THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Thương cảng cổ Vân Đồn - Kỳ quan đất dựng giữa trời cao

LÊ MINH QUỐC: Thương cảng cổ Vân Đồn - Kỳ quan đất dựng giữa trời cao

 

THUIOG-CANG-CO-VAN-DON

 

 

Một khi nghe nhắc đến địa danh Vân Đồn (Quảng Ninh), chắc hẳn lòng ta lại gợi nhớ đến chiến công hiễn hách của danh tướng Trần Khánh Dư trong công cuộc chống quân Mông - Nguyên xâm lược vào thế kỷ XIII. Năm 1288, khi thủy binh Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ vương Khánh Dư trách nhiệm trấn giữ vùng biển. Trước sức tiến quân như vũ bão của giặc, ông không ngăn chận nổi, chúng đã vượt qua được cửa An Bang tiến về Vạn Kiếp. Nhận được tin, Thượng hoàng Trần Thánh Tông sai trung sứ xiềng ông giải về kinh, ông xin hoãn lại vài ngày để lập công chuộc tội.

Với tài năng của một người được rèn luyện và trưởng thành trong chiến đấu, đã từng chỉ huy đánh úp kỵ binh giặc đóng tại Đông Bộ Đầu, Trần Khánh Dư phán đoán, đoàn thuyền chiến của giặc đã đi qua tất thuyền chở lương thực sẽ theo sau. Vì vậy ông tổ chức, chỉnh đốn lại lực lượng dàn trận phục kích với khí thế “quyết chiến quyết thắng”. Quả đúng như thế. Khi đoàn thuyền phục vụ cho công tác hậu cần tiến vào vùng biển Hạ Long, thì lọt vào trận địa quân ta mai phục. Thủy quân ta đồng loạt đánh chúng phủ đầu ngay tại cửa biển Vân Đồn. Tên chỉ huy Trương Văn Hổ hoảng hốt cho thuyền chạy về đất liền, nhưng vừa đến Lục Thủy (Cửa Lục) lại bị bộ binh ta chận đánh một trận hồn xiêu phách lạc.

Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) còn ghi, trong trận đánh này quân ta “bắt được quân lương, khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều”. Thượng hoàng Trần Thánh Tông rất vui khi nhận tin này, ngài nói: “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo, khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể hung hăng nữa chăng?”. Do đó, ngài bèn tha một số tù binh để chúng chạy về doanh trại đặng... báo tin cho nhau! Với “độc chiêu” này, ngài đã đánh một đòn trí não vào kẻ thù. Nhận được hung tin, tinh thần của đại binh viễn chinh hoang mang, mất hết nhuệ khí chiến đấu...

Nhờ chiến công vang dội này Trần Khánh Dư được tha tội. Chỉ một trận đánh năm 1288, khiến Vân Đồn nổi tiếng đến ngàn đời. Hiện nay, tại xã Quan Lạn hàng năm từ ngày 10.6 đến 20.6 Âm lịch có tổ chức Lễ hội Vân Đồn, một sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nhằm tôn vinh, nhớ ơn danh tướng Trần Khánh Dư.

Nhưng xin hỏi thương cảng Vân Đồn chính thức được thành lập vào năm nào?

Lịch sử ngàn năm nay đã chứng minh, mối quan hệ giữa nước Đại Việt với các vương triều Trung Quốc có thể tóm gọn trong một câu “sớm nắng chiều mưa”. Vừa giao hảo đó, tay bắt mặt mừng đó nhưng khi thấy điều kiện thuận lợi là chúng vội ngoảnh mặt, vung gươm ném đao, xua quân bành trướng! Xin nhắc lại một sự kiện xẩy ra trước chiến công của Trần Khánh Dư hơn 200 năm, vì qua đó, ta sẽ hiểu vì sao thương cảng Vân Đồn được thành lập.

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông băng hà, Lý Nhân Tông lên nối ngôi lúc vừa tròn 7 tuổi thì nhà Tống ở phương Bắc bày mưu tính kế xâm lược. Nhưng tham vọng điên cuồng ấy đã bị danh tướng Lý Thường Kiệt đánh tả tơi manh giáp, phải dẫm lên nhau mà rút chạy! Sau chiến thắng oanh liệt này, vương triều phương Bắc với nước Đại Việt mới lập lại quan hệ ngoại giao. Nhờ những năm tháng hòa bình, tôn trọng trọn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào nội bộ của nhau nên nước ta mới có thời gian để xây dựng cơ đồ. Mà một đất nước đủ sức đánh quỵ binh mã hùng mạnh của “thiên tử” ở phương Bắc thì các nước khác tất phải khiếp sợ và tìm đường đến giao hảo. Từ đó, sự giao thương giữa ta với các nước mở ra những triển vọng mới.

ĐVSKTT chép lại một sự kiện diễn ra dưới đời vua Lý Anh Tông: “Năm 1149, mùa xuân, thuyền buôn của các nước Trảo Oa (Java thuộc Indonésia), Lộ Lạc, Xiêm La (Thái Lan) vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, (ngài) bèn cho lập trang ở hải đảo gọi là Vân Đồn để mua bán hàng quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Như vậy, năm 1149 là năm Vân Đồn được thành lập thương cảng để giao thương với các nước láng giềng.

Vùng đất này, dưới thời nhà Trần, ĐVSKTT cũng cho biết: “Trước đây, Trần Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, tục ở đó lấy buôn bán làm nghề sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng theo người Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang ra lệnh: “Quân trấn giữ Vân Đồn là để phòng giữ giặc, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó phân biệt, nên đội nón Ma Lôi (Ma Lôi là tên làng ở Hồng Lộ, có tài khéo đan nón bằng trúc thanh bì nên lấy tên làng để gọi tên nón), ai trái tất bị phạt”. Chi tiết này cho thấy, dưới đời nhà Trần, Vân Đồn đã là nơi buôn bán sầm uất. Dưới đời nhà Lê sơ, nhà văn hóa Nguyễn Trãi cũng viết những câu thơ hào sảng lạ thường:

Đường đến Vân Đồn lắm núi cao,

Kỳ quan đất dựng giữa trời cao.

Một vùng biếc sẫm gương lồng bóng,

Muôn hộc xanh om tóc mượt màu.

Non biển gợn trong tay vũ trụ,

Tim gan chẳng núng sức ba đào.

Trông bờ cây cỏ rờn xanh lục,

Nghe đấy người phiên dụng đỗ tàu.

(Đào Duy Anh dịch)

Đến thời hậu Lê, nhà bác học Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã ghi nhận nơi đó: “Phong thổ và nhân vật đông đúc, giàu thịnh, việc buôn bán lưu thông tấp nập; cũng là chỗ phồn hoa trấn ngoài, mà thật là nơi hình thắng của nước Nam”. Như  thế Vân Đồn đã có một thời gian dài đóng vai trò quan trọng trong mậu dịch quốc tế. Tại đây, người ta mua bán, trao đổi nhiều mặt hàng phong phú. Nhưng các loại binh khí, thuốc nổ, gỗ lim, vàng sống, vỏ quế, ngọc trai, ngà voi thì Nhà nước cấm, không được bán cho tàu buôn nước ngoài. Và luật lệ buôn bán trong các thời đều có những quy định rất nghiêm ngặt.

Nhưng cụ thể vị trí thương cảng Vân Đồn là chỗ nào? Vì sử chỉ ghi vắn tắt như ta đã biết nên đời sau các nhà nghiên cứu phải tốn nhiều giấy mực tra cứu, xác định. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Văn Ninh: “Tuy nhiên về đại thể thì tất cả mọi ý kiến đều có thể thống nhất với nhau rằng thương cảng Vân Đồn được lập trên một hòn đảo trong vùng Bái Tử Long, kín đáo, đẹp đẽ và giàu có” (Tìm lại dấu vết Vân Đồn lịch sử - Đỗ Văn Ninh - Ty VHTT Quảng Ninh - 1971).

Rồi khoảng 30 năm sau, một lần nữa Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh tiếp tục công việc khảo sát. Trong bài viết Cảng biển Vân Đồn qua các cứ liệu khảo cổ học, nhà nghiên cứu Trịnh Cao Tưởng cho biết: “Công trình nghiên cứu Vân Đồn trước đây mới chỉ tập trung nghiên cứu các bãi trong vùng hải đảo, chưa thấy ai quan tâm tới vùng cửa các con sông nhánh của sông Bạch Đằng đổ vào vịnh Hạ Long trong địa phận Quảng Yên xưa. Nhờ phát hiện di chỉ Đượng Hạc (Tân An) của Nhà Bảo tàng Quảng Ninh năm 1998 chúng tôi đã mở rộng cuộc điều tra ra vùng cửa các sông nhánh của sông Bạch Đằng: như sông Ông Mai, sông Bến Giang, sông Cái... Thật bất ngờ, tại khu vực địa lý của các xã Hoàng Tân và Tân An đều có các bãi gốm với đầy gốm men có niên đại thế kỷ XIII - XIV và gốm sành các thời đại.

Trên nhiều bến thuyền như Đượng Hạc, Hòn Dâu, Seo Bè... còn tìm thấy dấu vết của kiến trúc thời Trần. Không nghi ngờ gì nữa, thời Trần sông Bạch Đằng là con đường lưu thông huyết mạch nối liền biển cả với đất liền, vì thế nên mới có chiến công dìm thuyền quân Nguyên xâm lược trên dòng sông này. Phát hiện này góp phần làm thay đổi quan niệm về Vân Đồn gần một thế kỷ qua khi người ta cho rằng, hệ thống bến bãi của thương cảng Vân Đồn chỉ nằm trong vùng biển và hải đảo. Việc phát hiện ra hệ thống bến bãi cửa sông Bạch Đằng còn làm thay đổi hàng loạt các vấn đề liên quan đến lịch sử ngoại thương, lịch sử quân sự, lịch sử hàng hải... (Tạp chí Xưa & nay số 131 - tháng 1.2003).

Với những thông tin quý giá này, một lần nữa lại khẳng định vị trí quan trọng của thương cảng Vân Đồn trong giao thương quốc tế. Nhưng tại sao đến đầu nhà Nguyễn thì nó hoàn toàn kết thúc vai trò của mình? Có nhiều lý do để giải thích, có thể do cát bồi nên thuyền bè lớn không ra vào cảng thuận lợi như trước? Có thể do kinh đô dời vào Huế, trở thành một trung tâm chính trị của cả nước nên từ đó sự giao thương đã chuyển sang các cảng mới? Cũng có ý kiến cho rằng, không phải đợi đến thế kỷ XIX mà ngay từ giữa thế kỷ XVII Vân Đồn đã không còn vị trí độc tôn nữa.

Trong công trình Đô thị cổ Việt Nam - Viện Sử học biên soạn, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam XB năm 1989 - nhà nghiên cứu Đỗ Văn Ninh khẳng định đó là thời điểm “Kẻ Chợ, Phố Hiến mở cửa cho tàu buôn nước ngoài. Cảng biển chuyển dịch về Làng Giang gần cửa Cấm (Hải Phòng)... Dù đã có bốn năm trăm năm giữ vị trí trung tâm buôn bán, dân cư đông dúc, thuyền bè tấp nập ra vào, Vân Đồn cuối cùng vẫn không trở thành một đô thị thương mại.

Nếu tìm nguyên nhân thì trước hết phải thấy rằng, do chế độ cảnh giác của triều đình phong kiến thuở trước không muốn cho người nước ngoài tiếp xúc với đất liền nên đã cho lập cảng ở nơi hải đảo xa xôi hẻo lánh không thuận lợi cho việc xuất nhập hàng hóa này, vì thế Vân Đồn rốt cuộc vẫn trở lại với nguyên hình thôn xã. Tình hình kinh tế chung của cả nước là nông nghiệp tự cung tự cấp, với chính sách hạn chế thương mại của các triều đình phong kiến, làm cho Vân Đồn không thể đơn độc thoát khỏi tình trạng cố hữu của chế độ kinh tế lạc hậu. Tổ chức hành chánh ở Vân Đồn vẫn đậm nét thôn trang hơn đô thị. Cư dân Vân Đồn vẫn mang nặng tâm lý nông dân hơn thị dân” (tr.167).

Tất nhiên, vấn đề chưa dừng lại ở đây. Cho dù ngày nay thương cảng cổ Vân Đồn đã “trơ gan cùng tuế nguyệt”, nhưng nó vẫn còn giấu biết bao điều bí ẩn và không ngừng tiếp tục thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của các nhà nghiên cứu.

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay  - số 1044 ngày 10.8.2019) 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com