THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Vài “tiếng kệch lời quê…” đầu thế kỷ XX tại Nam Kỳ

LÊ MINH QUỐC: Vài “tiếng kệch lời quê…” đầu thế kỷ XX tại Nam Kỳ


vai-lokech-tieng-que-tai-Nam-Ky

 

Nhà văn hóa Lương Khắc Ninh hiệu Dũ Thúc, tự Dị Sử Thị sinh năm 1862, mất ngày 22.11.1943. Là con trai của ông Lương Khắc Huệ và bà Võ Thị Bương, chánh quán làng Bảo An (Gò Nổi), phủ Điện Bàn nay thuộc xã Điện Trung, huyện Biện Bàn (Quảng Nam), theo gia đình vào Nam lập nghiệp tại tổng Bảo Hựu (Bến Tre). Thuở nhỏ ông học chữ Hán, rồi chuyển sang học chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp; tốt nghiệp trung học tại Trường Le Myre de Villers (nay trường Nguyễn Đình Chiểu) ở Mỹ Tho, làm việc tại Sở Thương chính Bến Tre  - như hải quan ngày nay; năm 1899, chuyển làm phiên dịch tại Tòa án tỉnh Bến Tre. Nếu cả đời “sáng vác ô đi, tối vác về” bằng lòng với “tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” ắt nay tên tuổi của ông đã chìm sâu ba tấc đất, không, năm 1900 ông bỏ việc lên Sài Gòn hoạt động trong lãnh vực báo chí. Sự nghiệp của ông gắn liền với tờ Nông cổ mín đàm (NCMĐ) - số 1 phát hành ngày 1.8.1901 và kết thúc ở số cuối cùng ra ngày 4.11.1924. Đây là tờ tuần báo kinh tế đầu tiên ở Việt Nam.

Tên của tờ báo này diễn nôm có nghĩa là “uống trà bàn chuyện làm ruộng, đi buôn”; phụ chú bằng tiếng Pháp ghi dưới tên báo cũng viết “Causeries sur l'agriculture et le commerce”. Do một viên quan Tây chánh gốc có chân trong Hội đồng Quản trị Nam Kỳ là Canavaggio sáng lập, chủ bút thời kỳ đầu là ông Lương Khắc Ninh, sau đó thay đổi qua vài người khác nữa. Báo phát hành vào thứ 5 hằng tuần với 8 trang, ngoài một hai trang đăng quảng cáo thì tờ báo chủ yếu xoay mục “nông cổ” và “kiến văn” và tồn tại gần hết một phần tư đầu thế kỷ XX.

Qua tờ báo này, Lương Khắc Ninh đã thể hiện rất tích cực vai trò tiên phong cổ động, hô hào quốc dân chú trọng nhiều hơn nữa về mở mang thương nghiệp, xây dựng tư duy của người buôn bán, tổ chức hội buôn, làm dịch vụ… Ngay trên số báo 1, ông đã có bài viết về thương nghiệp dưới tựa đề Thương cổ luận chiếm trọn 2 trang báo (25% tổng số trang báo), kêu gọi: “Xin anh em xét lại mà coi, có phải là: sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường. Hễ dân giàu là nước cũng giàu chung, còn dân nghèo thì nước nghèo đặng”. Vấn đề này, Lương Khắc Ninh đeo đuổi bền bĩ, ròng rã nhiều năm liền, dù khiêm tốn quan niệm:

Kính lời gởi với bạn đồng bang,

Tiếng kệch câu quê một ít hàng

Miễn tỏ ý người làm nhựt báo

Nguyệt đàm thương cổ sánh nông tang

Nhưng ông đã viết “với khoảng 120 bài” (TL 1, tr. 56). Một số lượng không nhỏ. Ngoài ra ông còn có loạt bài Đại thương hiệp bổn cách, Lập thương cuộc - cùng chủ đề với Thương cổ luận mà sau này, ta thấy hoàn toàn phù hợp với tinh thần của phong trào Duy tân, Đông du do các cùng các nhà nho cấp tiếp như cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Lương Văn Can… cùng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục khởi xướng.

Không những kêu gọi người trong một nước cùng hùn vốn làm ăn, khếch trương thương mại, kỹ nghệ… ông còn mạnh dạn phê phán thói xấu của người Việt, phải bỏ, phải thay đổi suy nghĩ cũ kỹ như ăn xổi ở thì, muốn giàu nhanh bằng mọi cách kể cả làm hàng giả, ganh ghét nhau, không đoàn kết, hễ thấy ai giàu hơn thi ganh tị, nói xấu gièm pha, thiếu kiên trì, không có tầm nhìn xa…Xin trích một thí dụ ông viết trong NCMĐ số 1, chỉ sửa vài lỗi chính tả:

“Tôi xin lấy một vụ thương mãi lập đã lâu ở trước mắt chúng ta, thạnh lợi lắm, một mà lời mười thì không thấy một người xét cho kỹ thì không thấy người Annam nào, hùn lấy một phần nhỏ hơn hết: là sở xe lửa Chợ lớn đi Sài gòn. Sở đó cũng là một hãng buôn, hiệp nhiều hùn mà lập ra; cũng có nhiều người bổn quốc rõ biết là hãng buôn lập ra; còn cũng có nhiều người ở xa, tưởng là của nhà nước làm, vì thấy công chuyện trọng thể như vậy, nên tưởng là có một nhà nước có sức làm đặng, chớ không tưởng là hãng buôn nào mà lập cho nổi. Thôi những người chưa rõ, thì chẳng nói làm chi, tiếc cho những người biết rõ mà lại làm sao không có lấy phần hùn nào hết?

Song tôi nghe nói ở tại Chợ lớn có một ít người giàu có, khi đó có mua một ít phần hùn, nhưng mà đến khi mới khởi công đặt đường sắt, thì giựt mình nghĩ rằng không thạnh lợi, đem mấy giấy hùn của mình mà bán cho người khách, hay là người Langsa; bởi vậy cho nên ngày nay không có một người Annam nào hết trong sở xe lửa đó. Thiệt nên tiếc hết sức, xin mấy ông xem lại mà coi, có phải là người bổn quốc chưa có rõ cho lắm về cách đại thương: thấy mới khởi công việc xe lửa, phải mướn nhiều người mắc tiền; mua nhiều đường sắt mắc, mua cây đà ngang, và cây đóng xe mắc; còn phải mua đất mà đặt đường sắt cũng mắc lắm. Mà lại nghe định giá, hễ xe lửa đưa rồi rước mỗi người, có ba chim bạc mà thôi, xài phí tính phỏng thì có hơn hai ba chục muôn, còn giá đưa thì có ba chim bạc một người; số bạc ra nhiều, còn vô thì quá ít, nên mới thất kinh, sợ mất vốn, nên mới đem bán phần hùn của mình cho kẻ khác, nay thấy lợi nên tiếc hung; có phải là người mình chưa hiểu rõ cách buôn không?”.

Tư tưởng Lương Khắc Ninh rất gần với Phong trào Duy tân, đó là một sự lạ, vì vấn đề ông đặt ra từ giữa năm 1901. Nếu phong trào Duy tân kêu gọi:

Việc buôn bán xiết bao phí lớn

Quan cùng dân hợp vốn mà nên

Mỗi người tháng góp một nguyên

Mười năm được tám trăm muôn có thừa

Xem “châu thức hợp tư” hội ấy

Ấy tài nguyên thịnh lợi dường bao

Nước ta dẫu gọi rằng nghèo

Hằng tâm cũng được ít nhiều bỏ ra

Trong mười người dăm ba người có

Rủ nhau mà hợp cổ cùng nhau...

Thì ngay thời đó, sau khi phê phán thói quen bo bo cất giữ tiền trong rương, đào đất mà chôn cất, đồng tiền không sinh lợi, ông kêu gọi hãy hùn vốn làm ăn lớn: “hoặc lập tàu khạo ăn lúa gạo, hoặc lập nhà máy xay, xay lúa, thì một ngàn người hiệp lại vốn lớn buôn to… Như nội Lục tỉnh mà hùn thử lấy năm bảy cái nhà buôn như vậy thì kẻ nghèo khó có phương kế làm ăn” (Nông cổ mín đàm, số 7)  v.v. “Có thể nói, Nông cổ mín đàm, trong đó trực tiếp mục Thương cổ luận đã trở thành diễn đàn phê phán mạnh mẽ qua điểm kinh tế và văn hóa kinh doanh lạc hậu của người Việt, đề cao thương nghiệp, góp phần tọ nền móng cho việc khởi xướng cuộc vận động cải cách kinh tế ở Nam Kỳ đầu  thế kỷ XX” (TL 1, tr.61).

Khóa luận tốt nghiệp khóa 1996 - 2000 của sinh viên Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn TP.HCM), khảo sát NCMĐ cho biết: “Thương cổ luận là một chuyên mục thường xuyên của báo, đến những số báo cuối cùng chuyên mục nầy vẫn còn tồn tại”; “Bên cạnh Thương cổ luận là một chuyên mục chính của thương nghiệp, năm 1902 báo NCMĐ còn có thêm chuyên mục thông báo giá lúa, gạo. Và không chỉ là những lời kêu gọi hùn hạp buôn bán, giá lúa gạo thông thường mà NCMĐ còn có những bài viết về vấn đề thương nghiệp như cuộc tranh thương, về việc buôn dầu lửa, luận về thương mãi, luận về vấn đề tại sao hột quẹt lại lên giá vô cớ, giá lúa gạo phát giá như thế nào”; “Ngoài những tin, bài thông về thương nghiệp gần gũi với đời sống của nhân dân, NCMĐ còn có các bài viết về các kỳ hội chợ như hội chợ tại Sài Gòn, Phiên chợ tại Biên Hòa... hoặc tình hình thương nghiệp của một số nước trên thế giớ như Nhật Bản, Ấn Độ... cũng luôn được báo cập nhật”.

Với những nhận định xác đáng này, rõ ràng một khi muốn tìm hiểu vai trò của lớp trí thức tiên phong miền Nam đầu thế kỷ XX trong hô hào, cải cách kinh tế nói chung, không thể không tìm hiểu trên từ NCMĐ. Sự xuất hiện của các ông Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt… thật ghê gớm, rất đáng kính phục. Những con người sáng giá này, nước ta thời nào cũng có tức là bao giờ cũng có lớp người luôn ý thức muốn tiến bộ, văn minh kịp với năm châu bốn biển thì tự thân người trong nước phải thay đổi từ tư duy đến hành động - nhất là trong lãnh vực kinh tế. Và họ, không chỉ bền bĩ gióng lên tiếng chuông kêu gọi từ diễn đàn báo chí mà còn “xắn tay áo” thực hiện để quốc dân noi theo. Phong trào Duy Tân ở miền Bắc, miền Trung; phong trào Minh tân ở miền Nam đã chứng minh rõ nét. Không dừng ở lãnh vực thương mại, buôn bán, lập hội buôn… họ còn hướng sang cả vấn đề văn hóa.

Với NCMĐ, về phương diện “kiến văn” đặc biệt lý thú và đáng ghi nhớ trong lịch sử văn học và báo chí Việt Nam, theo tôi không thể không ghi nhận 2 sự kiện: 1. Ngày 23.10.1906, trên số báo 262 Gilbert Chiếu đã khởi xướng cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử văn học Quốc ngữ nước ta.  2. Về cột mốc ra đời của loại hình nghệ thuật cải lương, nếu các nhà nghiên cứu như Vương Hồng Sển, Trần Văn Khải, kể cả sau này, đã chọn năm 1918 thì trước đó, chuẩn bị cho sự hình thành này là từ năm 1917. Chính tờ NCMĐ đã tạo diễn đàn cổ xúy cho một loại hình nghệ thuật mới gắn liền với vai trò của Lương Khắc Ninh - người mở màn diễn thuyết trước nhất để dẫn đến các cuộc trao đổi, luận với các ông Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh, Trần Phát Văn…

“Ngày 28.3.1917 mới thật sự đánh dấu ngã rẽ của kịch nghệ miền Nam, vì ngày này, với bài diễn thuyết của Lương Khắc Ninh về hí nghệ cải lương tại nhà hội của Hội Khuyến học Nam Kỳ trên đường Aviateur Garros nay là Thủ Khoa Huân, quần chúng trong Nam bắt đầu chú ý tới sự đổi mới của kịch nghệ mà trước đấy, họ chỉ được thưởng thức riêng rẽ hoặc giả hát bội, hoặc giả đờn bản trên bộ ván, hoặc khán giả chiếu bóng có xen kẽ vài bài hát Tây, các bài hát ta. Buổi nói chuyện của ông Lương Khắc Ninh được tường thuật đầy đủ trên báo NCMĐ số 12 năm thứ 16 ra ngày 19.4.1917” (TL 2, tr. 34). Buổi diễn thuyết hôm ấy có sự hiện diện của các ông Bùi Quang Chiêu, Diệp Văn Kỳ, Lê Thành Long… Bấy giờ, ông Ninh còn là ông bầu nổi tiếng của gánh hát bội diễn thường trực tại rạp Bầu Ninh ở đường Hồ Văn Ngà (nay Lê Thị Hồng Gấm, Q.1, TP.HCM). Có thể  do mọi người nghĩ, tiếng nói của người đang hoạt động trong nghề bao giờ cũng có giá trị thực tiễn nên nhờ đó dư luận đã quan tâm.

Nếu bài thơ Tình già đăng báo Phụ Nữ tân văn (số 10.3.1932); rồi tờ Phong Hóa số Xuân ra ngày 24.1.1933 in lại, Phan Khôi lập tức được dư luận công nhận là tướng quân tả xung hữu đột tấn công vào thành trì thơ cũ  - nói như Hoài Thanh, khiến nó “đã hiện ra một lỗ thủng” thì bài diễn thuyết của Lương Khắc Ninh không có may mắn đó. Đơn giản chỉ vì không báo nào in (?), hoặc nếu có thì tìm lại dấu vết của nó cũng không phải dễ, hoặc chỉ phát biểu miệng chăng? Nhà nghiên cứu Phạm Long Điền cho biết báo NCMĐ có tường thuật trên số báo 12 năm thứ 16 ra ngày 19.4.1917. Trong đó có chi tiết ông Ninh kêu gọi lập gánh hát: “Vậy tôi mong nhiều trai trẻ có sổ ăn sở làm mà đồng tiền còn hẹp, phải đến mấy nhà buôn mà xin làm đêm, làm giờ, chớ chi một ít thậy hiệp lại, nhơn công một tuần chừng ít giờ tập hát theo tân thời, trước là chơi, hạ là có tiền mà xài, ba là cải lương các điệu hát. Chuyện nói đây không khó, đó là học trò trường Taberd đến lúc phát phần thưởng nó ra hát theo Lang Sa, bộ tịch như Lang Sa. Rất đỗi hát theo ngoại quốc, trẻ em còn làm được, hà huống người An Nam mà hát An Nam không được sao?”.

Với ý kiến này, ông Diệp Văn Kỳ không đồng tình, tranh luận lại và nêu ra 3 khó khăn, đại khái, cuộc hát phải có nhạc, ai là thầy nhạc? Ai là Corneille, Molière viết kịch bản? Diễn phải có đào kép, ai làm đào? “Tóm lại bài diễn thuyết của ông Lương Khắc Ninh có mấy điểm chính yếu sau đây: Ông Ninh đi tìm một loại hình sân khấu thay hát bội, đó là sân khấu cải lương; Nhưng sân khấu cải lương theo ông Ninh đặt trọng tâm vào hí kịch, tức thoại kịch giễu đời; Sân khấu cải lương từ lối viết tuồng cho đến diễn xuất, y trang đều hoàn toàn theo Pháp. Do đó không có cổ nhạc dùng để đệm và tuồng hát rút tỉa đề tài từ cuộc sống thực tại. Những điểm chánh yếu này là cái mốc đánh dấu sự phát khởi của sân khấu cải lương miền Nam. Sau bài diễn thuyết của ông Lương Khắc Ninh, phong trào cải lương rầm rộ đi về tỉnh và được sự hỗ trợ của nhà cầm quyền lúc bấy giờ. Cuối năm 1917 đến đầu năm 1918, sân khấu cải lương do ông Ninh đề ra, lại thoát xác để rồi các bài ca được đưa lên sân khấu trong các vở tuồng gọi là cải lương” (TL 2, tr. 37). Tất nhiên, buổi ban đầu ấy các vở tuồng cải lương có tính chất thể nghiệm, còn phải thay đổi, “lột xác” nhằm bổ sung, hoàn thiện dần để đi đến sự định hình mẫu mực.

Hiện nay, với nhiều tài liệu mới về cải lương đã công bố, qua đó, một lần nữa vai trò của Lương Khắc Ninh đã được thừa nhận, có thể xem thêm từ Bước đường cải lương (NXB TH TP.HCM - 2018) của Nguyễn Tuấn Khanh, Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương - cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (NXB Văn hóa Văn nghệ - 2013) của Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp. Tuy nhiên vẫn chưa ai công bố đầy đủ bài diễn thuyết quan trọng vừa nêu trên.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại chi tiết là năm 1922, ông Ninh đã dẫn dầu phái đoàn hát bội sang lưu diễn tại Pháp nhân có hội chợ đấu xảo tại Marseille. Được biết, vua Khải Định cũng có mặt ở Pháp vào dịp này. Khải Định rời Huế vào ngày 20.5.1922, lúc sang đến nơi thì lập tức sự phản đối của kiều bào lan rộng khắp Paris. Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc viết vở kịch Con rồng tre, nói lên thân phận bù nhìn của vua nước Nam, cụ Phan Châu Trinh viết Thư gửi cho Khải Định (mọi người vẫn quen gọi là Thất điều thư). Trong thư, cụ Phan kể bảy tội của Khải Định đáng chém đầu:

1.Tôn bậy quân quyền;

2. Lạm hành thưởng phạt;

3.Thích chuộng những sự quỳ lạy;

4.Xa xỉ quá độ;

5.Ăn mặc lố lăng;

6.Chơi bời vô độ;

7.Chuyến đi Pháp lần này có sự ám muội, không minh bạch.

Rất tiếc nhà vua đã không nghe theo. Mà trong “cơ chế” chính trị lúc bấy giờ dẫu Khải Định có muốn như thế cũng không được. Không chỉ tán đồng với quan điểm sắc bén của chí sĩ Phan Châu Trinh khi lên án vua Khải Định trong Thất điều thư, ông Lương Khắc Ninh còn viết lá thư dài bằng chữ Hán gửi cho nhà vua với những điểm chính như sau: 1. Ủng hộ việc làm của chí sĩ Phan Châu Trinh; 2. Vua phải thuận theo dân, chứ không thể đi ngược lại; 3. Phải tôn trọng chế độ quân chủ lập hiến, tôn trọng dân quyền; 4. Nhà vua phải bình tĩnh xét lại những lời kết án trong Thất điều thư; 5. Khuyên nhà vua nên dùng Phan Châu Trinh làm quân sư! Ngày 11.9.1922, ông viết bài thơ gửi cụ Phan:

Non sông dài để tiếng Châu Trinh,

Tạo vật ganh chi đó một mình.

Quản thúc vừa rồi chưa chịu nín,

Đoạn đầu chẳng khỏi, chẳng làm thinh.

Gay go nóng lạnh đâu nao núng

Nhóp nhép phong trần đáng khủng kinh.

Giữa cuộc tang thương dường  ấy hiểu,

Non sông dài để tiếng Châu Trinh.

Theo nhà nghiên cứu Thu Trang, cụ Phan có làm bài thơ Tặng Lương Khắc Ninh bằng chữ Hán, hiện chưa tìm được, căn cứ vào văn bản dịch ra tiếng Pháp lưu trữ tại văn khố Pháp, bà đã dịch nghĩa: “Xin cảm tạ ai đã nghĩ tới Châu Trinh/ Tôi đau lòng cho đất nước và hổ thẹn cho mình/ Chẳng hề chi đối với tôi, những sung sướng hay đau khổ/ Miễn là tôi phụng cho dân và nước được thảnh thơi/ Nhưng, con rồng nằm trên một vũng nước nhỏ, không thể xoay xở được/ Con chim đã bị tên rồi thì dễ sợ cây cong/ Những ai có lòng yêu nước thì không thể dửng dưng/ Trước những hiện tình của non sông xứ sở/ Xin cảm tạ ai còn nghĩ đến Châu Trinh” (TL 3, tr.175). Qua đây, ta thấy rõ tính cách của ông Lương Khắc Ninh, âu cũng là phẩm chất chung của con dân nước Việt, trong đó có người Bến Tre tức là thấy chuyện đúng là làm chứ không uốn éo uốn lưỡi né tránh. Tinh thần này, nghĩ cho cùng cũng là tính cách của Lục Vân Tiên đó thôi: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng".

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay - số 1054 ngày 20.11.2019)

Ghi chú:

TL 1: Cuộc vận động đổi mới tư duy kinh tế của Lương Khắc Ninh trên Nông cổ mín đàm (1901-1905) - Phạm Phúc Vĩnh, Tạp chí Khoa học xã hội số 6 (226) 2017.

TL 2: Tạp chí Bách Khoa số 415 ra ngày 27.9.1974.

TL 3: Phan Châu Trinh toàn tập (Tập 1), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam biên soạn, NXB Đà Nẵng-2015.

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com