Bài viết của NGUYỄN TUYẾT TƯỜNG VI lớp 11

Mục lục
Bài viết của NGUYỄN TUYẾT TƯỜNG VI lớp 11
1. MỘT MẢNH TUỔI THƠ
2. NHỮNG MẢNH VỠ
3. TUY HÒA VÀ NHỮNG LI CA CAO NÓNG CHIỀU MƯA
4. TUỔI THƠ VÀ NHỮNG CŨ KĨ CỦA NỖI NHỚ…
Tất cả các trang

 

Tôi vừa nhận được một loạt bài viết mới. Dưới mỗi bài chỉ ghi vỏn vẹn: "Nguyễn Tuyết Tường Vi - lớp 11 Văn THPT Chuyên Lương Văn Chánh - TP Tuy Hòa ( Phú Yên)".

hoctroR

Ảnh: nguồn internet

 

Đọc kỹ, tôi quyết định post lên trang web này vì chất lượng và không "biên tập" bất kỳ một chữ nào. Tôi chúc em luôn yêu văn và luôn nỗ lực để ước mơ trong đời trở thành hiện thực. Các bạn hãy đọc để bùi ngùi nhớ lại tuổi nhỏ của mình....

L.M.Q

!.2013


MỘT MẢNH TUỔI THƠ

Chiều phụ ba thả bò ra mé ruộng, chợt cơn mưa đâu ập tới. mưa chòm mây thôi mà to quá, ướt hết cả mình. Ba lật đật thúc chạy vào trong nhà chờ cho hết mưa, lon ton chạy vào đội nón và trùm áo tơi, nhìn ngộ nghĩnh quá đi mất. Nhớ những ngày tuổi nhỏ ghê…

Tuổi thơ có những cơn mưa đông mưa rét buốt và thiếu thốn, ta lùng bùng trong cái mớ nón và áo tơi đi hái lá giang về nấu canh chua với mớ cá khô mặn chát. Và dưới mái nhà tôn bồm bộp tiếng mưa đập vào, cả nhà quây quần bên tô canh chua nóng hổi, xì xụp với miếng cá khô xé nhỏ, lát ớt cay nóng sực, tưởng như chẳng có cái giá lạnh nào chen vào nổi.

Những chiều mưa lạnh lẽo đã dịu bớt, ta lon ton xách cần câu đi câu cá. Khoảnh ruộng bên nhà ngập nước, chuồn chuồn bay dập dìu, ếch nhái kêu uôm uôm cạnh bờ ruộng nhão nhoét trơn trượt. Cần câu mắc con giun bé xíu ngoe nguẩy quăng xuống mặt nước nghe tiếng tủm nhẹ nhàng, thỉnh thoảng nghe tiếng cựa khe khẽ đầu cần, ta giật mạnh. Có lúc là con rô đồng cứng đầu, lúc khác lại được chú tôm càng ham ăn búng đành đạch, có khi ta vớ được hẳn con tràu to sụ, mập mạp. Bữa cơm chiều lại có thêm dĩa cá nướng nóng hổi bên chén nước mắm sóng sánh chanh ớt tỏi. Miếng cá dai dai giòn giòn, thơm phức và nóng hổi cứ quấn mãi nơi đầu lưỡi để bây giờ ta có đi muôn nơi, nếm muôn thứ sơn hào hải vị vẫn không tài nào quên được cái hương vị quê mùa ấy.

Thỉnh thoảng mẹ lại đổ bánh xèo vào một ngày mưa, mùi bánh ấm sực cả lòng con trẻ. Ta háo hức và mong chờ cái ngày đó lắm, chiếc bánh làm từ hạt gạo đất nhà nghe ngọt ngào quá đỗi, rau thịt quyện vào lá hẹ xanh xanh vừa ngon vừa đẹp. Ta nhớ mãi chiếc bánh nóng hổi và khuôn mặt mẹ ửng đỏ bên bếp lò nóng rực. Và ngày mai lạc chân đường đời ai đưa ta trở về bên bếp than hồng và chiếc bánh bóng nhẫy mỡ thơm phức của tình mẹ ?

Đa sầu đa cảm quá, ta bật cười chính mình. Ham ăn và ham chơi quá đỗi để bây giờ mãi trẻ con và nhắng nhít thế này. Gia đình ơi ngày mai một thân con tự lập biết tìm đâu một chút tuổi thơ ấm áp và đáng nhớ?

Có cơn mưa nào lạ quá, thoáng qua rồi tạnh ngay, em về nhà hỏi mẹ, mẹ cười mưa bóng mây…

 

Nguyễn Tuyết Tường Vi

Lớp 11 Văn THPT Chuyên Lương Văn Chánh - TP Tuy Hòa - Tỉnh Phú Yên



NHỮNG MẢNH VỠ

Một buổi sáng không lăn lóc trên giường với giấc ngủ vùi, không chúi đầu vào sách vở, không cắm mặt online trên máy tính …

Một buổi sáng, có lẽ là lần đầu tiên … chọn cho mình một góc nhỏ khuất sau phố phường xa lạ và tấp nập, không quá ồn ào, vừa đủ tĩnh lặng và đủ để thời gian ngưng đọng dù chỉ một chút …

Không đủ dũng cảm để chọn cho mình một cà phê đen đắng ngắt, ta hài lòng với ly ca cao đá. Một chút ngọt ngào cho khởi đầu rạng rỡ của ngày mới, một chút mát lạnh để xua tan đi cái nóng bức của mùa hè, và một chút nhẩn đắng để ta chợt khựng lại như những phút lạc chân giữa dòng đời …

Lâu rồi ta mới có cảm giác thế này : bình thản, nhẹ tênh,… dù ngoài kia cuộc sống vẫn trôi hối hả, nhộn nhịp. Nắng tháng sáu thật giòn nhưng vụn vỡ. Ta bắt gặp một chuỗi dài hồi ức man mác đẹp, man mác buồn trong những mảnh vỡ đó …

Một mảnh vỡ in dáng hình cha cặm cụi, tảo tần trên mảnh đất rẫy khô khốc, cỗi cằn. Cha cần mẫn gieo từng hạt mầm cho mùa vụ rồi chăm chút nâng niu bằng cả tình yêu và tấm lòng để ngày mai mầm cứng cỏi vươn cao trên đất rồi hồ hởi kết trái đơm bông … Ngày sau bội thu, ta kịp nhìn thấy khóe mắt chân chim của cha như biết cười, đôi bàn tay cha chai sần thô ráp nhưng hồ hởi, dáng cha gầy thêm một chút với đôi vai nặng gánh lo toan …

Một mảnh vỡ khắc sâu đôi mắt chan chứa của mẹ ngày tiễn con nhập học xa nhà. Con hiểu, chuỗi ngày tháng tới đây sẽ là quãng đường đầy vất vả và khó khăn – cho cả con và mẹ. Nhưng mẹ hiểu là con sẽ mạnh mẽ, mẹ nhỉ! Rồi con sẽ trưởng thành từ những vấp ngã, con sẽ thành công từ những cố gắng …

Có một mảnh vỡ in những nụ cười tươi rói những cái siết tay thật chặt của bạn bè. Thân nhau từ những ngày mỗi đứa còn ở truồng tắm mưa cho đến giờ vẫn còn gắn bó. Nhớ những chiều hè chân trần thả diều trên mảnh ruộng cuối mùa; nhớ những đêm sáng trăng chơi rồng rắn lên mây inh ỏi cả một góc sân; nhớ những buổi chăn bò đầy tiếng cười trên đỉnh đồi xanh những cỏ; lớn thêm một tí, ta nhớ ánh mắt hoe đỏ trong buổi chia tay cuối cấp hai … Và khi đi xa ta vẫn còn một chút để nhớ … Như một góc không thể thiếu trong hành trang để lớn, để trưởng thành …

Một mảnh vỡ in hình quê hương dưới nhiều điểm nhìn : hiền hòa những buổi sớm mai, lung linh những đêm sáng trăng, lam lũ nơi ruộng đồng khô cằn, dữ dội những ngày bão lụt thiên tai, dịu dàng dòng sông Ba với bãi bồi phù sa ngọt mát … Quê hương ta đấy – thiếu thốn, vất vả, cực nhọc nhưng nồng đượm tình người. Quê hương ta đấy – khắc nghiệt, nắng không ưa mưa không chịu nhưng con người nơi đây sừng sững vững chãi. Mảnh quê hương giản dị, khiêm tốn, chẳng tròn về hình dáng nhưng tròn trịa về tình người …

Giật mình vì tiếng còi xe ngoài kia, ly ca cao đã nhạt bớt nhưng những mảnh vỡ vẫn còn nguyên. Có mảnh nhỏ xíu, có mảnh cứ muốn to ra mãi vì không chứa hết những điều lớn lao, có mảnh bị bào mòn đến trần trụi nhưng cũng có mảnh sắc bén, góc cạnh sẵn sàng làm rớm máu tâm hồn … và mảnh nào cũng phản chiếu long lanh một khoảng trời mà ta đã vô tình rời xa hoặc đánh mất …

Một buổi sáng mùa hạ trời trong xanh, cao và xa …

Nguyễn Tuyết Tường Vi

Lớp 11 Văn THPT Chuyên Lương Văn Chánh - TP Tuy Hòa - Tỉnh Phú Yên


TUY HÒA VÀ  NHỮNG LI CA CAO NÓNG CHIỀU MƯA

 

Tặng anh Lê Phong - Chong Chóng Gió!

 

Một chiều mùa thu anh lên xe vào Sài Gòn nhập học, bỏ lại góc phố dịu dàng, bỏ lại một con nhóc đang trầm tư bên li ca cao nóng đang bốc khói nơi góc quán quen tĩnh lặng. Nghe ngoài kia giọt thời gian len lén chảy, phố nhỏ thỉnh thoảng lất phất mưa bay và vào những chiều cuối năm vội vã, thỉnh thoảng nhóc lại lặng im bên những tấp nập đời thường để nhớ về anh.

Tuy Hòa vào đông. Sài Gòn cũng vào đông. Nhưng Sài Gòn có lẽ chẳng lạnh được như Tuy Hòa bởi cứ nghe mấy anh chị đi học đại học than hoài, bảo giá mà được về Tuy Hòa để diện đồ đông. Nghe có vẻ buồn cười vì cái mơ mộng ấy dễ thương quá, hồn nhiên quá. Nhưng có lẽ là thật. Tuy Hòa thật nhỏ với những con đường nhỏ, những góc phố nho nhỏ và cả những quán cà phê khiêm tốn dịu dàng. Trời trở đông, Tuy Hòa cũng trở mình co ro, run rẩy trong cả từng hơi thở và nhịp chảy. Và đôi lúc dong xe một mình trên những con đường tịch mịch ngoằn nghoèo khuất sau những mái nhà cổ kính, em chợt thấy dường như cả nỗi nhớ cũng đang lạnh dần. Những ngày cuối thu anh còn ở nhà, em hay kể với anh về đủ thứ chuyện trên đời cũng trong cái góc quán dịu dàng ấy. Là những mối lo lắng mơ hồ cho tương lai, những mối quan hệ rắc rối ở hiện tại và đôi chút dằn vặt lòng trong quá khứ, cả những cơn cảm nắng bất định và chếnh choáng của em nữa. Trong những lần ấy không thể nào thiếu được li ca cao nóng béo ngậy và bốc khói khiến em mê đắm đến nỗi anh dùng cả cái tên đó để gọi em một cách trìu mến: Ca Cao Nóng. Tuy Hòa có lẽ đang nhớ anh, nhớ dáng anh cao gầy và bụi bặm vì mải mê lăn lộn trong cuộc đời xô bồ hỗn tạp, nhớ li cà phê đen đắng chát mà có lẽ nó cũng chai sần và phong trần như anh. Những ngày còn chưa nhập học, anh đưa em rong ruổi khắp những con phố nhỏ, những hẻm hóc ngóc ngách của Tuy Hòa. Và cứ qua mỗi con đường anh đều chỉ cho em về những thứ thật hay ho mà chẳng mấy người biết đến. Tuy Hòa có Núi Nhạn cổ kính nghiêng mình bên con sông Đà hiền hòa, có những chiều mưa trắng đất trắng trời làm người ta chỉ biết bất lực gặm nhấm nỗi buồn và nỗi nhớ trong cô đơn, có những đêm lặng thinh bên nhau trước sóng biển ì ầm để rồi thấy mình thật nhỏ bé trước bao la trời đất. Tuy Hòa chốn nào cũng in dấu chân anh, dấu chân rong ruổi và hăm hở khám phá, cả nắng gió Tuy Hòa cũng phảng phất nụ cười hiền lành chân chất của anh trong từng góc phố, con đường… Và ngày anh đi đã để lại một khoảnh trống xa xăm không dễ gì thay thế nổi…

Sài Gòn có những chiều mưa lạnh buốt như Tuy Hòa? Sài Gòn có những đêm đông cô đơn mà người ta chỉ có thể tự an ủi mình bằng chút hơi ấm của nỗi nhớ? Nơi ấy có những quán cà phê nhỏ tí len lén nấp trong một góc phố im ắng đầy tán cây để người ta nghe ngoài kia tĩnh lặng đang rơi? Nơi ấy có li ca cao nóng sóng sánh ngọt ngào đang mải mê bốc khói? Và nơi ấy có con nhóc nào hằng ngày đều kiếm cớ bắt bẻ cà khịa anh, kể cho anh nghe những buồn, vui, khóc, cười trong cuộc sống? Có chăng cũng chỉ là nét hao hao giống khiến anh cồn cào trong nỗi nhớ quê chứ chẳng thể nào thay thế nổi. Và có lẽ nơi ấy chẳng thể nào có được một nụ cười chân chất đến mức làm tan chảy cả giá lạnh mùa đông đâu, phải không anh?

Cuối năm em hay guồng chân đạp xe nhè nhẹ trên những con đường vắng, nghe gió lùa trong tóc và nắng chiều cài lên áo để thấy lòng mình nhẹ tênh và thấy thương Tuy Hòa quá đỗi. Em chẳng sinh ra ở Tuy Hòa, chẳng lớn lên ở Tuy Hòa, em chỉ là kẻ nhập cư xa lạ vào Tuy Hòa. Vậy nhưng em yêu Tuy Hòa đến kì lạ. Yêu những góc nhỏ yên bình và êm ả khuất sau những tấp nập phù phiếm của cuộc đời, yêu những con đường nhỏ xíu và ngoằn ngoèo nhưng đi mãi vẫn cứ thấy dài mãi và mới mẻ, và yêu cả những buổi chiều trở lạnh ngồi mơ màng bên li ca cao sóng sánh bốc khói và trầm mặc bên anh…

Nơi ấy bình yên và may mắn, anh nhé!

 

Nguyễn Tuyết Tường Vi

Lớp 11 Văn THPT Chuyên Lương Văn Chánh - TP Tuy Hòa - Tỉnh Phú Yên



 

TUỔI THƠ VÀ NHỮNG CŨ KĨ CỦA NỖI NHỚ…

Xa nhà cuối năm là dịp để người ta khắc khoải và da diết…

Ba là thợ mộc lành nghề nổi tiếng khắp xóm nên từ nhỏ tôi đã tự hào về ba lắm. Ngày ấy ngôi nhà chỉ có bốn bức vách bằng gỗ và mái lợp tôn, mùa hè thì nóng còn mùa đông thì lạnh. Những đêm mùa đông cả gia đình ôm nhau nằm co ro trên chiếc giường nhỏ, hai chị em nằm cong queo ở giữa như hai con tôm luộc, ba má nằm hai bên ấp hai đứa vào lòng. Rồi má nảy ra sáng kiến đem dăm bào và mùn cưa của ba đem đốt lên để sưởi, từ đó những đêm đông đã nghe ấm áp từ ngọn lửa nồng đượm và mùi thơm từ bột gỗ cháy thoang thoảng dịu dàng.

Hồi đó nhà thiếu thốn đủ thứ nên mọi thứ đồ dùng đều do ba má tự tay làm ra hết. Tôi nhớ chiếc bàn nhỏ xíu mà ba đóng cho ngày còn đi học mẫu giáo. Bàn thấp vừa tầm ngồi, mặt bàn nghiêng vừa phải để tôi không phải khom lưng, ngoài ra chiếc bàn còn liền chiếc ghế xinh xinh và cũng bé xíu nữa. Khỏi phải nói tôi khoái đến mức nào, và ba cũng vui lắm khi thấy con gái ngày nào cũng cặm cụi luyện chữ bên chiếc bàn đáng yêu ấy.

Năm lớp 1, nhà xây nơi khác, ngày chuyển nhà tôi đi hí hửng nhưng ba má thoáng tần ngần. Còn nhỏ quá tôi chẳng hiểu gì cả, chỉ thấy được ở nhà mới ấm cúng và tiện nghi hơn là khoái mê rồi. Vậy nhưng ba má lại lưu luyến và chẳng muốn rời xa. Chắc má nhớ khoảnh đất nhỏ bên hông nhà với đủ thứ từ ớt, bạc hà, mồng tơi, rau dền, cải rổ, tía tô, rau lang, rau muống, mã đề, dưa leo, mướp,… nhớ cái góc nhà cũ tuy tối tối nhưng ấm cúng, nhớ bốn bức vách gỗ chi chít những tranh vẽ hay chữ tập viết của hai chị em,… Còn ba chắc là nhớ cái vườn cây sau hè nơi ba hay làm mộc. Chỗ đó có cái ghế thợ mộc to ơi là to và dài ơi là dài, ngày ngày ba hì hục cưa cắt, đẽo gọt, rồi bào, rồi tiện gỗ để làm đồ dùng trong gia đình,…

Về nhà mới ngày nào nóng nực có quạt điện chạy ro ro, còn đến khi lạnh là trùm cái mền 3 kí là ấm đến cả ruột. Nhưng mà cứ thấy ba má hay lăn qua lăn lại trên giường nằm. Ngày trước nằm trên chiếc giường xíu xiu cứ kêu cọt kẹt vì hai đứa quẫy đạp mãi vậy mà có bao giờ bị mất giấc hay giật mình đâu…

Về nhà mới thỉnh thoảng có cúp điện nấu cơm củi là cả nhà tranh nhau miếng cơm cháy giòn giòn thơm thơm nơi đáy nồi. Hồi trước cơm thỉnh thoảng còn độn bắp xát mỏng, ba má hay giành phần đó về mình còn cơm trắng để cho hai chị em. Thế mà vẫn vô tư và hồn nhiên lắm, nào có biết cơm độn bắp ăn mãi chán đến mức nào…

Lớn lên mới biết tuổi thơ đáng yêu đến thế nào. Nhớ những đêm mưa to đập bồm bộp vào mái tôn, hơi nước bốc lên lạnh buốt, ba má ôm chặt hai đứa trên giường sợ cảm lạnh. Thỉnh thoảng sét nổ cái rầm, hai đứa ré lên, ba lật đật ôm vào lòng và luôn miệng an ủi dỗ dành. Nhớ những đêm hè nóng nực ngủ không được, má phe phẩy cái quạt nan mãi, hai đứa chỉ trỏ đủ thứ trên trần nhà rồi luôn miệng hỏi má sao lại thế này, sao lại thế kia,… đến khi mệt quá lại lăn ra ngủ…

Hồi nhỏ hỏi gì má cũng nói: “ Lớn lên rồi biết!”, giận má, ao ước mình nhanh lớn, cứ mỗi cái tết qua là vào đứng ở góc nhà rồi nhờ thằng em dùng cục than củi gạch lên bức tường gỗ phía sau để đo xem mình đã lớn thế nào. Ngày đó cứ ước gì mình lớn thật nhanh…

Hồi nhỏ háo hức đến tết, háo hức quần áo mới và tiền lì xì nhưng nào có biết mỗi lần tết đến là thêm một lần ba má cặm cụi và tảo tần để kiếm tiền và trang trải mọi thứ. Giờ lớn lên đi học xa, cầm trên tay đồng  tiền hàng tháng ba má gửi mà nghe mặn mặn đăng đắng. Giờ này đã cuối năm, đi đâu cũng nghe người ta xôn xao tết nhất, nhưng trong lòng cứ ao ước, tết đến chầm chậm thôi nhé, để đồng tiền của ba má bớt mặn chát nước mắt và mồ hôi…

Hồi nhỏ hay khóc nhè và mắc cỡ lắm. Thương ba má nhiều ơi là nhiều mà hông dám nói ra. Sợ bị trêu rồi lại len lén ứa nước mắt. Giờ lớn rồi, thương thì vẫn thương nhưng còn cảm giác có lỗi vì để cho ba má buồn nhiều và lo nhiều. Cuối năm bận rộn với những lo toan cơm áo gạo tiền chắc ba má hổng đọc được mấy dòng này đâu. Con lớn rồi đó ba má ơi!


Nguyễn Tuyết Tường Vi

Lớp 11 Văn THPT Chuyên Lương Văn Chánh - TP Tuy Hòa - Tỉnh Phú Yên


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com