THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Nghĩ thêm về từ “o” trong “O chuột”

LÊ MINH QUỐC: Nghĩ thêm về từ “o” trong “O chuột”

 

nghi-them-ve-tu-o-trong-o-chuot

  

Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay vừa phát hành giai phẩm Xuân Canh Tý 2020 (ra ngày 10.1.2020), có in bài Hình tượng chuột trong tác phẩm văn học của nhà văn Trần Trung Sáng. Đây là bài viết thú vị, ít ra nó cũng gợi mở cho ta nhìn lại từ o trong tác phẩm O chuột của nhà văn Tô Hoài.

Năm 1974, tạp chí Văn Học tại miền Nam ấn hành số đặc biệt “Tô Hoài trong xã hội người nghèo”, trong đó, nhà báo Phan Kim Thịnh đặt vấn đề các tựa truyện của Tô Hoài là “O chuột hay ổ chuột”? Sở dĩ như thế, vì theo ông, quyển Le roman Vietnamien contemporain của Bùi Xuân Bào in năm 1972, trang 438 đã ghi chú: “Tô Hoài: Ổ chuột (Trou de souris). Nhưng ngay trang cuối cuốn sách này, trang đính chính đã in lại như sau: “O chuột: Mademoiselle la souris”. Như vậy, tác giả không đồng ý chữ Ổ chuột lại dùng chữ O chuột hiểu theo nghĩa o là cô”.

Vậy, cách giải thích nào là đúng?

Xin thưa, cả hai cách giải thích đều… trật. Nhà văn Trần Trung Sáng đã căn cứ vào văn bản Tô Hoài để có cách giải thích chính xác vì “cho đến khi gặp ở đoạn kết: “cơ chừng gã mèo mướp phải dành tất cả cái hoa niên của mình để mà chỉ luẩn quẩn đi o chuột” thì mới hiểu ra “o” ở đây là “rình”, tức “rình chuột” chứ không phải cô chuột, thím chuột nào cả”.

Trước đây, khi bàn về từ o này, nhà nghiên cứu An Chi cũng căn cứ văn bản và khẳng định: “Nếu đọc kỹ lại truyện, ta sẽ không thấy tác giả nói đến cô chuột, nàng chuột nào cả. Chỉ có hai con chuột nhắt thuộc giống đực mà thôi… Thằng chuột, chú chuột, gã chuột thì không thể là “đàn bà, con gái” được. Vậy trong O chuột, chẳng có chữ o nào có nghĩa là “cô” cả”.

Kế tiếp, An Chi kết luận: “Nghĩa của o trong O chuột đã gián tiếp được chính Tô Hoài giải thích bằng một số từ ngữ khác trong truyện như: -rình nấp; -rình chuột; -đi quanh đi quẩn để tìm, để lùng bắt chuột nhắt” (Báo Thanh Niên ngày 7.4.2019).

Xét ra, từ o trong O chuột đã rõ ràng, không cần gì thêm.

Tuy nhiên, có điều tôi lấy làm ngạc nhiên vì khi tra các từ điển tiếng Việt lại không tìm thấy giải thích o theo nghĩa vừa nêu. Vậy, o này từ đâu mà ra? Theo nhà nghiên cứu An Chi: “Cứ như trên thì, hiểu rộng ra và nếu liên hệ đến nghĩa của o trong o mèo, ta sẽ thấy o trong O chuột của Tô Hoài chẳng qua là o trong o mèo hiểu theo nghĩa bóng, chứ không phải là một từ o nào khác. O mèo, nói một cách ngắn gọn, mà không kém phần xác thực, là lân la ve gái. Còn o chuột cũng chỉ là rình nấp, đi quanh đi quẩn để tìm, để lùng bắt chuột mà thôi”.

Cho đến nay, chưa thấy ai có lập luận gì khác, riêng tôi đồng thuận với cách giải thích này, chỉ xin mạo muội nghĩ thêm rằng, ngoài “O mèo, nói một cách ngắn gọn, mà không kém phần xác thực, là lân la ve gái”, trong tiếng Việt còn nhiều từ khác cũng hàm nghĩa này.

Thí dụ, có đứa trẻ từ Sài Gòn ra chơi Quảng Nam, lúc đi ngang Ngũ Hành Sơn, bạn chỉ tay giới thiệu: “Cua kìa, cua kìa”. Ngạc nhiên quá, nó chẳng hề thấy con cua ở đâu cả, thì ra, âm OI, với người Quảng Nam đã biến thành UA. “Đời cua cua máy đời cáy cáy đào” là đời nào lo cho đời đó, mỗi người tự lấy số phận, cuộc sống của chính mình, chẳng khác gì “Đời cha cha lo, đời con con liệu”. Nhưng “cua” còn hàm nghĩa… tán tỉnh, chẳng hạn, một người nhận xét: “Chà, hôm nay hắn ta ăn mặc bảnh tỏn ghê ta. Cái đầu thoa dầu láng mướt, quần áo ủi thẳng thớm lại bỏ vào thụng, chắc đi cua gái chứ gì?”. Thì “cua” trong ngữ cảnh này chính là “o”.

Ruộng gò cấy lúa Nàng Co

Thương anh thì thương đại, đừng để anh gò mất công

Ruộng gò tức ruộng ở cuộc đất cao, còn gọi ruộng cao. Mà gò ở câu tám, còn hiểu là cua - nhằm chỉ hành động tán tỉnh, dỗ dành, ve vãn người đẹp như cua đào, cua ghệ. Ghệ là biến âm của gái. Mà gò cũng đồng âm với… gò - như tục ngữ có câu: “Gò với núi cũng kể loài cao, bể với ao cũng kể loài trũng” thì gò lại là đống đất cao nổi lên ở nơi bằng phẳng. Gò cương ngựa tức trì/ co/ kéo lại dây cương đặng cầm chân ngựa. Mà gò cũng là gọt dũa, năn nót cẩn thận từng chút một, chẳng hạn một người nhận xét: “Cậu ấy khi viết văn gò từng chữ”. Câu ca dao trên, ta hiểu “gò” được hiểu hiểu theo nghĩa tán tỉnh, ve vãn. Ngoài ra, còn từ gì nữa ta?

Ruộng gò cấy lúa Ba Xe

Thấy em còn nhỏ anh ve để dành

Sự dí dỏm, tinh nghịch gói gọn trong từ “để dành” rất ư láu cá. Ve cũng hàm nghĩa như o, gò, cua. Đi vào phương Nam nghĩa tình nắng ấm, ai lại không nhớ đến câu hát huê tình bay bướm:

Bắp non mà nướng lửa lò

Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm

Nhưng ve cũng là be, chai, lọ dùng để đựng chất lỏng:

Cô về chợ Thủ bán hũ bán ve

Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu

Ve và chai một khi đi chung khắng khít, trở thành “ve chai” thì lại làm nghĩa thu mua đồ cũ, lặt vặt, đã cũ, đã hỏng, hằm bà lằn xắn cấu, chứ không chỉ ve, chai. Còn có từ cùng nghĩa là đồng nát:

Đồng nát thì về cầu Nôm

Con gái nỏ mồm về ở với cha

Ngoài các từ o, gò, cua, ve chỉ cái sự tán tỉnh người đẹp còn có thể kể thêm từ gì nữa? Trong truyện dài Như thiên đường lạnh (NXB Hội Nhà văn tái bản 2017), nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ viết: “Lủy tính chim con em bà con của em đó” (tr.84). Chim là tiếng lóng nhằm chỉ tán tỉnh, gạ gẫm.

Hoặc vừa thấy chồng bước ra khỏi nhà, cô vợ bắt nọn: “Chà, bữa nay anh chưng diện láng cóng, ăn mặc bảnh tỏn chắc đi o mèo à?”. O là o bế, đeo đuổi tán tỉnh, chiều chuộng. Người chồng đáp: “Em tào tháo ghê. Anh đi thăm sếp” tức cô vợ đa nghi quá, chàng ta đi công việc chính đáng chứ nào phải đi gạ gẫm, thả thính, tán tỉnh cô nào đâu. Ca dao Nam bộ có câu:

Ba má bày đặt cho anh

Áo bà ba may hai cái túi đựng dầu chanh o mèo

Tại sao phải là mèo, chứ không phải là con gì khác? Nhà nghiên cứu An Chi giải thích: “Mèo là một từ của tiếng Việt miền Nam mà “Từ điển phương ngữ Nam Bộ” do Nguyễn Văn Ái chủ biên (NXB TP.HCM, 1994) giảng là: “Tình nhân gái (nói với ý đùa hoặc không trân trọng)”. “Từ điển từ ngữ Nam Bộ” của Huỳnh Công Tín (NXB Chính trị Quốc gia, 2009) cũng giảng y như thế. Tuy cũng là một từ Việt gốc Hán như mèo trong chó mèo (do miêu ˆ mà ra), nhưng mèo trong o mèo lại bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ , mà âm Hán Việt hiện đại là mao/mão, có nghĩa gốc là kỹ nữ. Sự chuyển dịch từ “kỹ nữ” sang “mèo” là chuyện thực sự dễ hiểu và bình thường về ngữ nghĩa học. Về vần (-ao ~ -eo) thì ta có nhiều thí dụ để chứng minh, mà thí dụ quen thuộc nhất là chi thứ tư của thập nhị chi, chi Mão, cũng có âm xưa là Mẹo”.

Đấy, đọc giai phẩm Xuân 2020 Kiến Thức Ngày Nay, ta lại có dịp liên tưởng, truy cứu thêm vài từ tiếng Việt, há chẳng phải là cái thú của người thích đọc đó sao?

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay - số 1061 số báo Tất Niên phất hành giữa tháng 1.2020)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com