Khi bàn về tính cách của người Quảng Nam, học giả Nguyễn Văn Xuân cho rằng: “Nếu không nói tới tính hay cãi thì thật thiếu sót quan trọng”; và “Người Quảng Nam không giống đồng bào ta ở nhiều tỉnh là ít nặng về cảm tính mà nặng về lý tính. Do nặng suy tư muốn tìm cho ra lẽ phải cuối cùng (mà ít khi đạt được) người Quảng Nam hay bàn luận và thiên về bàn luận có khi đến xô xát, quyết liệt dầu phải dẫn tới mất quyền lợi quan trọng nhất đời.... Ta có thể đoán người Quảng Nam bị nhiều trắc trở trong việc thăng quan, tiến chức mà một trong những lý do chính, có thể do bệnh cãi mà ra”. Nhận định này rõ ràng không ai có thể cãi lại được. Nhưng thật ra, tính cách “Quảng Nam hay cãi” chỉ là một biểu hiện của hình thức bên ngoài, chứ từ trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn ẩn giấu những rung động rất sâu sắc và tinh tế. Điều này, ta có thể nhìn thấy qua những vần thơ của bà Bang Nhãn- một nữ sĩ tiêu biểu cho văn hóa đất Quảng ở giữa thế kỷ XIX.
Nhiều tài liệu không rõ tên bà, vì lý do đơn giản chồng bà làm Bang tá, con trai đầu tên Nhãn nên người ta quen gọi như thế, dần dần tên thật của bà biến mất như biết bao người phụ nữ khác trong xã hội cũ. Trong tài liệu mới nhất (TL 1), ta biết bà tên thật Lê Thị Liễu, sinh năm 1853 ở làng Phụng Trì (nay là thôn Lâm Phụng, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc- Quảng Nam), chồng bà là ông Phan Quỳ, quê cùng huyện - người làng Gia Cốc (nay thôn Tây Gia, xã Đại Minh). Ngay từ nhỏ bà đã nổi tiếng là người thông minh, hay chữ, mê thơ Đường, Truyện Kiều và thích xem hát bội. Năm bà 34 xuân thì chồng mất, bà vẫn ở vậy nuôi con ăn học thành tài, dù nhiều đấng mày râu nghe tiếng tăm của bà muốn đến chắp nối tơ duyên trăm năm, dĩ nhiên bà từ chối khéo léo.
Tương truyền, có lần các ông tú, cử, ấm trong vùng đến thăm bà, vừa buông lời tán tỉnh xa gần vừa làm thơ xướng họa. Họ thách với nhau làm bài thơ vịnh hòn Non Nước. Đây là danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở vùng đất “chưa mưa đã thắm, rượu hồng đào chưa uống đã say”. Non Nước nằm cách Đà Nẵng 5 cây số, còn có tên là Ngũ Hành sơn, xưa thường gọi là Ngũ Uẩn sơn (nghĩa là năm hòn núi kết hợp lại) và Ngũ chỉ (ý nói là năm ngón tay của bàn tay khổng lồ từ dưới đất xuyên lên) với năm hòn núi là Kim sơn, Mộc sơn, Thủy sơn, Hỏa sơn, Thổ sơn. Địa danh này này đã tạo ra cảm hứng cho nhiều văn nhân tài tử phóng bút làm thơ, nhưng cho đến nay, chưa có bài thơ nào được nhiều người yêu thích như bài Vịnh Non Nước của bà Bang Nhãn. Tất nhiên, trong cuộc xướng họa trên các đấng tu mi nam tử phải nghiêng người trước bút lực của bà:
Cảnh trí nào hơn cảnh trí này,
Bồng lai âu cũng hẳn là đây.
Núi chen sắc đá màu phơi gấm,
Chùa nức hơi hương khói lộn mây.
Ngư phủ gác cần ngơ mặt nước,
Tiều phu chống búa dựa lưng cây.
Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách,
Khen bấy thợ trời khéo đắp xây.
Qua bài thơ này ta thấy, hẳn bà Bang Nhãn đã từng dạo chơi chốn này nên bà mới có sự quan sát khá chính xác và biểu hiện thật gợi cảm. Thời bà sống, tri huyện Đại Lộc vốn khinh thường phụ nữ nên ngày nọ, y nghênh ngang cỡi ngựa đến nhà bà và đọc hai câu thơ “tặng” cho bà:
Mâm thau nhịp, mâm nan cũng nhịp
Phượng hoàng đua, bìm bịp cũng đua.
Không một chút tức giận, bà lễ phép mời y vào trong nhà để đàm đạo chuyện văn chương chữ nghĩa. Khi y vừa cầm ly trà lên tay, chưa kịp nhấp môi uống thì bà đã đọc luôn bài thơ vận dụng nhiều tiếng địa phương và lấy hai chữ cuối “nhịp đua” của y để mở đầu:
Đua nhịp ai răng cũng rứa thê,
Mâm nan bìm bịp ngụy chưa tề.
Chuốt trau lông cánh lên ngàn nhẫn
Chung chạ thanh âm đủ tám nghề.
Sen lúc rã bèn xơ xác cũng,
Bèo khi gặp nước dửng dưng chê.
Leo thang chớ vội cười chê cóc,
Cung nguyệt cao xa cũng hẹn về.
“Ngàn nhẫn” nghĩa là thước do thời xưa khoảng mười thước ta. Bà vừa xong bài thơ thì y giật thót người, đặt ly nước xuống bàn và vội vàng xin cáo từ và từ đó không còn dám coi thường tài năng văn thơ của bà cũng như coi thường phụ nữ nói chung. Với bài thơ trên, sự ứng đối của bà Bang Nhãn khá tài tình. Điều này khiến ta sự nhớ đến cách trả lời rất duyên dáng của một phái đẹp trong...ca dao ! Thiết tưởng, chúng ta cũng nên biết qua để thêm hiểu bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam xưa nay. Nhà thơ Mai Văn Tạo có kể lại, khi biên soạn tập Lời ru của mẹ, ông có chọn mấy câu ca dao:
Chị kia bới tóc đuôi gà
Nắm tay chị lại hỏi nhà chị đâu?
Nhà tôi ở dưới đám dâu
Ở trên đám đậu đầu cầu ngó qua
Ngó qua bụi bắp trổ cờ
Đám dưa trổ nụ đám cà trổ bông
Rõ ràng cách chỉ đường khá... kỳ cục. Đố ai tìm ra được nhà cô ta ở đâu! Lúc nhà thơ về quê thăm bạn, có đọc lại mấy câu ca dao này thì người bạn bảo là chép sai. Ô hay! Sai chỗ nào? Thật ra nguyên văn của nó là: “Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu”. Nhà thơ Mai Văn Tạo nghĩ: “Thực ra tôi cũng nghe hát “nắm đuôi”. Nhưng khi dưa vào sách, tôi cảm thấy nắm đuôi sỗ sàng quá, hỗn quá. Tôi chữa lại “nắm tay” cho câu hát dịu dàng hơn, lễ độ hơn. Ngày xưa, trước những năm Bốn mươi, các cô gái làng quê bới tóc, cô nào muốn làm dáng, thên duyên, chừa một tí tóc ló ra khỏi búi tóc. Trông giống cái đuôi gà. Thế là đẹp đấy. Tôi nghĩ anh chàng nào tán gái, mà lại xấn xổ nắm tóc, còn có nghĩa là nắm đầu. Nắm đầu là khi đánh nhau, hoặc hạ nhục. Đàng này ve gái kia mà. Tôi phản ứng với cụm từ “nắm đuôi” gạch ngay.” Vậy tại sao trong dân gian vẫn cứ phải là “nắm đuôi”?
Xin hãy nghe nhà thơ Mai văn Tạo giải thích sau khi chiêm nghiệm lại mấy câu ca dao trên để ta cùng thấy phái đẹp Việt Nam cũng... đáo để vô cùng. “Bài hát hay mà ngộ nghĩnh. Ẩn dụ sâu xa về nhân cách người con gái đoan trang và tư cách một anh chàng hơi cà chớn. Chưa biết nhà người đẹp, có thể mới gặp lần đầu, đã vội vàng “hỏi nhà chị đâu?”. Cách hỏi rất ba gai - nắm tóc người ta mà hỏi! Người con gái đàng hoàng tất nhiên không ai chỉ chỗ ở của mình cho con người như vậy. Không trả lời không tiện, nặng lời càng bất lợi hơn. Chứ đối với anh chàng cà lơ kia đáng mắng, đáng tát tai và tặng hai chữ “cút đi”. Cô gái điềm nhiên chỉ chỗ ở nhà mình. Cái hay là chỉ mà không chỉ. Không làm cho anh chàng thô tục kia mất mặt. Biết đâu hắn chẳng nổi khùng. Cô gái khôn khéo chọn thái độ trung dung, nửa thật nửa đùa. Chỉ nẻo loanh quanh như đố...”.
Biết điều này, ta càng thêm hiểu rõ thái độ và của bản lĩnh của bà Bang Nhãn qua bài thơ “tặng” cho quan tri huyện Đại Lộc. Có lẽ, vì nghĩ y là cử nhân, ít nhiều biết chữ nghĩa thánh hiền nên bà mới nói bóng gió, xa xôi như thế. Còn ông chánh tổng trong làng, dù giàu tiền của nhưng lại nghèo chữ nghĩa, thấy bà có nhan sắc nên nhiều lần buông lời đùa ghẹo thô tục. Bà trả lời bằng bốn câu thơ:
Chánh tổng Đức Hòa cắc cớ thôi
Văn chương chữ nghĩa hỏi gì tôi?
Năm vần tiện thiếp ra tay họa
Sợ nỗi “anh hùng” múa bút... ngồi!
Ông chánh tổng giận lắm, nhưng không đủ chữ nghĩa để họa lại nên đành lẳng lặng rút lui! Bà Bang Nhãn sống trong thời kỳ nhiều biến động của đất nước nên thơ của bà cũng phản ánh thời sự là lẽ tất nhiên. Đại Lộc, quê bà lại là nơi châm ngòi nổ cho cuộc biểu tình chống sưu thuế vĩ đại năm 1908, lan rộng khắp Trung Kỳ ra tận Bắc thì lẽ nào bà có thể đứng ngoài cuộc? Rất tiếc, hiện nay chỉ mới sưu tầm được có bốn bài thơ của bà. Ngoài ra, bà còn đặt nhiều câu hát hò khoan nhưng lẫn lộn trong kho tàng dân gian nên khó phân biệt được đâu là của bà và đâu là của quần chúng. Có lẽ, bài thơ Qua Đà Nẵng cảm tác là bài thơ duy nhất của một phụ nữ thời bấy giờ dám công khai bày tỏ thái độ khi giặc Pháp đã giày xéo lên mảnh đất anh hùng :
Rầm rầm ngựa lại với xe qua,
Nhượng địa là đây có phải a?
Liếc mắt nhìn xem phong cảnh lạ,
Ôm lòng chạnh tưởng nước non ta.
Nỗi niềm tâm sự ai chừ hỡi?
Thế cuộc tang thương bực lắm mà.
Nghĩ đến người xưa thương đất cũ,
Căm gan riêng giận bấy trời già!
Không phải ngẫu nhiên mà lịch sử nước nhà lại giao phó cho quân và dân Đà Nẵng chứng kiến và tổ chức đánh trả giặc Pháp ngay khi chúng đầu tiên đặt bước chân xâm lược lên đất nước ta. Chính vì sự kiện này đã diễn ra nên bài thơ Qua Đà Nẵng cảm tác cả bà Bang Nhãn càng có một ý nghĩa đặc biệt. Sao ta không khắc bài thơ vào tấm bia đá đặt ngay cửa ngõ vào Đà Nẵng để thế hệ trẻ hôm nay thêm tự ý thức, càng quý báu tháng ngày độc lập tự do phải đánh đổi bao xương máu của tiền nhân nay mới giành lại được?
Bà Bang Nhãn mất năm 1927 tại quê nhà, thọ 74 xuân. Hầu hết các hợp tuyển thơ văn Việt Nam xưa nay đều có tuyển hai bài thơ Qua Đà Nẵng cảm tác, Vịnh Non Nước của bà.
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay ngày 1.11.2020)
Tài liệu tham khảo:
(1) Quảng Nam- Đà Nẵng đất nước, con người và đổi mới - Hội đồng hương QNĐN tại TP.Hồ Chí Minh XB năm 1995.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|