Trước đây, tôi từng nghe một vài nhà báo trẻ nói: “Ba chị, nhà thơ Yến Lan là người thật hạnh phúc, vì có chị”. Tôi nghĩ, đó là lời an ủi làm quà. Nào ngờ, mới đây, cô bạn từng là học sinh của Trường Miền Nam, từ Hà Nội gọi điện vào, trò chuyện gần cả tiếng đồng hồ và nói: “Ba cậu thật hạnh phúc vì có được mẹ cậu và cậu!”.
Bạn lý giải rằng: “Trí thức ở thế hệ ba cậu có rất nhiều người bị hàm oan. Vì bối cảnh lịch sử nước chia đôi, chiến tranh chia cắt, tàn phá, họ càng gặp khó khăn, trắc trở trong cuộc sống và sáng tác v.v…nhưng cho đến giờ, ba cậu vẫn là người vô cùng hạnh phúc, vì có hai mẹ con cậu. Rằng, khi cụ qua đời; bằng sự nổ lực và tâm huyết của mẹ con cậu, đã ngày một ngày hai, dần dần làm cho mọi người có cơ hội hiểu rõ hơn về con người thật của ông. Trong khi đó, còn rất nhiều người chưa ai làm được cho họ điều gì …”.
Nhà văn Nguyễn Thành Long
Nói đâu xa, hơn hai thập niên qua, kể từ khi nhà văn Nguyễn Thành Long đi xa (6.5.1991) đến nay, quê hương Bình Định ít nhắc đến tên chú! Chú Nguyễn Thành Long, là nhà văn vừa có cái tâm và tầm nhìn rộng. Ngay từ khi tôi còn là một cô bé 7, 8 tuổi đã có cảm tình với chú, những dấu ấn về chú vẫn lung linh sâu thẳm trong trái tim của tôi.
Thuở ấy, nhà tôi, tuy ở tại thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Bình Định, nhưng lại là nơi hẹn của giới trí thức trẻ: Chú Long ở Qui Nhơn, chú Mịch Quang ở Gò Bồi Bình Định, chú Trinh Đường, quê ở Quảng Nam Đà Nẵng, Chú Vương Linh, chú Tế Hanh người Quảng Ngãi, chú Nguyễn Đình quê Hội An, sống và dạy học ở Nha Trang, v.v… Các chú thường xuyên lui tới nhà tôi. Là những tri thức trẻ của quê hương, họ mẫn cảm với nỗi đắng cay, tủi nhục của kẻ sống trong nô lệ, mất nước. Các chú có thể bỏ ra nửa ngày để bàn chuyện nước non và kể cho nhau nghe những điều mình đọc hay nghe được.
Chú Long là người gầy nhất, mặt dài, tóc xù. Tôi biết tên vì khi chú đến, ba tôi bảo: “Chào chú Long đi con”; “Dạ, con chào chú Long”, chú mỉm cười, mặt hiền khô, tằng hắng một cái rồi mới chào lại tôi: “Chú Long chào cháu Bích” (Bích, phân biệt Thủy Bích hay Thủy Tú).
Chú Nguyễn Đình thường kể chuyện tiếu lâm, bác Tạo kể chuyện hình sự, chú Mịch Quang và ba chuyên về chuyện ma. Chuyện tiếu lâm của chú Đình làm chú Long cười rung cả người, giọng cười của chú lạ lắm có âm hị hị hị chứ không hì hì như các chú khác.
Ngay từ những ngày đầu tham gia hoạt động Văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp, chú Long đã có những tác phẩm được lớp thanh niên đón nhận như tác phẩm “Ta và chúng nó”... Chú được Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Chi hội Văn nghệ Liên khu V trao tặng 1953 cho tập bút ký "Bát cơm Cụ Hồ"… Kháng chiến thắng lợi, ba tôi và các chú theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tập kết ra Bắc, trên chuyến tàu Kilinski của Ba Lan - chuyến thứ chín dành cho cán bộ văn nghệ sĩ Liên khu V trở ra
Ra Bắc, ở và làm việc tại Thủ đô Hà Nội, xa nhà và người thân; chiến tranh chia cắt; cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn mọi thứ.. các chú vẫn hẹn gặp nhau tại nơi ở mới của gia đình tôi.
Nhưng, vài năm sau, do cái gọi là vụ Nhân văn Giai phẩm, nó như cơn lốc cuốn đi sự bình yên trong tâm tưởng của số đông giới văn nghệ sĩ. Nhà tôi dần vắng bóng các chú. Tôi không hiểu vì sao? Nhưng, chú Long vẫn là người đến thăm ba tôi đều đặn vào các ngày lễ, Tết, chủ nhật. Sự có mặt của chú lúc này là nguồn động viên, an ủi đối với nỗi cô đơn trống vắng bạn hiền ở ba tôi.
Tôi thắc mắc, chú Long là đảng viên, là người có nhân cách đàng hoàng, giàu lòng nhân ái sao cũng có tên trong danh sách của nhóm Nhân văn? Chính điều đó đã làm cho gia đình tôi trân trọng chú. Bởi chú không né tránh, xa rời ba tôi để chứng minh là mình không còn dây với "bọn xấu" (?!) nữa. Suốt những năm điêu đứng ấy, chú vẫn gần gũi, cùng ba động viên nhau cố gắng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, để sống, làm việc và gìn giữ lương tri của một trí thức trong niềm đam mê cống hiến cho văn học nước nhà.
Tôi thấy nỗi khổ tâm của ba tôi và chú là vì cái triết lý về đạo làm người dệt nên trong họ nhân cách sống, để chuyện gì cũng bận tâm, nghĩ ngợi miên man, lúc nào trông họ cũng ở trạng thái suy nghĩ, tìm tòi. Có lẽ cái chất Bình Định lo xa, cần cù, chăm chỉ, hay giúp đỡ người cơ nhỡ đã ăn sâu vào tâm trí họ.
Dù bị liệt kê vào nhóm "bọn xấu" (?!), nhưng gia đình chú còn có người được đi học nước ngoài, nên trong nhà chú có quạt máy, bàn là..; con chú có đồng hồ pôn - dốt hoặc slava và xe đạp để đến lớp. Còn nhà tôi chẳng có gì sất! Tất cả ba phải tự mình chế ra từ thứ người ta bỏ đi! Sở dĩ sau này nhà tôi cũng có được chiếc quạt ngoại là, hôm đến chơi nhà, thấy cha con tôi vã mồ hôi, thay nhau kéo chiếc quạt trần ba làm từ tấm vải bạt của ông đại tá Niên biếu. Động lòng trắc ẩn hoàn cảnh bạn; bận sau, vợ chồng chú đến, cầm theo chiếc quạt Tai voi nhỏ, quà của nhạc sĩ Bích Ngọc mang từ Liên Xô về. Chú đã cho lại ba tôi. Đúng là “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá te tua”.
Một điều tôi muốn nói nữa là họ tộc nhà chú thông minh vô cùng! Gien thông minh rãi đều ở con cháu họ hàng, cô, cậu, dì. Gia đình chú là những nghệ sĩ công thành danh toại, nổi tiếng trong và ngoài nước: Cô Qui, chị chú là Phó hiệu Trưởng Trường Học sinh Miền Nam số 13 - nơi tôi học cấp I. Cô thông minh, dạy giỏi, sau được đi Liên Xô nghiên cứu. Em trai là giáo sư - nhạc sĩ Bích Ngọc - chồng NSND Trà Giang, cha nghệ sĩ dương cầm Bích Trà rất nổi tiếng, hiện sống ở nước ngoài.
Con gái Quê Hương và Hoa Hồng của chú; từ nhỏ đã bộc lộ trí thông minh hơn người. Quê Hương, bỏ lớp 4 lên thẳng lớp 5 mà vẫn luôn đứng đầu lớp. Trường hợp này, ở thế hệ chúng tôi hiếm, nên thỉnh thoảng ngày chủ nhật, bác Phạm Văn Đồng cũng cho người đến đón em vào chơi trong Phủ Thủ tướng.
Tết nào vợ chồng chú cũng tới xông đất và mừng tuổi các em tôi. Tội nghiệp, có lần thấy tôi chú tỏ ra lúng túng, như có lỗi, hẹn “quà cho cháu để lần sau, hôm nay, chú không mang theo”. Tôi tự trách mình làm chú phải áy náy; vì lúc này, tôi đã là cô kỹ sư Chăn nuôi, đâu còn bé bỏng nữa, song, cái gì chú cũng cố vơ vào mình để mà áy náy và lo nghĩ như vậy.
Ngày thống nhất, ba tôi chọn quê hương để sống, chú vẫn trụ lại Hà Nội. Hai con chú ở rất xa, nhà chỉ có hai vợ chồng. Chú ốm đau bệnh tật cô đơn lắm. Chú viết thư khuyên ba tôi nên vào Sài Gòn hay ra Hà Nội sống cùng các con để đỡ hiu quạnh như chú. Quê tôi hồi đó còn nghèo lắm, nhưng ba tôi không chối bỏ. Ông tâm sự: “Sống ở quê dễ thương lắm con à, lâu lâu hàng xóm mang cho bát canh dưa; nắng nóng thì nằm nhờ võng bên họ hàng. Phiền muộn nào trước đây giờ cũng trôi đi hết rồi. Chắc gì ai đó rời xa quê, sống ở đô thành hoa lệ lại được diễm phúc như ba”. Nếu ai có hỏi về chuyện cũ, thì ba bảo:
Cháu đừng hỏi ông nhiều
Những cái chưa cần biết
Đôi phần ta thua thiệt …
Có lẽ đó là thực tế, không nói đâu xa, bạn ba, chú Quang Dũng, chú Nguyễn Thành Long rất cô đơn nơi xứ người. Tôi có đọc đoạn hồi ký của chú Đào Xuân Quý viết: “Lúc ốm nặng nằm một chỗ nhớ lại, thời còn sức đã đi gần khắp đất nước, tới cả những nơi ác liệt nhất. Giờ yếu đi rất nhiều, cả ngày ở nhà, nằm là chính, ngồi dậy hay đi tay, chân run rẩy ... Thế mà, giữa lòng Hà Nội nhiều khi không biết gì đến những sự việc xảy ra chung quanh Hội Nhà văn và Đại Hội sắp đến cả! Vì chán chường hay nằm một chỗ mà không có ai thông tin? Có thể cả hai. Chỉ biết khi hỏi đến những chuyện đó thì Long cứ ngơ ngơ ngác ngác như người từ trên trời rơi xuống” .
Hiện nay, hai con gái chú đã ở đỉnh cao của ngành Vật lý. Nguyễn Thị Quê Hương từng là giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Marshall (Virginia, Hoa Kỳ). Còn Nguyễn Thị Hoa Hồng là Tiến sĩ Vật lý, đang sống và từng làm việc tại Trường Đại học Tours (Pháp). Từ xứ người, các cô viết thư về báo cho chú: “Mọi việc của con đều bình thường”. Chú vội viết trả lời con: “Các con phải vượt lên cái bình thường. Quê hương này, đất nước này đòi hỏi các con phải như vậy”.
Vì vậy, dẫu xa quê, nhưng các cô luôn đau đáu về một thành phố nhỏ, hiền hòa bên biển, với những hàng dừa lay động trước gió, chiều về thuyền cá tấp nập bên bờ với những con người hiền hòa yêu thương nhau. Ở đâu hai chị em vẫn tự hào mình là người Việt Nam, luôn nhắc nhỡ nhau cố gắng làm được cái gì đó cho đất nước. Họ hiểu là: bất cứ nơi đâu, nếu mình làm tốt công việc của mình là đã gốp phần làm vinh dự cho quê hương rồi.
L.B.T
Cùng một tác giả:
Tình yêu và mùa xuân trong thơ Yến Lan
Nàng thơ tuyệt vời của cha tôi
< Lùi | Tiếp theo > |
---|