Mục lục |
---|
Bài viết của NGUYỄN TUYẾT TƯỜNG VI lớp 11 |
1. MỘT MẢNH TUỔI THƠ |
2. NHỮNG MẢNH VỠ |
3. TUY HÒA VÀ NHỮNG LI CA CAO NÓNG CHIỀU MƯA |
4. TUỔI THƠ VÀ NHỮNG CŨ KĨ CỦA NỖI NHỚ… |
Tất cả các trang |
TUY HÒA VÀ NHỮNG LI CA CAO NÓNG CHIỀU MƯA
Tặng anh Lê Phong - Chong Chóng Gió!
Một chiều mùa thu anh lên xe vào Sài Gòn nhập học, bỏ lại góc phố dịu dàng, bỏ lại một con nhóc đang trầm tư bên li ca cao nóng đang bốc khói nơi góc quán quen tĩnh lặng. Nghe ngoài kia giọt thời gian len lén chảy, phố nhỏ thỉnh thoảng lất phất mưa bay và vào những chiều cuối năm vội vã, thỉnh thoảng nhóc lại lặng im bên những tấp nập đời thường để nhớ về anh.
Tuy Hòa vào đông. Sài Gòn cũng vào đông. Nhưng Sài Gòn có lẽ chẳng lạnh được như Tuy Hòa bởi cứ nghe mấy anh chị đi học đại học than hoài, bảo giá mà được về Tuy Hòa để diện đồ đông. Nghe có vẻ buồn cười vì cái mơ mộng ấy dễ thương quá, hồn nhiên quá. Nhưng có lẽ là thật. Tuy Hòa thật nhỏ với những con đường nhỏ, những góc phố nho nhỏ và cả những quán cà phê khiêm tốn dịu dàng. Trời trở đông, Tuy Hòa cũng trở mình co ro, run rẩy trong cả từng hơi thở và nhịp chảy. Và đôi lúc dong xe một mình trên những con đường tịch mịch ngoằn nghoèo khuất sau những mái nhà cổ kính, em chợt thấy dường như cả nỗi nhớ cũng đang lạnh dần. Những ngày cuối thu anh còn ở nhà, em hay kể với anh về đủ thứ chuyện trên đời cũng trong cái góc quán dịu dàng ấy. Là những mối lo lắng mơ hồ cho tương lai, những mối quan hệ rắc rối ở hiện tại và đôi chút dằn vặt lòng trong quá khứ, cả những cơn cảm nắng bất định và chếnh choáng của em nữa. Trong những lần ấy không thể nào thiếu được li ca cao nóng béo ngậy và bốc khói khiến em mê đắm đến nỗi anh dùng cả cái tên đó để gọi em một cách trìu mến: Ca Cao Nóng. Tuy Hòa có lẽ đang nhớ anh, nhớ dáng anh cao gầy và bụi bặm vì mải mê lăn lộn trong cuộc đời xô bồ hỗn tạp, nhớ li cà phê đen đắng chát mà có lẽ nó cũng chai sần và phong trần như anh. Những ngày còn chưa nhập học, anh đưa em rong ruổi khắp những con phố nhỏ, những hẻm hóc ngóc ngách của Tuy Hòa. Và cứ qua mỗi con đường anh đều chỉ cho em về những thứ thật hay ho mà chẳng mấy người biết đến. Tuy Hòa có Núi Nhạn cổ kính nghiêng mình bên con sông Đà hiền hòa, có những chiều mưa trắng đất trắng trời làm người ta chỉ biết bất lực gặm nhấm nỗi buồn và nỗi nhớ trong cô đơn, có những đêm lặng thinh bên nhau trước sóng biển ì ầm để rồi thấy mình thật nhỏ bé trước bao la trời đất. Tuy Hòa chốn nào cũng in dấu chân anh, dấu chân rong ruổi và hăm hở khám phá, cả nắng gió Tuy Hòa cũng phảng phất nụ cười hiền lành chân chất của anh trong từng góc phố, con đường… Và ngày anh đi đã để lại một khoảnh trống xa xăm không dễ gì thay thế nổi…
Sài Gòn có những chiều mưa lạnh buốt như Tuy Hòa? Sài Gòn có những đêm đông cô đơn mà người ta chỉ có thể tự an ủi mình bằng chút hơi ấm của nỗi nhớ? Nơi ấy có những quán cà phê nhỏ tí len lén nấp trong một góc phố im ắng đầy tán cây để người ta nghe ngoài kia tĩnh lặng đang rơi? Nơi ấy có li ca cao nóng sóng sánh ngọt ngào đang mải mê bốc khói? Và nơi ấy có con nhóc nào hằng ngày đều kiếm cớ bắt bẻ cà khịa anh, kể cho anh nghe những buồn, vui, khóc, cười trong cuộc sống? Có chăng cũng chỉ là nét hao hao giống khiến anh cồn cào trong nỗi nhớ quê chứ chẳng thể nào thay thế nổi. Và có lẽ nơi ấy chẳng thể nào có được một nụ cười chân chất đến mức làm tan chảy cả giá lạnh mùa đông đâu, phải không anh?
Cuối năm em hay guồng chân đạp xe nhè nhẹ trên những con đường vắng, nghe gió lùa trong tóc và nắng chiều cài lên áo để thấy lòng mình nhẹ tênh và thấy thương Tuy Hòa quá đỗi. Em chẳng sinh ra ở Tuy Hòa, chẳng lớn lên ở Tuy Hòa, em chỉ là kẻ nhập cư xa lạ vào Tuy Hòa. Vậy nhưng em yêu Tuy Hòa đến kì lạ. Yêu những góc nhỏ yên bình và êm ả khuất sau những tấp nập phù phiếm của cuộc đời, yêu những con đường nhỏ xíu và ngoằn ngoèo nhưng đi mãi vẫn cứ thấy dài mãi và mới mẻ, và yêu cả những buổi chiều trở lạnh ngồi mơ màng bên li ca cao sóng sánh bốc khói và trầm mặc bên anh…
Nơi ấy bình yên và may mắn, anh nhé!
Nguyễn Tuyết Tường Vi
Lớp 11 Văn THPT Chuyên Lương Văn Chánh - TP Tuy Hòa - Tỉnh Phú Yên
< Lùi | Tiếp theo > |
---|