Vào dịp Xuân mới Tết nhất, nếu ngoài Trung có trò chơi bài chòi thì trong Nam có lô tô. Trước hết, thử hỏi chơi lô tô là chơi thế nào?
Có 90 con cờ cỡ nhỏ được khắc, in từ số 1 đến số 90, do người cái giữ. Ai muốn chơi, mua một hoặc vài tấm bìa hình chữ nhật, trên đó có in các con số. Mỗi tấm bìa đó có 3 hàng chữ số, mỗi hàng có 5 con số khác nhau. Khi chơi, người cái móc ra bất kỳ con cờ nào, hễ gặp số nào thì đọc lên bằng các câu vần vè. Trong quá trình chơi, từ các con số đã hô, người chơi nào có đủ 5 số cùng một hàng ngang thì “cờ kinh”, “cờ tới” tức thắng cuộc.
Trong khả năng hiểu biết không đầy lá mít, chỉ dám thưa rằng, khó có thể tìm thấy văn bản lô hô tô trong các công trình nghiên cứu về văn chương bình dân Nam Bộ. Tại sao? Câu hỏi này xin dành cho các nhà nghiên cứu, ở đây, tôi chỉ mới tìm thấy trong bộ sách Thi ca bình dân (NXB Văn Học tái bản năm 1994) của Nguyễn Tấn Long - Phan Canh. Tập 3, từ trang 126 đến trang 152, trong đó, có vè lô tô Ngũ hổ bình Tây, Tây du, Tam quốc, Phong thần. Còn ở đâu nữa, sách nào? Thú thật, tôi chưa tìm ra.
Xưa này có bao giờ người ta hô lô tô theo tích của Truyện Kiều hay không?
Thì đấy, như ta đã biết kiệt tác này của đại thi hào Nguyễn Du đã tác động sâu sắc đến nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, chẳng hạn, bói Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, nhại Kiều, vịnh Kiều…; hoặc dùng các thể loại phú, văn tế, văn sách, biểu, từ khúc, ngâm khúc… để viết về Kiều và các nhân vật trong Truyện Kiều. Ngoài ra, Truyện Kiều còn được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, chèo, cải lương… và cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho các họa sĩ vẽ nhân vật, cảnh vật trong tác phẩm này v.v... Tất nhiên, lâu nay, ta chưa nghe ai nói đến chuyện đem tuồng tích Truyện Kiều vận dụng trong trò chơi lô tô.
Vậy mà có đấy. Lý thú quá di chứ?
Khi tìm gặp văn bản Lô tô Kim Vân Kiều, 24 trang, in tại IMP. MAN SAN, Chợ Lớn, xin nhận xét rằng, ngoài các tuồng tích theo văn học Trung Quốc, người miền Nam còn vận dụng cả kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du. Cách sử dụng tuồng tích là nhằm lôi cuốn, cuốn hút người nghe, người chơi có điều kiện thưởng thức tác phẩm văn chương, tất nhiên, tùy theo cách phân đoạn của người soạn mà anh hiệu sẽ hô khi bốc ra con số nào đó.
Và, có phải lô tô là trò chơi riêng của người miền Nam? Không hề. Ở miền Trung cũng có. Chẳng hạn ở Quảng Nam ngày Tết cũng có chơi, sau đây là 1 trong 90 con số: “Con vượn bồng con/ Lên non hái trái/ Tôi cảm thương nàng/ Phận gái mồ côi/ Con số 1 ôi” v.v…
Tuy nhiên, chính người miền Nam đã đem ra chơi này ra ngoài Trung. Bằng chứng nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe còn ghi lại được lời rao thuở ấy ở ngoài Trung: “Thưa bà con cô bác/ Chúng tôi ở tại Sài Gòn/ Lòn ra Phan Thiết/ Xiếc ở Nha Trang/ Lang thang rồi mới tới Hội An/ Dạ thưa, quảng cáo thuốc dán/ Bao nhiêu đồng một miếng/ Ở Sài Gòn, Chợ Lớn bán 2 xu một miếng/ Ông nào dùng lên tiếng/ Bà nào dùng lên tiếng/ Chúng tôi hầu đem tới hai tay giao tận nơi/ Rồi làm trò khác coi chơi/ Tá lộ lên, á” (Tết xứ Quảng - NXB Đà Nẵng - 2005, tr. 212). Tá lộ là đánh trống.
Khung cảnh này, ta dễ dàng nhận ra cũng là một dạng bán thuốc Sơn đông mãi võ, bán thuốc có làm xiếc, ca hát… miễn gây chú ý, lôi cuốn nhiều người đến mua, đến xem, vỗ tay cổ vũ. Tuy nhiên, họ còn tổ chức thêm trò chơi lô tô nữa: “Nhóm hô diễn lô tô thường có một trai, môt gái có giọng tốt (tất nhiên là biết ca điệu cải lương), một người đánh trống con và thanh la nhỏ, một người kéo đàn cò, một người thổi kèn tiểu. Đàn có đệm tông biến hóa theo giai điệu trống con và thanh la trộn đảo dẫn nhịp kèn tiểu chơi nét dạo đầu, lưu ý không bắc cầu và nét kết đuôi khúc, rồi bắt đầu hô… Những nét giai điệu này cho nghe thấy sự pha trộn hai chất liệu: dân gian mộc mạc từ nói vè, gần gũi đồng dao; biến hóa có sắc màu điệu Hồ Quảng - tức các điệu Bì Hoàn của kịch hát Trung Quốc du nhập vào kịch hát cải lương từ những năm 30” (SĐD, tr. 214).
Lúc đó, họ cất tiếng hô mà lời hô có thể không dính dáng đến thuốc nhưng cũng có thể là có: “Thuốc bổ Ông Tiên/ Bà con bên vợ/ Cậu mợ bên chồng/ Những đứa ho phong/ Cùng là ho gió/ Trước hết chẳng lo/ Để sau ho nữa/ Đàn bà có chữa/ Uống chẳng kỵ thai/ Con số 32”…
Có sự trùng hợp là tập sách Lô tô Kim Vân Kiều cũng nhằm giới thiệu, quảng cáo thuốc trị bệnh. Tập sách này, ngoài bìa nguyên văn như sau: “Lô tô Kim Vân Kiều do Nhà thuốc Đại Quang xuất bản. Rút nguyên trong Truyện Kiều, không pha một câu nào ở truyện khác, soạn rất công phu, có giá trị về văn chương. Giá mỗi cuốn: 0$20. Quý ngài mua thuốc từ Một đồng bạc (1$00) sắp lên sẽ được tặng không một cuốn”. Phía dưới cùng của trang bìa này ghi địa chỉ, số điện thoại của nhà thuốc tại đường Tổng Đốc Phương (Chợ Lớn), nay đường Châu Văn Liêm; d'Espagne (Sài Gòn) nay đường Lê Thánh Tôn, Cantonnais (Hà Nội), tức phố của người Quảng Đông, nay phố Hàng Ngang.
Sự chọn kiệt tác của Nguyễn Du, chứng tỏ nhà thuốc Đại Quang rất “cao cơ”, am hiểu văn hóa Việt vì họ biết rằng Truyện Kiều rất quen thuộc và được mọi người yêu thích, từ bình dân đến trí thức, từ người buôn gánh bán bưng, lao động chân tay đến người làm việc trí óc, ngày đêm lao tâm khổ tứ, ai ai cũng nhớ cũng từng ngâm nga đôi câu Kiều; do đó, khi họ kể lại câu chuyện của Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Tú Bà v.v… qua cách hô lô tô theo câu chữ nhịp nhàng, lại có âm thanh phụ họa ắt mọi người sẽ thích thú lắng nghe….
Mở đầu như sau: “Nhằm năm Gia Tĩnh/ Ở Bắc Kinh thành/ Gia thế trâm anh/ Họ Vương viên ngoại/ Bà quen dùng mãi/ Thuốc hiệu Đại Quang/ Tên “Phụ nữ hoàn”/ Liền sanh hai gái/ Trí khôn thông thái/ Chị đặt Túy Kiều/ Em gọi Túy Vân/ Hai nàng như một/ Là con số 1”. Lúc chị em Kiều: “Thanh minh trong tiết tháng ba,/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp Thanh” và gặp Kim Trọng, thì đây: “Kiều đi tảo mộ/ Tao ngộ chàng Kim/ Chắc có tiền duyên/ Dạ liền thương cảm/ Là con số 8”; “Người đâu gặp gỡ/ Có nợ gì chăng/ Thương nhớ đãi đằng/ Nặng lòng Kin Trọng/ Tương tư hoài vọng/ Bỏ ngủ quên ăn/ Phát chứng kha trầm/ Lao tâm se bịnh/ Là con số 9” v.v…
Mạch chuyện dần dà cứ phát theo những gì cụ Nguyễn Du đã viết, tất nhiên có chọn lọc, vì như ta đã biết, hô lô tô cả thảy chỉ từ con số 1 đến 90. Xin trích thêm đoạn Từ Hải sa cơ giữa trận tiền: “Từ công chết đứng/ Chắc vững như đồng/ Ai đẩy ai rung/ Cũng không lay chuyển/ Từ khi Kiều đến/ Lăn khóc bên chàng/ Giọt lệ chứa chan/ Từ liền ngã xuống/ Bởi hồn còn vướng/ Một mối tình duyên/ Là 80 nguyên”. Nôm na thế này nhưng phản ánh được tinh thần của những câu thơ Kiều: “Trơ như đá vững như đồng/ Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời…/ Lạ thay oan khí tương triền/ Nàng vừa phục xuống Từ liền ngã ra”. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết ngắn, tôi trích lấy đoạn cuối để các bạn thưởng thức: “Tưởng là trăng khuyết/ Lại hóa trăng tròn/ Nặng tiếng nước non/ Lòng son chờ đợi/ Trời còn thương tới/ Cho tái hợp duyên/ Là 90 nguyên”.
Từ tài liệu này, theo tôi, có thể ban đầu lô tô ra đời nhằm phục vụ cho việc rao bán, quảng cáo thuốc do người Hoa miền Nam thực hiện; về sau, nó trở thành trò chơi chung của mọi đối tượng, kể cả người Việt, do đó, nội dung lời hô có thay đổi.
Tập sách Lô tô Kim Vân Kiều in 10 ngàn bản, nộp lưu chiểu vào ngày 9.8.1940, chi tiết cho thấy khoảng thời gian ra đời của trò chơi lô tô. Dần dà về sau, các phương tiện truyền thông đã khác trước, có quá nhiều hình thức mới nhằm phục vụ quảng cáo cực kỳ phong phú, đa dạng, do đó, tiếp thị, P.R sản phẩm nào đó bằng hình thức hô lô tô đã lép vế, tuy nhiên nó không mất đi mà chuyển qua nội dung khác hầu hết có tính chất giải trí mà cách hô vẫn không khác trước… Vẫn là: “Tôi móc con cờ ra. Cờ ra con mấy, con mấy gì đây, mấy gì đây?”; hoặc “Lặng lặng mà nghe tôi kêu con cờ ra, cờ ra con mấy con mấy nó về đây, con mấy nó về đây”, chẳng hạn: “Công chúa Thoại Ba tình chi mà lận đận/ Chồng chưa ra trận cuốn gói dìa quê/ Xót nghĩa phu thê mày châu mà ủ dột/ Ba mươi con một/ Là ba mươi mốt (31) v.v…
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay XUÂN 2021)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|