Cái chết của nhân vật Chí Phèo trong tuyện ngắn cùng tên đã mở ra sự bất tử trong đời văn của Nam Cao và đó cũng là một trong những truyện ngắn hay nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 911 ra ngày 1.12.2015, GS Phong Lê cho biết, truyện ngắn này viết năm 1941 mang tên Cái lò gạch cũ, khi tác giả 26 tuổi: “Cái lò gạch cũ nằm trong một chùm truyện ngắn gửi đến NXB Đời Mới, suýt bị bỏ quên trong bồ rác, may được Vũ Bằng moi ra, đọc từ dòng đầu đã thấy lạ, liền đọc luôn một hơi, rồi quyết định đưa cho nhà in, với cái tên mới là Đôi lứa xứng đôi, kèm theo lời tựa của Lê Văn Trương; một lời tựa rất ngắn mà rất hay, nói trúng đặc sắc của tác giả” (tr.3).
Có một điều lạ, khó có thể giải thích rạch ròi, vì sao sau này khi tái bản các tập truyện ngắn của Nam Cao, chúng ta lại không thấy in lại lời Tựa của Lê Văn Trương? Vì lẽ đó, biết là có lời Tựa này nhưng cụ thể ra làm sao, có lẽ không ít người ngắc ngứ nếu muốn tìm hiểu chu đáo văn bản.
Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Trí, tên thánh là Giuse, sinh ngày 29.10.1916 tại làng Đại Hoàng thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, tỉnh Hà Nam (nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) trong gia đình nghèo, bố làm thuốc, mẹ dệt vải, làm ruộng. Ngoài bút danh Nam Cao, ông còn dùng các tên như Nhiêu Khê, Thúy Rư, Nguyệt, Xuân Du… Bút danh Nam Cao có được là do ông ghép chữ đầu của tên huyện và tổng mà thành. Thiết nghĩ, đây cũng là một cách thể hiện tấm lòng luôn gắn với quê hương. Mà thật lạ, hầu hết chất liệu hình thành nên trang văn của Nam Cao là cũng bắt đầu từ làng quê này mà có được.
Hơn ai hết, Nam Cao tự nhận thức: “Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Đời thừa). Do đó, không vì có dăm bài thơ in báo mà Nam Cao tự bằng lòng với mình, ông quyết định “li dị” với nàng thơ. Con đường đi của Nam Cao, thiết nghĩ, cũng là một kinh nghiệm cho bất cứ ai đang chập chững vào nghề viết: phải biết được đâu là thế mạnh, đâu là sở trường của mình. Và chỉ bằng văn xuôi, Nam Cao đã nâng cao tiểu thuyết hiện thực phê phán ở Việt Nam lên một mức cao hơn.
Với ông, văn chương không phải là nơi để kiếm sống hoặc mua danh và ông từng cho biết suy nghĩ của mình qua nhân vật Điền trong truyện ngắn Trăng sáng: “Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối: nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy những vang động của đời…”. Và cũng giống như nhân vật của mình, Nam Cao đã viết trong những lúc “Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chưởi bới của một người ban đêm mất gà”. Để từ đó, ông hình thành một hướng đi riêng, tạo ra những nhân vật, nhưng tình tiết khác hẳn với văn chương tình ái đương thời.
Với quan điểm này của Nam Cao, khi đọc lời Tựa của Lê Văn Trương, ta ngạc nhiên bởi tác giả Tôi là mẹ, Ngựa đã thuần rồi mời ngài lên đã nói rất khớp với suy nghĩ của cha đẻ Chí Phèo - như vừa nêu trên. Nay, tôi chép lại nguyên văn lời Tựa nhằm cung cấp cho bạn đọc một văn bản cần thiết có liên quan đến Nam Cao mà theo nhận định của GS Phong Lê đó là nhà văn có “một sự nghiệp gắn nối hai giai đoạn trước và sau 1945; cả hai kết thành một phù điêu bất hủ trong lịch sử văn chương Việt Nam hiện đại” (tr.82).
Lời Tựa này rút từ tâp truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi, NXB Đời Mới (48-63 phố Hàng Cót, Hà Nội) in năm 1941. Có điều lạ, đây là tập truyện ngắn với các truyện như Đối lứa xứng đôi, Nguyện vọng, Hai khối óc, Ma đưa, Chú Khì, Giờ lột xác, Cái chết của con mực, dày 124 trang nhưng ngoài bìa lại ghi “tiểu thuyết”? Lê Văn Trương viết như sau:
“Giữa lúc người ta đang đắm mình trong những chuyện tình mơ mộng và hùa nhau “phụng sự” cái thị hiếu tầm thường của độc giả, ông Nam Cao đã mạnh bạo đi theo một lối riêng, nghĩa là ông không thèm đếm xỉa đến cái sở thích của độc giả. Những sắc cạnh của tài ông đã đem đến cho văn chương một lối văn mới sâu xa, chua chát và tàn nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài mình, ở thiên chức của mình.
Quyển ĐÔI LỨA XỨNG ĐÔI, có được độc giả hoan nghênh hay không, đó là một điều tôi chưa cần biết, tôi chỉ biết rằng lúc viết nó, ông Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào làng văn với những sắc cạnh của riêng mình.
Những sắc cạnh ấy, nếu ông cứ giữ cho nó sắc mãi thì chúng ta có thể tin ở tương lai văn nghiệp của ông. Vườn văn Việt Nam thiếu những bông hoa lạ, thiếu những nghệ sĩ táo bạo, thiếu những bản thể đặc biệt.
Dám viết và dám nói những cái khác người, ông Nam Cao đã đem đến cho ta những khoái cảm mới mẻ, và ông đã tỏ ra là một người có can đảm.
Tôi yêu sự can đảm ở ngòi bút ông cũng như tôi yêu những thể văn đã vượt được ra ngoài khuôn sáo thông thường, nên tôi sung sướng viết mấy giòng này để giới thiệu ông với độc giả”.
Lời nhận định của Lê Văn Trương, ngẫm loại thấy đúng. Ta thấy ma lực ngôn ngữ trong truyện ngắn của Nam Cao thật lạ lùng, chỉ đọc một lần nhưng người ta vẫn nhớ mãi và lần sau đọc lại, người ta vẫn có cảm giác thú vị như đọc lần đầu tiên. “Sức hấp dẫn của văn Nam Cao một phần quan trọng là do sức hấp dẫn của một thứ ngôn ngữ phong phú về từ vựng, về cú pháp, về giọng điệu. Một thứ ngôn ngữ đi sát với đời sống, biến hóa như sự sống, nhiều khi cứ như là buông thả theo lối khẩu ngữ dân gian có vẻ dài dòng, luộm thuộm, kỳ thực đã vận dụng tiếng nói của đời sống một cách chủ động với một trình độ nghệ thuật cao”; và “Truyện Nam Cao đạt tới trình độ điêu luyện trong nghệ thuật phân tích tâm lý. Nam Cao có khả năng đi vào những trạng thái tâm lý không rõ ràng, dứt khoát như trạng thái dở khóc dở cười… Ông cũng hay đi vào những tính cách phức tạp đang trong quá trình diễn biến… Để giải quyết nhu cầu tố cáo xã hội theo cách riêng của mình, Nam Cao thường hay đặt nhân vật (thường là nhân vật nông dân) vào vị trí đặc biệt trên biên giới giữa con người và con vật. Và như thế là ông đặt mình - với tư cách là nhà văn- đứng cheo leo bên bờ vực thẳm: trên này là chủ nghĩa nhân đạo, dưới kia là chủ nghĩa tự nhiên đồi bại. Trong tình thế éo le đó ngòi bút Nam Cao không tránh khỏi có lúc ngả nghiêng, chao đảo. Nhưng người đọc, sau những giây phút hồi hộp, lo âu, càng thêm tin tưởng và cảm phục cái “thiện căn” bền chặt cũng như cái bản lĩnh vững vàng của nhà văn, khi thấy ông cuối cùng vẫn trụ lại được trên bờ” (Tổng tập văn học Việt Nam tập 30A - Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên, NXB Khoa học Xã hội 1995, tr. 50, 51).
Có thể nói, so với các nhà văn cùng thời thì Nam Cao có thể sánh cùng với Vũ Trọng Phụng khi xây dựng được nhiều nhân vật điển hình nhất. Làm sao ta có thể quên được Chí Phèo, lão Hạc, Trạch Văn Đoành, thầy Lang Rận, Bá Kiến, Thị Nở… Tuy nhiên Nam Cao không chỉ là nhà văn lấy chất liệu từ tăm tối, thối nát, bất công của xã hội cũ để xây dựng tính cách nhân vật. Một mảng viết khác không kém phần quan trọng, thấm đượm tinh thần nhân văn chủ nghĩa là khi ông viết về cái nghèo của người nông dân lương thiện. Những truyện ngắn Từ ngày mẹ chết, Con mèo, Đời thừa, Bài học quét nhà… mãi mãi tạo cho người đọc những xúc động hướng thiện.
L.M.Q
(nguồn: tạp chí Kiến Thức Ngày Nay - số 1093 ngày 20.12.2020)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|