Nữ sĩ Sương Nguyệt Ánh tên thật là gì? Câu hỏi “ngớ ngẩn” này ắt nhiều người phì cười. Thời buổi này đã rộ lên câu vần vè: “Dân ta phải biết sử ta/ Cái gì không biết thì tra… gú gồ”! Tuy nhiên, không phải tất cả những gì công bố trên “gú gồ” (Google) đều chính xác. Bằng chứng, có tài liệu ghi bà tên thật Nguyễn Thị Khuê, Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Nguyễn Xuân Khuê. Vấn đề này, trước đây, từ năm 1972 giới nghiên cứu tại Sài Gòn đã đặt ra.
Thí dụ, tập chí Bách Khoa số 384 ngày 28.12.1972, học giả Hồ Hữu Tường đã có kiến. Ông căn cứ vào gia phả Nguyễn chi thế phổ, nêu thứ tự tên các con của cụ Đồ Chiểu với và Lê Thị Điền: Nguyễn Thị Hương (1855); Nguyễn Đình Chúc (1858) - tục danh Ba Sáng, dạy học, thầy thuốc bắc; Nguyễn Thị Xuyến (1861) giỏi đàn ca; Nguyễn Thị Khuê (1864); một người con mất sớm, khuyết danh; Nguyễn Đình Chiêm (1869) - hiệu Trọng Vĩnh, sáng tác tuồng Phong ba đình, Phấn trang lầu, Nê mã đô giang; Nguyễn Đình Ngưỡng (1872), mất sớm. Dù gia phả ghi là vậy nhưng bà Xuyến phải đọc Kim Xuyến; bà Khuê phải đọc Ngọc Khuê.
Tại sao?
Học giả họ Hồ giải thích: “Chữ “Xuyến” này chiết tự ra thì một bên là bộ “kim” dùng làm chữ lót, một bên là chữ “Xuyên”… Trong gia phả không ghi chữ lót, chỉ chép Nguyễn Thị Xuyến mà thôi nhưng mà chữ lót đã nằm bên tả chữ “Xuyến” rồi, thì đương nhiên phải đọc Kim Xuyến. Trường hợp của bà Khuê viết một bên chữ “Ngọc”, một bên chữ “Khuê”. Đọc rời ra là “Ngọc Khuê” đọc ráp lại là “Khuê” (tr. 16-17). Và theo ông, “Về phần “bí truyền” (ésotérisme) trong gia đình này không khi nào “đọc ráp lại” mà phải đọc rời ra. Như vậy phải đọc Ngọc Khuê”. Về các tài liệu ghi tên bà Sương Nguyệt Ánh tên thật Nguyễn Thị Xuân Khuê, trước đó, trong bài Một trang gia phổ của dòngNguyễn Đình Chiểu (tạp chí Bách Khoa số 382 ra ngày 30.11.1972,) ông Tường nhấn mạnh: “Một nhà nho không thể nào lấy chữ “Xuân Khuê” (có nghĩa là “cái hĩm”) mà đặt tên cho con gái mình (tr. 39).
Lập luận này có thuyết phục?
Trước hết, ta hãy đề cập về đời riêng của bà Khuê: Bà sánh duyên với ông phó tổng Nguyễn Công Tính, sinh được một con gái là Vinh, sau gả cho Mai Văn Ngọc. Cô Vinh và ông Ngọc sinh ra Mai Huỳnh Hoa. Chắc chắn chịu ảnh hưởng của bà nên con rể Mai Văn Ngọc về sau cũng hoạt động yêu nước, tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội; cháu ngoại Mai Huỳnh Hoa cũng là người tích cực hoạt động xã hội, về sau lập gia đình với Phan Văn Hùm - một người yêu nước hoạt động cùng thời với Nguyễn An Ninh.
Có lẽ do hiểu như Hồ Hữu Tường nên khi lập lại bia cho bà ngoại, cháu ngoại Mai Huỳnh Hoa ghi rõ ràng: “Sương Nguyệt Anh nhủ danh Nguyễn Ngọc Khuê”. Về tấm bia này, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh cụ Đồ Chiểu - ngày 11.7.1971 phái đoàn văn nghệ sĩ tại Sài Gòn xuống Bến Tre viếng mộ gia đình cụ, nhà báo Phan Kim Thịnh (Tạp chí Văn Học số 133 ngày 1.8.1971), cho biết trên bia của bà có ghi 2 câu thơ:
Lọng sương dầu rách còn kêu lọng,
Ô bịt vàng ròng tiếng cũng ô.
Chi tiết này cho thấy, lâu nay các trích dẫn về hai câu thơ của Sương Nguyệt Ánh đều không chính xác. Bài thơ này gắn với giai thoại văn học được ghi chép xưa nay. Rằng, sau khi chồng mất, bà vẫn ở vậy nuôi con. Từ đây, bà thêm chữ “Sương” vào trước bút danh “Nguyệt Anh” - có nghĩa là bà Nguyệt Anh góa chồng - với ngụ ý tấm lòng trung trinh của bà sáng như giọt sương dưới ánh trăng. Thế nhưng, hoàn cảnh mẹ góa con côi thật… không ở yên với các đấng mày râu khoái “thả dê” tán tỉnh, buông lời ong bướm. Trong số này, có ông Bảy Nguyện ở Mỏ Cày gửi bà bài tứ tuyệt:
Ai về nhắn với Nguyệt Anh cô,
Chẳng biết lòng cô nghĩ thế mô?
Không phải vãi chùa toan đóng cửa,
Đây lòng gấm ghé bắc cầu Ô.
Không một chút xao lòng, bà trả lời dứt khoát:
Chẳng phải tiên cô cũng đạo cô,
Cuộc đời dâu bể biết là mô?
Lọng sương dầu rách còn kêu lọng
Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô.
Phải thời cô quả chịu thời cô,
Chẳng biết tuồng đời tính thế mô?
Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa,
Ngọc lành chi để thẹn danh ô.
Tiếc thay, các văn bản đều chép: “Lọng sườn dầu rách còn kêu lọng/ Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô”. Dầu gì, “lọng sườn” (có bản ghi “lọng sường”) vẫn dễ hiểu hơn “lọng sương” nên người ta ghi sai cũng phải thôi. Người trước nhất phát hiện ra sai sót chính là Hồ Hữu Tường. Theo ông, khi viết câu thơ trên bà Sương Nguyệt Anh đã vận dụng câu ca dao tuyệt hay:
Lọng che sương dầu sườn cũng lọng
Ô bịt vàng dầu trọng cũng ô
“Và thành ngữ “dầu sườn” dùng để nói rằng “rách”. “Nguyệt Anh cô” lấy câu thứ nhứt của ca dao, bớt chữ “che” đi, thay chữ “rách” cho chữ “sườn”. Vì lọng rách rồi thì bày ra sườn. “Lọng sườn dầu rách còn kêu lọng” thì hai chữ “sườn” và “rách” đã trùng ý rồi, tất dư một chữ” (Bách Khoa số 384, tr. 17-18). Chí lý thay, nhận xét này tinh tế, đố cãi vào đâu được.
Từ trường hợp này, thiết nghĩ, cần xem lại cách phân chia của dòng văn chương bình dân và dòng văn chương bác học. Nói nôm na, văn chương bình dân là của hạng chân lấm tay bùn, trên đồng cạn dưới đồng sâu, một nắng hai sương, chạy ăn từng ngày, van nợ toát mồ hôi, chữ nghĩa đựng đầy lá mít là cùng, vì thế các sáng tác này của họ còn thô mộc, thô ráp, truyền miệng từ đời qua đời nọ, không rõ tên tác giả; trong khi đó, văn chương bác học ghi thành văn của những người học rộng hiểu sâu, chữ nghĩa thánh hiền đầy một bụng, những áng văn ấy trác tuyệt để đời.
Thật ra, chẳng hề có văn chương bình dân/ văn chương bác học gì sất. Văn chương là văn chương. Dù chép thành văn lưu giữ ngàn năm trong thư viện, hay dù chỉ truyền miệng trong hang cùng ngõ hẻm, nơi bùn lầy nước đọng nhưng hễ nó hay, nó nói đúng tâm tư tình cảm của người thưởng thức thì nó tồn tại. Chỉ thế thôi. Ghi chép lại hoặc không ghi chép lại chẳng quan trọng gì. Những tưởng in vào giấy, đốt sách, xé giấy thì nó mất đi, chi bằng khắc vào đá thì nó bền mãi chăng? Không hề. Ông bà ta bảo: “Trăm năm bia đá cũng mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Văn chương bình dân, trong đó có những câu đã thuộc về “bia miệng” rồi đấy. Văn chương bác học cũng thế, đã có những áng văn bất hủ lấp lánh như ngọc quý. Vậy nên, phân chia làm chi?
Lọng che sương dầu sườn cũng lọng
Ô bịt vàng ròng tiếng cũng ô.
Ở đây, “sườn” dùng để chỉ bộ phận tạo nên lọng. Một khi lấy vải che trùm lên sườn ắt thành lọng, rồi khi cái lọng giơ sườn/ lòi xương ra tức là vải đã rách. “Lọng che sương dầu sườn” thì sườn danh từ đã hoán đổi qua tĩnh từ. Còn ô là cái dù, nhưng ô lại đồng âm với ô trọc/ ô nhiễm/ ô uế… Một sự chơi chữ tài tình quá đi chứ?
Tưởng cũng nên nhắc lại, thêm một điều đáng quý nữa ở bà Sương Nguyệt Anh là vào những năm 1906-1908, hưởng ứng lời kêu gọi của cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du, bà đã bán ruộng vườn để giúp học sinh xuất dương du học. Tiếng tăm của bà ngày càng được nhiều người biết đến, cuối năm 1917 bà được trí thức tại sài Gòn mời làm chủ bút tờ Nữ giới chung - “tiếng chuông của nữ giới” - đây là tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ Việt Nam, do một phụ nữ tài danh điều hành. Do vị trí tiên phong của nó trong tiến trình lịch sử báo chí nước nhà, nên ta cần biết qua đôi nét về tờ báo này.
Tuần báo Nữ giới chung, phát hành định kỳ hàng tuần vào ngày thứ sáu. Mỗi số có 18 trang nội dung và 8 trang dành cho quảng cáo. Tòa soạn đặt ở số 15 đường Tabert (nay là đường Nguyễn Du - TP.HCM). Tổng lý là ông Trần Văn Chim, chủ nhiệm là ông Henri Blanquière, chủ bút là bà Sương Nguyệt Anh. Tờ báo này có những chuyên mục là phần xã thuyết, phần học nghệ, dạy gia chánh, đăng thơ văn của nữ giới và cuối cùng là phần “tạp trở” với chuyên mục như mẹ con nói chuyện, khuyên chị em, cách ngôn, lời hay ý đẹp, v.v… Giá bán lẻ của mỗi số là 0 đồng 10. Có thể nói, dưới sự điều hành của bà Sương Nguyệt Anh, Nữ giới chung là tờ báo đầu tiên của nước ta chú trọng đến việc dạy đức hạnh, nữ công và phê phán những điều ràng buộc khắt khe đối với phụ nữ. Tờ báo chủ trương đấu tranh quyết liệt cho vấn đề nam nữ bình đẳng. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà ở số 8, có độc giả khen tờ báo rằng:
Vang lừng nữ giới nặng dùi chuông,
Thúc bọn quần thoa thoát cửa buồng.
Bà Sương Nguyệt Anh đã có nhiều bài viết in trong tờ báo này với quan điểm tiến bộ. Chẳng hạn ở số 9, sau khi khuyên chị em không nên chỉ biết miệt mài ngâm vịnh thi phú, mà còn phải am hiểu cả “tình trong thế ngoài” của xu thế xã hội. Bà viết: “Thuở xưa, tài nữ nước ta như Đoàn Thị Điểm, bà Hồ Xuân Hương, bà phủ Thanh Quan, bà Diệu Liên công chúa là đương buổi thời khoa cử nhất sĩ nhì nông. Ngày nay ngọn sóng Âu trào qua Nam Hải, các khoa học mênh mông, công nghệ thế ấy, khoa học thế kia, trông người mà ngẫm nghĩ đến ta, tình buồn cảnh buồn mà không buồn lại buồn cảnh bông tàn trăng khuyết, lý tưởng sao mà lạ vậy?
Kìa ta mở cặp mắt ngó ra hoàng hải, người Âu Mỹ làm thầy giáo cũng đàn bà, mà thầy kiện cũng đàn bà, trong tay sẵn có một nghề, không phải nương nhờ người nam tử. Ấy cái học người ta như thế, há phải như người mình không bịnh mà rên!
Chị em ơi! Cái nết đánh chết cái hay, dẫu vẫn như ả Tạ nàng Ban, cũng chẳng qua một cái trò chơi. Muốn có cái địa vị ngang hàng với nam tử thì chẳng những việc tề gia nội trợ phải thuộc lòng, mà tình trong thế ngoài cũng phải ráng nên ghé mắt, tuy chưa được như người Âu Mỹ song cũng đừng phụ tiếng Lạc Hồng”.
Bài báo viết cách đây tám mươi năm, thế mới biết thuở ấy tư tưởng của bà Sương Nguyệt Anh cấp tiến biết chừng nào! Ngay từ số 1, Nữ giới chung đã chủ trương: Nâng cao nền luân lý - Dạy cho độc giả biết cách sống hàng ngày - Chú trọng đến nền thương mại, tiểu công nghệ - Tạo sự giao tiếp, tiếp xúc giữa mọi người với nhau - tuyên truyền chữ Quốc ngữ. “Sự xuất hiện của nó là một biến cố quan trọng đối với dân chúng lúc bấy giờ, đặc biệt đối với phụ nữ Việt Nam. Tuần báo này, theo dư luận của một số nữ độc giả, nó mang lại hoặc ít hoặc nhiều, những biến đổi mới mẻ trong đời sống tinh thần và vật chất của phụ nữ Việt Nam từ xưa vẫn bị sống ràng buộc trong những nguyên tắc cứng nhắc của Khổng Mạnh” (Lịch sử báo chí Việt Nam, Huỳnh Văn Tòng, NXB Trí Đăng - 1973, tr.101).
Chỉ tiếc tờ báo này không thọ lâu, vì nhiều lý do, nó đình bản vào ngày 19.7.1918. Một trong những lý do là vì bà chủ bút Sương Nguyệt Anh chẳng may bị đau mắt, về sau bị lòa, bà phải về Ba Tri sống với người em trai út là Nguyễn Đình Chiêm. Trở về quê nhà, nối nghiệp của cha, bà mở trường dạy học, làm thuốc chữa bệnh. Dù sống trong cảnh mù lòa, nhưng bà vẫn chú tâm đến tình hình chính trị xã hội đang diễn ra. Lúc vua Thành Thái ngự giá vào Nam, bà đã có bài thơ bày tỏ tâm sự yêu nước thương dân, quan tâm đến thời cuộc:
Nước mắt cơ cùng trời đất biết,
Biển dâu một cuộc thấy mà thương.
Ngoài những vần thơ chủ yếu được truyền miệng và in trên tờ Nữ giới chung, bà còn dịch bộ Yên sơn ngoại sử của Trung Quốc ra thơ lục bát, đặt vè châm biếm thói hư tật xấu của người đời và còn có cả thơ sáng tác bằng chữ Hán. Sự có mặt của bà trên văn đàn Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX đã đem lại sự tự hào cho nữ giới. Vốn sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, bà đã đi không chệch hướng con đường mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã chọn. Bà mất tại Ba Tri ngày 12 tháng Chạp năm Canh Thân (20.1.1921), thọ 58 xuân - mộ của bà được đặt cạnh mộ của cha mẹ.
L.LA
(nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 1059 ngày 1.1.2020)
(Ghi chú: Lưu Liên Anh bút danh Lê Minh Quốc)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|