THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc: VỀ ĐỊA DANH BẾN TRE - TRE LÀ “TRE” HAY “CÁ”?

Lê Minh Quốc: VỀ ĐỊA DANH BẾN TRE - TRE LÀ “TRE” HAY “CÁ”?

 

tre-la-tre-hay-ca-1R

  

Chừng hơn 50 năm mươi năm trước, khi qua bắc Mỹ Tho, thiền sư  Thích Nhất Hạnh ngước mắt nhìn lên trời xanh, chập chùng sóng vỗ chân thuyền, bao la trời mây, tâm hồn lúc ấy hào hứng, khoáng đạt và đã có suy nghĩ lên như reo như hát: “Tôi ra đứng trước mũi thuyền, nhìn con thuyền rẽ sóng tiến tới và mê say ngắm dòng sông đang cuồn cuộn chảy một cách oai hùng. Sông cũng oai hùng như núi, mà hiếu động hơn núi. Nước sông đỏ quá, phù sa nhiều quá… Bến Tre! Bến Tre! Tôi chẳng thấy tre đâu cả. Chỉ thấy toàn dừa. Vâng, chỉ thấy dừa… Nhưng ấn tượng con sông cuồn cuộn trong mùa nước lên vẫn còn sâu đậm trong tâm hồn tôi” (TL 1, tr. 21).

 

Không riêng gì nhà sư Thích Nhất Hạnh - người Huế mà ngay cả những người vùng miền khác khi đến với với Bến Tre cũng đều có suy nghĩ tương tự. Tức là một sự ngạc nhiên mà ngộ nghĩnh: “Tôi chẳng thấy tre đâu cả”.

Nghĩ cũng lạ. Có những địa danh rất quen thuộc, nhưng để tìm hiểu ý nghĩa của nó thì không dễ dàng chút nào. Do đó, không phải ngẫu nhiên khi tìm về địa danh của một vùng đất, khi gọi tên, người ta dễ dàng có sự liên tưởng về cảnh vật từ cái tên ấy. Chẳng hạn, với Sài Gòn, có địa danh như Hàng Sanh  - nơi mọc nhiều cây sanh, về sau đọc trại thành Hàng Xanh;  Hóc Môn do nơi ấy có nhiều đầm môn nước mọc um tùm v.v…

Hoặc địa danh Bến Lức ở Long An, ta có thể hiểu đại khái, nơi này ngày xưa ở bến sông có mọc nhiều cây lứt. Loài cây dại này mọc bạt ngàn khiến lưu dân người Việt khi đến lập nghiệp phải vất vả trong lúc khai hoang vỡ đất, nhưng ông trời không phụ người xa xứ, cây lứt có thể ăn được trong lúc thất bát, đói lòng. Vì nơi ấy có nhiều cây lứt nên mọi người quen miệng gọi Bến Lức, do cách phát âm không phân biệt t và c. Từ một vùng đất hoang vu, cỏ dại, hùm beo, sấu... lưu dân nhiều thế hệ đã lập thành làng, thành xóm chung sống với nhau từ đời này qua đời khác.

Còn Bến Tre thì sao?

Đọc lại các tập sách Géographie Physique, Économique et Historique de la Cochinchine do Hội Nghiên cứu Đông Dương chủ trương, in ấn từ năm 1901 đến năm 1911, qua đó, ta thấy gì về cách giải thích địa danh Bến Tre? Tài liệu này đáng tin cậy và cũng là công trình nghiêm túc mà người đứng đầu là ông M.G. Dũrrwell - Phó Chánh án Tòa Thượng thẩm từng sống lâu năm tại Nam kỳ. Phần chuyên khảo riêng về tỉnh Bến Tre giải thích: “Bến Tre ngày trước được người Căm bốt gọi là Sóc tre (xứ tre) vì nhiều “giồng” phủ tre rải rác trong tỉnh. Về sau người An Nam lập nên một cái chợ mà họ gọi là Bến Tre. Con rạch chảy ngang trước chợ và đổ vào sông Hàm Luông nên cũng mang tên này” (TL 2, tr.13).  

Đồng tình với Bến Tre là từ Sốc Tre (xứ tre) mà ra, theo Nam kỳ lục tỉnh địa dư chí (1872) của Duy Minh Thị còn lý giải: “Chính vì Sốc Tre có nhiều tre nên thuyền ghe xa gần ghé bến này chở tre mà thành ra danh từ Bến Tre” (TL 2, tr.16). Chưa dừng đây, còn có ý kiến cho rằng, Bến Tre là cách gọi ngắn gọn “Bến thuế của Sốc Tre”. Bến thuế này ra đời vào khoảng năm 1757, cái năm mà vùng Bến Tre sát nhập vào bản đồ nước Nam. Chỗ gần hữu ngạn rạch Bến Tre, gần rạch Cá Lóc quan địa phương có cất trạm thu thuế, kiểm tra buôn bán của thuyền bè xuôi ngược qua lại nơi này.

Năm 1971, nhà nghiên cứu có uy tín ở địa phương là Nguyễn Duy Oanh lại có ý kiến khác: “Sóc tre là phiên âm của Shok Tréy hay Trây thuộc Thủy Chân Lạp” (TL 3 - tr.410). Tuy nhiên, ông Oanh cho rằng Tréy không hiểu là tre mà lại là cá:

 

“Tréy prék: Cá sông

 

Tréy sramot: Cá biển

 

Tréy damréy: Cá voi (cá ông)

 

Tréy on-dâng: Cá trê.

 

Có lẽ xứ này trước kia có nhiều cá nên hiện giờ còn nhiều con rạch mang tên:

 

Rạch Cá Lóc (làng An Hội, tỉnh Trúc Giang)

 

Rạch Cá Trê (làng Phú Nhuận)

 

Rạch Ba Tri Cá (làng Chân Thới).

 

Hoặc còn nhiều câu ca dao dưới đây:

 

Bến Tre có nhiều hang cá ngác

 

Đường Ba Vát gió mát tận xương

 

Anh có thương em thì nối sợi chỉ hường

 

Chớ bán rao cho lắm, hãy chừa đường xuống lên

 

Hoặc:

 

Ba phen quạ nói với diều

 

Ngã ba Bến Rớ có nhiều cá tôm

 

Hoặc:

 

Chợ Ba Tri thiếu gì cá biển

 

Anh thương nàng anh nguyện về đây” (TL 3 - tr. 16). 

 

Thiết nghĩ, nếu nói gọi Bến Tre là do vùng đất này có nhiều tre, cần phải xem lại về diện tích trồng tre khi so sánh nó với các loại cây trồng khác.  Theo Géographie Physique, Économique et Historique de la Cochinchine, năm 1903, tại Bến Tre chỉ có 300 ha trồng tre; trong khi đó, có đến 6.115 ha 26,7 sào trồng dừa. Căn cứ vào tài liệu công bố trong tạp san Hương quê xuất bản tại miền Nam, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh cho biết vào thập niên 1960: “Tổng số diện tích trồng dừa của các tỉnh miền Nam là 43.340 mẫu. Riêng tỉnh Kiến Hòa chiếm 20.000 mẫu, tức phân nửa của tổng số diện tích trồng dừa ở miền Nam” (TL 4, tr. 241). Như thế, mật độ trồng tre không là “cái đinh” gì, nếu so với dừa. Vâng, phải là dừa. Nói như thế, vì nếu khảo sát từ văn học nghệ thuật ắt ta sẽ thấy tầng số lấy cảm hứng từ dừa xuất hiện vẫn nhiều hơn cả.

 

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre

 

Thấy bông lúa đẹp thương về Hậu Giang 

 

Về địa danh Bến Tre, qua những cách lý giải trên, thật khó có thể dẫn ra một kết luận cuối cùng, vì rằng, giải thích về địa danh là điều không dễ dàng. Đôi khi cha mẹ đặt tên cho con theo một tâm tư thầm kín nào đó, thậm chí… ngẫu hứng, nếu không nói ra ắt người con khó có thể hiểu rõ vì nguyên nhân gì, cơn cớ ra làm sao. Về sau, người con suy luận là theo suy nghĩ chủ quan của mình, có thể đúng về lý, về ý nghĩa, hợp logic, nhưng chắc gì đã đúng theo ý nguyện, suy nghĩ của cha mẹ?

 

Nào riêng gì Bến Tre, các địa danh khác cũng ít nhiều rơi vào trường hợp nan giải này. Thế thì, tùy theo suy luận, mỗi người có quyền chọn cách giải thích mà mình ưng ý. Điều này, nghĩ cho cùng là bình thường, nếu lựa chọn đó bắt nguồn từ một tình yêu vô bờ bến về vùng đất mình đã sinh. Mà tre trong địa danh Bến Tre, là từ tre hay “cá” (Tréy), đến nay chẳng ai có thể nói chắc như đinh đóng cột, kết luận chắc nịch cả. Do đó, không phải ngẫu nhiên, có thể với những người từ nơi xa đến Bến Tre - như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã liên tưởng đến tre cũng là điều dễ hiểu. Còn như người khác, khi nhìn sóng vỗ hào sảng đến nao lòng, đột nhiên trong lòng vọng về câu ca dao trữ tình, bay bướm:

 

Sông dài cá lội biệt tăm

 

Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ

Họ không nghĩ về tre, lại liên tưởng đến cá thì sao? Chẳng sao cả. Nói thì nói thế. Rất mong nhận được ý kiến đồng tình hoặc tranh luận của các bậc thức giả đặng học hỏi thêm.

 

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay - số 1051 ngày 20.10.2019)

 

Chú thích về tài liệu trích dẫn:

TL 1:  Tạp san Giữ thơm quê mẹ, số 2 - tháng 8.1965.

TL 2: Géographie Physique, Économique et Historique de la Cochinchine - Tập VII (21903) Chuyên khảo về tỉnh Bến Tre - Nguyễn Nghị-Nguyễn Thành Long dịch, NXN Trẻ - 2017.

TL 3: Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam  - từ năm 1757 đến 1945 - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa XB năm 1971.

TL 4: Kiến Hòa (Bến Tre) xưa - Huỳnh Minh, NXB Thanh Niên tái bản năm 2001.

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com