Theo Đại Nam thực lục chánh biên, đệ nhị kỷ, quyển III có chép vào tháng 5.1820 dưới đời Minh Mạng, nhà vua xuống Dụ: “Trẫm nghĩ, đời trước các đấng đế vương trị vì, đều có sử sách ghi chép việc hành chánh để lưu truyền đời sau... Trẫm thích xem cổ điển, noi chí tiền nhơn, muốn rộng việc tìm cũ tích xưa, để giao phó cho sử quan biên chép. Nhưng vì sau cơn binh cách, sách vở vương phủ không còn bao nhiêu; nay chỉ trông cậy vào các tư gia uẩn súc văn chương, hoặc giả còn có biên chép lại. Vậy truyền rao quan dân trong kinh ngoài quân, nhà nào có ghi chép Tiên triều cổ điển, bất câu tường lược, hoặc đưa vào nguyên bản dâng lên, hoặc cho quan mượn chép lại đều có khen thưởng”.
Vâng theo chiếu chỉ này, một trong “Gia Định tam gia” là nhà văn hóa Trịnh Hoài Đức (1765-1825) đã dâng lên vua Minh Mạng công trình khảo cứu rất có giá trị Gia Định thành thông chí và Minh bột di ngự văn thảo thư - được nhà vua khen ngợi và ban thưởng vàng bạc. Gia Định thành thông chí là cuốn địa chí ghi chép chu đáo, đầy đủ nhiều mặt về núi sông, cương giới, tài nguyên, phong tục thành trì, sản vật, con người ở vùng đất Gia Định gồm các trấn Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên.
Tương truyền, từ triều vua Minh Mạng (1820-1841) trở về sau, những quan được bổ nhiệm chức vụ trọng yếu tại Nam Kỳ trước lúc lên đường đều tìm đọc tác phẩm Gia Định thành thông chí. Không những thế, khi triều đình nhà Nguyễn biên soạn các bộ sách như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí cũng đều có tham khảo bộ sách này. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức có nhận xét về cư dân trấn Vĩnh Thanh - bấy giờ, Bến Tre thuộc trấn Vĩnh Thanh lại có tính cách giống người Sài Gòn.
Thật đấy.
Trước hết, ta hãy nói về Phiên An. Từ thành Phiên An đến thành Gia Định là một câu chuyện dài. Trong Gia Định thành thông chí, ở phần “Cương vực toàn thành” của các trấn, căn cứ vào đó, ắt ta biết trấn Phiên An phía bắc giáp Biên Hòa, nằm trong khu vực địa lý từ sông Thủ Đức đến sông Bến Nghé, chuyển quanh xuống ngã ba Nhà Bè, thẳng ra cửa Cần Giờ. Ban đầu gọi Dinh phiên trấn, năm 1808 vua Gia Long đổi thành trấn Phiên An- tức vùng Sài Gòn hiện nay. Trịnh Hoài Đức cho biết cư dân Vĩnh Trấn: “Giống với trấn Phiên An… Người ta chuộng chất phác, chăm nghề ruộng vườn, người nào cũng có của cải, có tiếng là nơi giàu đông. Thế đất chia từng mảnh, sông ngòi chằng chịt như mắc cửi, không có thuyền bè thì không thể đi được, cho nên ai nấy đều giỏi lội nước. Xứ ấy cây rừng sầm uất, nhà dân ở xa cho nên nhiều giặc cướp” (TL 1, tr. 150).
Đến đây, ta không thể không nhắc đến một loại giặc mà ngày xa xưa đó, người Bến Tre gọi là giặc “tiểu bao”: “Bấy giờ có người thổ dân là Nguyễn Văn Ngữ, hợp bọn làm giặc, thường nhân ban đêm lẻn vào bắt người, lấy bao lác trùm lên, đem đi đường quanh, rồi để ở rừng sâu cõi vắng, cho không nhớ được mặt người và xứ sở rồi để một người ở giữ. Nhưng trước đó đã để lại thư nặc danh, hẹn đem đúng tiền đến chỗ nào mà chuộc về. Nếu không chuộc mà tiết lộ ra thì tất giết chết. Đó gọi là giặc tiểu bao” (TL 1, tr.151). Từ Văn Ngữ, nhiều bọn xấu cũng bắt chước làm theo, dân tình sợ hãi phải trốn tráng, ruộng đồng bỏ hoang. Tất nhiên, triều đình không thể không biết đến, ra tay dẹp loạn mới đâu vào đó.
Để có được một câu nhận xét của nhà sử học Trịnh Hoài Đức: “có tiếng là nơi giàu đông”, trải qua nhiều thế hệ, lưu dân nơi này phải đối mặt và khắc phục biết bao gian khổ, địa hình chông gai, chướng khí hắc ám… chỉ có thể cân đong bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Qua đó, ta càng thấy rõ sức sống bền bĩ, tài trí “khó khăn khắc phục” của người Bến Tre nói riêng và của lưu dân người Việt nói chung lớn lao như thế nào. Thì đây, nói có sách mách có chứng, xin được trưng ra vài tài liệu cần thiết:
Trước năm 1312, sau khi cùng phái đoàn sứ giả triều Minh hoàn thành chuyến công tác sang Cao Miên, ông Châu Đạt Quan đã viết tập sách Chân Lạp phong thổ ký. Trong đó, ông có ghi lại nhận xét lúc đi xuyên qua miền Nam nước Việt: “Bắt đầu vào Chân Bồ (Tchen p’ou, Vũng Tàu hay Bà Rịa) hầu hết các rừng đều là bụi rậm của khu rừng thấp, những cửa sông của con sông lớn chạy dài hàng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú xum xuê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Vào nửa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bỏ hoang, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ là cỏ kê đầy dẫy. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng tựu hợp từng bầy trong vùng này. Tiếp đó, nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm lý. Tại mắt loại tre này có gai mọc và măng thì có vị rất đắng. Bốn phía có núi cao” (TL 2, tr. 73).
Năm 1776, Lê Quý Đôn - nhà bác học siêu việt thế kỷ XVIII của nước ta được cử làm chức Hiệp trấn Thuận Hóa. Tại đây, ông bắt tay vào việc nghiên cứu tìm hiểu phong tục, vật sản, di tích… của xứ Đàng Trong. Hơn 460 năm sau, kể từ khi Châu Đạt Quan đi qua địa phận miền Nam, từ biển ngược sông Cửu Long, qua Mỹ Thơ, ngang Đồng Tháp để vào xứ Cao Miên, cảnh vật nơi ấy đã có gì thay đổi? Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn cho biết: “Phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu toàn là rừng rậm hàng mấy nghìn dặm” (TL 3, tr. 380).
Trên vùng đất mới, người Việt trong đó có cư dân Bến Tre tồn tại được tất có nhiều lý do, nhưng thiết nghĩ cần biểu dương chính sách “khoan sức dân” của các đời chúa Nguyễn, triều Nguyễn. Theo tài liệu của Lê Quý Đôn, khi khẩn hoang: “cho dân tự chiếm, trồng cau làm nhà cửa” (TL 3, tr. 318). Mãi về sau, chính sách này vẫn còn áp dụng, Trịnh Hoài Đức cho biết thêm: “pháp chế rất khoan giản; nghe theo ý muốn của dân, không bó buộc gì, cốt cho mở đất vỡ hoang thành ruộng lập xã mà thôi” (TL 1, tr. 80).
Không chỉ đối mặt với thú dữ, chướng khí, ngay cả miếng cơm ăn cũng không dễ dàng. Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nếu cho phép, tôi dám nói rằng, cuộc mưu sinh của của lưu dân người Việt Bến Tre đi mở cõi ở vùng đất mới khốc liệt, nhọc nhằn vùng miền khác nhiều lắm.
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẽo thơm muôn hạt, dắng cay muôn phần
Ở Bến Tre ngày ấy còn có điều gì đó hơn cả “đắng cay” như câu ca dao ở miền Bắc Bộ, Trung Bộ đã từng vang vong hàng ngàn năm. “Toàn là ruộng bùn sâu, không dùng trâu cày được phải đợi lúc hạ thu giao đại có nước mưa đầy dẫy, cắt cỏ lùm lác, cào cỏ đắp bờ rồi chỏi đất cấy mạ xuống” (Gia Định thành thông chí); “Các vùng có rừng nằm ở phía Nam các cù lao Bến Tre và Mỏ Cày, trong các vùng đất bị ngập và những nơi người ta không thể trồng lúa” (TL 4, tr. 44). Mà nào đã hết đâu. Ta hãy tiếp tục quay ngược về quá khứ: “Phía Nam của tỉnh là nơi chịu nhiều cơn bão. Năm nào cây cối cũng bị gãy đổ hay bị trốc gốc, nhà cửa bị thổi bay, thuyền bè bị vỡ hay bị hư hỏng, đôi khi kéo ra biển. Như vào năm 1898, một chiếc thuyền với 12 người gặp bão bất ngờ lúc đi trên sông Hàm Luông, bị gió và dòng nước kéo trôi cho đến vùng biển Manila… Năm Kỷ dậu (1849) một trận dịch tả đã làm chết khoảng 4/10 dân số” (TL 4, tr.22).
Dù đã biết, đã đọc nhưng rồi một khi đọc lại, ta không khỏi thán phục và bùi ngùi, tự hào và biết ơn công sức của tiền nhân hàng trăm năm đã bền lòng trụ lại để mở ra một Bến Tre như hôm nay.
Đôi khi đọc sử, học sử điều khiến ta ấn tượng, nhớ mãi, nhớ đến suốt đời không phải là sự kiện cụ thể, năm tháng cụ thể mà chính là những câu chuyện rất đỗi đời thường. Cách chép sử theo lối này giúp người đọc dễ hình dung ra bối cảnh của một thời quá vãng. Dĩ vãng dù đã lùi xa nhưng vẫn hiện lên rõ mồn một trước mắt. Nhiều nhà làm sử đã chọn theo lối này, trong đó, có Trịnh Hoài Đức. Ngoài các số liệu cần thiết, ông còn ghi chép cả sinh hoạt, lối sống của thời ấy. Ta hãy xem vào thời mới chân ướt đến lập nghiệp tại đất mới, người Bến Tre đã bắt sấu như thế nào?
“Lại có nhiều cá sấu, cọp dữ nhưng dân ở đây đã quen, không sợ hãi, dù trẻ con đàn bà có thể cầm cái liềm cắt cỏ, cái hái cắt lúa mà bắt con cọp được. Năm trước sông Tiên Thủy có con cá sấu to 5 ôm dài 6 trượng, thường đón thuyền đi qua, quật ngã người cầm chèo, hoặc làm ụp thuyền để bắt ngườI mà ăn gọi là “ông rồng”. Người ta dùng trăm cách khu trừ mà không thể được.
Có người làm nghề câu, lấy lưỡi câu sắt lớn, móc con vịt sống, lấy dây song to xỏ vào dưới lưỡi câu mà buột chặt lại, tay cầm con vịt, xuống sông bơi lội để dử cá sấu khiến nó đuổi theo. Cá sấu vốn không có mang, ở dưới nước không dám há mồm mà đuôi để quật cũng không dùng được, người làm nghề đã biết lắm rồi, nhân vờn nhau với cá sấu, đợi khi nào mình cá sấu lên gần mặt nước, lúc há mồm ra để ăn thì thừa cơ nhét con vịt vào trong mồm cá. Cá sấu nuốt xuống thì người ấy mới lặn vào bờ sông đem rút dây lại, xúm vào đâm giết chết, thế là mới tuyệt được mối hại ấy. Các việc tài giỏi của người làm nghề ấy, người các nước nghe cũng phải ghê” (TL 1, tr. 151).
Đoạn mô tả sinh động này, nếu thực hiện bằng nghệ thuật thứ bảy ắt ta được xem nhưng thước phim cực kỳ hồi họp, hấp dẫn.
Không chỉ sấu, cọp thành tinh, còn cả bao chướng khí, khốc liệt khác rình rập bủa vây. Không phải ngẫu nhiên, trong các câu chuyện kể dân gian ở Bến Tre cũng như ở Nam Bộ nói chung ít nhiều đều có liên quan đến cọp. Câu thành ngữ “Hùm tha sấu bắt”, đã cho thấy sự khắc nghiệt trong cuộc mưu sinh. Vì lẽ có, nó đi vào các câu chuyện kể dân gian là lẽ tất nhiên. Điều thú vị ở Bến Tre, còn ở chỗ qua các câu chuyện kể về cọp, ông bà ta đã lồng vào đó nhằm giải thích địa danh. Chẳng hạn, về địa danh Mỏ Cày, ông Trần Văn Đức ở thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày kể:
“Hồi ông bà mình vào đây lập nghiệp, đất còn rộng rãi nhưng hiểm trở. Hai bên bờ các con sông lớn là cát vàng, lau sậy trắng xóa. Thỉnh thoảng có những cây cao vút như cây gừa, cây sống rắn. Chúa sơn lâm cũng còn ở trong rừng nhiều lắm. Dân cư tới đây khai phá, năm ba nóc nhá quần tụ thành chòm xóm để sinh sống. Lâu lâu cọp lại vào làng bắt heo bắt gà, đôi khi cả người nữa. Dân làng bèn bảo nhau lấy tre vót nhọn rào làng. Từ đó, cọp không vào làng nữa nhưng khi dân làng ra ruộng, ra rẫy thì cọp lại hay rình bắt người ăn thịt.
Một hôm có chàng trai đi cày, mang theo cái mõ. Buổi chiều sau khi cày xong, anh ta thả trâu cho ăn cỏ rồi dùng mõ đánh để gọi trâu về, không ngờ ở trong rừng cạnh đó, có con cọp đang rình chờ bắt anh trai cày, nghe tiếng mõ, cọp cong đuôi chạy vô rừng. Những con cọp khác thấy con cọp này chây cũng co cẳng chạy theo. Những người dân đi chặt củi nghe tiếng mõ, thấy cọp chạy tán loạn, bèn nấp kín xem có chuyện gì xẩy ra. Lát sau họ hiểu ra rằng, cọp sợ tiếng mõ. Về làng, những người đi chặt củi kể lại chuyện này cho bà con nghe và bày cho nhau khi ra rẫy, đem theo mõ, gõ để đuổi cọp.
Về sau, khi cư dân tới đây đông đúc, họ gọi xứ này là xứ Mõ Cày, dần dần gọi chệch thành Mỏ Cày. Địa danh này trở thành tên huyện như bây giờ” (TL 5, tr. 56). Đây là một cách giải thích từ nguyên học dân gian chứ không hẳn địa danh Mỏ Cày ra đời từ “sự tích” này.
Hò ơ! Đất lạ muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội lềnh bềnh tợ bánh canh
Lưu dân cất chòi đi mở cõi
Cọp gầm lay động bóng trăng xanh
Qua mẩu chuyện mẩu chuyện ngộ ngĩnh trên, bước đầu ta có thể thấy được dấu vết ban đầu của vùng đất mới phương Nam, trong đó có Bến Tre. Khảo sát chuyện kể dân gian nói chung, ta có thể nhận ra rằng, bước đầu chưa thể diệt cọp để mưu cầu sự sống, người dân đã tôn cọp vào vị trí tôn kính qua nhiều cách gọi như ông thầy/ ông kểnh/ ông cọp/ ông ba mươi/ ông ông hổ/ ông cả/ ông hương quản/ ông vằn/ ông cà um/ chúa sơn lâm… Còn cọp do bị bẫy cụt chân thì gọi ông Ba cụt! Ngoài ra, trong làng xã còn có cả đình miếu thờ cọp, gọi miếu Sơn thần, phía ngoài thường đắp nổi hình ông cọp nhe nanh, mắt trừng quắt thước, da vằn vện, nếu yếu gan nhìn phát khiếp. Không chỉ có thể, mối quan hệ giữa người và cọp đôi lúc cũng thân thiện, hòa hảo dẫn đến quan hệ có lúc người giúp cọp và ngược lại.
Qua nhiều tài liệu, ta thấy rằng, chuyện cọp được lưu dân tôn làm ông Hương cả khá phổ biến. Ở Bến Tre cũng có. Đại khái ở vùng Ba Tri vào thế kỷ XIX có ông cọp dữ thường xuống vùng Châu Bình, Tân Xuân, Bảo Thạnh sát hại sinh linh. Do đó, họ đã “chiêu mộ” bằng cách cao tay ấn là… đã cử ông cọp nhận chức hương cả danh dự, may ra ổng “cải tà quy chánh”, phù hộ dân làng thì tốt quá. Chuyện trọng đại này, các hương chưc hội tề có ghi biên bản giấy trắng mực đen hẳn hòi, chứ nào đùa. Biên bản viết trên giấy đỏ, cuốn tròn bỏ vào ống tre, bên cạnh là cái đầu heo quay thơm nức mũi, đặt cạnh gốc cây đa. Ngay đêm ấy, cọp ăn trọn đầu heo, cắp luôn ống tre, tức là đã đồng ý nhậm chức. Không những thế, ở Bến Tre và Nam Bộ nói chung, vẫn còn lưu huyền thoại chứa chan hơi thở nghĩa tình:
Cọp đến nhờ người đi đỡ đẻ
Ân tình điệu nghệ mãi dài lâu
Trở thành huyền thoại trong trí nhớ
Móng cọp còn in dấu nhiệm mầu
Câu chuyện này, bà con xã Thới Lai, huyện Bình Đại còn kể lại “ngày xửa ngày xưa”, tại vùng đất này có bà mụ đỡ đẻ cực kỳ “mát tay”, được bà con chòm xóm tin cậy, yêu mến. “Một hôm trời vừa sẫm tối, trăng vừa lên khỏi cây me trước sân bà vừa bước ra sau nhà thì bỗng thấy một con cọp nằm phủ phục như cầu xin một điều gì. Quá hoảng sợ bà quay lưng toan chạy nhưng con cọp đã lẹ làng chấn ngang đường, và tiếp tục cúi đầu chờ đợi. Bà nghĩ con cọp muốn nhờ vả mình điều gì nên bước đến bên mình cọp. Cọp ra dấu ý muốn bà trèo lên lưng. Bà nghĩ mình cứ leo lên lưng cọp xem sao. Vừa trèo lên lưng thì cọp đã phóng như bay về phía rừng ở giồng Ông Hổ.
Một lúc sau, cọp nghiêng mình như muốn mời bà bước xuống bãi cỏ. Bà bước xuống nhìn quanh. Nhờ ánh trăng khi mờ khi tỏ qua tán lá cây, bà nhận ra đó là một con cọp chửa đương nằm thở một cách mệt nhọc. Biết cọp cái sắp chuyển bụng, bà bước vội lại và giúp cho cọp cái sinh nở. Xong việc, cọp đực lại quỳ xuống cho bà leo lên lưng và lại đưa bà về đến nhà”.
Câu chuyện có thể dừng lại đây, đã quá hay rồi, đã tạo cho người nghe một sự kỳ thú, lạ lẫm hư hư thực thực phủ đầy khói sương huyền ảo. Không, vẫn còn nốt đoạn cuối nữa: “Sáng hôm sau, đã thấy một con heo rừng to nằm trước sân còn đẫm máu. Bà hiểu đó là cọp muốn trả ơn bà. Từ đó cứ một hai tuần trăng, cọp lại mang các thú rừng để trước sân. Đến khi bà mất, dân làng chôn cất xong ra về. Đêm đến lại nghe tiếng cọp gầm gừ ở ngoài mộ bà. Lấy làm lạ, sáng hôm sau người ta thấy thấy bên mộ bà có xác ba con beo rừng còn ấm hơi. Chung quanh mộ, đầy dấu chân cọp. Dân làng đoán rằng, cọp đến viếng mộ ba và dâng heo lần cuối cùng.
Cảm động trước nghĩa cử ấy, và để con cháu mãi mãi nhớ đến sự tích lạ lùng nọ, dân làng gọi bà là Bà mụ cọp” (TL 5, tr.72-73).
Trong các câu chuyện kể dân gian lưu truyền từ đời này qua đời nọ, một khi đi yếu tố huyền thoại, ta sẽ nhận ra cốt lõi của sự việc, sự vật có thật. Ở chuyện bắt cá sấu, làm sao ta bỏ qua chi tiết “lấy dây song to xỏ vào dưới lưỡi câu mà buột chặt lại”, rõ ràng nghề rèn đã được lưu dân đem vào đất mới; còn Bà mụ cọp kỳ thú ở chỗ dù “lang vườn”nhưng giỏi nghề đến độ, nếu cần đỡ đẻ cho cả cọp nữa thì cũng “bình thường như cân đường hộp sữa”. Rồi bên cạnh đó, còn có sự tích lẫm liệt như anh em ông chín Quỳ bảy Giao ở Tam Hiệp đánh cọp, lợn rừng; hoặc ông Gộc ác chiến với sấu ở Phú Hữu gắn với chi tiết: “Lối mòn do cá dấu đi, nươc chảy lâu ngày thành con rạch, dân gọi là rạch Sấu”; ngay cả đàn bà con gái cũng khí phách đánh tay đôi với chúa sơn lâm như bà Xuồng ở Bình Đại, bà Mụ ở Dặm Trường… khiến chúng phải “ngất trên cành quất”, chớ hòng ho he v.v…
Lưu dân hào sảng đi mở cõi
Còn nghe vang dội tiếng ông hùm
Bàn chân cứ bước không mệt mỏi
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày ngay - số 1050 ngày 10.10.2019)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
TL 1: Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương- Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch; Đào Duy Anh hiệu đính và chú thích - NXB Giáo Dục-1998.
TL 2: Chân Lạp phong thổ ký - Châu Đạt Quan - Lê Hương dịch và chú thích, NXB Văn hóa Văn nghệ - 2007.
TL 3: Phủ biên tạp lục – Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính - NXB Khoa Học - 1964.
TL 4: Géographie Physique, Économique et Historique de la Cochinchine - Tập VII (21903) Chuyên khảo về tỉnh Bến Tre - Nguyễn Nghị - Nguyễn Thành Long dịch, NXN Trẻ - 2017.
TL 5: Địa chí Bến Tre - Thạch Phương - Đoàn Tứ chủ biên, NXB Khoa học Xã hội - 2001.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|