Cùng chung bọc “đồng bào”, non sông gấm vóc nước Việt từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau là khối thống nhất của chung một dòng văn hóa. Văn hóa Việt từ Bắc chí Nam chỉ là một, tuy nhiên trong tương đồng vẫn có dị biệt. Riêng trong dịp vui xuân đón Tết, những ngày giáp Tết thì ở phương Nam nắng ấm có khác gì ngoài Bắc? Nhà thơ Anh Thơ miêu tả lúc ấy: “Trời lún phún mưa xuân đường các ngõ”, người ở trong Nam không có cái thú thưởng thức cái rét ấy. Thế nhưng tâm trạng nao nức, hồi họp chờ Tết, đợi Tết thì cư dân vùng miền nào cũng giống hệt nhau, không gì khác. Vẫn là sự háo hức: “Cu kêu ba tiếng cu kêu/ Mau mau tới Tết dựng nêu ăn chè”. Cây nêu của ngàn năm văn hiến tồn tại cả ba miền, Anh Thơ cho biết:
Trời tối quá! Bên ngoài trời tối quá
Những cây nêu tiếng khánh khẽ khua thầm
Những cung vôi trong sân như mờ xoá
Những giấy điều trước cửa dán đen thâm
Trong khi đó, ở Nam Bộ thì sao? Vẫn trồng cây nêu, ta có thể khảo sát qua Vè Tết:
Cổ tích bày ra
Truyền cho con cháu
Từ ngày hăm sáu
Dĩ chí ba mươi
Cá thịt tốt tươi
Ông bà tiếp rước
Phải dùng cây trúc
Lấy nó làm nêu
Thiên hạ cũng đều
Chưng lo đồ đạc
Không những thế, một trong những công việc phải làm vẫn là đánh bóng các lư hương, nhang đèn trên bàn thờ tổ tiên. Ở Nam Bộ thường có các kiểu lư mắt tre, lư trúc hóa lân với nhiều họa tiết nên không dễ đánh bóng, theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, đó là: “Có thứ lư thau trơn dễ chùi, ở trên đỉnh chóp có đặt con lân giỡn trái châu, đứng nhe răng cười cầu phúc, có thứ lư gồ ghề rất khó chùi cho bóng”. Và ông cho biết kinh nghiệm: “Muốn chùi lư cho bóng, lọ là phải dùng dầu bóng hiệu Tây u cho thêm tốn tiền. Miễn có khế chưa đập dập lấy nước chua thấm với tro bếp thật mặn, chấm với “cật bần” cọ sát thật mạnh thì bao nhiêu hoen rỉ cũng sạch” (Tạp san Sử địa - Xuân Đinh Mùi, 1967). Chi tiết cùng trái “cật bần” chỉ có ở miền Nam.
Không những thế, đây cũng là những ngày còn phải lau chùi tranh kiếng cho láng bóng, sạch sẽ. Thật thú vị, khi ở trong Nam đã sáng tạo ra loại tranh vẽ trên kiếng những mai, lan, cúc trúc, những điển tích nêu cao tinh thần tiết nghĩa, trung hiếu hoặc hướng đến phúc, lộc, thọ…
Vào những ngày này, từ ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, ngày trước ở Nam Bộ cũng giống các vùng miền khác là có dán câu đối đỏ. Ngoài mục đích dán câu chữ nêu lên ước vọng sang năm mới hanh thông hơn, phúc, lộc tràn trề v.v… thì cũng là một cách che lại các cột gỗ, tre xấu xí hoặc bị mối mọt… Mà thuở ấy, người ta đã dán lên đó những chữ gì? Trà lời câu hỏi này, tôi chỉ căn cứ vào Vè Tết phổ biến ở Nam Bộ. sở dĩ như thế vì vè là một trong những thể loại phổ biến, đặc trưng của văn học bình dân phản ánh trung thực nếp nghĩ, sinh hoạt của một thời, chẳng hạn,
Ăn mừng năm mới
Chữ An chữ Thới
Dán trước hàng ba
Phú Quới Vinh Hoa
Dán vô cửa trước
Tài Lợi Lộc Phước
Dán trước hàng nhì
Còn nữa:
Trang thờ ông Táo
Đề chữ Hiễn Linh
Lấy câu Thái Bình
Dán ngoài cửa ngõ…
Nói gì thì nói, từ xưa đến nay, thiên hạ vẫn gọi… ăn Tết. Đã Tết thì phải sắm sửa, lo toan, chuẩn bị rất nhiều cho cái ăn, âu cũng là mối quan tâm, lo lắng nhất, đến độ, “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo”. Ồi dào, những ngày giáp Tết:
Đêm tới sáng thức làm lạo xạo
Kẻ lo hết gạo, người sợ lá tươi
Giã gạo vang trời động đất
Mần sao lật đật như đứa mắc phong
Nếp tẻ tính vừa xong
Tiền bạc thiếu đi vay hỏi lãnh
Sức ai đặng mạnh mượn phết bánh phồng
Hái mớ lá, dây, mua hành cùng hẹ
Mần cho nhặm lẹ, chớ có dật dờ
Vườn đặng quét dọn giường thờ
Hối con vợ thức khuya đi chợ
Ai lại không tâm trạng náo nức vào chiều cuối năm lúc dạo phiên chợ Tết?
Đông thiên hạ mặc tình mua bán
Nhà giàu người ta mua hồng, mua núm, mua mì
Mua không thiếu vật chi
Bổn phận mình nghèo muốn mua xấp vải
Nghiêng qua ngó lại ngặt nỗi thiếu tiền
Muốn mua một chiếc cườm chuyền về đeo sợ má đánh
Vái trời lành mạnh tết khác qua mua…
Theo tục lệ ngày xưa, mà nay cũng thế thôi mọi nợ nần trong năm phải trả trước Tết, không để sang năm mới. Có câu: “Giàu khó ba mươi Tết mới hay”; hoặc “Réo như réo nợ ngày trước Tết”. Trả hết nợ nần trong năm, đâu vào đó rối thì mới yên tâm chuẩn bị Tết. Ở Nam Bộ, vốn có nhiều nhà vườn, trồng trọt cây trái, hoa màu, sông nước, kênh rạch nhiều tôm cá thì dịp này cũng là nguồn thu nhập để thêm tiền ăn Tết, xưa đã thế thì nay vẫn thế:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè chợ Tết
Bán tôm, bán cá
Chài rớ dưới sông
Bán cải, bán bông
Vật trồng nơi đất
Cộng hành, trái ớt
Sản vật trong vườn
Con lóc, con lươn
Câu nơm ngoài ruộng
Khổ qua, bầu cuống
Trồng nó ít công
Vịt trằng, gà bông
Của trời sanh sản
Bưởi, cam quýt, nhãn
Là trái của cây
Dưa hấu, cà tây
Vốn đồ trồng tỉa
Cau trầu, thơm, mía
Những vật thiên nhiên…
Đôi nét này đã cho thấy cảnh vật trù phú của miền Nam nước Việt mến yêu. Nay, ta còn thấy những ghe, thuyền chở hoa kiểng từ miệt vườn lên bày bán tại Sài Gòn, dịp này nếu bạn đến bến Bình Đông, khu chợ búa sẽ thấy bạt ngàn sắc hoa rực rỡ, chỉ nhìn đã thấy rộn ràng cảm húng Tết.
Nếu ngoài Bắc, ngoài Trung có lệ “đụng thịt” thì trong Nam cũng có, trước Tết vài ngày bà con chòm xóm chung tiền củng thịt một con lợn, chia nhau, ai có tiền thì trả, ai ngặt nghèo túng thiếu thì sang đầu năm trả cũng đặng. Ấy là phong tục tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm nhằm giúp nhau ai ai cũng ăn Tết đủ đầy vui vẻ. Thiếu gì thì thiếu, chứ không thể thiếu miếng thị lợn:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Trong Nam gọi bánh tét và cũng nấu tại nhà vào những ngày giáp Tết. Hình ảnh này nay đã xa, bởi siêu thị mọc lên như nấm, bày bán không thiếu thứ gì nhưng rồi nồi bánh chưng/ bánh tét ấy vẫn còn đây, chứ không chỉ lưu lại trong ký ức…
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí TST tourist XUÂN CANH TÝ 2020 - NXB Thanh Niên)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|