Trong Nam, công chúng rất mê Truyện Kiều. Một trong những bản chữ Nôm phát hành trước nhất tại đây, cần phải kể đến bản của Duy Minh Thị, khắc in năm 1872.
Sở dĩ nhắc đến bản Truyện Kiều này, vì các nhà nghiên cứu Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Quảng Tuân đã khảo luận, phiên âm, chú thích. Thế nhưng mới đây nhất, nhà nghiên cứu An Chi đã có công trình Truyện Kiều bản Duy Minh Thị 1872 (NXB Tổng Hợp TP.HCM - 2020), xét theo một góc độ nào đó, là nhằm “thảo luận” lại với những gì hai nhà Kiều học trên đã công bố.
Trả lại cách đọc Truyện Kiều theo kiểu Nam Bộ đúng như Duy Minh Thị đã đọc
Sự tranh luận, thảo luận nhằm đạt đến cách hiểu đúng nhất về câu, chữ trong Truyện Kiều là lẽ thường tình. Trước đây, nhà giáo Lê Xuân Lít đã sưu tập các bài tranh luận, cảm nhận, đánh giá để in tập sách 200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều (NXB Giáo Dục - 2007), in khổ (19x27) cm đã dày đến 2.000 trang. Thế mới biết, đây là công việc không dễ dàng tạo ra sự đồng thuận.
Bản Duy Minh Thị 1872 là bản do người Nam bộ thực hiện, vì thế trong đó có nhiều từ, nhưng người Nam lại đọc khác người Bắc dù đồng nghĩa. Rắc rối chỗ đó. Thú vị chỗ đó. Cụ An Chi (86 tuổi) đã đọc theo cách nói, cách viết của người Nam như vốn có trong bản Duy Minh Thị. Nói cách khác là cụ An Chi có nhiệm vụ trả lại cách đọc theo kiểu Nam Bộ đúng như Duy Minh Thị đã đọc. Qua đó, khi đọc cũng là dịp chúng ta học được tiếng Nam mà hầu hết nay đã phai dần dấu vết. Có những từ do không hiểu vì nay không còn phổ biến, do đó, có người không đồng tình, phản bác âu cũng thường tình nốt.
Những lý giải của học giả An Chi
Trước hết, cần thấy rằng, câu Kiều đó lâu nay ta nhớ rõ mồn một, nhớ rành rành là thế, sao nay cụ An Chi phiên âm ra thế này? Không tìm hiểu ngọn ngành, bèn cãi. Chẳng hạn, có người cứ nói như đinh đóng cột: “Phiên âm từ ngữ Truyện Kiều theo phương ngữ Nam bộ là làm sai ‘tinh thần’ của đại thi hào Nguyễn Du, nhưng ông An Chi vẫn chỉnh sửa hàng trăm câu theo hướng này, dẫn tới sự khó hiểu, khiến người đọc ngộ nhận nhiều từ ngữ. Ví dụ: chênh chênh = chinh chinh, lênh đênh = linh đinh, giải nhất = dải nhứt, hưởng thụ = hưởng thọ, trúc (tre trúc) = trước, từ đó dẫn đến trúc côn (gậy tre) bị đổi thành trước côn, trúc chẻ ngói tan = trước chẻ ngói tan, trúc mai = trước mai...”.
Nhận xét này không đúng ở chỗ, đây là bản của người Nam Bộ, cụ Duy Minh Thị khắc in phổ biến tại miền Nam, vì thế, cụ An Chi đọc Truyện Kiều theo cách dùng từ của người Nam. Giá trị của bản này, còn chính là chỗ đó, nếu khắc in theo lối người Bắc đã phổ biến thì liệu người Nam có thể cảm nhận hết tinh hoa trong từng câu, từng chữ? Mà, cách đọc này, nếu không sai lệch tinh thần của từng từ trong nguyên tác là chấp nhận được. Nhờ thế, sau hơn 100 năm kể từ bản Duy Minh Thị ra đời, qua cụ An Chi, ta lại có điều kiện tìm về với những từ của người Nam nay không còn phổ biến. Việc làm công phu này, cần ghi nhận. Đừng vội vàng la toáng lên, phiên âm như thế là sai, là trật. Bình tĩnh đi. Đâu còn có đó. Thí dụ, “trúc (tre trúc) = trước” đúng hay sai?
Phải đêm êm ả chiều trời
Trước tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày
Đại Nam quấc âm tự vị (ĐNQATV) bản in năm 1895 ghi nhận, ngoài “trúc” còn có cả “trước” và giải thích: “Trước (trúc), tre. Trước khí: đồ dùng bằng tre; Trước ỷ: ghế tre”; Cần trước: cần câu bằng tre”... Thế thì, “trước” không gì sai đâu nhé, hoàn toàn đúng với cách đọc của người Nam. Tương tự, với câu:
Hiên tà gác bóng chinh chinh
Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình
Lâu nay, ta vẫn nhớ “chênh chênh” nhưng khổ nổi, với người Nam bộ thuở ấy không chỉ sử dụng “chênh: nghiêng” mà còn “chinh: nghiêng” như ĐNQATV đã giải thích; và câu ca dao: “Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi" lại ghi nhận ghềnh bằng nghình. Vậy cụ An Chi, nói rộng ra bản Duy Minh Thị đọc “Hiên tà gác bóng chinh chinh”, có gì là sai? Riêng từ “gành” thì sao? Truyện Kiều có câu:
Quản chi lên thác xuống ghềnh
Cũng toan sống thác với tình cho xong
“Ghềnh”, theo Từ điển Truyện Kiều của cụ Đào Duy Anh: “Đá nổi ở trong dòng nước khiến thế nước ở đây chảy mạnh”. Nay, cụ An Chi không đọc “ghềnh” mà lại “gành”, tất phải có lý do của nó. Gành là tiếng miền Nam, ngoài Bắc đọc là ghềnh. ĐNQATV giải thích: “Gành: chỗ đá đất gio gie bên mé biển. Gành đá, gành mỏm, đầu gành cuối bãi”. Trong ngữ cảnh của câu thơ này, ta thấy gành, tương đương với ghềnh mà Việt Nam tự điển (VNTĐ) bản in năm 1931 của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích: “Ghềnh: vũng sâu, có xoáy nước mạnh” và dẫn chứng văn liệu như Sa cơ nên phải ra tay/ Thuyền buôn lỡ chuyến lững lơ đầu ghềnh; Quản chi lên thác xuống ghềnh…
Trong khi đó, ghềnh ở trong Nam, ĐNQATV giải thích: “Ghềnh: tầm vổng, không sát, còn có chỗ bổng lên; đầu cao đầu thấp; kình chống. Ghềnh cùng nghĩa với gập nghềnh”. Vậy nên, bản Duy Minh Thị là: “Quản chi trên thác dưới gành” là hiểu theo lối hiểu của người Nam, dù có bản ghi “Quản chi trên gác dưới duềnh”. VNTĐ cho biết duềnh cũng là doành: dòng nước; và dẫn chứng văn liệu từ Chinh phụ ngâm: “Doành ngắn rửa mác, non đoài treo cung”. Với từ áng cũng là một thí dụ lý thú:
Thân sao nhiều áng bất bằng
Liều như Cung Quảng chị Hằng nghĩ nao!
Lâu nay, ta vẫn nhớ là “án”, theo cụ An Chi phải là “áng” mới đúng: “Đây là một từ cổ, như trong áng can qua, áng công danh, áng đao binh... Chữ áng ở đây tương đương với chữ nỗi trong nỗi bất bằng của nhiều bản khác”. Tra cứu thêm, ĐNQATV giải thích: “Áng: chỗ hội tụ, cuộc tranh đua, che lấp”; và đưa ra một vài dẫn chứng như “áng mây: đám mây; áng bội bè: chỗ bội bè, trường hát; áng chiến trường: cuộc đánh giặc, đám giặc”… Vậy, cách đọc này hoàn toàn thuyết phục, nếu xét theo nghĩa của nội dung Truyện Kiều, ý nói Kiều phải chịu/ gánh chịu nhiều cuộc/ nhiều nỗi/ nhiều vụ bất bằng, chứ làm gì có vụ án nào ở đây mà đọc “Thân sao nhiều án bất bằng”? Thưa, có phải đúng thế không ạ?
Nghĩ rằng, giận ghẻ hờn ghen
Xấu chàng mà có ai khen chi mình!
Đây là cách đọc của cụ An Chi. Phải là “ngứa ghẻ hờn ghen” chứ? “Thật ra, đây là chữ ghẻ trong ghẻ lạnh, mà VNTĐ của Khai Trí Tiến Đức giảng là: “Đối với người trong họ với hững hờ, nhạt nhẽo; riêng ghẻ được Lê Văn Đức trong Việt Nam từ điển (1974) giảng là “tẻ, lạnh nhạt, không cảm tình”. Ghẻ ở đây chính là ghẻ này, tức chữ ghẻ trong mẹ ghẻ, con ghẻ… Nếu ghẻ có cái nghĩa như các nhà kia đã giảng thì chẳng hóa ra ở đây giận ghẻ là giận mụt, giận nhọt ư?”. Xét ra các bản của Kiều Oánh Mậu, Bùi Kỷ cũng ghi “giận ghẻ hờn ghen”. Đã từng nhớ đến câu:
Với nàng thân thích gần xa
Người còn sao bỗng làm ma khóc người
Với bản Duy Minh Thị lại là “làm ma la người”, căn cứ vào ĐNQATV, cụ An Chi giải thích: “La là tiếng miền Nam, đồng nghĩa với khóc, vì thế nên mới có từ tổ đẳng lập la khóc. La người là khóc người”. Từ la này, còn xuất hiện ở câu: “Nàng rằng thôi thế thì thôi/ Rằng không thì cũng la trời rằng không”. Với câu 325, có người đọc ra: “Xương mai tính đã ròn mòn/ luân mòn”, theo cụ An Chi phải đọc “lụn mòn”. Lụn này, theo VNTĐ: “tàn hết”, ĐNQATV giải thích: “lún mất” và nêu thành ngữ Tim lụn dầu hao, ta lại nhớ đến câu Năm tàn tháng lụn. Vì lẽ này, ở câu thơ khác, cụ An Chi cũng chọn “lụn” chứ không đọc “lọn”: “Lần lần tháng lụn ngày qua/ Nỗi gần nào biết đàng xa thế này” - dù rằng, lọn xét trong ngữ cảnh nào đó cũng là lụn, chẳng hạn Lục Vân Tiên có câu: “Xin thờ bức tượng lọn đời thì thôi” - theo nghĩa VNTĐ giải thích: “Trọn vẹn, gọn gàng”. Từ đó, suy ra, theo năm tháng, lọn đã mất nghĩa này, chỉ còn nghĩa chỉ một mớ, một nạm như lọn tóc, lọn chỉ… Dần dà, lọn phai nghĩa trong câu thơ vừa nêu, được thay thế bằng từ trọn có tính cách phổ biến hơn. Về từ mặn, khi đặt trong ngữ cảnh:
Có người khách ở viễn phương
Xa nghe cũng mặn tiếng nàng tìm chơi
Từ mặn này, có người đọc thành “phục”/ “nức”. Thế mặn là gì? Căn cứ vào Việt Nam từ điển (1974) của Lê Văn Đức, cụ An Chi cho biết: “Mặn là ưa thích, ham chuộng”. Từ điển Truyện Kiều của cụ Đào Duy Anh cũng chọn “mặn”. Lại nữa, nhiếc hay diếc? “Bất tình nổi trận mây mưa/ Diếc rằng: Những giống bơ thờ quen thân”. Dù nhiếc và diếc cùng nghĩa, nhưng người Nam sử dụng nhiếc, vì thế cụ An Chi chọn nhiếc là hiểu theo nghĩa mà ĐNQATV giải thích: “Mắng mỏ, nói lời sỉ nhục, nói cho biết xấu”. Lại nữa, “đặt bửa” hay “đặt bỏ” trong câu thơ này:
Hư không đặt bửa nên lời
Nàng đà nhớn nhác rụng rời lắm phen
Theo cụ An Chi phải là đặt bửa, vì “bửa là ngang bướng, trái với lý lẽ, với khuôn” - theo Tự điển tiếng Việt (2007) của Hoàng Phê; “lường quỵt” - theo Việt Nam tự điển (1931). Riêng câu: “Nàng đà nhớn nhác rụng rời lắm phen”, có người đọc thành sớn sác, từ nào hợp lý hơn? “Nhớn nhác là chữ Nôm miền Nam - theo Bản tra chữ Nôm miền Nam (1994) của Vũ Văn Kính, với nghĩa là ngơ ngác mà có phần lo lắng; còn sớn sác ở trong Nam có nghĩa là vừa hấp tấp, vừa cẩu thả. Rõ ràng, nhớn nhác hợp lý hơn.
Công trình tâm huyết của học giả An Chi
Cả 600 trang in khổ lớn của Truyện Kiều bản Duy Minh Thị 1872 được cụ An Chi mày mò, tra cứu lại từng từ miền Nam, quả thật đáng nể, khâm phục. Nếu không có tình yêu lớn dành cho kiệt tác Truyện Kiều, làm sao một ông cụ đã ngoài 80 xuân có thể bền chí vừa mang kính lúp soi rọi từng chữ Nôm, vừa tra cứu thêm từ điển để tìm về các từ sử dụng theo kiểu người miền Nam thuở ấy? Mà giá trị của bản Duy Minh Thị chính là chỗ đó, chứ không phải như ai đó đã sớn sác cứ phán theo kiểu “biết tuốt”: “Đại thi hào Nguyễn Du nguyên quán ở Hà Tĩnh, song ông sinh trưởng trên đất Thăng Long và có mẹ quê Bắc Ninh, nên sáng tác hẳn nhiên mang nhiều ngôn từ và tính cách vùng đất phương Bắc hơn. Tôi tán đồng ý kiến là không nên khiên cưỡng áp đặt, mà nên nghiên cứu Truyện Kiều trên nền ngôn ngữ văn hóa miền Bắc, cũng như tìm hiểu Lục Vân Tiên trên nền ngôn ngữ văn hóa phương Nam”.
Nếu thế, nếu bản Duy Minh Thị như thế thì phiên âm ra chữ Quốc ngữ để làm gì, khi mà nó không có dấu vết lời ăn tiếng nói của người miền Nam thuở ấy? Đã không có dấu vết của các vùng miền khác, làm sao có thể đánh giá hết sức sống mãnh liệt, lan tỏa của Truyện Kiều khi mà người tiếp nhận văn bản đã hiểu các từ đó theo lối nói của vùng miền mình? Và làm gì có dị bản Truyện Kiều mà hơn 200 năm nay, khiến các nhà nghiên cứu đã bạc tóc đi tìm nguyên bản?
Thế nhưng xin thưa, nếu có tìm ra nguyên bản đi nữa chắc gì công chúng đã chấp nhận, vì một tác phẩm ra đời trải qua nhiều thế hệ có thể họ “sáng tạo” chữ này, “thay thế” chữ kia, miễn là tâm đắc và thuộc lòng, chứ không hẳn nguyên bản đã là thế. Nói rạch ròi thế này ư? Vâng, cũng không ngoài mục đích muốn nhấn mạnh, dù là ai đi nữa, với một công trình nghiên cứu ra đời, không ai có thể tránh sai sót một cách tuyệt đối. Do đó, cần có sự tranh luận đúng, sai rõ ràng là lẽ thường tình, chứ không nên sổ toẹt.
Đại thi hào Nguyễn Du từng bảo trong Truyện Kiều: “Rằng tài nên trọng, mà tình nên thương”. Nào dám quên.
L.M.Q
(nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/tieng-viet-mien-nam-qua-truyen-kieu-do-nha-nghien-cuu-an-chi-phien-am-chu-giai-1206740.html?fbclid=IwAR31V48cdrGoUf3kuXJQfcEpSn-u3kt6xM_3JMUZHZDfpVpP8dpz6tJ098I)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|