THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: TIẾP BƯỚC TỔ NGHỀ

LÊ MINH QUỐC: TIẾP BƯỚC TỔ NGHỀ

TIEP-BUOC-TO-NGHE-LE-MINH-QUOC

 

1.

 

Một lẽ hiển nhiên đã có từ trong tiềm thức: khi nhớ về cội nguồn, nguồn gốc của một dân tộc “vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, đã là người Việt thì dù ở chân trời góc biển nào, cũng luôn nhớ đến vị Tổ đầu tiên là Vua Hùng. Vì thế, Vua Hùng - Biểu tượng sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc Việt, được chọn mở đầu cho một dấu ấn văn hóa đã có hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Kế đến, đó là Tứ bất tử luôn sống mãi trong tâm thức của người Việt từ ngàn xưa đến ngàn sau: Thánh Tản Viên, Đức Thánh Gióng, Chủ Đồng Tử, Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Về Tứ bất tử, có một điều chúng tôi chưa thể lý giải vì sao, hiện nay, danh sách chọn lại khác trước, ít ra là từ triều Lê sơ (1428-1527). Trong Địa dư chí (1435), danh thần Nguyễn Trãi viết ở phần XXIII: “Người Thanh nói rằng, Tản Viên Đại Vương đi từ biển lên núi, Phù Đổng Thiên Vương cỡi ngựa bay lên trời, Chử Đồng Tử gậy nón lên trời. Từ Đạo Hạnh in dấu vào đá để đầu thai; ấy bốn vị bất tử của nước An Nam” (NXB Sử Học, Hà Nội - 1960, tr.33).

Thế thì, từ bao giờ Thánh mẫu Liễu Hạnh thay thế vị trí Từ Đạo Hạnh? Trước đây, trong tập Đối thoại Thăng Long Hà Nội (NXB Văn hóa Thông tin - 2010), nhà nghiên cứu Bùi Thiết đã đặt vấn đề nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Không riêng gì Từ điển Bách khóa Việt Nam (NXB Từ điển Bách khoa - 2005, Tập 4, tr.713) mà nhiều tài liệu khác, chẳng hạn, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh, Ngô Đức Thịnh viết chung tập sách Tứ bất tử (NXB Văn hóa dân tộc -1990) cũng chọn Thánh Tản Viên, Đức Thánh Gióng, Chủ Đồng Tử, Thánh mẫu Liễu Hạnh.

 

2.

Kế đến, trong một chừng mực nào đó, chúng ta phải nghĩ đến sự ra đời và vai trò của các vị Tổ ngành nghề. Thiết nghĩ, đây cũng là một trong những truyền thống tốt đẹp góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt. Trước hết, cần phải khẳng định, không phải chỉ khi có vị Tổ truyền nghề thì ở nước Nam ta mới có nghề ấy. Mà thật ra ngay từ thuở bình minh dựng nước, tổ tiên ta đã biết đến. Đã đành các vị Tổ là người có công dạy nghề cho dân, nhưng những người thợ tài hoa có công cải tiến nghề, đem lại lợi ích cho cộng đồng thì cũng được đời sau thờ phụng như Tổ nghề.

Vâng, lợi ích đồng phải là yếu tố đầu tiên, nếu không, sự phát triển một nghề nào đó, dù có thúc đẩy sự phát triển chung nhưng chắc gì đã là một đóng góp? Nói như thế, bởi chúng ta dễ dàng đồng tình khi nhìn về trường hợp Hồ Nguyên Trừng, dù trước mỗi lúc chế tạo thần cơ sang pháp thì người nhà Minh (Trung Quốc) phải làm “lễ tế Trừng”, xem như ông Tổ cải tiến súng thần công. Thế nhưng người dân nước Nam vẫn không tôn ông là Tổ nghề, đơn giản chỉ vì quân nhà Minh đã học lấy cách chế tạo của người Việt để đánh lại người Việt, cụ thể chúng áp dụng chống lại cuộc kháng chiến mười năm ròng rã của anh hùng Lê Lợi; kể cả sau này nữa.

Với các vị Tổ nghề ấy, có một điều thú vị không chỉ người thật mà còn là nhân vật huyền thoại, cũng có thể người thật đã được thêm thắt tình tiết, giai thoại nhằm huyền thoại hóa như một cách tôn vinh nghề của mình. GS Vũ Ngọc Khánh hoàn toàn có lý khi khẳng định: “Tổ nghề (tổ sư hay thánh sư) không nhất thiết là con người thực, do đó, gạt bỏ những nhân vật huyền thoại, là không đúng với thực tế, nhất là sự thực ở tấm lòng và ở cảm quan thẩm mỹ của người dân”. Thật vậy, có một số ngành nghề gắn liền với nhân vật thần thoại; hoặc cùng một nghề nhưng mỗi địa phương lại thờ các Tổ khác nhau, cũng có những nghề mà người làm nghề không rõ Tổ là ai v.v... Điều này, hoàn toàn phù hợp với sự nhận thức và phát triển của cư dân trong cộng đồng bởi lẽ họ tiếp cận nghề từ nhiều nguồn, nhiều hướng khác nhau.

Vậy tại sao làng nghề này lại chọn người đó làm Tổ của nghề? Đây là điều hết sức thú vị và cũng phản ánh rõ nét đạo lý của người Việt là luôn biết ơn tất cả những vị đã góp phần nâng cao, cải tiến nghề nghiệp để năng suất ngày một hiệu quả hơn. Đúng như sự phân tích của GS Vũ Ngọc Khánh: “Một ngày giỗ Tổ, một dịp hội hè, cũng là một bằng chứng cụ thể để thấy vị trí của ngành nghề trong cuộc nhân sinh”; và “Ngày giỗ Tổ bao giờ cũng là dịp “trình nghề”. Không phải sự trình nghề chung, đồng loạt như ta thấy ở hội lễ nông nghiệp, mà thật sự là một cố gắng giới thiệu những thành tựu của nghề. Những thành tựu ấy ít nhiều có liên quan đến vị Tổ sư và gợi ra nhiều suy nghĩ”.

Tiếc thay, công đức của các Tổ ngành nghề ấy, trải qua bao thăng trầm lịch sử đến nay chưa được ghi lại thật đầy đủ.

 

3.

Trong quy luật biện chứng của sự phát triển, có những ngành nghề theo thời gian đã mất dần; hoặc ngày một cải tiến, hoàn thiện với sự ra đời của khoa học kỹ thuật và nẩy sinh thêm nhiều ngành nghề mới. Với tinh thần dám đương đầu khó khăn học tập cái mới đã có nhiều người Việt tiên phong gánh vác lấy sứ mệnh: tiếp thu, thí nghiệm và thực hiện cho bằng được những sản phẩm mới ra đời và họ đã để lại nhiều thành tựu rực rỡ.

Dấu ấn đó, ta có thể kể đến biết bao con người tài hoa, uyên bác vì yêu nghề, yêu nước thương dân đã góp công góp sức chế tạo ra vũ khí đánh giặc để giữ nước như các ông Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa…; lại có những nhân vật phát minh ra những các giá trị vật chất mới, phù hợp với sự phát triển của thời đại để nâng cao đời sống, nếp sinh hoạt của người Việt tiến thêm một bước mới. Có thể kể đến các ông Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… và nhiều người khác đã bào chế thuốc Tây cho người Việt, cũng là một sứ mệnh nối tiếp ngọn cờ “Nam dược trị Nam nhân” mà ông Tổ thuốc Nam Tuệ Tĩnh, bậc thánh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã răn dạy.

Trong lãnh vực phát triển kinh tế, làm sao ta có thể quên nhà doanh điền Thoại Ngọc Hầu - đã trực tiếp chỉ huy đào và hoàn thành kinh Đông Xuyên nối liền Châu Đốc đến cửa biển Giang Thành (Hà Tiên) vào năm 1824. Sự kiện vĩ đại này được ghi nhận trong Đại Nam nhất thống chí: “Từ đây đường sông mới lưu thông, việc biên phòng, việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng”. Rồi còn có những doanh nhân hoạt động sôi nổi, dám cạnh tranh với tư bản ngoại bang khi nền kinh tế nước nhà đang bị họ thao túng nhiều mặt. Có thể kể đến vai trò của Trần Chánh Chiếu, Trương Văn Bền (miền Nam), Bạch Thái Bưởi (miền Bắc)…Hành động dũng cảm này, theo chúng tôi rất đáng ghi nhận vì đã tạo trong quảng đại quần chúng ý thức mới trong kinh doanh thương nghiệp - theo chủ trương của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX:

Việc buôn bán xiết bao phí lớn

Quan cùng dân hợp vốn mà nên

Mỗi người tháng góp một nguyên

Mười năm được tám trăm muôn có thừa

Xem “châu thức hợp tư” hội ấy

Ấy tài nguyên thịnh lợi dường bao

Nước ta dẫu gọi rằng nghèo

Hằng tâm cũng được ít nhiều bỏ ra

Trong mười người dăm ba người có

Rủ nhau mà hợp cổ cùng nhau...

Con hơn cha là nhà có phúc. Trong nhiều lãnh vực mà trước đó, ông cha ta chưa biết thì cuối thế kỷ XX đã xuất hiện tại nước Việt, há chẳng phải là điều đáng tự hào đó sao? Chẳng hạn, chế tạo tàu thủy chạy bằng hơi nước có các ông Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh; chế tạo đồng hồ máy có ông Nguyễn Văn Tú; làm ra lịch Hiệp kỷ được toàn dân sử dụng từ năm đến năm 1945 có ông Nguyễn Hữu Thận…Thật ra, làm nên các kỳ tích này, không chỉ là các nhân vật cụ thể được đời sau biết rõ tên họ, chúng tôi rất muốn nhấn mạnh đến công sức, trí tuệ của biết cộng sự Vô Danh khác đã đồng hành.

Chúng tôi cho rằng, khi khảo sát về ngành nghề, các vị Tổ của nghề hoặc các nhân vật tiên phong trong lãnh vực đó thì cũng là lúc ta thấy được sự phản chiếu các giá trị văn hóa, tinh thần văn hóa của một dân tộc.

4.

Thiết nghĩ, sự tiếp cận một giá trị vật chất có tính toàn cầu nhưng mỗi dân tộc đều có cách tiếp thu và biến hóa, áp dụng khác nhau. Tại sao? Phẩm chất văn hóa, dân tộc tính của từng dân tộc đã làm nên sự khác biệt đó dù vẫn có chung mẫu số.

Đầu thế kỷ XX, cùng với lưởi lê, súng đạn thì dưới ngọn cờ Tam Tài của quân đội viễn chinh xâm lược Pháp còn có những hình thái văn nghệ, kể cả giáo dục mới tràn vào nước Việt. Sự cọ sát, va chạm của hai nền văn hóa Đông - Tây đã nẩy sinh ra một thế hệ trí thức mới, lớp công chúng mới. Họ sẵn sàng tiếp thu cái mới, đòi hỏi người nghệ sĩ phải cải tiến, nâng cao di sản cũ để phù hợp thời đại mới. Thật vậy, một khi ý thức hệ tư sản ra đời đã dẫn đến thay đổi về tâm lý, nếp sống trong một lớp người mới, những Tứ thư, Ngũ Kinh, “Khổng viết”… không còn là “khuôn vàng thước ngọc”. Họ đòi hỏi nội dung văn nghệ, phải đáp ứng thị hiếu mới, mỹ cảm mới, cảm xúc mới. Từ đó, mỹ thuật theo lối vẽ, sắc màu, kỹ thuật phương Tây; thơ mới; kịch nói, xiếc v.v… dần dần được công chúng tiếp cận. Thậm chí, ngay cả loại hình văn nghệ có tính truyền thống như chèo cổ (Bắc bộ), đờn ca tài tử (Nam bộ) cũng phải thay đổi qua nội dung, hình thức mới đặng phù hợp với nhu cầu, dòi hỏi bức thiết của công chúng.

Thế nhưng trong những lãnh vực đó, ai là người tiên phong tiếp nhận như một cách khơi dòng rồi về sau, các thế hệ nối tiếp hoàn thiện để tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt? Trong một chừng mực nào đó, chúng tôi nghĩ đến vai trò của các danh nhân Tống Hữu Định, Lương Văn Can, Cao Văn Lầu, Phan Khôi, Nguyễn Đình Nghị Vũ Đình Long, Nam Sơn, Nguyễn Văn Tuyên… thuộc nhiều lãnh vực.

5.

Sự vật luôn vận động, phát triển ắt còn sẽ nẩy sinh ra nhiều dấu ấn văn hóa mới trong đời sống tinh thần lẫn vật chất của người Việt mà thế hệ sau còn phải bổ sung thêm. Và chúng tôi nghĩ rằng sản phẩm văn hóa độc đáo, trứ danh này đi sâu vào tâm thức, nếp nghĩ người Việt nhiều thế hệ và đã trở thành di sản văn hóa vật thể không chỉ gói gọn trong cộng đồng người Việt. Nói một cách phổ quát hơn, đây chính là suối nguồn văn hóa Việt đủ sức lan tỏa ra năm châu bốn biển.

L.M.Q

(Nguồn: Báo Người Lao động XUÂN 2019)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com