THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Nguyễn Đình Chiểu - “càng nhìn càng thấy sáng”

LÊ MINH QUỐC: Nguyễn Đình Chiểu - “càng nhìn càng thấy sáng”

 

cang-nhin-can-g-thay-sang-1R

 

 

Tại miền Nam thuở xưa, có một loại hình nghệ thuật rất phổ biến, na ná như thơ nặc danh ngày nay, thay vì viết văn xuôi, người ta viết thành thơ, gọi “thơ rơi”.

 

Thế nào là thơ rơi?

 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu: “Nó được đem ngâm nga như nói thơ, nói vè. Nội dung của nó tuy đa số là chuyện riêng của một người, đôi khi một hạng người, nhưng nó đã góp phần biêu riếu sự gian tà, đả phá những tục hư nết xấu bằng những lời nói lớn, bằng những tiếng phân bua mạnh mẽ, để thiên hạ biết đâu là lẽ phải nên theo, đâu là điều tà nên tránh”; “Khi tư trào Quốc ngữ lên mạnh, thơ, vè, truyện, vãn lần lượt rút lui vào vị trí trân tàng chứ không còn đắc dụng như xưa nữa. Sự vây mượn thơ rơi để làm thơ tín cũng bị gạt bỏ. Người ta bắt chước theo cách viết sáng sủa, gọn ghẽ của lối văn xuôi mới. Ý nghĩa thơ rơi từ ấy cũng chỉ còn có nghĩa là một thứ thơ nặc danh dùng tố cáo hay bôi nhọ một cá nhân nào đó” (Diện mạo văn học dân gian Nam bộ, Tập 1, NXB Trẻ-2004, tr.119).

 

Đồ rằng, thơ rơi phần nhiều do lớp người hay chữ sáng tác ra, nội dung là tâm sự nhớ nhung, hẹn hò thề non hẹn biển của trai gái gửi cho nhau. Nhưng cũng có khi là tâm sự của những người xa xứ gửi cho người thân của mình (như bài Xứ Trà Lơn…). Loại thơ rơi này cũng được những người xẩm ở bến phà, bến xe hát cùng truyện thơ như Thơ thầy Thông Chánh, Thơ Sáu Trọng, Thơ Sáu Nhỏ, v.v…,  Ai muốn học thuộc phải cho người xẩm 2 cắc để họ dạy lại. Có một điều rất thú vị, do tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian, do đó, nó đã đi vào thơ rơi ở An Giang:

 

Đêm năm canh trong dạ bồi hồi

 

Ngày sáu khắc không nguôi dạ ngọc

 

Đó em noi cô Nguyệt Nga mà học

 

Họa tượng chồng thờ Lục Vân Tiên

 

Nào hay đâu cống xứ qua Phiên

 

Nhảy xuống sông xa vời hồn phách

 

Lòng dặn lòng xin em chí mực

 

Em đừng thương đó bỏ đăng

 

Tiếc cuộc đời như thể bóng trăng

 

Khi tỏ rạng đến ngày lại khuyết

 

Xin trích thêm một đoạn thơ rơi từng phổ biến tại vùng Ba Tri:

 

Thảo thảo vài hàng chữ mực

 

Làu làu một tấm lòng son

 

Chạnh tấm lòng thương nước nhớ non

 

Dạ hằng tưởng thân kia bạn ngọc

 

Em ơi! Sao không lấy theo Nguyệt Nga mà học

 

Bạc đầu thờ hình tượng Vân Tiên

 

Bắt chước chi những gái Điêu Thuyền

 

Sớm lấy Đổng Trác, tối về Phụng Tiên

 

Khi lưu dân tứ xứ đến vùng đất mới phương Nam, lịch sử đã chứng minh đó là lớp cư dân sống ân tình, thấu rõ đạo nghĩa, có trước có sau, có trên có dưới… làm nên điều này ắt có nhiều tác động, trong đó, có tác động của các tác phẩm đề cao đạo lý: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình” (Lục Vân Tiên). Do đó, không phải ngẫu nhiên khi khảo sát sức sống của nhân vật trong truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu, ta thấy ta thấy đa phần đề cập đến thủy chung chồng vợ, đạo lý làm người. Ở Bến Tre đã lưu hành những câu hát ở vùng Mỏ Cày, Hàm Luông, Cái Mơn, Chọ Lách…, dù thời nào nhưng ngẫm đi ngẫm lại vẫn thấy đúng:

 

Trên trời dưới nước anh giao ước một lời

 

Gửi thơ sợ ướt gửi lời sợ quên

 

Trên trăng dưới thủy bấy lâu em thủ thỉ đợi mình

 

Như Nguyệt Nga thời trước ôm tượng hình chờ Vân Tiên

 

Cùng dặn dò:

 

Bậu đừng tham sắc mê tình

 

Hãy ngó Vân Tiên ăn ở chí tình thủy chung

 

Cùng nhắn nhủ:

 

Đạo vợ chồng phải xét cho ra

 

Anh Vân Tiên mù mắt chị Nguyệt Nga còn chờ

 

Đừng quên:

Mấy lời than cùng em thiết yếu

 

Nước mắt anh ríu ríu tuôn ra

 

Em ơi em không nhớ thuở xưa kia

 

Anh Vân Tiên mắc nạn, chị Nguyệt Nga vẫn chờ

 

Đặc biệt nhất vẫn là cuộc đời, tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu đã đi vào thai đố. Thế nào là thai đố? Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng căn cứ vào tài liệu của Trương Vĩnh Ký cho ta biết tỏ tường: “Thai đố là trò chơi ức đoán ngày xưa. Nói ngày xưa bởi ngày nay rất hiếm ai biết. May mắn là trong thủ bút của cụ Trương Vĩnh Ký (hộp II, tập 15, Thư viện KHXH tại TP.HCM) có ghi lại mấy dòng: “Nhân ngày nguyên, trăng thanh gió mát, tạnh ráo, chủ bày ra kêu mấy anh em tới chơi. Chọn một người hay chữ giỏi làm thầy thai ra đề, cầm trống cho người ta nói thai. Người ta phất một lồng đèn vuông bằng giấy trắng. Bốn phía có viết đề thai dán lên trên đó. Đề thai hoặc “xuất danh”, “xuất vật dụng, khí dụng”, hay “xuất mộc”, “xuất thú”, hoặc “xuất tục diêu”, “bình Túy kiều”, hay “xuất điển”, “chiết tự”... Ai nói trúng được, trúng ý đề thai nêu ra thì được thưởng. Mỗi đề đều nói rõ trước là sẽ thưởng vật gì như quạt, khăn vuông, hầu bao, giấy mực... Nói trúng thì đánh một hồi trống, nói trật thì gõ tang trống”.

 

Thai, còn đọc là xai, từ Hán Việt có nghĩa là: nghi, bói, định chừng. Huình Tịnh Của trong Đại Nam quấc âm tự vị (Sài Gòn, 1896) đã cho biết như vậy. Ông còn định nghĩa: 1/ Ra thai: ra lời hai ba nghĩa làm như câu đố; 2/ Thầy thai: thầy ra câu đố, làm lời bóng dáng mà chỉ vật; 3/ Câu thai: câu đố. Đến đây thì đã rõ thai đố là như vậy. Ở phương Nam, kết quả điều tra thực tế cho thấy rằng ngày xưa ngoài Long An thì Bến Tre có trò chơi thai đố khá thịnh. Có lẽ đó là thực tế mà Trương Vĩnh Ký đã trải nghiệm (Báo Tuổi Trẻ chủ nhật ngày 10.2.2007).

 

Chú ý đến câu: “Bến Tre có trò chơi thai đố khá thịnh”, tôi xin được nêu vài câu thai đố, có thể ban đầu ra đời tại Bến Tre, sau đó lan truyền tới vùng miền khác:

 

Quyết tâm rửa sạch quốc thù

 

Ô hô cặp mắt công phu lỡ làng

 

(Xuất nhân)

 

Đáp: Nguyễn Đình Chiểu

 

Đem chuông lên đánh Sài Gòn

 

Để cho nữ giới biết con ông Đồ

 

 

(Xuất nhân)

 

Đáp: Sương Nguyệt Anh

 

Ai vừa ra khỏi trường thi

 

Nghe tin mẹ vãng, vật mình khóc than?

 

Ai mà bị hổ vào hang

 

Về sau thi đỗ làm quan tại trào?

 

(Xuất nhân)

 

Đáp: Lục Vân Tiên.

 

Người ta không lấy người ta

 

Có đâu mà lấy “con ma” vẽ vời

 

(Xuất nhân)

 

Đáp: Bức tượng Lục Vân Tiên.

 

Có khi lại lấy chính câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu, lúc Trịnh Hâm dè bỉu ông quán:

 

Gối rơm theo phận gối rơm

 

Có đâu dưới thấp mà chờm lên cao

 

(Xuất ngư)

 

Đáp: Cá leo.

Chính điều này cho thấy, tác phẩm của cụ không đóng khung trong phạm vi nghiên cứu của các học giả mà đã thâm nhập vào quần chúng. Thế thì, sự hiện diện của Nguyễn Đình Chiểu trên đất Bến Tre càng sâu đậm. Nếu Bến Tre là vùng đất trở thành máu thịt trong tâm thức Nguyễn Đình Chiểu, ngược lại tầm vóc, bóng dáng Nguyễn Đình Chiểu cũng tạo nên dấu ấn văn hóa cho Bến Tre. Từ năm 1861, gia đình cụ Đồ từ Cần Giuộc xuống định cư tại Bến Tre và an nghỉ tại nơi này, phần mộ ấy không chỉ là dấu vết của “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì” (Nguyễn Gia Thiều), còn là một giá trị văn hóa. Tinh thần ái quốc, quyết chống ngoại xâm, tấm lòng yêu nước thương dân, tài năng đức độ của cụ đã trở thành nguồn động viên, tiếp sức cho thế hệ sau.

Chiều Ba Tri vàng mơ

Trăng đang nhô lên sáng rực

Trăng mọc lên từ ngôi mộ nhà thơ

Tôi nhìn về An Đức

Thấp thoáng dưới trăng xa

Bóng những người du kích

Đang luồn sâu vào trong lòng địch

Đêm nay họ nằm cạnh nhà thơ

(Lê Anh Xuân, 1966).

Một hình ảnh tuyệt đẹp về sự nối tiếp mà đương thời cụ Đồ đã từng tâm niệm: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia”. Nhớ về Bến Tre, thế hệ hậu sinh chúng ta quên gì thì quên, không thể quên mảnh đất này trải qua năm tháng đã lưu giữ hồn cốt cụ Đồ Chiểu - một nhân cách lớn, một tài năng lớn - nói như Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này. Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn chúng ta càng thấy sáng” (Tạp chí Văn Học, 7.1963).

(nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay - số 1052 ngày 1.11.2019)

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com