị đừng nêu tên, vì lẽ “chưa làm được gì nhiều!”...

Những người ấy, họ chắc chắn còn muốn ăn hàng ngàn tô mì Quảng trong đời mình, theo cách nói của thi sĩ Bùi Giáng như một biểu tượng của nguồn cội.

 

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(nguồn:  http://baoquangnam.com.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/nha-vat/201303/Nhung-nguoi-Quang-khong-xa-que-271908/)


Cùng một tác giả:

Thơ Trương Điện Thắng

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com