Mục lục |
---|
LÊ MINH QUỐC: Nếp nhà LƯU QUANG VŨ |
* BỖNG MỘT NGÀY EM ĐẾN GIỮA LÒNG ANH |
* ƯƠM MẦM TÀI NĂNG VÀ VUN ĐẮP TÌNH YÊU |
* CON HƠN CHA, NHÀ CÓ PHÚC |
Tất cả các trang |
BỖNG MỘT NGÀY EM ĐẾN GIỮA LÒNG ANH
“Khánh ơi, nếu anh nhớ không sai thì chính vì Quán Thăng Long mà em đã đủ mức tình cảm để nhận lời anh khi anh hỏi em làm vợ. Anh nhờ ngòi bút mà có được em. Anh sẽ chỉ cậy vào ngòi bút mà làm cho em lo ít vui nhiều. Hạnh phúc lớn nhất của đời anh, có lẽ là được mở trang giấy ngồi viết bên cạnh em, và đêm khuya mỏi vai mệt đầu được xếp giấy bút mà gối đầu lên tay em. Đêm nay anh tâm sự với em, và bỗng tìm ra một điều giản dị: em là người tri kỷ hiểu anh nhất trên đời. Và nếu kiểm kê tài sản đời anh, chắc chắn em là cái gì quý giá nhất mà anh đã tìm được và suốt đời yêu quý mãi”.
Những dòng chữ nồng nàn, âu yếm ấy đã cho thấy tình cảm yêu thương của nhà thơ Lưu Quang Thuận dành cho người tình đầu tiên và cũng cuối cùng: bà Vũ Thị Khánh.
Ông Thuận quê Đà Nẵng, năm 1943, ông ra Hà Nội hoạt động sân khấu, và bắt đầu nổi tiếng qua các vở kịch nói, kịch thơ về đề tài lịch sử như Lê Lai đổi áo, Yêu Ly, Cô Giang, Hoàng Hoa Thám, nhất là với Quán Thăng Long. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, vở diễn này được trình diễn nhiều nơi và công chúng rất hoan nghênh. Nhờ đó, ông Thuận có dịp làm quen với cô Vũ Thị Khánh - một nữ sinh trường Đồng Khánh, nhà ở phố Ngõ Gạch, người Hà Nội gốc.
Bấy giờ, cả hai cùng đang làm việc ở Việt Nam Quốc gia Ấn thư cục, cùng tham gia phong trào Bình dân học vụ. Tình cảm nẩy nở ngày một sâu đậm, họ quyết định kết duyên trăm năm. Đám cưới được tổ chức ngày 2.11.1946 tại Hà Nội. Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ - con gái của họ cho biết: “Cha tôi kể lại rằng, ngày ăn hỏi mẹ tôi, ngoài những lễ vật thông thường, ông nội tôi còn cho người đội ba mâm sách vở, giấy bút làm đồ sính lễ. Sau đó chỗ sách vở này được tặng cho lớp bình dân của tiểu khu Ô Quan Chưởng, nơi mẹ tôi tham gia dạy học”. Sau lễ cưới, ông Thuận dành nhiều thời gian dẫn vợ đi thăm cảnh đẹp ở miền Bắc và ông hứa sẽ dẫn vợ về thăm nơi chôn rau cắt rốn của mình. Kế hoạch này chưa kịp thực hiện thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Tháng 12.1946, họ khăn gói lên đường đi kháng chiến. “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi / là có sá chi đâu ngày trở về…”, ông Thuận vẫn tiếp tục sáng tác, biểu diễn trong Đoàn Văn hóa Kháng chiến và là một trong những người đầu tiên sáng lập tổ chèo trong Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương - đơn vị chèo đầu tiên của sân khấu cách mạng.
Ông bà Lưu Quang Vũ và con trai đầu lòng: Lưu Quang Vũ
Vào giữa trưa nắng đẹp, ngày 17.4.1948 tại Phú Thọ, đứa con trai đầu lòng của họ cất tiếng khóc chào đời, đặt tên Lưu Quang Vũ. Đón nhận hạnh phúc lớn lao, ông Thuận sung sướng quá, không biết làm gì giúp vợ, ông cứ chạy ra chạy vào gặp ai cũng khoe. Còn ông nội của Vũ là cụ Lưu Quang Hòa đang ở Ngòi Khế nhận được tin vui, lập tức, cụ sai người phi ngựa mang thư khẩn đến chúc mừng. Trong thư chỉ vỏn vẹn mấy chữ nhưng mừng rỡ xiết bao: “Hoan hô Lưu Quang Vũ! Hoan hô Vũ Thị Khánh!”. Vũ ăn khỏe và chóng lớn. Những ngày chồng đi công tác, bà Khánh thường ru con bằng những vần thơ của chồng:
Súng nổ ngày đi, sáu tháng qua
Đây vườn bưởi chín cạnh rừng hoa
Con vừa 6 tháng răng chưa mọc
Chiến sĩ hành quân giục trước nhà…
Những ngày gian khổ này vẫn còn hằn trong trí nhớ bà Khánh: “Tôi nuôi con nhỏ thiếu sữa mà không đến một hạt đường. Cháu toàn phải ăn nước cháo với muối. Chiếu cũng không có, thường phải trải giấy báo và lá chuối khô để nằm”. Vũ vẫn là đứa con được cha cưng nhất nhà, bài học đầu tiên của Vũ là ghép chữ thành những vần thơ, câu ca dao do cha dạy. Từ đó, chỉ mới lên 6 nhưng Vũ đã biết ru em bằng những vần thơ mà cậu đã thuộc, ai cũng tấm tắc khen có trí nhớ tốt. Không những thế Vũ vẽ rất đẹp, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ bảo: “Sau này cho Vũ theo nghề của bác”. Năng khiêu vẽ về sau còn là phương tiện giúp Vũ kiếm sống lúc gian khó nhất.
Cuộc kháng chiến thành công. Họ trở về thủ đô, sau vài lần thay đổi chỗ ở, năm 1958, cơ quan Hội Văn nghệ phân cho họ căn nhà số 96 A phố Huế. Lưu Khánh Thơ cho biết: “Suốt thời gian ấy có biết bao gian nan vất vã, có cả những thiếu thốn cơ cực, nhưng cuộc sống của cha mẹ tôi rất hạnh phúc, lúc nào cũng đẹp cũng ngọt ngào. Cha tôi đã dành cho mẹ tôi một tình yêu hết sức trẻ trung và mãnh liệt. Trong gia đình hầu như rất ít khi cha mẹ tôi nặng lời với nhau. Những khi có điều gì không vừa ý, cha tôi chỉ cau mặt và lắc nhẹ đầu. Hoặc có khi bực mình quá không muốn để chúng tôi hiểu, ông nói với mẹ tôi một tràng tiếng Pháp.”.
Còn bà Khánh cũng giữ mãi hình ảnh: “Nhà tôi là một người rất say mê văn chương, nghệ thuật. Anh đã truyền cho các con niềm say mê bất tận ấy... Trong các tật xấu ở đời, nhà tôi ghét nhất thói ích kỷ, độc ác và sự dửng dưng, xa lạ với nỗi đau khổ của người khác. Nhiều lúc bưng bát cháo lên ăn, anh nói với các con: “Giá có bát cháo này thì cụ Vitali đã không chết” - tên một nhân vật trong cuốn Không gia đình của Hecto Malo”.
Do nhà gần rạp Đại Nam nên mỗi lần có tập vở mới, ông đều dẫn các con theo để xem các nghệ sĩ diễn tập. Khi trở về nhà, ông thường dành thời gian phân tích các hay, các đẹp trong vai diễn, các làn điệu chèo Ru xuân, Con gà rừng, Làn thảm... giúp các con hiểu sâu hơn. Lúc bạn bè đến nhà chơi cũng là dịp để các con ông tiếp cận với nghệ thuật. Lần nọ, nghệ sĩ Tào Mạt đến thăm, ông Thuận đề nghị bạn diễn trích đoạn vở Bài ca giữ nước. Tào Mạt diễn rất hay khiến lũ nhóc trong khu tập thể kéo đến xem kín nhà. Do ngấm dần tình yêu nghệ thuật từ thuở bé nên sau này, các con ông đều hướng theo con đường hoạt động văn hóa, giáo dục.
Dù thương con, nhưng ông Thuận cũng hết sức nghiêm khắc. Có lần, con trai ông mới lên 9 hỏi: “Bố ơi! Tàu chạy từ Hà Nội vào Sài Gòn thì đến Nghệ An hay Quảng Bình trước?”. Ông nghiêm nét mặt: “Con phải học lại đi. Bố không thể chấp nhận một đứa con lại kém hiểu biết về địa lý nước mình như vậy”. Tưởng mắng vậy thôi, nào ngờ sáng hôm sau, ông đã tìm mua cho con quyển lịch bỏ túi có ghi rõ ràng tên các địa phương, các nhà ga từ Bắc vào Nam. Những lo toan,chăm sóc chu đáo ấy đã khiến các con gần gũi với bố hơn.
Trong những ngày cuối đời, Lưu Quang Thuận dành một thời gian dài để về sống ở Đà Nẵng. Tại quê nhà, ông đã viết cho vợ rất đỗi tình tứ, đằm thắm - nói như nhà phê bình Hoài Thanh là “những vần thơ trung hậu”:
Bỗng một ngày em đến giữa lòng anh
Như bông cúc vàng thắm cả mùa xanh…
< Lùi | Tiếp theo > |
---|