TRẦN HOÀNG VY: Mùa tuốt lá mai


1.

Mùa đã cuối đông mà trời đất phương Nam còn se se lạnh, buổi sáng sương giăng mờ cổng nhà, đường phố. Cũng lạ, mù sương màu trắng đục, từng hạt bé li ti, bám đầy trên tóc, trên cả…mi mắt, tạo cái cảm giác thích thú, lảng đảng. Sương không mùi vị, nhưng khi ta hít sâu, vẫn cảm cái mùi ngòn ngọt của cỏ non, của lộc biếc và mùi thơm dậy thì của…đất!

 

tranhhoaR

(nguồn: Internet)

 

2.

Non nửa tháng nữa là Tết, người người ngược xuôi hối hả, phảng phất những gương mặt, những ánh mắt nhìn lạ quen, song dường như trong sự rạng rỡ của ngày, thoáng chút lo của những ngày năm cùng tháng tận. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, lễ nghĩa cho mấy ngày xuân. Tính toán đó, rồi lo lắng đó, vì dường như mỗi năm, vật giá mỗi leo thang? Nhu cầu của năm sau cao hơn năm trước. Nhà cửa, áo quần và con cái mỗi ngày mỗi lớn?

3.

Mẹ già vẫn thơ thẩn vào ra, mỗi khi con cháu đi làm, đi học hay vắng nhà. Mẹ tựa cửa và ra cổng săm soi hai gốc mai cổ. Những gốc mai có lẽ chỉ bằng tuổi con cháu của người, nhưng có vẽ như đã già lắm rồi. Thân cành mảnh mai, có chỗ khẳng khiu, rêu mốc đến tội nghiệp! Cái gốc già xù xì, bong tróc vỏ trắng, song lá vẫn nhiều lắm. Từng lớp lá xanh đã dần chuyển sang cái màu chàm bạc, lại bám đầy bụi đỏ năm tháng, không còn cái vẻ óng ả, mượt mà ra dáng của cây mai quân tử. Mẹ vin cành mai, cầm nắm từng chiếc lá, người bỗng lẩm nhẩm và nói một mình: “ Đã gần rằm Chạp, mùa tuốt lá rồi đây”, mắt mẹ bỗng ngời sáng như đang hình dung cảnh thay da lột xác của mai trong những ngày xuân với lộc nõn, nụ biếc tròn căng và hoa nở từng chùm, từng chùm vàng óng trong cái nắng ấm của mùa xuân. Mẹ nói vọng vào nhà: “ Ngày mốt, mấy đưa ở nhà, chuẩn bị tuốt lá mai cho mẹ…”.

4.

Trong cái nắng muộn vàng ong hoa nắng, lũ trẻ kê ghế, bắc thang, trèo tuốt lá mai, tiếng cười nói râm ran như chim sẻ. Thỉnh thoảng một tràng cười như nắc nẻ hay một tiếng thét rộ lên, đấy là lúc có đưa đưa tay lên mặt quẹt vội mồ hôi, kéo theo một vết bụi như vẽ râu trên mặt, hoặc khi phát hiện một chú sâu róm co mình trong đám lá. Lá mai từng chiếc, từng chiếc, từ bàn tay đám trẻ thả bừa xuống sân, xuống gốc, mẹ nhẫn nại gom góp từng đống nhỏ, đôi mắt trìu mến hết nhìn đống lá, lại nhìn đám con cháu, tuốt lá mai như đám giặc…cào cào, châu chấu, rào ăn lá. Hình như có giọt lệ nóng, lăn từ trên má người? Để có những cành mai đẹp, rạng ngời hương sắc phải cần có sự mất mát hy sinh của những chiếc lá kia. Và để có được hạnh phúc sum vầy con cháu, mẹ cũng đã có những mất mát hy sinh. Bấc giác, tôi cũng nghe cay nồng sống mũi.

5.

Buổi trưa và chiều, tôi và đám trẻ được huy động sang giúp nhà bác Sáu. Nhà bác có cả một vườn mai rộng, thêm vài chục chậu mai kiểng loại chiến, để dành bán Tết. Thu nhập gia đình bác chỉ trông chờ vào vụ mai tết. Gọi là sang giúp, nhưng chỉ là hụ hợ cho vui, vì bác cũng đã thuê mướn gần chục nhân công chuyên việc tuốt lá. Sang chỉ để xem và để nghe bác giảng giải về những kinh nghiệm trồng mai, học để biết thêm về giá trị cây mai. Phân biệt cây mai rừng, cây mai ghép. Từ cây hoa mai năm cánh đơn thuần, người ta có thể lai ghép thành những cây mai có vài chục cánh, thậm chí cả trăm cánh. Và cũng từ cái màu vàng thuần khiết như nắng của mai, người ta có thể tạo ra những cánh mai màu vàng nghệ hay màu vàng nhạt, thậm chí có cây mang hai màu hoa, điển hình là cây mai hoa trắng và hoa vàng mà bác Sáu quí hơn vàng, có người đã trả giá cao mà bác chưa bằng lòng bán…

Mưa thuận, gió hòa, ít rét là những điều kiện cho mai sinh trưởng và phát triển. Mưa nhiều một chút, ngập úng, hoặc rét giá, mai có thể nở sớm hoặc nở muộn, lúc ấy thì…ba ngày tết có lẽ cũng kém vui. Những năm gần đây, cây mai lại lên máy bay ra tận miền Bắc hoặc sang các nước có người Việt định cư sinh sống. Nhìn cây mai như được nhìn thấy quê nhà và người thân.

Mùa tuốt lá mai, cả khu vườn mai râm ran tiếng nói cười, lòng người cũng rạo rực và vui như Tết…

 

T. H. V

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com