Khéo bảo nhau rằng mới với me
Bảo ai rằng cũ chẳng ai nghe
Thi sĩ Tú Xương bảo cái gì mới vậy ta? Xin thưa, ông nói về năm mới đấy. “Mới với me” là cách nói gọn của “Năm mới năm me”. À, trong tiếng Việt làm gì có từ đôi “mới me”, chỉ có “mới mẻ” thôi chứ? Thế nhưng, nếu thích người ta vẫn nói “mới me mới mẻ/ mới mẻ mới me” cũng… “chẳng chết thằng Tây đen” nào. Có lẽ khi nói “năm mới năm mẻ” lại nghe không xuôi tai, do đó, âm trắc mới chuyển sang bằng để trở thành “năm mới năm me” chăng? Và cách nói này cũng ngụ ý thân mật, vui nhộn, chẳng hạn ca khúc Quê hương mùa Xuân của nhạc sĩ Tiến Luân có câu: “Vui đón Xuân sang nghe vè năm mới năm me/ Trông mau tới Tết dựng nêu, dựng nêu ăn chè”… Trước đó nữa, từ thập niên 1930, nhà thơ Tú Mỡ đã viết:
Ngày Tết ngày nút, năm mới năm me
Khéo bày khéo vẽ, lắm trò lắm vẻ
Mới mẻ là hoàn toàn mới, rất mới, khác hẳn với trước đó nhưng hỡi ôi mới me/ mới với me lại hàm nghĩa chẳng có gì đáng gọi là… mới cả. Vì thế, Tú Xương mới cho biết những gì đã diễn ra trong năm cũ thì năm nay vẫn thế, vẫn đì đẹt tràng pháo chuột, om sòm bức tranh gà, giầy dép khua chí chát, đen như cột nhà cháy cũng lượt với là… Thế mà cũng đòi mới với me!
Có bao giờ bạn đã thấy con me? Có lẽ nhiều người lắc đầu bởi lạ tai quá, thật ra con me chính là con bò con/ con bê mà người xứ Nghệ, Quảng Bình… đã sử dụng. Me thì có nhiều loại me. Một nhà báo viết: “Sài Gòn ngày trước, trên đường có nhiều me Tây”. Cũng me Tây, nhà văn Vũ Trọng Phụng viết: “Tôi hỏi Suzanne: - Tại sao phần nhiều các me Tây vẫn già, vẫn xấu…”. Ở câu trên, me Tây là một loại cây thân to, xòe bóng mát, còn có tên gọi như còng, muồng tím, muồng ngủ… Nó hoàn toàn không liên quan gì đến me Tây trong Kỹ nghệ lấy Tây - nhằm chỉ người đàn bà Việt lấy chồng là lính viễn chinh. Lấy lính Tây, gọi me Tây. Lấy lính Mỹ, gọi me Mỹ. Me ở đây là vây mượn mère từ tiếng Pháp.
Ngoài ra còn có me-dông (maison), Đại từ điển tiếng Việt đã ghi nhận. Thời Pháp thuộc, ngoài Hà Nội có câu hát: “Me-dông tê hát vòng tròn/ Đầu đội nón dứa, tay cầm ba toong” - đố ai biết nhà gì? Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp (Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM - XB năm 1992) của nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Đức Dân cho biết: “Xưa tại khu phố Sầm Công (nay phố Lương Ngọc Quyến) có dãy nhà thổ nên có câu hát nửa Tây nửa ta như trên. Tê = t, hát= h, vòng tròn = O, tức chữ THO (tr.255). Thật ra cũng chưa rõ nghĩa lắm, phải giải thích thêm “Đầu đội nón dứa, tay cầm ba toong” thì mới rõ.
Không những thế, còn có cả monsieur cũng du nhập từ tiếng Pháp. Từ này được phát âm thành me-xừ/ mông-xừ/ mơ-xừ để rồi cuối cùng phổ biến nhất là xừ - dùng để gọi người đàn ông nào đó. Cách gọi có thân mật, bông đùa hay xách mé còn tùy thuộc vào ngữ cảnh cụ thể. Điều cũng thú vị không kém là me-xừ/ xừ đã đi vào thơ Việt Nam, hầu như không còn dấu vết “con lai” dù cách ghi sừ/ xừ không thống nhất:
Văn ngài đọc sướng làm sao
Véo von như hót, ngọt ngào như ru
Các xừ mặt lớn tai to
Nghe câu tán tụng tựa hồ lên tiên
(Tú Mỡ).
Tương tự như me, mới cũng có nhiều từ đồng âm. Tục ngữ có câu Mới cỏ hơn đỏ ván, ta hiểu theo nghĩa bóng là ngụ ý đối với người đã khuất thì việc đắp mồ mả, tảo mộ hằng năm vẫn ý nghĩa hơn việc lo cỗ áo quan cho sang, cho hoành tráng nhưng sau đó lại quên tuốt luốt, không ngó ngàng gì tới. Nói cách khác lòng tưởng nhớ đến người đã khuất, thể hiện qua việc thăm nom mồ mả cần lấy làm trọng. “Mới cỏ” trong ngữ cảnh này phải hiểu là “cỏ mới” tức cỏ còn mới/ còn xanh là do nó mới mọc/ mới vừa mọc.
Trong khi đó, cũng “mới” nhưng lại chỉ về khoảng thời gian chỉ mới vừa xẩy ra, chẳng hạn, Mới có ván đã bán thuyền, Mới để vào mồm đã trôi xuống họng, Mới học nhập môn đã cong trôn phản thầy, Mới nở mũi đã khôn… Mới ấy, tùy theo cấp độ còn có mới rợi, mới vừa, mới đây, mới đó…
Một khi chê trách ai không thủy chung, vừa có cái mới, cái tốt, liền phủ phàng, rẻ rúng cái cũ đã từng gắn bó với mình, tục ngữ có câu: Mới chuộng cũ vong/ Có mới nới cũ thì mới ở đây là sự vật/ con người nói chung chứ không chỉ về thời gian. Đồng nghĩa, gần nghĩa với tục ngữ này, còn có các câu khác như Có bát sứ phụ bát đàn, Tham đó bỏ đăng, Tham chuông phụ mõ, Có trăng quên đèn, Có oản phụ xôi, Có cam phụ quýt… Với một loạt câu này, ta có thể thấy được cốt cách ứng xử trong văn hóa người Việt: bao giờ cũng nhắc nhở sống là phải thủy chung, có trước có sau.
Năm mới năm me, ăn cơm mới nói chuyện cũ âu cũng lý thú. Rằng, lần nọ về công tác ở khu IV, qua xứ Nghệ, nhà thơ Thanh Tịnh cùng vài bạn văn vào quán Hành lai rai ba sợi. Đang khoan khoái, nhà thơ cao hứng xuất khẩu ra… câu đối cực kỳ cắc cớ:
Vào xứ Nghệ, ra quán Hành, uống rượu gừng, chuyện cà tỏi cà riềng, toàn gừng cay muối mặn
Vế đối này, có nghệ, hành, gừng, riềng, tỏi, cà... nên ai nấy cũng đều tắc tị, khó đối lại được. Thế là, ông “gút” lại luôn:
Đến Đồng Nai, nhớ Kỳ Lừa, ăn thịt chó, ngồi tán hươn tán vượn, đầy rắn ráo cày tơ”.
Ai cũng khen hay. Với vế đối này, ta thấy xuất hiện cụm từ “cà riềng cà tỏi”. Thật ra ban đầu, một khi nói về ai đó cứ nói nhây, lải nhải, cằn nhằn, đay nghiến, nhắc đi nhắc lại một việc để trách móc, gọi là cà riềng. Cũng còn có thể hiểu theo nghĩa kẻ đó nói lăng nhăng, muốn gây sự bằng những chuyện không đâu. Ca dao có câu: “Thầy tu ăn nói cà riềng/ Em thưa quan lớn đóng xiềng thầy tu”. Nhưng rồi, một khi muốn nhấn mạnh ở cấp độ cao hơn nữa, lập tức xuất hiện thêm cà tỏi. Sở dĩ như vậy vì riềng/ tỏi cùng được sử dụng làm gia vị nấu nướng, ẩm thực nên dễ dẫn đến sự liên tưởng cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, một khi tách cà tỏi ra khỏi cà riềng thì nó lại không có nghĩa bóng như ta vừa bàn. Thậm chí ngay cả từ cà tỏi cũng thế. Cà là tán nhuyễn, cọ xát vào một vạt cứng khác, với tỏi không ai gọi cà tỏi, nếu cần vẫn là giã tỏi. Cà là cà, tỏi là tỏi. Riêng biệt rõ ràng, không thể kết hợp cà tỏi để tạo ra nghĩa mới.
Cà có nhiều nghĩa, thí dụ, ngựa cà, bò cà là động vật giống đực; trâu cà là trâu bị thiến - Tự điển Việt - Pháp - Hoa của Gustave Hue (1937) cho biết. Thế nhưng, người miền Nam một khi nói trâu cà, ta hiểu lại là “Trâu cạ mình; hoặc mài sừng” như Đại Nam quấc âm tự vị (1895) đã ghi nhận.
Trở lại với cụm từ “cà riềng cà tỏi”. Ai cũng biết, ngủm là chỉ ai đó vừa hồn lìa khỏi xác, dạo chơi Suối vàng, phiêu diêu miền Tiên cảnh nhưng tại sao lại là “ngủm củ tỏi”? Rồi lúc cãi lộn ồn ào, nhốn nháo, ầm ĩ, gây khó chịu thì cái sự om/ ỏm này cũng “lôi” tỏi vào cho bằng được: cãi ỏm tỏi. Tại sao thế? Đố ai có thể trả lời nổi.
Ở vế đối của nhà thơ Thanh Tịnh, còn có cụm từ “tán hưu tán vượn” nhằm ngụ ý nói chuyện phiếm, vô thưởng vô phạt, tán ngẫu, tựa như “Tán ma tán mãnh” cũng nằm trong trường hợp này. Tại sao phải là hưu với vượn/ ma với mãnh? Thế thì trong tiếng Việt, đôi lúc có những cách diễn đạt mà ngay cả… người Việt cũng bí rị khi tìm cách giải thích rành mạch.
Tương tự, một người bị ốm/ đau phải cậy đến bác sĩ khám bệnh cho mình, hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị nhưng rồi cách nói quen thuộc vẫn là: “Vậy, bạn đi khám bác sĩ chưa?”. Khám là xem xét, xét, lục soát kiểm tra, tìm cho ra một sự vật, sự việc nào đó. Trong ngữ cảnh này mình phụ thuộc vào chuyên môn của bác sĩ, chứ nào phải bác sĩ cậy đến mình mà lại nói thế?
Lại nữa, ngày Tết, vui Xuân, có người vào quán dõng dạc: “Cho món lươn bằm xúc bánh tráng”. Bằm là băm, chẳng hạn, “Giận cá băm thớt; Giàu thì băm chả băm nem/ Khó thì băm ếch đỡ thèm cũng xong”… Băm cũng là vằm - nhằm chỉ động tác sử lý một vật gì đó vừa có rắn lại vừa có mềm lẫn lộn bằng cách chặt, bổ xuống đều tay, nhanh tay làm cho nhỏ, cho tơi, cho nát, cho thật nhuyễn nhừ. Thế thì, con lươn một khi đã trong trạng thái đó, làm sao có thể xúc bánh tráng, phải ngược lại chứ? Tất nhiên. Những cách nói này, dù tréo ngoe nhưng rồi người nghe cũng hiểu và chấp nhận.
Rõ ràng, cách viết/ nói của người Việt quá ư cắc cớ.
Và như đã biết khi Nguyễn Công Trứ viết: “Tưởng chơi ba chữ cho vui vậy” thì chữ còn nghĩa là đồng - đơn vị nhỏ nhất này còn gọi là trự. Có điều thú vị, trự còn đồng âm theo nghĩa: “Thằng, con, tiếng gọi người hay vật với ý nửa khinh, nửa đùa: Bắt được một trự”- như Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức đã ghi nhận. Xét ra, hiểu trự theo nghĩa nay tương đương với mống - tức là một trong số đông. Nếu nói “Bắt được một mống” thì nghĩa vẫn y chang.
Với từ mống, ta thấy cách phân biệt của người Việt cũng không kém phần đáo để, chẳng hạn ta vẫn thường nói: “Mầm non mới nhú” thì cái sự nẩy mầm ấy cũng gọi là mống. Thế nhưng với câu tục ngữ Khôn sống, mống chết thì mống ở đây lại có nghĩa khác, đó là chỉ sự dại dột, vụng về.
Nhân đây, xin nói luôn nếu từ phổ thông toàn dân đã gọi mầm mới nhú là “mống” thì người miền Nam còn gọi là “mộng”. Phương ngữ Nam bộ (NXB Hội Nhà văn - 2015, tr.960) của Nam Chi Bùi Thanh Kiên ghi nhận với câu dẫn: “Mấy bữa rày, mưa chèm chẹp, lúa đập rồi không phơi phóng được, lên mộng nhiều quá”. Thế nhưng một khi ai đó nói trâu mộng, bò mộng thì phải hiểu là đang nói đến con trâu, con bò to béo - thường do đã… bị thiến! Oái ăm ghê. Tội nghiệp thiệt.
Với mống nhằm chỉ đoạn cầu vồng ở phía chân trời, một khi dùng từ trái nghĩa của dài trong mống dài, ta dùng nào mới chính xác? Như đã biết, dài không chỉ trái nghĩa với ngắn: “Lươn ngắn lại chê trạch dài/ Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm” mà còn có vắn: “Tóc mai sợi vắn sợi dài/ Lấy nhau không đặng thương hoài ngàn năm”. Nào đã hết, còn có từ trái nghĩa là cộc: “Con chim xanh đứng bóng thở dài/ Thương anh áo cộc vá vai hai lần”. Áo cộc là áo ngắn tay nhưng một khi nói Áo cộc quần manh lại hiểu theo nghĩa bóng chỉ lớp người nghèo hèn. “Ông trăng mà lấy bà trăng/ Đẻ ra con rắn thằn lằn cộc đuôi”. Cộc đuôi là đuôi ngắn.
Vậy, ta chọn vắn/ ngắn/ cộc chăng? Không. Trái nghĩa với mống dài lại là… mống cụt, bằng chứng có câu cửa miệng: “Mống dài trời lụt, mống cụt trờì mưa” - nói về kinh nghiệm xem thời tiết. Cụt trong ngữ cảnh này, không có từ nào có thể thay thế, nhưng thật ngộ, trong khi đó, với từ cộc lại hoàn toàn có thể. Thí dụ như: “Con cá đối nằm trên cối đá/ Con mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo/ Anh mà đối đặng dẫu nghèo em cũng ưng”. Đuôi cụt là cộc đuôi/ đuôi ngắn.
Ca dao xưa có câu: “Còn duyên anh cưới ba heo/ Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi” thì rõ rằng cái đuôi con mèo này bị cụt - tức trước kia đuôi nó cũng dài (như bao con mèo khác), nhưng do tác động nào đó (từ bên ngoài) nên mới ngắn/ ngắn củn lại, chứ không phải nó thuộc hạng cộc đuôi/ đuôi cụt - hiểu như thế mới cảm được hết sự trào lộng tinh quái của chàng trai rẻ rúng cô gái “hết duyên” đến cỡ nào.
Xin thêm thí dụ khác, chẳng hạn, ai cũng biết trong cặp chuỗi từ trái nghĩa chỉ về kết quả trong cuộc đọ sức, ta có: “chiến thắng - thất bại; được - thua; thắng - bại; thắng - thua; thắng - vong”… thế mà có lúc sử dụng cả hai từ trái nghĩa nhưng người đọc/ nghe vẫn… hiểu như thường! Thí dụ, “Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã đánh thắng giặc Nguyên-Mông”/ “Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã đánh bại giặc Nguyên-Mông”. Ai cũng hiểu dưới quyền chỉ huy tài ba, lão luyện, mưu trí của ngài thì bọn giặc Nguyên-Mông đã bị đánh tan tành xác pháo, bị đánh tả tơi không còn manh giáp.
Lại nữa, với chuỗi từ trái nghĩa khác, thí dụ “ra - vào”, ta nhớ đến câu ca dao có câu: “Con kiến mà leo cành đa/ Leo phải cành cộc leo ra leo vào/ Con kiến mà leo cành đào/ Leo phải cành cộc leo vào leo ra” là hai chuyển động trái ngược nhau. Ấy thế, đôi lúc “ra - vào” được sử dụng như nhau mà vẫn không trái nghĩa. Nhân dịp xuân mới, bà mẹ bảo cậu con trai: “Năm này, 18 xuân xanh rồi đấy, mừng con đủ tuổi chững chạc ra đời”. Cậu con thưa: “Dạ, con vào đời chắc còn nhiều bỡ ngỡ”. Sở dĩ, người con dùng từ “vào đời” bởi lẽ từ “ra đời” của người mẹ không hàm nghĩa “được sinh ra” như từ điển giải thích mà mặc nhiên được hiểu từ đây, cậu ta bước ra đời/ vào đời, là phải “tự thân vận động, tự lực cánh sinh” chứ không còn nhờ cậy, bám váy mẹ! Ra và vào là hiểu theo nghĩa đó, dù rằng mỗi ngày cậu ta vẫn… từ trong nhà bước ra và bước vào nhà!
Tương tự, về các từ chỉ nhiệt độ cao, nhiệt độ thấp, ta có chuỗi từ trái nghĩa như: “ấm - lạnh; lạnh - nóng; ấm - mát; ấm - rét; hàn - nhiệt; nguội -nóng; rét - bức; nực - rét; sôi - nguội; nóng - nguội; lạnh tanh - nóng bỏng… Thế nhưng, ai dám bảo cả hai câu này là không… đồng nghĩa? Chẳng hạn, lúc dạo chơi vào trời mùa đông lạnh buốt, một cô trách bạn: “Trời rét thế này, sao bạn không mặc áo ấm?”/ “Trời rét thế này, sao bạn không mặc áo lạnh?”.
Và còn nhiều, rất nhiều thí dụ khác. Trong quá trình tìm về tiếng Việt, ngoài quyển sách đã in Lắt léo tiếng Việt (NXB Trẻ - 2016) thì nay, tôi có thêm Cắc cớ tiếng Việt. Biết đâu có người hỏi cắc cớ: “Thế nào là cắc cớ?”. Trả lời thế nào? Ta hay căn cứ vào từ điển cho “chắc ăn”.
Này nhé, “Cách tinh nghịch, rắn mắt, trớ trêu. “Thuyền dài sông hẹp khó chèo/ Ai xui cắc cớ lúc nghèo gặp em” (Việt Nam tự điển - 1970); “Oái oăm, gàn rở. Duyên sao cắc cớ hỡi duyên” (Đại từ điển tiếng Việt - 1999), “Bày việc khuấy chơi, đặt điều, lắt lở “Con nít cắc cớ đào lỗ giữa đàng cho người ta sụp” (Đại Nam quấc âm tự vị - 1895). “Trớ trêu, thình lình, đột ngột, bỗng dưng (Từ điển phương ngữ Nam bộ - 1994), “Sự gàn trở. “Gái chưa chồng chơi hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ chơi hội chùa Thầy” (Việt Nam tự điển - 1930); “Tinh nghịch, rắn mắt, hay bày trò trêu ghẹo người khác để cười đùa” (Phương ngữ Nam bộ ghi chép và chú giải - 2015); “Đột ngột, biểu thị sự việc diễn ra có tính chất thình lình, hoặc có tính chất trớ trêu, hay có hàm ý trêu chọc” (Từ điển Nam Bộ - 2007).
Đại khái, cắc cớ là sự tổng hợp các định nghĩa này? Thế nhưng liệu có đủ? Khó trả lời, chỉ dám quả quyết tùy ngữ cảnh cụ thế mà ta có thể hiểu cắc cớ theo các nghĩa vừa liệt kê; hoặc cũng có thể bổ sung nghĩa thêm. Cắc cớ thiệt, chứ nào phải đùa.
Mà cái sự cắc cớ, lắt léo gì gì đó nói chung trong tiếng Việt là gì nhỉ? Nhà ngôn học tài ba Cao Xuân Hạo đã gọi là “linh hồn tiếng Việt”. Trong tập sách Tiếng Việt, văn Việt, người Việt (NXB Trẻ - 2001), ông viết: “Cái hồn ấy, cái mà Wilhelm von Humboldt gọi là Volkstum “hồn dân”, và Sprachestum “hồn tiếng” mà người bản ngữ đều mang trong xương tủy, và chỉ có một số cực kỳ ít ỏi những người ngoại quốc sống rất lâu giữa lòng bản ngữ mới có được” (tr. 27).
Và ông nhấn mạnh: “Tư duy của loài người là một, nhưng các phương tiện biểu đạt tư duy trong các thứ tiếng lại vô cùng phong phú và đa dạng. Và chính tính đa dạng của ngôn ngữ, cũng như của các lãnh vực khác trong nền văn hóa dân tộc, làm cho sự hội nhập có thể được thực hiện mà không dẫn tới sự đơn điệu tẻ nhạt. Một dân tộc đã đánh mất cái linh hồn nằm sâu trong tiếng mẹ đẻ của nó liệu có thể giữ được cái bản sắc độc đáo trong nền văn hóa dân tộc được không, và từ đó, còn có thể đóng góp được gì vào bức tranh muôn màu của văn hóa nhân loại? Không! Linh hồn của tiếng Việt không hề mất” (tr.38).
Về tiếng Việt, ta cứ việc bàn dần. Chẳng gì mà vội. Bởi một lẽ đơn giản, tình yêu dành cho tiếng mẹ đẻ đã ngấm vào máu thịt ngay từ khi chúng ta vừa cất tiếng oa oa lọt lòng.
L.M.Q
(nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay - số 1029 ngày 10.3.2019)
Ghi chú:
Bản đầy đủ khi đưa vào tập sách cùng tên
< Lùi | Tiếp theo > |
---|