THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: BÀI HỌC KHAI TÂM THỜI XƯA

LÊ MINH QUỐC: BÀI HỌC KHAI TÂM THỜI XƯA

BAI-HOC-KHIA-TAM-THOI-XUA

 

Trong bất cứ thời đại nào, muốn chọn lấy những người tài giỏi ra giúp nước thì không có phương thức nào tối ưu hơn việc chăm lo giáo dục cho toàn dân và tổ chức thi cử công bằng.

Từ năm 1334, trong Chiếu chọn kẻ sĩ, vua Lê Thái Tông có viết: “Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì thi cử là đầu”. Trong văn bia Tiến sĩ năm 144, danh thần Thân Nhân Trung đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí là công việc cần kíp”.

Thật vậy, thời đại nào, quốc gia nào cũng cần có nhân tài để giúp nước. Muốn có nhân tài thì phải lấy giáo dục làm đầu. Kể từ năm 1070 vua Lý Thánh Tông đã cho dựng Văn Miếu, năm 1076 vua Lý Nhân Tông cho xây dựng Quốc Tử Giám. Có thể ghi nhận đây là sự kiện rất quan trọng trong tiến trình hoàn thiện và phát triển của hệ thống giáo dục Việt Nam.

Hệ thống giáo dục phong kiến đã đào tạo ra những nhà nho mà học giả Phạm Quỳnh từng giải thích: “Cái tên nhà nho không những là để chỉ người biết chữ, học đạo thánh hiền trong Nho giáo; lại là chỉ một giai cấp trong xã hội, tức là hạng thượng lưu trí thức trong nước. Vì xưa kia ngoài Nho học không có cái học nào khác nữa, nên phàm người đi học là học đạo Nho hết cả. Đạo Nho có cái địa vị độc tôn, nên hầu như thành một tôn giáo; mà thực ra cũng chính là cái quốc giáo của nước Nam từ xưa đến giờ. Những người phụng sự cái quốc giáo đó, tức là nhà nho. Vậy thì nhà nho là kẻ có học hành, biết chữ nghĩa; nhà nho là bậc thức giả xã hội trong nước; nhà nho là tín đồ của cái tôn giáo họ Khổng. Về đường xã hội, về đường chính trị, về đường tri thức, tinh thần đều có một cái địa vị đặc biệt, đối với một chức vụ đặc biệt. Chức vụ này cao quý, có thể gọi là một thiên chức được, vì là chức vụ hướng đạo cho quốc dân, làm tiêu biểu cho cả nước”.

Muốn được như thế thì ngay từ lúc “bạch diện thư sinh” họ phải học những sách nào, phải trải qua những khoa thi như thế nào?

Ta có thể thấy qua sơ đồ: Từ lúc  khai tâm họ học ở trường các thầy đồ, thầy khóa; sau đó tiếp tục theo học trường của các quan đốc học, giáo huấn ở phủ, huyện. tỉnh để tiếp tục nâng cao trình độ. Và muốn được thi cử thì họ phải trải qua kỳ thi sát hạch. Thi xong, nếu đạt yêu cầu thì họ được thi Hương, đó là trường thi do các địa phương tổ chức. Sau khi vượt qua bốn kỳ (hay còn gọi bốn trường) thi Hương thì họ mới được thi Hội là cuộc thi do triều đình tổ chức. Nếu thi Hội đậu thì họ mới được thi Đình để phân cấp bậc Tiến sĩ. Hiểu đại để như thế ta mới thấy con đường tiến thân của kẻ sĩ thuở ấy không phải dễ dàng và đó cũng là cốt lõi của khoa cử và giáo dục Việt Nam thời xưa.

Thưở ấy, hầu như trong làng nào cũng có những trường học dành cho trẻ em. Không phải là trường công lập của Nhà nước hoặc cũng không phải trường tư như quan niệm của ta hiện nay. Mà phổ biến nhất là trường thiết lập tại nhà riêng của một người giàu có trong làng, tự nguyện đài thọ cho thầy để dạy dỗ con em trong nhà. Những người hàng xóm cũng đưa con đến học, họ xin góp chung tiền với chủ nhà để cùng lo cho thầy -  với quan niệm “đạo thánh là đạo rộng” nên chủ nhà chẳng hẹp hòi gì. Nhưng trường cũng có thể là của bậc thức giả trong làng, không phải lo chạy gạo hằng ngày, ngồi dạy trẻ trong nhà rồi nhân tiện dạy luôn trẻ nhà người.

Thầy có thể là người giỏi chữ từ xa đến hoặc người trong làng có học kinh sử nhưng chưa đỗ đạt, ngồi dạy học để chờ lúc triều đình mở khoa thi thì tiếp tục lều chõng, thường gọi là thầy đồ, thầy khóa. Trong thời gian dạy học, thầy ở luôn trong nhà người ta, mọi cơm bưng nước rót đều có người lo chu tất. Trong bài Phú đồ ngông, cụ Nguyễn Khuyến dẫu có viết những câu giễu cợt, nhưng đúng với “phong thái” của ông thầy ngày xưa:

Bốn cóng kê giường,  vài chồng cặp sách

Cơm trắng canh ngon, ghế cao chiếu sạch

Chữ “thánh phù”

Câu “thiên tích”

Chậu thau rửa mặt tầm váo tầm vênh

Điếu sứ long đờm, cóc ca cóc cách

Thần Kiêu Kỵ xôi gà tùy thích, ông đã nên ông

Bụt Nam Xang oản tẻ chẳng từ, khách thời mặc khách

Chỗ ngồi dạy của thầy thường là gian nhà ba gian, kê cái giường cho thầy nằm ngủ, một cái sạp để tiếp khách, một cái phản để thầy dạy học, chấm bài... Học trò dù lớn nhỏ cũng đều trải chiếu ngồi dưới đất, hoặc ngồi trên giường thấp hơn phản ngồi của thầy. Đứa trẻ muốn thọ giáo với thầy thì cha mẹ phải làm lễ “khai tâm”. Lựa ngày lành tháng tốt cha mẹ đứa trẻ đem xôi gà, rượu...đến thưa với thầy và chủ nhà cho con em mình nhập học. Thầy mặc áo dài, đầu chít khăn đen khi khấn lễ khai tâm, còn đứa trẻ cũng lễ ba vái bốn lạy.

Sau đó, mọi người cùng ăn lễ, đứa trẻ ưu tiên được ăn mắt gà với ngụ ý mắt sáng để tiếp thu nhanh chữ của thánh hiền, không cho ăn chân gà sợ khi viết run tay... Nếu gia đình khá giả hơn thì họ làm cỗ cúng, cáo yết gia tiên mời thầy và bà con xóm giềng đến nhà chứng kiến lễ khai tâm cho con em mình. Ăn uống xong, nếu trong làng có nơi thờ Đức Khổng Tử thì thầy dẫn trò ra đó ân cần giảng cho trò nghe về đạo Thánh hiền để trò ý thức về việc học của mình sau này.

Buổi sáng, nghe tiếng gà gáy đầu thôn, thầy đã dậy, khăn áo chỉnh tề, uống trà và cũng là lúc học trò lũ lượt kéo đến trường. Trước tiên đứa trẻ được thầy dạy tập viết, nhưng nó chưa được cầm bút lông mà cầm que tre vạt nhọn một đầu. Thầy cầm tay trò lấy cây que thấm nước viết những chữ ít nét trên tấm ván gỗ cho quen tay; hoặc chỉ cho nó viết trên mảnh gỗ có khắc nét chữ sâu xuống, đầu “bút” dựa theo những đường rãnh đó mà không chệch ra ngoài...Tập dần cho quen tay để nó thuần thục trước khi cầm bút lông để viết.

Dần dần, thầy viết bút son cho trò cầm bút lông tô nét mực lên trên, khi viết phải tập kéo bút chỉ một lượt mà tô kín nét son của thầy. Rồi thầy lại viết chữ trên một tờ giấy, đặt xuống dưới trang giấy của trò, bảo nó nhìn theo đó mà “đồ” theo bóng chữ của thầy. Trong quá trình tập viết, thầy dạy cho trò biết nét nào viết trước, nét nào viết sau, chữ nào viết trước chữ viết nào sau. Chẳng hạn, chữ Minh, ghép bởi chữ Nhật bên trái và chữ Nguyệt bên phải; nếu viết ngược lại là “trái cựa”, đứa trẻ bị thầy lấy bút khuyên tròn miệng gọi là phạt “vòng mép” suốt ngày không cho rửa; nếu viết chữ nhà gà bươi thì thầy lấy roi ghè vào tay.

Lúc bắt đầu học với thầy đồ để khai tâm, dần dần theo năm tháng cậu học trò thuở xưa được học những sách giáo như Tam tự kinh - là sách “ba chữ” (mỗi câu). Có thể nói đây là quyển sách giáo khoa quen thuộc nhất với học trò Việt Nam thuở xưa. Riêng câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện” hay bị đọc nghịch trại ra thành “Nhân chi sơ là sờ vú mẹ, tính bản thiện là miệng muốn ăn!”. Âu cũng là cách nghịch của học trò xưa nay! Sách chia làm nhiều mục nhỏ như nói về tính người, sự dạy dỗ; bổn phận của trẻ nhỏ; các điều thường thức như trời, đất, ngũ hành, trăng, sao...; các sách học như Hiếu kinh, Tứ thư, Ngũ kinh...; lịch sử nước Trung Hoa từ khởi thủy đến thời Nam Bắc triều và cuối cùng là nói về những người chăm học thời xưa và khuyên học trò phải noi gương v.v...

Nhất thiên tự - là sách “một ngàn chữ” viết theo thể lục bát; cứ một chữ Nho thì kế tiếp là một chữ Việt nhằm giải nghĩa chữ trước. Chẳng hạn:

Thiên trời, địa đất, vân mây

Vũ mưa, phong gió, trú ngày, dạ đêm

Tinh sao, lộ móc, tường diềm

Hưu lành, khánh phúc, tăng thêm, đa nhiều

Như vậy, đứa trẻ phải học nghĩa của từng chữ và thầy giải nghĩa những chữ mà nó chưa hiểu. Tam thiên tự - là sách ba ngàn chữ tương tự như quyển sách trên, nhưng cứ 4 chữ một câu, vần ở cuối câu nhằm giúp cho học trò dễ nhớ. Chẳng hạn:

Thiên trời, địa đất

Cử cất, tồn còn

Tử con, tôn cháu

Lục sáu, tam ba

Gia nhà, quốc nước

Tiền trước, hậu sau...

Ngũ thiên tự - là sách “năm ngàn chữ” cũng mỗi chữ một nghĩa sắp xếp với nhau thành thể thơ lục bát. Trong đó, có chia ra thành nhiều mục như thiên văn, địa lý, cương thường, nghề nghiệp v.v... Chẳng hạn:

Thừa nhân, nhàn vắng, hạ rồi

Càn trời, khôn đất, tài bồi, trồng vun

Tích xưa, tự chữ, do còn

Quan xem, soạn soạn, viên tròn, thiên thiên

Sơ học vấn tân - tức sách hỏi về việc học - gồm 270 câu chia làm ba phần: 130 câu tóm tắt lịch sử nước Trung Hoa, 64 câu tóm tắt lịch sử nước nhà, 76 câu khuyên học trò về việc học và cách xử thế. Chẳng hạn:

Kỳ tại quốc bản

Cổ hiệu Việt Thường

Đường cải An Nam

Hán xưng Nam Việt...

(Từ đầu gốc nước ta là Việt Thường, nhà Đường đổi thành An Nam, nhà Hán gọi là Nam Việt...). Minh đạo gia huấn - tức “sách dạy trong nhà Minh Đạo (Trịnh Hạo) đời Tống - gồm 500 câu thơ 4 chữ, khuyên học trò về tu thân, cư xử theo luân thường đạo lý; lời gọn gàng mà nhiều câu trở thành “khuôn vàng thước ngọc”được truyền tụng qua nhiều thế hệ. Chẳng hạn:

Dưỡng nhi  bất giáo

Nãi phụ chi quá

Giáo nhi bất nghiêm

Nãi sư chi nọa

Học vấn bất cần

Nãi tử chi ác...

(Nuôi con mà chẳng dạy là lỗi của cha, dạy mà chẳng nghiêm là lỗi của thầy, học tập chẳng chuyên cần là lỗi của con...). Minh tâm bảo giám - là “gương báu soi sáng cõi lòng” gồm 20 thiên, nhiều câu cách ngôn của thánh hiền trong sách được sưu tập chép ra để dạy học trò. Chẳng hạn, “Trang Tử viết: Nhất nhật bất niệm thiện, chư ác tự giai khởi” (Ông Trang Tử nói rằng: Một ngày không nghĩ đến việc thiện, thì mọi điều ác nổi dậy). Ngoài ra còn có cách sách giáo khoa khác như Hiếu kinh, Ấu học thi, Trạng nguyên thi... Học xong lớp học của thầy trong làng, các học trò mới đến tập làm văn, nghe giảng sách ở trường của các ông Nghè, ông Bảng là những bậc cao; hoặc lên huyện, lên tỉnh học tiếp.

Việc học ngày xưa ấy, ta có thể hình dung đôi nét về đạo thầy qua Bộ luật Hồng Đức dưới triều vua Lê Thánh Tông. Bộ luật này, gồm 6 quyển, 722 điều, đến nay vẫn được xem là bộ luật hoàn chỉnh nhất thời phong kiến ở nước ta. Nó thể hiện sự nghiêm minh của nhà nước, đồng thời cũng rất nhân đạo. Với đạo lý “tôn sư trọng đạo”, bộ luật này quy định nhiều điều mà nay đọc lại ta vẫn còn thấy có ý nghĩa và đáng để tâm suy nghĩ. Chẳng hạn như: “Làm thầy và học trò phải đều hết đạo, thầy thì trước tiên phải ngay mình để làm gương mẫu cho học trò. Học trò thì phải tôn kính thầy, chăm chỉ về đường thực học, lấy đức hạnh làm gốc... Các học trò trước đã nhập môn theo học nghiệp, sau lại quên ơn nghĩa, khinh nhờn thầy, thì sẽ bị phạt suốt đời không được đi thi, không được làm quan lại và không được giữ nghề nghiệp. Nếu biết lỗi mà từ tạ làm đẹp lòng thầy thì cũng tha cho.

Kẻ nào khinh nhờn thầy sẽ bị phạt cỗ tiền 50 quan; đánh chửi thầy thì tiền tạ tăng lên 15 quan và bị đánh 80 trượng... Học trò mà đánh thầy và lăng mạ thầy thì phải tội hơn tội lăng mạ người thường ba bậc, đáng chết thì phải tội chém... Những cha mẹ, vợ con của các học trò đánh chửi thầy, sẽ bị phạt 80 trượng, tiền tạ 10 quan; nếu đáng chửi vợ của thầy sẽ bị phạt 50 trượng, tiền tạ 5 quan. Các học trò vô lễ này suốt đời không được làm nghề dạy học. Nếu tự biết tội mà tạ từ với thầy thì cũng tha cho... Cha mẹ học trò phải răn con em về đạo thờ thầy, khi gặp thầy phải kính cẩn có lễ phép, không ai được trái lệnh, nếu không thì bị ghép vào tội bất kính...”.

Trong lớp học các học trò gọi với nhau là đồng môn. Hoặc do thầy chỉ định hoặc các đồng môn bầu ra trưởng tràng và giám sinh để thay mặt thầy điều hành mọi việc học trong lớp. Người thầy rất được học trò tôn trọng, khi ra đường gặp thầy phải ngả nón mũ ra và vòng tay chào; lúc thầy già yếu, các đồng môn phải lo sắm cỗ thọ đường (áo quan); thầy nghèo phải đóng góp tiền làm nhà từ đường để ngày sau thờ cúng, thầy qua đời phải chung nhau lo việc ma chay, nếu thầy không có người kế tự thì trưởng tràng phải đứng ra lo toan mọi việc; mỗi năm đến ngày giỗ thầy thì các đồng môn phải biện lễ đem đến...

Sử sách còn ghi lại nhiều chuyện cảm động về tình thầy trò thuở xưa. Chẳng hạn, Tiến sĩ Đỗ Văn Tâm là học trò của thầy Nguyễn Huy Đức (tức thầy Cử nhân Võ Thạch) khi đến thăm thầy, từ đàng xa ông đã xuống võng, tự tay mình bưng cái khay đựng một cân chè và năm nén bạc để dâng thầy. Vào đến sân, ông đặt khay lên thềm, lạy thầy hai lạy rồi đứng chắp tay: “Bẩm thầy, con từ tỉnh về, gọi là có chút quà mọn để biếu thầy”.Lúc ấy, thầy đang ngồi bên án thư chấm bài, thầy không nhận nén bạc, chỉ nhận một ít chè để dùng. Nói xong thầy gọi học trò đun nước pha trà. Nhưng ông thưa: “Bẩm thầy, con đã từng được hầu thầy từ thuở thiếu niên, nay cho con được đi đun nước ạ”. Rồi, ông xuống bếp tự tay mình quạt lửa đun nước như thời học trò được thầy sai bảo.

Với vua Lê Thánh Tông, ngoài việc răn dạy mọi người phải có ý thức tôn sư trọng đạo, ngài cũng xuống Chiếu khuyến học đã tác động tích cực đến tinh thần hiếu học của sĩ tử. Do đó, không phải ngẫu nhiên dưới đời vua Lê Thánh Tông các khoa thi mở ra đều có số lượng thí sinh tham dự đông nhất, so với các triều đại trước đó. Và khi viết Khoa mục chí trong Lịch triều hiến chương loại chí, nhà bác học Phan Huy Chú nhận xét xác đáng: “Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau càng không thể theo kịp”.

L.M.Q

(nguồn:Tạp chí Kiến thức ngày nay -số 1071 ngày 10.5.2020)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com