Mục lục |
---|
LÊ MINH QUỐC: Nếp nhà LƯU QUANG VŨ |
* BỖNG MỘT NGÀY EM ĐẾN GIỮA LÒNG ANH |
* ƯƠM MẦM TÀI NĂNG VÀ VUN ĐẮP TÌNH YÊU |
* CON HƠN CHA, NHÀ CÓ PHÚC |
Tất cả các trang |
CON HƠN CHA, NHÀ CÓ PHÚC
Trước cái chết đột ngột của nhà thơ Lưu Quang Thuận, các con ông tự nhủ phải làm việc nhiều hơn và luôn tu dưỡng nhân cách như lời dạy của cha:
Ta dặn dò các con
Giữ lòng thơ mắt sáng
Vấp ngã học điều khôn
Chớ lừa thày phản bạn
Là con trai cả trong nhà, Lưu Quang Vũ đã nhắc nhở các em rất kỹ điều này.
Ít ai biết, khi ông Thuận mất đi trong túi áo chỉ có vài hào lẻ và một cái vé bóng đá chưa kịp đi xem; còn lại là ngỗn ngang bản thảo chưa hoàn thành. Điều này khiến Lưu Quang Vũ thấu hiểu nỗi lòng đau đáu của cha trong sáng tạo nghệ thuật. Một cán bộ nhà nước, phải nuôi đàn con mà 23 năm chưa một lần được tăng lương thì còn làm sao có thể toàn tâm toàn ý với trang viết? Có giai thoại rằng, mười ngay sau khi ông mất, có người cầm đến nhà trao Quyết định tăng bậc lương cho ông, bà Khánh bảo hãy… đem ra nghĩa trang!
Đọc bản thảo của cha, Lưu Quang Vũ rất thích kịch bản Nàng Sita mà ông Thuận đã lấy cảm hướng từ truyện cổ Kampucha. Vũ bắt tay vào viết tiếp những gì cha mình còn dang dở. Vở này khi công diễn lần đầu năm 1982, lập tức gây tiếng vang lớn trong dư luận. Thấy việc làm tích cực của con, bà Khánh tự hào: “Viết xong kịch bản còn bỏ dở của cha với tốc độ nhanh chóng lạ thường, Vũ đã báo hiếu cha một cách xứng đáng”. Gần đây, nhân kỷ niệm Nhà hát Chèo Hà Nội kỷ niệm 60 ngày thành lập, một lần nữa vở Nàng Sita của cha con nhà thơ Lưu Quang Thuận lại tạo nên một hiện tượng lạ, độc đáo của sân khấu chèo.
Giữa lúc tài năng đang phát triển sáng chói nhất, vợ chồng Lưu Quang Vũ đã qua đời đột ngột vì tai nạn giao thông. Bấy giờ bà Khánh đang ở tại Sài Gòn. Trước ngày bà lên ga Hà Nội, Vũ nắm tay bà: “Hôm nay con bận làm việc nên không tiễn mẹ được. Hôm nào mẹ ra con sẽ đi đón”. Và anh còn cẩn thận cầm bút ghi lên lịch treo tường: “Ngày 8.9 mẹ ra, có mặt”. Thế nhưng chuyến xe định mệnh từ Hải Phòng về Hà Nội lúc 13g 30 ngày 29.8.1988 đã dập tắt mọi dự định lớn lao trong đời anh. Vợ anh, nhà thơ Xuân Quỳnh và bé Mí (tức Lưu Quỳnh Thơ), 13 tuổi cũng chung số phận bi thảm.
Thật lạ lùng cho sự dự báo trong thơ Lưu Quang Vũ, ngay lúc hạnh phúc nhất, anh đã tiên đoán:
Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay
Ta đã sống những ngày vui sướng nhất
Đã uống cả men nồng và rượu chát
Đã đi qua cùng tận của con đường
Sau vô biên chỉ có vô biên
Buồm đã tới và cánh đồng đã gặt
Lạ lùng thay, đó cũng chính là hình ảnh cuối cùng của đôi uyên ương tài hoa này.
Bà Vũ Thị Khánh nhớ lại: “Lúc tai nạn xẩy ra, tôi đang ở Đà Lạt. Chiều tối ngày 30.8, tôi mới về nhà cô em gái ở TP.HCM. Về đến nhà, tôi đã thấy có chuyện gì không bình thường xẩy ra. Nhà rất đông người, bạn bè, họ hàng đều ân cần, chu đáo chăm sóc tôi. Sau ít phút để tôi nghỉ ngơi sau một chặng đường dài, cậu em rể mới dám báo tin dữ với tôi. Nhưng chỉ nói là Quỳnh đã mất và đang lo bố trí cho tôi ra Hà Nội bằng chuyến bay ngày mai. Cả đêm hôm đó, tôi không chợp mắt một phút nào, nghĩ thương Quỳnh quá. Tôi đinh ninh là Quỳnh mất vì trở bệnh đột ngột, chứ có đâu ngờ! Ngay hôm sau, tôi về đến nhà thì xe tang vừa đi khỏi ít phút. Tất cả mọi người đều giấu không cho tôi biết là tin Vũ và Mí đều đã mất. Sợ tôi không thể chịu đựng nổi”. Không riêng gì người thân mà cái chết đột ngột của vợ chồng Lưu Quang Vũ lúc ấy rất được dư luận quan tâm vì không ai có thể lý giải được vì sao tai nạn có thể xẩy ra bất ngờ đến vậy…
Với người vợ đầu là nghệ sĩ Tố Uyên, Lưu Quang Vũ có con trai Lưu Minh Vũ. Do cuộc hôn nhân đầu đời đổ vỡ khiến anh luôn áy náy khi nghĩ về con. Lúc con mới lên ba, anh có viết bài thơ Nói với con cuối năm:
Con ơi con hãy tha thứ cho cha
cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được
đời cha nắng gắt
mẹ con cần suối mát của đồng vui
con khôn lớn trên đời
hãy yêu thương mẹ
và hãy hiểu cho cha
Nhìn Lưu Minh Vũ, ta thấy anh giống cha như đúc và anh cũng nối nghiệp cha khi là phóng viên của Đài Truyền Việt Nam. Thật khó có thể nói trước điều gì nếu bé Mí - con trai của anh với nhà thơ Xuân Quỳnh thoát khỏi tai nạn định mệnh ấy, bởi ngay từ nhỏ bé Mí đã bộc lộ tài hoa qua sáng tác thơ, vẽ tranh mà nhiều người phải ngạc nhiên, khâm phục.
Lưu Khánh Thơ (hàng đầu, giữa) tại hội thảo về lý luận phê bình (2013) tại Tam Đảo
Trong gia đình nhà thơ Lưu Quang Thuận, không chỉ Lưu Quang Vũ mà các em của anh cũng nối nghiệp của cha. Cô con gái được cha cưng nhất nhà là PGS - TS Lưu Khánh Thơ hiện là cây bút phê bình thơ có tiếng. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, chị đã về công tác tại Ban Văn học hiện đại Viện Văn học và thực hiện những công trình nghiên cứu về thơ Xuân Diệu, phong trào Thơ mới, thơ Việt Nam hiện đại… Ngoài ra, chị đã dành nhiều công sức biên soạn những tập sách như Lưu Quang Thuận - thơ và sân khấu; Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, tình yêu và sự nghiệp; Lưu Quang Vũ - Thơ và đời… Đây là những tư liệu đáng tin cậy về các tên tuổi trên mà người ngoài khó có thể biên soạn, sắp sếp, phân tích đầy đủ hơn. Em của chị là nhà báo Lưu Quang Định, trước công tác ở báo Lao Động, nay là Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay cũng là người yêu và am hiểu nhiều về văn hóa nghệ thuật. Con gái đầu của chị hiện nay cũng theo nghiệp của chú Định ở lãnh vực truyền hình.
Nếu lật Kỷ yếu Hội nhà văn Việt Nam, ta thấy ba cha con Lưu Quang Thuận, Lưu Quang Vũ, Lưu Khánh Thơ cùng có tên trong danh sách. Nếu Lưu Quang Thuận được trao Giải thưởng Nhà nước, thì Lưu Quang Vũ lại được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Con hơn cha là nhà có phúc. Hiện nay, tại Đà Nẵng - nơi sinh quán của nhà viết kịch lỗi lạc, lừng danh nhất của Việt Nam trong thập niên 1980 của thế kỷ XX, ta thấy có tên đường Lưu Quang Vũ và Lưu Quang Thuận.
Nhớ đến cha, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ tâm sự: “Điều lớn nhất ông để lại cho cho chúng tôi là nhân cách của một người nghệ sĩ một đời trong sạch. Tình yêu và niềm tự hào về cha mình đã đi theo chúng tôi suốt đời. Ngay cả khi cha tôi đã mất, chúng tôi vẫn cố gắng sống và làm theo những điều mong mỏi của ông. Chúng tôi vẫn sợ làm ông phiền lòng nếu như mình làm điều gì đó không đúng. Phải chăng ý nghĩ và tình cảm đã giúp chúng tôi nên người?”.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|