Bùi ngùi nhớ lại cái ngày cụ Phan Khôi ra đi trong một ngày đông giá lạnh. Lúc bấy giờ, nhà tập thể có nhiều hộ ở, linh cữu cụ không được quàn quá 24h, gia đình phải mau chóng đưa cụ ra khỏi căn nhà số: 73 phố Thuốc Bắc (Hà Nội).
Tôi không được chứng kiến những gì xảy ra quanh đám tang cụ. Nhưng, những gì nghe nói về đám tang thì buồn và thảm lắm!
Phan Khôi và nữ sĩ Anh Thơ tại Việt Bắc - Ảnh: tư liệu
Một chiếc xe thổ mộ 2 con ngưa kéo, che 2 bên mắt, chở linh cửu cụ đi trên đường phố. Trên vỉa hè Hà Nội, từng nhóm người đứng nhìn, chỉ trỏ. Sau linh cửu cụ có khoảng 6 ,7 người kể cả chủ xe ngựa và ba tôi - nhà thơ Yến Lan, lặng lẽ, xa lạ hướng về nơi cụ Khôi đến gửi tấm thân còm trong giá lạnh….!
Điều này đã dày vò tuổi thơ của tôi vì những gì xảy ra sau đó: Sự dè biểu, mỉa mai, mạt sát để rồi cha tôi, vì thủy chung với đồng nghiệp mà bị người đời, cùng thời gọi ông là thằng. Và đến tận giờ này, quê hương Bình Định, nơi ba tôi chọn để sống những ngày cuối đời vẫn còn có người đặt câu hỏi nghi ngờ về nhân cách của ông:”Tại sao hồi ấy, cả Hội Nhà văn hàng mấy trăm người không ai đưa đám Phan Khôi mà chỉ một mình ông Yến Lan? Như vậy, chắc là thế nào mới thế chứ (ý nói ông Phan Khôi "có vấn đề" ông Yến Lan cũng vậy)?
Ngược dòng thời gian, về lại năm 2000, nhân lúc thu thập tài liệu để viết hồi ký về cha. Tôi đọc cho các bạn cùng phòng nghe đoạn: Ba tôi đưa tiễn cụ Phan Khôi giữa những ánh mắt khinh bỉ của mọi người và bạn bè cùng giới, thì anh bạn cùng phòng, người Hà Nội (tên Trần Mạnh Lãnh), quay lại phía sếp phòng nói nhỏ: “Tôi có chứng kiến việc này:
“Hà Nội, năm ấy, được dịp bàn tán sôi nổi về người đơn phương độc mã đi sau linh cửu người cầm đầu nhóm Nhân văn giai phẩm. Mấy sáng liền, ngoài phố, từng gốc cây quanh Hồ Gươm đều nghe chửi cái thằng cha nhà thơ ấy... ”
Trả lời thắc mắc của vợ con về hành động này, ba tôi cười buồn, nói “Đó là đạo lý của người Việt Nam - nghĩa tử là nghĩa tận! ”
Khi còn ở miền Nam, tuy còn bé, khi chính mắt thấy những việc làm của cha đối với ba con chòm xóm, trong mắt tôi, ông là người tốt, rồi suy diễn rất lôgic ra: “Ba tốt, người được ba đối xử như vậy, ắt hẳn người ấy không thể xấu được!…”. Tôi nghĩ vậy và luôn tìm cách chứng minh điều đó, mà nguồn gốc việc này là phải tìm hiểu về cụ Phan Khôi.
Vì sự hiểu biết hạn hẹp, phiến diện, tôi muốn nhìn ông qua cái nhìn của các nhà văn thế hệ trẻ. Có tài liệu nào nói về cụ Khôi là tôi đọc ngấu nghiến.
Năm 2004, tôi bắp gặp Tạp chí Xưa & Nay, bài viết về Phan Khôi của tác giả Vương Trí Nhàn về cụ:
"… Cụ Khôi là người mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới, tham gia nhóm Nhân văn giai phẩm, là nhà báo tài năng, một người tích cực áp dụng tư tưởng tiến bộ của phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp; là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới, đa văn hóa từ Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp...".
Tác giả khẳng định những đóng gốp của cụ trong kháng chiến, trong sự phát triển nền văn học dân tộc; đặt biệt là các tác phẩm dịch, việc khám phá và khai thác để làm giàu thêm ngôn ngữ nền văn học hiện đại của Việt Nam, tác phẩm được yêu thích là bài thơ Tình già v.v...
Nhà văn hóa Phan Khôi
Đọc bài báo, tôi thật sự mừng cho cụ. Tôi photocoppy gửi cho má tôi, để chứng minh cho bà, rằng, vẫn còn người nghĩ tốt về ông Phan Khôi chứ không phải chỉ mình tôi. Chà là trước đây, người ta đã đầu độc bà, làm bà sợ vạ lây. Khi tôi cho bà xem bài viết của tôi “Thủy chung tình bạn sau linh cữu”, kể lại những gì xảy ra ở ngôi nhà 73 phố Thuốc Bắc - Hà Nội. Bà tái mặt, bảo tôi xé ngay, không được cho ai xem, coi chừng người ta theo dõi! Tôi có gửi bài đến tạp chí nọ do anh Lưu Trọng Văn phụ trách; Văn im lặng, không một lời hồi âm; vì lúc đó vấn đề Nhân văn giai phẩm chưa được hóa giải, vàng, thau chưa được phân định rõ ràng!
Sau này, gặp anh Đào Hùng, con bác Đào Duy Anh, trong buổi lễ kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhà thơ Quách Tấn, do Tạp chí Xưa & Nay và gia đình tổ chức. Anh Đào Hùng nói: “Có bài nào viết về Phan Khôi em cứ đưa cho anh”. Hôm ấy tôi đã đưa anh bài này, và sau đó thấy anh Lại Nguyên Ân giới thiệu trên mạng.
Cuối 2006, về thăm mẹ, thấy có thư của bà Phan thị Mỹ Khanh gửi bà Nguyễn Thị Lan, dấu bưu điện Đà Nẵng. Tôi tò mò hỏi “Thư ai đây má?”. “Của con gái ông Phan Khôi với người vợ trước”. Tôi bóc ra xem. Thư bà viết nhiều vấn đề, xin trích phần chính:
Đà Nẵng 8.3.2007
Kính thưa chị
Tuy chưa quen biết, tôi xin phép được gọi chị bằng chị, vì theo tuổi tác, có lẽ năm nay chị đã ngoài tám mươi, còn tôi cũng đúng tám chục xuân rồi chị ạ.
Vừa qua, thật bất ngờ và cũng vô cùng sung sướng, tôi được anh bạn Phạm Xuân Tân gửi cho tập sách “Yến Lan - nhớ mãi về anh”, có bút tích của chị đề tặng anh Tân, mà anh Tân lại chuyển tặng tôi, cho biết là thừa ý của chị, tôi xin gửi đến chị lời cảm ơn chân thành.
Thưa chị, từ những năm 1940-1942, còn đi học, tôi đã biết và rất thích bài thơ Bến My Lăng của nhà thơ Yến Lan, tuy chưa biết Bến My Lăng nằm ở đâu trong bản đồ địa lý nước nhà. Và ngoài bài thơ ấy ra, tôi chưa được đọc bài thơ nào của nhà thơ cả. Điều này cũng có lý do là năm 1944 tôi xây dựng gia đình, ở nông thôn, xa rời với báo chí văn chương, tiếp theo là kháng chiến chống Pháp, rồi nước nhà bị chia cắt, tôi không đi tập kết, tiếp đến kháng chiến chống Mỹ…
Nhưng dẫu có bao nhiêu biến đổi, tôi vẫn còn nhớ hoài bài thơ Bến My Lăng, tuy chưa được biết cuộc đời tác giả, chỉ biết mỗi cái tên ông mà thôi.
Năm 1998, khi nhà thơ qua đời, tôi có biết tin trên báo, vì từ sau 1975, cả nhà tôi về ở tại thành phố Đà Nẵng cho đến nay, tôi không đến nổi lạc hậu như xưa. Có điều, tôi cũng chưa biết rõ nhà thơ mà tôi từng hâm mộ.
Hôm nay, đọc tập sách chị sưu tầm và biên soạn, đọc những lời bạn bè viết về anh, tôi rất cảm phục tài, đức anh. Tài thơ văn của anh đã xuất sắc rồi, còn tánh tình, đức độ của anh ít có ai sánh được trong thời ấy chứ đừng nói thời đại ngày nay. Thứ nhất, anh hiếu thảo với cha mẹ, thứ hai chung thủy với vợ, nghiêm khắc mà thân ái trong việc dạy con. Cuộc sống nhà văn, nhà thơ thiếu thốn trăm bề nhưng anh giữ mình trong sạch, không bon chen danh lợi. Ngoài ra, anh còn chịu khó lao động , khéo tay để cùng chị lo cho cuộc sống gia đình. Anh Yến Lan lại sống có tình nghĩa. Tôi đọc chỗ chị kể chuyện anh ấy là người duy nhất trong những bạn văn chương đi theo linh cữu cụ tôi hồi đám tang ông, lòng tôi rất xúc động ngậm ngùi! Nếu tôi biết việc này sớm thì ít ra tôi cũng gởi vài lời chia buồn đến chị và gia đình khi anh vĩnh biệt trần thế! Anh đã nói một câu rất dân dã: “Nghĩa tử là nghĩa tận mà!”. Đúng thế, chẳng có ai ganh ghét hay căm thù người đã khuất, nhưng theo hoàn cảnh hồi đó, họ sợ liên lụy đến bản thân! sợ khó khăn cho cuộc sống của họ. Thực ra, ông cụ tôi có phải là kẻ phản động đâu, mà chỉ vì cái cá tính thẳng thắn bộc trực thấy điều không đúng là nói ra, không nể nang ai nên mới khổ. Tôi không ra Bắc, không có mặt phút ông cụ lâm chung nhưng sau nầy, chị dâu tôi kể lại: Lúc chị đến thăm, ông còn nói được nho nhỏ: “Thầy khổ lắm, không ai hiểu thầy cả!”. Vì thế ông mất đi, ôm theo một nỗi buồn…!
Cách đây mấy năm, tôi tập tò làm thơ đường, giao lưu xướng họa với bè bạn cho vui. Có một lần tôi nhớ đến bài Bến My Lăng của anh, tôi sáng tác như sau:
Tìm đâu cho thấy Bến My Lăng
Ông lão chờ ai đã mấy trăng
Kỵ mã lung linh màu áo ngọc
Con đò lơ lững dãi sương giăng
Câu thơ còn đấy thuyền trôi dạt
Chén rượu hết rồi, nước chảy băng
Đêm lạnh trời cao buồn tĩnh mịch
Khách về, ngơ ngẩn Bến My Lăng
Thưa chị, nhân đọc tập sách của chị, thấy có một số việc ít nhiều liên quan đến mình, tôi mạo muội viết thư này cho chị, mong chị thông cảm. Nếu chị nhận được thư, xin chị hồi âm cho vài chữ, xin cảm ơn chị.
Năm mới, xin kính chúc chị và gia đình được vạn sự như ý.
Kính thư
Ký tên: Minh
Vì luôn bị ám ảnh bởi cụ Phan Khôi nên về Sài Gòn, tôi lấy địa chỉ và viết thư thăm bà, được bà hồi âm và tặng quyển hồi ký: “Nhớ cha tôi - Phan Khôi” Nhà Xuất Bản Đà Nẵng - năm 2001.
Đọc sách, tôi rất thỏa mãn, vì biết thêm về cụ. Cụ sinh 20/8/1887; là cháu ngoại của Tổng đốc Hoàng Diệu. Hiệu là Chương Dân. Tính tình cương trực, sống và viết trung thực không luồn cúi để mưu cầu danh lợi, mang khí phách của một nhà nho yêu nước .. Trong sách, tướng Thiếu Sơn có viết :
“Những cái gì người ta cho là phải, là đúng thì ông đưa ra những lý luận là trái và sai. Võ Hậu là một con dâm phụ chuyên quyền, ông Khôi dẫn chứng ở sách vở ra để chứng minh bà ta là một người đàn bà vượt khuôn khổ, một bộ óc thông minh tuyệt vời, một phụ nữ phi thường"..
Cố nhiên là ông ngụy biện nhưng ngụy biện một cách rất tài tình, và ngay trong khi ngụy biện ông cũng dẫn chứng được phần nào những ưu điểm của một nhân vật mà thành kiến chỉ cho thấy khuyết điểm mà thôi" (trang 257)
"Phan Thao - con ông, là một cán bộ ở cấp bực cao, mà ông thì ghét cộng sản. Ông chống cộng nhưng khẳng khái không thuần phục thực dân. Không chịu mang tiếng theo giặc. Hai cha con cải nhau kịch liệt. Ông con nói: “Chống cộng là quyền của cha, nhưng đây là toàn dân kháng chiến, không lý cha có thể đặt mình dưới sự kiểm soát của giặc”. Ông nghe có lý nên ở lại hăng say tham gia kháng chiến như mọi người. Chính quyền kháng chiến kính nể ông, cho ông những ân huệ đặc biệt, cấm thuốc phiện mà vẫn cho ông hút và cung cấp thuốc phiện cho ông…" (trang 267).
"Phải nhìn nhận rằng, Phan Khôi là một người thông minh, học rộng, biết nhiều, chịu khó suy nghĩ, có óc nhận xét tinh tế, cốt cách, tính tình tác phong đều đàng hoàng nghiêm cẩn nhưng cố tình vươn mình để tiến xa hơn những nhà nho khác mà ông cho là cố chấp, bảo thủ, lạc hậu. Ông tự học để đọc sách Pháp. Ông dịch Thánh kinh cho đạo Tin Lành là để học thêm tiếng Pháp.
Ông sở đắc rất nhiều về học thuật tư tưởng của Pháp. Nhưng ông cũng có tật là được mới nới cũ. Cái học cũ là cái học căn bản của ông” Trang 259).
Ôi! cụ Khôi thật là tài, thật là thông minh! Qua đây, tôi nghiệm ra rằng “Chữ tài liên với chữ tai một vần” và “cái miệng làm vạ cái thân!” Cụ Khôi quá tài, quá giỏi để người cùng thời với cụ không muốn nhận ra chân giá trị đích thực ở cụ. Vì sao vậy? Có trời mới biết?!
Đầu tháng 4 năm 2007, những người tham gia phong trào với ông trong Nhân văn giai phẩm: nhà thơ Hòang Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Yến Lan - ba tôi... đều được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học.
Điều này, cho thấy, thế hệ trẻ hôm nay, đã chịu quay đầu nhìn lại để hiểu hơn về bậc tiền bối của mình. Lớp trẻ đã kịp phân định rõ ràng về giá trị thật của những người đã bị hàm oan, dám cầm đèn đi trước ô tô..
Nhưng, trường hợp của cụ Phan Khôi? Liệu mai này cụ có được xét để tôn vinh những cống hiến của cụ vì nền văn học dân tộc ta không?
Tôi luôn chờ đợi những may mắn đến với cụ.
L.B.T
< Lùi | Tiếp theo > |
---|