THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Nguyễn An: Kiến trúc sư thiên tài của Việt Nam thế kỷ XV

LÊ MINH QUỐC: Nguyễn An: Kiến trúc sư thiên tài của Việt Nam thế kỷ XV

 

Sau khi tiêu diệt được nhà Hồ, giặc Minh đã thu lấy sách vở và bắt những người thợ giỏi lành nghề của ta đưa về Kim Lăng (Trung Quốc). Theo Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn thì chúng đã bắt “3.000 quân rợ Hồ” mà sách Thông ký đã tiết lộ. Những người này được sung vào quân đội, gọi là Tam thiên doanh.

 

190511Viet1R

Nhiều công trình của Trung Quốc do Kiến trúc sư Nguyễn An thực hiện

 

Trong số những thợ bị bắt có nhân vật lừng lẫy là Nguyễn An. Ông sinh năm nào thì chưa có tài liệu khẳng định dứt khoát. Có nơi ghi ông sinh năm 1381, lại có nơi ghi năm 1391. Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn có viết: “Nguyễn An, trải thờ năm triều vua Thái Tông, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông và Cảnh Tông (thời Minh) làm quan tới chức Thái giám. An là người giản dị, khắc khổ, cứng rắn, liêm khiết, giỏi mưu mẹo tính toán, rất sở trường về công việc xây dựng, những việc tu tạo thành hào Bắc Kinh, chín cửa, hai cung, ba điện, năm phủ, công đường, nha môn, sáu bộ và các trường sở, nhà trạm, An đều thân hành sắp đặt, tỏ ra rất có công lao, các ty tào trong Bộ Công chỉ theo kế hoạch của An đã lập thành mà thôi. Bình sinh vua ban cho thứ gì đều lấy ở kho công, sau đó An lại đem nộp vào kho công, không sót một ly nào cả. Việc này thấy chép trong “Hoàng Minh thông sử”.

Có lẽ do cuộc đời của ông chủ yếu hoạt động ở Trung Quốc nên sử sách nước ta ít ghi chép lại chăng? Gần đây, trên tạp chí Xưa - Nay của Hội Sử học Việt Nam căn cứ vào tập sách Trung - Việt quan hệ sử luận văn tập, Anh Thông chính thống thực lục và  bài viết: “Thị dân Bắc Kinh nên kỷ niệm Nguyễn An, người An Nam, thái giám nhà Minh - Tổng công trình sư tạo dựng cung điện lầu thành Bắc Kinh thế kỷ 15” đăng trên tờ Ích thế báo… đã cung cấp cho chúng ta ít nhiều thông tin quý báu về nhân vật lẫy lừng này.

Nguyễn An còn có tên là A Lưu. Năm 1407 ông cùng một số trẻ em vừa thông minh, vừa xinh đẹp bị tướng giặc Minh là Trương Phụ bắt đưa về Trung Quốc để hoạn. Nhưng cuộc đời của ông không chìm trong bóng tối ươn hèn của các hoạn quan.

Năm 1416, theo lệnh của Thành Tổ, ông đứng ra tạo dựng thành trì, cung điện Bắc Kinh cùng các cơ quan thuộc Bộ thời bấy giờ. Không ai ngờ rằng, một thanh niên tuấn tú của Việt Nam, chỉ mới ngoài hai mươi tuổi lại có thể tự tay thiết kế bản vẽ, là vị tổng chỉ huy tối cao trong thi công. Tuy công trình này mô phỏng theo cung điện Nam Kinh nhưng nó hoành tráng và to lớn hơn nhiều. Công việc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn là bốn năm mà sử sách Trung Quốc phải thừa nhận: “Có thể thấy rõ lòng tận tâm với chức vụ và sức sáng tạo của con người đó to lớn biết chừng nào. Nếu là ngày nay, thật không biết phải cần đến mấy ngàn công trình sư thiết kế, vẽ đồ án cho công trình này, còn An thì một mình vẫn dư sức làm việc đó. Điều đó chứng tỏ An có tài bẩm sinh về suy xét, tính toán, há chẳng phải là thiên tài trong lịch sử kiến trúc sao? Đến nỗi Bộ Công thời đó cũng như xưởng xây dựng bao thầu, các quan Bộ Công cũng như đốc công trông coi công việc, mọi quy hoạch đều làm theo lệnh của An mà thôi”.

 Đọc những dòng chữ này, hẳn chúng ta đều thấy tự hào về một chàng thanh niên Việt Nam cách thời đại chúng ta hơn 580 năm!

Thiên tài của Nguyễn An chưa dừng lại đó. Khi Minh Anh Tông lên ngôi (tương đương với thời Lê Nhân Tông ở nước ta), ông ta chủ trương: “Thiên hạ thái bình, hòa cốc phong đăng, nhà đủ người đông”, nên mới cho khởi công những công trình lớn. Năm 1437 công việc đầu tiên là xây dựng lầu thành chín cửa. Lệnh được ban ra thì Sài Tín Thị lang Bộ Công (tương đương chức vụ thứ trưởng chuyên lo về công việc xây dựng ngày nay) đã nói bóng gió:

- Khối lượng công việc lớn, không huy động được 18 vạn người thì không xong! Ngoài ra, chi phí về các vật liệu phải đủ dùng.

Nghe được, Minh Anh Tông bực mình lắm, liền sai Nguyễn An đứng ra chủ trì công việc.

Ông đã lấy hơn mấy vạn (hay một vạn?) binh sĩ đang luyện tập ở kinh sư, cho ngừng luyện tập để bắt tay vào công việc xây dựng. Nhằm khuyến khích tinh thần của họ, ông đề xuất cho họ trong thời gian thi công được cấp lương hậu, có làm có nghỉ. Dự trù xong về nhân công, ông tính toán đến vật liệu. Để các ty thuộc cơ quan Bộ Công không can dự quấy nhiễu, ông đề xuất toàn bộ vật liệu đều lấy từ kho của công mà sử dụng. Dĩ nhiên nhà vua đồng ý. Công việc tiến hành từ năm 1438, dưới quyền chỉ huy của ông, họ đã xây dựng được lầu chính, lầu nguyệt lâm thành, hào, cầu, đập và chín cửa: Chính Dương, Sùng Văn, Tuyên Vũ, Triêu Dương, Phu Thành, Đông Trực, Tây Trực, An Định, Đức Thắng. Đó là tiền thân của thành lầu chín cửa nội thành Bắc Bình hiện nay. Công trình lẽ ra phải cần 18 vạn người, nhưng ông chỉ sử dụng hơn một vạn và hoàn thành vào tháng 4.1440.

Một năm sau, ông lại được lệnh xây dựng công trình khác. Nguyên do là ba cung điện bị hỏa hoạn nên ông phải xây dựng lại. Công việc bắt đầu từ năm 1441, lần này ông huy động đến 7 vạn người, gồm thợ và quan quân đang luyện tập. Qua năm sau, 1442, họ xây xong ba điện Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân và hai cung Càn Thanh, Khôn Ninh. Đây chính là tiền thân của ba điện lớn Thái Hòa, Trung Hòa, Bảo Hòa ngày nay. Chỉ riêng nền điện Thái Hòa đã cao 6 mét, điện cao 33m, rộng 11 gian, mái hai tầng chồng, nóc tỏa ra bốn góc. Sau khi hoàn thành công việc, ông được Minh Anh Tông thưởng 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấm lụa, 1 vạn quan tiền. Tuy được thưởng chính đáng như thế nhưng Nguyễn An đã nộp toàn bộ những thứ được ban thưởng vào kho công. Hành động của ông đã khiến cho sử sách Trung Quốc còn khen ngợi mãi.

Không những là một kiến trúc sư thiên tài, Nguyễn An còn là người giỏi về công tác thủy lợi. Lúc bấy giờ, tường thành Bắc Kinh - tức nội thành Bắc Bình hiện nay - ban đầu bên ngoài xây gạch, bên trong đắp đất nên hễ mưa là sụt lở. Tháng 10-1446, nhà vua lại sai ông đốc công xây dựng. Ông đã đích thân vạch kế hoạch trị thủy các sông Tắc Dương, Thôn Dịch mà sử sách Trung Quốc ghi nhận là “công tích rất lớn”.

Năm 1449, ông lại được lệnh đi tuần tra đường thủy kênh đào từ Thông Châu đến Nam  Kinh - tức Thông Huyện ngày nay, cách Bắc Kinh chừng 30km. Còn sông Trương Thu ở Sơn Đông bị vỡ, quan dân địa phương tu sửa mãi không xong, khoảng năm 1450, ông được lệnh đến đó để trị thủy. Không may trên đường đi, ông bị bệnh rồi mất dọc đường. Đáng thương thay!

Xin được trích nguyên văn lời bình của báo Ích thế báo (Trung Quốc) số ra ngày 11-11-1947 theo tài liệu của tạp chí Xưa - Nay (số 4-1998) mà tác giả Phạm Hân đã dịch:

“Hoạn quan là chế độ tội ác của thời đại phong kiến chuyên chế nước ta. Từ xưa đến nay, người tốt trong hoạn quan trăm ngàn người không được một. Còn An hết lòng vì việc công, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không còn nén vàng trong túi, là một người cao thượng, chỉ để lại công trình đầu ở Bắc Kinh. Nguyễn An cùng thời với Tam Bảo thái giám Trịnh Hòa ba lần sang Tây Dương (Ấn Độ Dương), đều là những người kiệt xuất trong hoạn quan, có công với quốc gia không thể phai mờ. Ngày nay tên Tam Bảo thái giám, đàn bà con trẻ đều tỏ tường, còn tên nhà đại kiến trúc Nguyễn An - A Lưu thì ngay học giả chuyên gia ít ai biết được! Thật bất hạnh thay! Tôi nghĩ, với An, không chỉ riêng giới công trình đang ngưỡng mộ mà 1 triệu 60 vạn thị dân Bắc Bình cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm, chớ quên!”.

Thiết nghĩ, đó cũng là suy nghĩ của chúng ta - những người thời đại ngày nay - khi nhớ đến một kiến trúc sư lỗi lạc là người Việt Nam đã từng lừng danh ở Trung Quốc. Chưa vội bàn về chuyên môn của ông, chỉ riêng sự liêm khiết, thanh bạch của một kiến trúc sư sống cách chúng ta trên 500 năm vẫn còn là bài học đáng ghi nhớ về nhân cách của một con người.

L.M.Q

(2000)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com