Giấy vàng xưa vẫn truyền gia bảo;
Thần bút nay còn động quốc hương.
Câu đối này đã lưu truyền hàng trăm năm nay, qua đó, ta có thấy được niềm tự hào về kỹ thuật làm giấy của người Việt - trong đó có giấy dó.
Như chúng ta đã biết, có bốn phát minh quan trọng nhất của Trung Quốc thời cổ đại là la bàn, thuốc súng, kỹ thuật tạo ra giấy và kỹ thuật in ấn. Khi chưa có giấy, người ta phải viết trên thẻ tre, nhược điểm của nó là quá nặng, cồng kềnh, khó có thể mang vác đi xa. Thành ngữ Trung Quốc có câu “Học phú ngũ xa” là nhắc về cái tích học giả Huệ Thi phải dùng đến 5 cổ xe mới chở hết những gì đã viết trên thẻ tre.
Ngày xưa, người Việt cũng viết các văn bản trên thẻ tre. Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi cho biết lúc ghi lại tội ác của giăc Minh: “Chặt hết trúc Nam Sơn, chẳng đủ ghi hết tội”. Còn nếu dùng lụa bạch thì giá cả cao, thuộc hàng lụa quý hiếm thì không phải ai cũng dám sử dụng. Chỉ có viết trên giấy thì thuận tiện hơn cả. “Có một vị hoạn quan thời Đông Hán (25-220) là Thượng phương lệnh Thái Luân (?-121) đã tiến hành một cuộc cách mạng tạo ra giấy” (Phát minh cổ đại Trung Quốc của Đặng Ấm Kha, NXB TH TP.HCM - 2013, tr.25).
Từ đó, kỹ thuật làm giấy được truyền qua nước ta. Đúng thế. Trong quyển Lịch sử Việt Nam (NXB Khoa học xã hội - 1976) khẳng định sau khi tiếp thu, người Việt đã sáng tạo ra giấy dó: “Giấy bằng vỏ dó, bằng rong biển, đặc biệt là loại giấy trầm hương - chế bằng vỏ và lá cây trầm, rất thơm và bền, màu trắng, có vân như mắt cá lớn, bỏ xuống nước không nát” (tr.98).
Điều thú vị nhất đối với mỹ thuật dân gian của ta là sử dụng giấy dó để vẽ tranh Tết, tranh thờ… Từ đó, đã có nhiều làng tranh nổi tiếng như làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, làng Sình… đã bao đời nay “hớp hồn” người thưởng ngoạn bởi nét vẽ mộc mạc, dung dị, nhiều màu sắc, nhìn kỹ hầu như ở bức tranh nào cũng có nét dí dỏm, tinh quái, chẳng hạn bức Đám cưới chuột, có những dòng chữ Nôm ghi như Miêu (mèo), Tống lễ (lễ biếu), Tác nhạc (tấu nhạc), Lão thử (con chuột), Thủ thân (giữ mình), Chủ hôn (đứng đầu hôn lễ), Nghênh hôn (đón dâu)… Do đó, bức tranh này còn có tên gọi Trạng chuột vinh quy là vậy.
Với cái nhìn và tài năng của họa sĩ bậc thầy, bố cục của bức tranh chia làm hai phần rõ rệt. Phần trên là bốn con chuột, nào cầm kèn, chim, cá dâng cho lão mèo. Lão mèo với dáng ngồi đĩnh đạc, ra vẻ bề trên nhưng chú ý ta thấy chân trước chìa ra… sẵn sáng nhận của đút lót. Phần dưới là ông Trạng chuột cỡi ngựa, ngoảnh về sau nhìn “nàng” đang ngồi kiệu khiến ta nhớ đến cảnh vinh quy bái tổ về làng thuở xưa:
Nghi vệ đóng hai bên đường
Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau
Kẻ chiêng người trống đua nhau
Tiếng khoan tiếng nhịp tiếng mau rộn ràng
Tuy nhiên, nét độc đáo nhất vẫn là ở chỗ người họa sĩ đã phá vỡ cảm thức đó, không tró buộc vào đó, bằng chứng là bức tranh này đã có bài thơ khuyết danh (không rõ tên tác giả) vịnh bằng chữ Nôm:
Khôn khổn khồn khôn đã có đuôi
Đỗ cao cưới vợ tiếng rầm trời
Chú mèo vừa mới vênh đầu ngõ
Lễ cả sai quân đệ đến nơi
Thì ra khôn “có đuôi” ấy chẳng qua cũng chỉ nhằm đối phó với lão mèo tai quái mà thôi. Vậy, là khôn hay dại đây? Thật khó có thể kết luận khi mà trong tâm thức người Việt đã có những kinh nghiệm đúc kết như Phép vua thua lệ làng, Sống ở làng sang ở nước v.v… Về làng thì phải theo phép làng. Khó có thể làm gì khác. Cái “lệ làng” ấy đã phản ánh phép ứng xử của người Việt hàng ngàn năm. Thế thì, tranh vẽ chuột và mèo ở đây, là nhằm hướng tới một cái nhìn phê phán sâu sắc và cũng rất ý vị có chiều sâu.
Và cũng thật ngẫu nhiên, khi xem tranh Đám cưới chuột, ta nhớ tên gọi các loại chuột - trong đó có chuột cống. Mà cống lại trùng âm với tên gọi của sĩ tử lều chõng ngày xưa. Cống được phân loại như sau: cống cử là chọn người tài năng để ra làm quan; cống sĩ là người học giỏi được dự kỳ thi Hương; cống sinh là học trò giỏi do các tỉnh sát hạch lấy đậu, cấp cơm gạo cho ăn học để chuẩn bị đi thi. Vì thế, trong buổi giao thời Pháp - Việt, một khi chữ Hán, chữ Nho lùi dần vào dĩ vãng, không còn trọng vọng như trước mà phải học chữ Tây, chữ Quốc ngữ, ông Tú Xương mới thở dài một cách mỉa mai:
Nào có nghĩa gì cái chữ nho,
Ông nghè ông cống cũng nằm co.
Chi bằng đi học làm thầy phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.
Thế thì, từ sự trùng âm đó, còn có thể nhận ra tiếng cười hài hước khi thưởng thức bức tranh dân gian độc đáo này. Với tôi, lại tự hỏi, đến bao giờ mới hết cái “lệ làng” kiểu như thế này hỡi chú mèo đang vênh váo kia? Mà hỏi mèo tức là cũng hỏi chuột đấy thôi. Hỏi xong, ta lại tủm tỉm cười…
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí TST tourist XUÂN CANH TÝ 2020 - NXB Thanh Niên)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|